Việc Việt Nam được xếp thứ 17 trong số 65 nước tham gia vào Chương trình khảo sát đánh giá học sinh quốc tế (PISA) đã trở thành tin hàng đầu của các phương tiện truyền thống chính thống ở Việt Nam trong những ngày qua.
Các báo, đài đã đồng loạt, hồ hởi đưa tin ‘sự kiện’ này và coi đó là một thành tích tuyệt vời vì học sinh Việt Nam vượt qua cả các học sinh tại những nước có nền giáo dục tiến bộ như Anh và Mỹ trong một cuộc sát hạch quốc tế, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện.
Nhưng PISA không phải là một khảo sát, đánh giá quốc tế duy nhất. Hàng năm nhiều tổ chức đưa ra những đánh giá, chỉ số khác nhau về mức độ phát triển ở những lĩnh vực, khía cạnh khác nhau của các quốc gia trên thế giới. Có điều nhiều trong số những đánh giá, xếp hạng hay chỉ số ấy thường bị Việt Nam phớt lờ hay thậm chí chỉ trích coi là không trung thực.
Điểm qua một vài đánh giá, chỉ số để thấy rõ hơn Việt Nam chưa có chỗ đứng trên nền giáo dục thế giới và vẫn thua kém các nước khu vực – chưa nói đến các nước phát triển trên thế giới – về nhiều mặt khác.
Đại học yếu kém
Trong những ngày qua, bên cạnh những bài viết ca ngợi ‘thành tích vượt trội’ của học sinh Việt Nam, đâu đó cũng có không ít ý kiến trái ngược nhắc nhở rằng đừng quá lạc quan trước ‘chiến thắng vang dội’ ấy vì giáo dục Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trên thế giới.
Chuyện học sinh Việt Nam chăm chỉ, cần cù và đạt được những kết quả cao trong những cuộc thi, sát hạch quốc tế như PISA là điều nên khuyến khích, đáng trân trọng, khen ngợi. Nhưng thiết nghĩ chỉ vì đạt được một thành tích như thế trong một cuộc sát hạch như vậy mà coi mình là hơn người là một điều không nên.
Không nên một phần vì dù có tầm cỡ quốc tế, cuộc sát hạch PISA vẫn chưa phản ánh toàn diện được sự thông minh, đặc biệt tính sáng tạo và khả năng ứng dụng của học sinh. Chỉ cần đọc lại các bình luận của độc giả về bài viết có tựa đề ‘Học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ’ đăng trên Vnexpress ngày 04/12/2013, ít hay nhiều có thể thấy điều đó.
Chẳng hạn, một bạn đọc cho rằng học sinh Việt Nam được xếp hạng cao ‘đơn giản vì ở VN người ta dạy học sinh cách trả lời, còn ở nước ngoài người ta dạy học sinh cách đặt câu hỏi’. Người khác bình luận ‘học sinh VN chỉ giỏi học những gì đã có sẵn, không nghĩ ra được những gì chưa có’ hay ‘lý thuyết thì giỏi, ứng dụng và sáng chế chẳng thấy đâu’.
Có một độc giả còn viết rằng: ‘Mình thấy xấu hổ vì điều này. Mình chỉ ước được “ngu” như người Mỹ thôi. Đất nước mình cũng “nghèo” như đất nước họ là mãn nguyện rồi. Không cần nhất bảng này đâu!’.
Đúng vậy, cuộc sát hạch PISA chỉ phản ánh một phần rất nhỏ kiến thức, khả năng của học sinh tại một quốc gia – chưa nói gì đến chất lượng giáo dục chung của đất nước ấy. Vì nếu học sinh Việt Nam được xếp hạng cao như vậy tại sao đến giờ Việt Nam vẫn còn thua xa các nước khu vực về giáo dục?
Đến giờ chưa có một đánh giá hay bảng xếp hạng nào về các trường phổ thông trên thế giới. Nhưng hàng năm luôn có các bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới và trong những bảng xếp hạng đó, các trường đại học Việt Nam vẫn chưa lọt vào bất cứ một danh sách nào.
Chẳng hạn, Việt Nam không có một đại diện nào trong số hơn 700 đại học hàng đầu được QS World University Rankings – một trong ba bảng xếp hạng đại học thế giới có uy tín nhất (hai bảng xếp hạng kia là Times Higher Education và Shanghai Ranking – nêu tên năm 2013.
Trong khi đó các đại học Mỹ và Anh – hai nước được xếp sau Việt Nam trong lần sát hạch của PISA lần này – lại được đứng đầu và chiếm số đông trong bảng xếp hạng.
Cũng theo bảng xếp hạng của QS 2013, Singapore có hai đại học được xếp trong 50 đại học hàng đầu thế giới. Các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia đều có tên trong bảng xếp hạng. Đáng chú ý là Malaysia có đến sáu trường đại học được nêu tên, trong đó có Universiti Malaya được xếp thứ 167.
QS cũng có bảng xếp hạng các đại học thuộc nước châu Á (QS University Rankings: Asia) và trong 300 đại học được QS xếp hạng năm 2013, Việt Nam chỉ có một đại diện là Đại học quốc gia Hà Nội, trong khi đó Thái Lan có 11 và Malaysia có đến 16 trường hiện diện trong bảng xếp hạng.
Các chỉ số khác
Không chỉ – hay vì – thua kém về giáo dục đại học, Việt Nam còn thua xa nhiều nước trong khu vực về nhiều chỉ số khác.
Chẳng hạn theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập đầu người của Việt Nam năm 2012 chỉ có 1,400 USD – thua xa rất nhiều các nước châu Á khác như Singapore (47,210), Hàn Quốc (22,670), Malaysia (9,800), Thái Lan (5,201), Indonesia (3,400) và Philippines (2,470).
Các chỉ số về dân chủ, tự do, Việt Nam cũng xếp sau các nước này. Chỉ số dân chủ của The Economist Intelligence Unit 2013 xếp Hàn Quốc thứ 20, Indonesia 53, Thái Lan 58, Malaysia 64, Philippines 69, Singapore 81 và Việt Nam 144 trong số tổng số 167 quốc gia.
Ở vị trí 172 trên 179, Việt Nam cũng nằm gần như chót bảng – dưới tất cả các nước châu Á nói trên – trong bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2013 của tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders).
Theo chỉ số tham nhũng của Tổ chức minh bạch Quốc tế (Intnernational Transparency), năm 2013, Việt Nam cũng là một nước có nhiều tham nhũng hơn các nước Á châu kia. Việt Nam bị xếp vào thứ 116, trong khi đó Singapore được xếp thứ 5, Hàn Quốc 46, Malaysia 53, Philippines 94, Thái Lan 102 và Indonesia 114 trong tổng số 175 nước.
Dù chắc ai cũng biết nhưng xin nhắc lại rằng Anh và Mỹ – hai nước bị xếp sau Việt Nam trong lần sát hạch của PISA vừa rồi – đều vượt rất xa Việt Nam về các chỉ số kinh tế, dân chủ, tự do, minh bạch.
Một điều nữa cũng nên nhắc lại là ít khi – nếu không muốn nói là không bao giờ – báo chí chính thống của Việt Nam đề cập đến những chỉ số và bảng xếp hạng này. Thậm chí một số quan chức Việt Nam còn lên tiếng chỉ trích những bảng xếp hạng, đánh giá trên và cho rằng các tổ chức quốc tế ấy cố tình bóp méo tình trạng nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam.
Vì bị ‘đóng khung’?
Một câu hỏi quan trọng khác được đặt ra là tại sao Việt Nam lại thua kém các nước trên thế giới và thậm chí một số nước khu vực như vậy về giáo dục đại học nói riêng và kinh tế, dân chủ, tự do nói chung (dù học sinh Việt Nam vượt trội học sinh Anh, Mỹ)?
Phản hồi về bài viết ‘Học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ’ của Vnexpress có người hỏi tại sao được xếp hạng ‘cao hơn mà sao công nghệ nước mình luôn lạc hậu hơn mấy nước đó rất nhiều’. Một người khác trả lời câu hỏi ấy nói rằng đó là vì Việt Nam ‘bị chiến tranh hồi trước’.
Đây cũng là một lý do các quan chức Việt Nam thường hay đưa ra để giải thích sự thua kém của Việt Nam về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vâng, có thể ít hay nhiều chiến tranh tác động tiêu cực đến sự phát triển khoa học, giáo dục và kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất và cũng không phải là lý do chính yếu dẫn đến sự tụt hậu, thua kém của Việt Nam về giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Trong Bản góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nêu những mâu thuẫn, bất hợp lý của Điều 4 – hiến định Đảng Cộng sản là ‘lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng’ – vì cho rằng không thể ‘thực thi quyền tự do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết’.
Cụ thể, các Giám mục Việt Nam chỉ ra rằng: ‘Trong thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Ðây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật’.
Không chỉ người dân mà ngay cả một số quan chức Việt Nam cũng thấy được những yếu kém, bất cập của giáo dục Việt Nam và không ít người đứng đầu ngành giáo dục đã tìm cách khắc phục những trì trệ đó.
Nhưng đến giờ, mọi cố gắng ‘cải cách’ ấy cũng chẳng mang đến một kết quả tích cực và cụ thể nào vì tất cả hệ thống giáo dục Việt Nam đã bị ‘đóng khung’. Và có thể nói, chừng nào vẫn còn bị ‘đóng khung’ như vậy, giáo dục Việt Nam nói riêng và sự phát triển của nước này nói chung vẫn cứ trị trệ, tụt hậu.
Có thể học sinh Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó hơn các học sinh tại một số nước khác như Anh, Pháp hay Mỹ. Nhưng chắc chắn họ không thể phát huy được khả năng ứng dụng, tính sáng tạo của minh – ở giảng đường đại học hay khi ra trường – nếu tư tưởng, sáng kiến của mình không chỉ không được khuyến khích phát triển mà còn luôn bị ‘đóng khung’.
Và một đất nước – dù có giàu tài nguyên thiên nhiên đến đâu – nếu không biết ứng dụng, sáng chế – thì cũng không bao giờ phát triển được và vẫn là một nước nghèo.
Ngược lại nếu biết khuyến khích tìm tòi, nghiên cứu và tạo một trường thuận lợi, một không gian cởi mở để học sinh, sinh viên phát huy khả năng, sự sáng tạo của họ – hay biết trọng dụng người tài thì một quốc gia – dù không có nhiều tài nguyên – cũng có thể phát triển. Singapore là một ví dụ điển hình.
TS. Đoàn Xuân Lộc
Không có nhận xét nào: