Thông Tin Bên Lề

Nhạc xuân

Tháng Thánh Giuse

HÃY KẾT BẠN VỚI

Ảnh

Liên kết web

VIDEO GIÁO XỨ

CHA QUẢN XỨ

HÃY NHANH TAY

1
GIÁO XỨ LÀNG RÀO

Magazine

Smoke

Natural

Feature

Video News

Chúa nhật V Mùa Chay (B) – Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Thánh Gioan hôm nay đã dùng hình ảnh quen thuộc để diễn tả ý nghĩa đích thực của cái chết của Chúa Giêsu: hình ảnh của một hạt giống bị mục nát đi trong lòng đất để dẫn đến một mùa gặt phong phú. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác”. Cũng vậy, những đau thương Chúa Giêsu sắp trải qua sẽ không kết thúc ở một cái chết cằn cỗi mà sẽ dẫn đến sự phì nhiêu sung mãn của sự sống lại, một sự sống có khả năng tập họp mọi dân nước trong Nước Trời... Hạt lúa và bất cứ thứ hạt giống thực vật nào, đều mang ý nghĩa và sứ mạng truyền sinh, tăng gấp nguồn sống ẩn chứa trong bản thân. Thế nhưng, muốn thể hiện ý nghĩa và sứ mạng này, nó phải qua tiến trình biến dạng hoàn toàn, phải chết đi. Chúa Giêsu đã chấp nhận quy luật này, và vẫn đang “lôi kéo mọi người theo Ngài”.




CHÚA NHẬT V MÙA CHAY (B):

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Lời Chúa: Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
  1. Giờ của Chúa
Từ đầu mùa Chay cho đến giờ, chúng ta đã chuẩn bị tham dự vào biến cố quan trọng nhất của lịch sử nhân loại. Hôm nay chúng ta nghe Chúa Giêsu loan báo về những gì sắp xảy đến, nhưng thay vì mở ra một cảnh tượng hùng vĩ thì Ngài lại tỏ lộ chính những tâm tình thầm kín nhất của Ngài.
Thực vậy sau khi Chúa Giêsu vinh hiển tiến vào thành Giêrusalem, thì có mấy người Hy Lạp đến tìm Philipphê và nhờ ông giới thiệu mình với Chúa Giêsu. Lúc đầu có lẽ Philipphê cảm thấy hơi ngại ngùng, nhưng sau đó cũng đã dẫn họ đến với Chúa Giêsu. Lạ thay, Ngài không tỏ ra chấp nhận hay từ chối họ, nhưng lại mạc khải cho họ một điều khác. Và chính trong sự mạc khải này, Ngài đã cho biết những tâm tình thầm kín của Ngài. Ngài nói: Đã đến giờ Con Người được vinh quang.
Giờ mà Ngài đã tiên báo lần đầu tiên, khi xuất hiện trước quần chúng tại tiệc cưới Cana. Giờ mà Ngài vẫn mong chờ trong suốt ba năm giảng dạy. Chính vì thế, bây giờ không còn phải là lúc tiếp nhận hay từ chối những người Hy Lạp, nhưng là lúc phải hoàn thành sứ mạng cao cả và phổ quát của Ngài.
Tuy là giờ vinh quang, là giờ Ngài hằng mong đợi, nhưng điều lạ là Chúa Giêsu nói tới giờ đó không phải với một giọng điệu nao nức, nhưng trái lại, hình như đượm vẻ lo âu. Ngài biết rõ con đường nào mình sẽ phải đi qua đến tiến tới vinh quang. Như hạt lúa phải mục nát đi, thì mới trổ sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét sự sống mình, thì sẽ được sống đời đời. Qua đó, Ngài muốn nói với chúng ta rằng: Điều kiện để tiến tới vinh quang là phải chấp nhận thập giá.
Thế nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy, thập giá không phải là một cái gì thơ mộng, ngọt ngào, nhưng là một cái gì cay đắng ê chề. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng hoang mang và run sợ, nên Ngài đã lên tiếng cầu nguyện: Lạy Cha xin cất chén đắng này cho con. Đồng thời Ngài còn thêm: Nhưng không theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi. Nơi khác Ngài cũng đã thốt lên: Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này, nhưng cũng chính vì giờ này mà Con đã đến.
Đó là một sự chấp nhận thật can đảm. Lời cầu nguyện của Ngài vừa là một tiếng xin vâng, vừa là một tâm tình phó thác cho Chúa Cha, Đấng sẽ biến cái chết của Ngài thành sự phục sinh vinh quang. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết bước vào con đường mà Chúa đã đi qua hay không? Bởi vì có trải qua đau khồ thập giá thì chúng ta mới tiến đến vinh quang phục sinh.  
  1. Giờ Chúa đến
Đọc lại Phúc âm chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu không bước vào cuộc khổ nạn như bước lên sân khấu để trình diễn một vở kịch, trong đó cái chết sẽ chỉ là cái chết giả vờ. Trái lại, Ngài đã từng băn khoăn lo lắng khi giờ phút trọng đại ấy đến gần.
Mặc dù luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn quí trọng sự sống, Ngài vẫn muốn được sống, vẫn muốn thoát khỏi những khổ đau và cái chết, bởi vì Ngài cũng là một người như mọi người.
Đức Hồng y Veuillet, Tổng giám mục Paris, khi biết mình bị ung thư và sắp chết, đã nhắn nhủ các linh mục của ngài như sau: “Chúng ta nói rất hay về sự đau khổ. Bản thân tôi cũng đã làm như vậy. Thế nhưng, giờ đây tôi xin các linh mục đừng nói gì về vấn đề ấy nữa, bởi vì chúng ta không hề biết đau khổ là gì. Tôi đã phải khóc lên vì nó”.
Có thể người ta sẽ chê Đức Hồng y chưa hiểu biết ý nghĩa của sự đau khổ, chưa sẵn sàng chịu đau khổ, nên mới buồn, mới khóc và không dám nói tới nó nữa. Nhưng Đức Hồng y đã chân thật với chính mình. Không nói hay ít nói về sự đau khổ không có nghĩa là không sẵn sàng chấp nhận, không yêu mến đón nhận nó như chén đắng Thiên Chúa trao cho. Chén đắng vẫn là chén đắng, chúng ta vui nhận, nhưng không thể vui sướng coi đó như là một chén nước ngọt. Chúng ta chấp nhận đau khổ vì yêu mến chứ không vì thích chịu khổ đau.
Chúa Giêsu yêu mến sự sống bởi vì chính Ngài đã tạo dựng ra sự sống, Chính Ngài là sự sống nhưng lại sẵn sàng dâng hiến nó như một tặng vật cao quí nhất, hầu đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Ngài ví mạng sống ấy như hạt lúa vàng gieo vào lòng đất, để làm nẩy sinh trăm hạt lúa mới. Ngài biết rằng hạt lúa ấy sẽ phải chết sẽ phải mất đi, nhưng Ngài chấp nhận sự mất mát đó, chấp nhận cái chết đó để rồi tìm lại sự sống của mình trong trăm ngàn hạt lúa mới khác được sinh ra từ cái chết của Ngài.
Đức Kitô mong muốn không phải là được chết nhưng là thực hiện thánh ý Chúa Cha. Cái chết không phải là cứu cánh nhưng chính là vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho nhân loại, mới là cái đích mà Ngài nhắm tới. Giờ mà Ngài mong đợi không phải là giờ chết, nhưng là giờ hoàn tất sứ mạng Chúa Cha đã trao phó, đó là làm cho mọi người được sống nhờ cái chết của Ngài và làm cho toàn thể nhân loại được yêu thương hợp nhất với nhau khi cùng hướng nhìn về cây thập giá. Bởi đó Ngài nói: Phần Ta, khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta (Ga 12,32). Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta và hiến mạng sống mình vì chúng ta, giờ đây Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương và hiến dâng cuộc đời chúng ta cho anh em, để nhờ đó mọi người đều được hiểu biết, đều được yêu thương và đều được chia sẻ phần hạnh phúc của gia đình những người con cái Chúa.  
  1. Hạt lúa gieo vào lòng đất
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Nếu chúng ta có một lượng vàng trong tủ, làm sao để nó hoá thành năm? Nếu có trăm triệu, làm sao cho số vốn đó đẻ ra gấp mười? Hầu như đó là chuyện không thể làm được bằng những phương cách hợp pháp.
Giá như có bí thuật nào làm được điều đó, thì ai cũng muốn thủ đắc cho bằng được với bất cứ giá nào.
Vậy mà hôm nay, Chúa Giêsu tặng không cho ta một bí quyết làm gia tăng một giá trị không chỉ gấp năm, gấp mười, mà là đến gấp trăm!
Thật khó tin! Làm gì có chuyện thần kỳ như thế trên cõi đời nầy?
Thưa, dù điều nầy rất khó tin, nhưng hoàn toàn có thật. Bí quyết nầy rút ra từ hạt lúa.
Hôm ấy, có người nông dân mang thóc giống gieo trên thửa ruộng của mình. Đang khi gieo thì trời nổi gió lớn. Có nhiều hạt rơi xuống ruộng bùn nhưng cũng có nhiều hạt bị gió thổi bạt lên vệ đường kề bên.
Bấy giờ những hạt giống nằm trên vệ đường khô ráo cảm thấy phận mình thật là diễm phúc, so với bao nhiêu hạt thóc bạn đang phải ngoi ngóp, ngụp lặn dưới bùn. Chúng tỏ lòng thương hại các hạt thóc bạn dưới sình bằng những lời ngạo mạn: "Thật đáng thương thay thân phận khốn khổ của các anh. Đang khi chúng tôi được ở nơi khô ráo, thì các anh lại phải ngụp lặn trong sình. Đang khi chúng tôi được ngước mắt nhìn ánh dương rực rỡ, được tắm mình dưới nắng, thì các anh lại phải ngụp lặn trong chốn tối tăm. Đang khi chúng tôi được nhìn ngắm bầu trời xanh, nhìn ngắm những bông hoa tươi đẹp bên vệ đường, được ngắm nhìn người qua kẻ lại nói cười vui vẻ, thì chung quanh các anh chỉ là tăm tối và tanh hôi. Cuộc đời chúng tôi đang lên hương, còn cuộc sống các anh đang lụi tàn! Thật bất hạnh thay cho các anh!"
Hạt lúa ấy vừa dứt lời thì bỗng đâu có một bàn chân người dẫm đạp lên mình nó, khiến nó bị gãy thành ba. Sau đó, mấy chiếc xe ào đến, lạnh lùng chà nát nó và những hạt lúa khác thành bụi tro. Những hạt lúa may mắn còn sót lại thì hoá thành mồi ngon cho chim chóc và các loại côn trùng!
Trong khi đó, những hạt lúa tưởng là bất hạnh đang ngụp lặn trong bùn, thì qua vài ngày sau đã ngoi lên thành những chồi non đầy sức sống, rồi thành những cây lúa xanh tươi cứng cáp. Cây lúa lớn dần, nở bụi sum suê. Không đầy ba tháng sau, nó trổ thành những bông lúa, kết thành hàng trăm hạt vàng khoe mình dưới nắng, đem lại sức sống cho bao người.
Từ một hạt lúa đơn độc, nó đã được chuyển hoá thành trăm! Thật nhiệm mầu!
Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cùng với Ngài chuyển hoá đời mình như thế.
"Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác."
Rồi Ngài nói rõ hơn: "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời."
Khi bước chân vào đời, mang lấy thân phận con người giữa cuộc đời ô trọc, Chúa Giêsu đã chấp nhận mang thân phận hạt lúa bị vùi dập trong bùn đất. Ngài chấp nhận khổ hình, chấp nhận vác thập giá, chấp nhận chết treo trên thập giá như một tên tử tội khốn nạn nhất. Người đời tưởng rằng đã tiêu diệt Đức Giêsu, xoá sổ Đức Giêsu... nhưng họ đã lầm. Thay vì huỷ diệt, họ đã giúp Ngài chiến thắng. Qua thập giá, Chúa Giêsu đạt đến vinh quang, được phục sinh vinh hiển và được hiển trị đời đời! Giờ tử nạn cũng chính là giờ Ngài được tôn vinh.
Chúa Giêsu không muốn chúng ta sống như hạt lúa đơn độc trên vệ đường, chỉ biết sống cho mình rồi rốt cuộc phải tiêu vong. Ngài muốn chúng ta bước theo Ngài để chuyển hoá gấp trăm.
Để được như thế, chúng ta hãy nên như hạt lúa bị chôn vùi, nghĩa là hãy chấp nhận hy sinh quên mình vì hạnh phúc người khác; hãy cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu, cùng vác thập giá hằng ngày với Chúa Giêsu, chấp nhận cống hiến tài sức để phụng sự Chúa và phục vụ muôn người.
Nhưng sự việc đâu có giản đơn. Xác thịt con người vẫn nặng nề và không dễ dàng chịu khuất phục. Phải có rất nhiều can đảm mới có thể đáp lời Chúa mời gọi. Ôi, lạy Chúa, xin giúp sức cho con!  

jbnvhoat0809

We are.., This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply