Đức Giêsu không muốn chúng ta tin Ngài vì những màn trình diễn ngoạn mục. Ngài muốn chúng ta tin, vì Ngài đã buông mình cho Cha, đón nhận cái chết với niềm vâng phục tín thác.
Chính vào lúc hấp hối, mọi sự tưởng như sụp đổ, vị Vua bị đóng đinh lại hé lộ vương quyền của mình cho anh trộm lành có lòng thống hối, tin tưởng. "Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."
1. Vua tình yêu.
Đọc lại Phúc Âm, chúng ta thấy các thánh sử đã ghi lại những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu như sau:Ngài vác thập giá, đi đến một nơi gọi là Golgotha, và tại đó, bị đóng đinh vào thập giá cùng với hai người trộm, mỗi người một bên. Thế nhưng thánh Gioan đã dừng lại ở một số chi tiết đáng cho chúng ta suy nghĩ về vương quyền của Đức Kitô. Trước tiên là tấm bảng mà Philatô đã cho viết và được treo trên thập giá: Giêsu Nadarét, vua dân Do Thái. Ngài nhấn mạnh đến tính cách phổ biến của tấm bảng ấy, vì được viết bằng tiếng Do Thái, Latinh và Hy Lạp, mà nhiều người có thể đọc được vì nơi đó gần thành. Danh hiệu này đã được lặp đi lặp lại như một chủ đề trong suốt cuộc xử án. Philatô hỏi Chúa Giêsu: Ông có phải là vua dân Do Thái hay không? Vậy ông là vua sao? Các người có muốn ta thả vua dân Do Thái cho các người không? Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao? Sự nhấn mạnh của Philatô như thể diễn tả sự châm biếm hay tố giác sự lo âu của ông? Nhưng chính vì danh hiệu này, mà cuối cùng người Do Thái đạt được bản án: Ai xưng mình là vua thì chống lại Xêda.
Một nghịch lý lạ lùng. Đó là một người ngoại giáo đại diện của quyền bính Xêda, lại ban cho Đức Kitô cái danh hiệu mà các thủ lãnh của dân Ngài thì lại khước từ. Những người dân thấp cổ bé miệng lại cũng đã tung hô Ngài là vua Israel, khi Ngài long trọng tiến vào Giêrusalem. Họ muốn tôn Ngài lên làm vua sau phép lạ bánh hoá nhiều. Vương quyền của Đức Kitô không phải là một vương quyền thuộc thế gian này. Vì thế, Ngài đã trốn lên núi để tránh đi sự hiểu lầm ấy. Bây giờ, Ngài không ngại gì nữa. Bị lính tráng đánh đòn, Ngài là một vị vua khiêm nhường và nghèo nàn, theo lời tiên tri Giacaria: Hỡi thiếu nữ Sion, đừng sợ, này vua ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con. Đây là một vị vua đội mương miện là một vòng gai, mặc một cẩm bào là chiếc áo đỏ để rồi bị chế giễu. Philatô có lý: Đây là vua các ngươi. Điều ông viết là được viết cho muôn đời.
Với chúng ta thì lại khác, bằng cái chết tủi hổ trên thập giá, Ngài đã trở nên một vị mục tử nhân lành, hiến mạng sống cho đoàn chiên của mình. Ngài đã khai mạc vương quốc mới của tình yêu, một tình yêu tự hiến: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Cho đến tận cùng thời gian, các môn đệ của Ngài sẽ làm chứng về vương quyền mới mẻ ấy. Họ không được phép mơ tưởng, dù đôi khi bị cám dỗ, về một Giáo Hội quyền lực. Họ chỉ bày tỏ Đức Kitô ra cho thế giới bằng thứ vũ khí của lòng khoan dung, nhân hậu, tha thứ và yêu thương.
2. Kitô Vua.
Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái đang mong chờ một vị vua sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Lamã. Chính vì thế, sau phép lạ bánh hoá nhiều, họ đã tôn Chúa Giêsu lên làm vua, nhưng Ngài lại rút lên núi một mình.
Rồi trước câu hỏi của Philatô: Ông có phải là vua không? Chúa Giêsu chỉ đáp lại: Ông nói đúng. Và Ngài đã chết với bản án: Giêsu Nagiarét, vua dân Do Thái.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy: Ngài là một vị Vua, không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không binh đội và không bờ cõi. Một vị vua nghèo túng và khổ đau, một vị vua bị lăng nhục, bị nguyền rủa. Và đặc biệt, Ngài là một vị vua nhân hậu.
Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, chính vào lúc Ngài hấp hối trên thánh giá giữa những lời sỉ nhục và thách thức của các thủ lãnh và lính tráng, thì tiếng nói của anh trộm lành bất ngờ vang lên. Anh ta chấp nhận hình phạt: Chúng ta chịu như thế này thật là đích đáng vì xứng với việc chúng ta đã làm. Rồi anh tuyên xưng sự vô tội của Chúa Giêsu: Còn ông này, ông có làm điều gì trái đâu.
Điều lạ lùng hơn nữa là anh đã tuyên xưng vương quyền của Ngài, khi mà mọi sự dường như đã sụp đổ: Khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng. Trong cái nhìn của anh, thì cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là một dấu chấm hết, anh vẫn tin có ngày Ngài sẽ đến trong nước của Ngài và anh hy vọng mình sẽ được dự phần vào ngày đó.
Và Chúa Giêsu đã ban một ơn trọng đại vượt quá lòng anh mong ước: Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.
Đức giám mục Bossuet đã chú giải như sau: Hôm nay, quả là nhanh biết mấy. Ở với Ta, quả thân tình biết bao. Trên thiên đàng, quả là nơi hạnh phúc vĩnh cửu. Như thế anh trộm lành là người đầu tiên được hứa ban ơn cứu độ. Kẻ gian phi lại là người trước hết được hưởng hoa trái của cái chết trên thập giá.
Tất cả những việc ấy đều nói lên lòng nhân hậu của Vua Giêsu đối với những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Vị vua bị đóng đinh đã bắt đầu cuộc chinh phục của Ngài trên các tâm hồn. Và sau khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, thì viên đội trưởng đã nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa và đã đấm ngực ăn năn.
Chúa Giêsu là một vị vua khác thường, Ngài không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Chúng ta cần ngắm nhìn Ngài trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng tha thứ.
Với những hành động bác ái và yêu thương, cho dù là tầm thường và nhỏ bé, chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Đức Kitô. Mừng lễ Đức Kitô Vua, chúng ta hãy hạ bệ những thần tượng giả mạo, để cho Ngài chiếm hữu từng khoảng khắc cuộc đời, và ngự trị trong cõi lòng chúng ta.
Không có nhận xét nào: