Thời gian Mùa Vọng là thời gian Giáo Hội đặt chúng ta lại trong thái độ hy vọng, mong chờ và tỉnh thức. Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và hăng say, họ thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng, với tất cả nhiệt huyết, nỗ lực cần cù và không trì hoãn. Đây là thời gian Giáo Hội muốn chúng ta sống hướng về ngày giờ Đức Kitô đến một cách ý thức hơn. Khi chúng ta làm việc mà biết hướng về Đức Kitô thì chắc chắn có một cái gì đó thay đổi trong thái độ và cách thức làm việc của ta. Khi chúng ta đau khổ mà biết hướng về Đức Kitô thì sẽ có cái gì đó thay đổi. Khi chúng ta chiến đấu mà biết hướng về Đức Kitô thì cũng sẽ có cái gì đó thay đổi. Ngay cả khi ta vui chơi, giải trí cũng thế. Và trong mọi sự, mọi hoàn cảnh chúng ta đều có sự bình an.
Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm B
Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Is 63,16b-17.19b; 64,2-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
-------------
1. Hãy tỉnh thức
Năm phụng vụ mới bắt đầu bằng một lời cảnh báo: Hãy tỉnh thức. Chúng ta không còn ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa giáng sinh làm người, dù rằng năm phụng vụ mở đầu với mùa vọng, mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Trái lại chúng ta đang ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến hoàn tất công trình cứu độ nơi mỗi người, cũng như nơi toàn thể nhân loại.
Hãy tỉnh thức, đúng thế, người Kitô hữu phải chăng là người luôn sống cái mặc cảm coi thế gian và cuộc sống chỉ là một chuỗi những cạm bẫy sẵn sàng nhận chìm chúng ta trong hư đốn? Không phải là như vậy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu và của Giáo Hội ngày hôm nay bao gồm một cái nhìn lạc quan về lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu đã có đó. Tội lỗi đã bị án diệt vong. Sự chết đã bị đánh bại, còn mầm mống sự sống mới cứ mỗi ngày một lớn mạnh.
Hãy tỉnh thức để nhận ra tất cả những cái mới mẻ ấy để có thể nhập cuộc. Bà con trong thôn ấp được kêu gọi tu sửa đường xá cho việc đi lại được dễ dàng. Các em học sinh tham gia phong trào tiết kiệm để có tiền giúp đỡ các bạn cùng lớp, cùng trường gặp tai ương hoạn nạn. Người đi buôn, không nói thách, không bán đồ giả, không dùng cân thiếu và thước hụt. Phải tỉnh thức và thấm nhuần tinh thần Phúc Âm để có thể nhận ra sự lớn mạnh của trật tự xã hội mới.
Trong Phúc Âm cũng như trọn cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp vô số những con người mê ngủ, nghĩa là tiếp tục suy nghĩ và lý luận về hành động của Thiên Chúa theo lối cũ, theo những định kiến, theo những hệ thống thần học họ tự đặt ra. Các thượng tế, luật sĩ và biệt phái đã ru ngủ mình trong sự tự mãn và sự thông hiểu Kinh Thánh. Cả thành Giêrusalem cũng đã tự ru ngủ mình trong thói quen, trong cái nếp cũ, nên đã sống bên ngoài biến cố Con Thiên Chúa làm người.
Chúa Giêsu có đó như vị cứu tinh họ mong đợi, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Không những không nhận ra Ngài mà còn tìm cách giết hại Ngài. Bởi vì họ không chấp nhận nghe và thấy những lời nói, những việc làm đi ra ngoài những gì họ đã nghe và đã thấy. Họ đã có những phản ứng hoàn toàn không thích hợp với những đòi hỏi của thời đại mới. Họ đích thực là những kẻ mê ngủ. Chính những mục đồng và những kẻ bị liệt vào hàng tội lỗi công khai như người thu thuế và gái điếm, những kẻ bệnh tật và nghèo khổ lại là những người có khả năng nhận ra cái mới mẻ của tiếng hát các thiên thần, của ánh sao, của những dấu lạ để rồi cuối cùng đã nhận ra Đấng Cứu Thế nơi một hình nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, hay nơi một Đức Kitô bị chết treo trên thập giá.
Liệu chúng ta đã thực sự tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi những người anh em, và thánh ý Ngài qua các biến cố xảy đến hay không?
2. Tỉnh thức
Chọn bài Phúc Âm này để làm đề tài suy gẫm trong ngày đầu năm phụng vụ, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta một bài học rất hữu ích và cần thiết đó là hãy tỉnh thức và sẵn sàng để đón nhận Chúa vào ngày giáng sinh cũng như ngày Chúa gọi chúng ta đến tính sổ cuộc đời với Ngài.
Nhìn vào đời sống, chúng ta thấy tỉnh thức và sẵn sàng là điều kiện cốt yếu để được sống còn. Ngay như trong thế giới loài vật chúng ta cũng thấy như vậy. Một nông dân Mỹ bị đàn quạ khoang phá hoại ruộng ngô. Ông mang súng ra bắn, nhưng không sao lại gần được vì trên cây thông cao, có một con đậu để canh chừng khi các con khác đang ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông mới lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ vang, những con sống sót bay vù lên, nhưng chúng không bay đi xa, chúng xà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ mà đi nơi khác.
Câu chuyện trên đây cho thấy việc tỉnh thức và sẵn sàng là điều rất cần thiết, loài vật còn cảm thấy phương chi là con người. Nơi giống vật không chu toàn bổn phận tỉnh thức còn bị trừng phạt nặng nề, phương chi là con người.
Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: Mấy ai học được chữ ngờ. Nghĩa là có nhiều biến cố xảy đến ngoài dự kiến của chúng ta. Nhưng có một cái bất ngờ, tuy không do chúng ta dự liệu, nhưng lại tuỳ thuộc chúng ta định đoạt số phận, đó là cái chết.
Đọc báo chí, nghe truyền thanh và xem truyền hình, chúng ta thấy cái chết phảng phất ở mọi nơi, và trong mọi lúc. Nào là thiên tai bão lụt giết chết hàng trăm người. Nào là núi lửa, động đất giết chết hàng ngàn người. Nào là chiến tranh, đói khổ giết chết hàng vạn người. Dẫu vậy có ai nghĩ rằng mình cũng sẽ phải chết, mà mấy ai đã tỉnh thức và sẵn sàng cho cái bất ngờ cuối cùng ấy.
Sống sao thì chết vậy. Muốn được chết tốt lành, muốn cho giờ chết không phải là giờ cay đắng bẽ bàng thì ngay từ lúc này, chúng ta phải lo sống tốt lành. Đối với những người còn hồ nghi về đời sau, họ nên khôn ngoan lý luận như nhà tư tưởng Pascal: Có đời sau hay không, điều ấy thật khó mà chứng minh rõ rệt, tuy nhiên tôi vẫn tin có là hơn, vì dù không có, thì tin như vậy cũng không thiệt hại gì. Còn như trong trường hợp mà có, thì không tin quả là điều nguy hiểm. Cho nên tin vào sống niềm tin ấy, thì khôn ngoan hơn.
Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây có nghĩa là hãy khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống và tích trữ cho một kho tàng quý giá là những hành động bác ái, là những công nghiệp chúng ta lập được khi còn sống ở đời này, để bất kỳ lúc nào Chúa lên tiếng kêu gọi, chúng ta cũng có thể sẵn sàng thưa lên: Lạy Chúa, này con xin đến.
3. Tỉnh thức - Thức tỉnh
(Suy niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn)
Dụ ngôn nói về người chủ đi xa, giao quyền hành lại cho đầy tớ, mỗi người một việc. Tuy nhiều người nhiều việc, nhưng ông chỉ có căn dặn người canh cửa phải lo tỉnh thức để mở cửa cho ông lúc trở về. Rồi trong phần kết của bài phúc âm, lời nhắn bảo “hãy tỉnh thức” lại được gởi đến cho “hết mọi người.” Phải chăng Đức Giêsu ám chỉ tất cả các Kitô hữu đều là những người canh cửa, và họ hãy mở tung cánh cửa đời mình để đón Ngài.
Hôm nay, Dân Chúa trên khắp thế giới bắt đầu bước vào mùa Vọng với ý nghĩa chấn chỉnh lại thái độ trông ngóng, mong chờ, chuẩn bị đón mừng ngày Chúa lại đến.
Mùa Vọng luôn được nối kết với mùa Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Nhưng nếu biến cố đó không gợi lên trong tôi một dư âm nào, việc Chúa sinh ra hay hồng ân cứu độ không mang một tầm quan trọng nào trong đời tôi, thì thử hỏi mùa Vọng có nghĩa lý gì, chẳng qua là một mùa lạnh hay mùa đông.
Cho nên thiết tưởng để sống trọn vẹn hơn mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Hạnh phúc của tôi đang ở nơi nào? Những gì tôi đang tìm kiếm, khao khát, mong ước có làm cho tôi thoả mãn thật sự không? Hay là cứ tìm được điều này xong, tôi lại chạy theo điều khác, và rồi cuộc đời cứ mãi kiếm tìm không nguôi?
Thử hỏi Đức Giêsu có phải là đối tượng chính trong sự tìm kiếm của tôi không, hay chỉ là một thứ phụ thuộc, là nơi tôi đến tìm yên ủi, cố vấn những lúc bị thất bại trên đường chạy theo các đối tượng khác.
Nếu không cảm nhận Chúa là lẽ sống, niềm vui, hay nguồn hy vọng của đời mình thì làm sao có thể nhớ thương và mong chờ cho đúng nghĩa được. Có ai trông đợi hay nôn nao được gặp lại một bóng hình mà họ không yêu thương cũng chẳng qúi mến chăng?
Thế cho nên sống mùa Vọng là tái xác định đối tượng chính trong cuộc đời. Khi mà tôi nhận thức Chúa chính là áng mây cho sa mạc tâm hồn, là dòng suối mát cho cánh đồng chờ nước bao năm, thì lúc ấy lời ca “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội” sẽ thấm đến tận nơi sâu thẳm của cõi lòng.
Vậy lời kêu gọi “tỉnh thức” của ngày đầu năm phụng vụ không chỉ nhắc tôi về thái độ chờ đợi và sẵn sàng, nhưng còn ngầm bảo tôi hãy “thức tỉnh”: thức tỉnh lại từ những đam mê, trăn trở, gian nan để xem Chúa có ở trong đó không; thức tỉnh từ những kiếm tìm: tìm job, tìm của, tìm tình, tìm danh dự, tìm địa vị… để xem Chúa ở trong và ở trên tất cả những sự đó không. Vì nơi đâu không có Chúa, nơi đó chỉ là những quảng cáo của thế gian, ma qủi. Tìm mọi sự mà không tìm Chúa thì rồi vẫn cứ mãi thiếu vắng và khát khao. Phải chăng là vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Thánh Augustinô).
Người ta kể rằng dưới chân lâu đài Mamara của Hoàng đế Maximilian là dòng nước trong vắt của vùng biển Adriatique. Ở chiều sâu mấy chục thước nước phía dưới có một hang động từng làm say mê nhiều thợ lặn. Điều thú vị nhất là thỉnh thoảng mấy người thợ lặn đó đã tìm được những viên ngọc đẹp nhất trong hang động này lại thuộc quyền sở hữu của Quận chúa Reiner. Thế nhưng sau một thời gian dài, người ta khám phá các viên ngọc ấy bị nhạt màu. Nhiều chuyên gia về ngọc được triệu đến. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, họ đã nhận định rằng để có được vẻ tươi đẹp nguyên thủy, các viên ngọc ấy phải được ngâm lại dưới đáy biển sâu. Và đúng vậy, sau một thời gian trầm mình dưới giòng nước trong của vùng biển này, dần dần các viên ngọc đã phục hồi được vẻ đẹp long lanh của thuở ban đầu.
Đời sống con người cũng thế! Để tìm lại niềm vui và bình an chân thật, để gột rửa những phấn bụi của dòng đời, chúng ta cũng hãy ngâm mình vào biển tình bao la của Thiên Chúa, ướp đượm hồn ta bằng hồng ân tươi mát của Ngài.
Giáng sinh là thời điểm của ân sủng và mến thương vời vợi. Thức tỉnh để được sống trọn vẹn niềm vui tìm gặp Chúa sẽ là thái độ khôn ngoan nhất của người Kitô hữu trên hành trình bước sang năm phụng vụ mới.
Không có nhận xét nào: