Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ. Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại... Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau. Máng Cỏ luôn làm cho con người thổn thức bùi ngùi xúc động, vì đối diện với một Tình Yêu khiêm tốn… Tình yêu thương ấy là ánh sáng soi đường và là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Niềm vui giáng sinh không nhất thiết phải đến từ những bữa tiệc thịnh soạn hay khung cảnh huy hoàng lộng lẫy bên ngoài. Niềm vui giáng sinh đến từ nội tâm khi chiêm ngắm Máng Cỏ Bêlem. Noel này, bạn hãy dừng lại nơi hang đá máng cỏ, dành thời gian thinh lặng để ngắm nhìn và suy niệm, bạn sẽ khám phá thật nhiều sự kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta.
Suy niệm Lời Chúa
Lễ Giáng Sinh 2014
-------
Lễ Giáng Sinh 2014
-------
Con Thiên Chúa làm người có một gia phả (Thánh lễ Vọng Giáng Sinh)
Phụng vụ Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh dìu chúng ta về với gia phả của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, và gẫm suy sự giáng sinh của Con Một Chúa.
Gia phả của Đức Giêsu Kitô
Đã làm người là có cố có ông, có cha có mẹ có ông có bà, tức là có một gia phả. Đức Giêsu dù là Thiên Chúa, nhưng làm người, nên cũng không nằm ngoài qui luật tự nhiên ấy. Gia phả của Đức Giêsu Kitô được Thánh sử Matthêu viết thật là dài cả thảy 42 đời, không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử, nhưng mang nặng ý nghĩa thần học. Gia phả này nhắc nhớ chúng ta rằng, sau khi tổ tông loài người phạm tội trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã đi tìm Ađam và Evà và đồng hành với con người. Thiên Chúa đã gọi Abraham người đầu tiên trong gia phả, thứ đến là các tổ phụ khác. Thiên Chúa đã muốn làm lịch sử với chúng ta, một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, như trong gia phả chúng ta thấy có những thánh nhân vĩ đại nhưng cũng có những tội nhân cao độ. Đó chính là sự kiên nhẫn, khiêm tốn của Thiên Chúa và tình thương của Ngài đối với chúng ta.
Theo thánh Mátthêu, Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi Abraham, và cuộc đời Người gắn kết với dân tộc Israen, một dân được tuyển chọn trong tình thương. Đức Giêsu cũng là Con của vua Đavít, nên Người có cơ sở để là Đấng Kitô như lời hứa.
Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa làm người, sinh ra trong một gia đình, sống trong xã hội, nên Ngài chịu chi phối bởi xã hội trong dòng lịch sử một dân tộc với tất cả những thăng trầm và biến động của nó. Là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (x. Mt 1,16-17). Tất cả lịch sử của dân tộc Israen cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành tựu.
Như chúng ta đã nói ở trên, Con Thiên Chúa đi vào một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, một gia phả khác thường đối với Do thái giáo. Bởi lẽ, trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ, đó là chuyện lạ, vì người Do Thái thường chỉ để tên người cha. Trừ Đức Maria ra, còn bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại. Tama và Rakháp gốc Canaan, Rút gốc Môáp, vợ Urigia người Híttít. Mỗi bà lại có hoàn cảnh khác thường không ai giống ai. Tama giả làm điếm để ngủ với cha chồng là Giuđa, hầu sinh con cho nhà chồng (St 38). Rakháp là một cô điếm ở Giêricô, đã giúp Giosuê chiếm Canaan (Gs 2). Bétsabê, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (x. 2Sm 11-12). Rút đã lấy ông Bôát là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (x. R 1-4). Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này, nên cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại nếu tính theo gia phả, dẫn đến cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường.
Sự giáng sinh của Con Một Chúa
Thiên Chúa muốn cứu độ con người bằng cách sai Con Một Chúa xuống thế gian, nhập thể làm người. Cách làm người của Con Thiên Chúa vừa bình thường lại vừa tuyệt đối khác thường. Bình thường vì Người được sinh ra bởi một người nữ (x. Gl 4, 4). Khác thường vì Người không được sinh ra bởi người nam (cha ruột), nhưng do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1, 18. 20). Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16). Có thể nói, Đức Giêsu có dược “nhập khẩu” vào dòng dõi vua Đavít hay không đều tùy thuộc vào lời đáp trả của thánh nhân. Nên Thánh Mátthêu đã làm nổi bật dung mạo vị cha nuôi của Chúa Giêsu, vừa nhấn mạnh rằng, nhờ qua thánh nhân, Con Trẻ được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo như là “Con của Vua Ðavid ”. Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít với một gia phả. Có một gia đình cần thiết để sống và lớn lên.
Trong giờ vọng lễ Mừng Chúa giáng sinh đêm nay, chúng ta hướng nhìn về Thánh Giuse, vị hôn phu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, cha nuôi Đức Giêsu, mẫu gương của người “công chính” (Mt 1,19). Vai trò của Thánh Giuse với nhân đức trổi vượt không thể nào bị rút gọn về khía cạnh luật pháp mà thôi. Ngài được Thiên Chúa tín nhiệm trao ban quyền làm “Người gìn giữ Ðấng cứu thế”, trong gia đoạn đầu của công trình cứu chuộc, khi hoà hợp hoàn toàn với vị hôn thê của mình, tiếp rước Con Thiên Chúa làm người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa. Vì thế, thật xứng hợp biết bao hướng về ngài, cầu xin ngài trợ giúp chúng ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Ðức Tin cao cả này.
Noi gương ngài, chúng ta mở rộng lòng mình ra, chuẩn bị nội tâm để đón nhận và gìn giữ Chúa Giêsu trong đời sống chúng ta. Uớc chi Chúa có thể gặp thấy trong chúng ta lòng quảng đại sẵn sàng đón Chúa đến, như đã xảy ra như vậy tại Belem trong Ðêm Cực Thánh Chúa Sinh Ra. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta (Suy Niệm Lễ Đêm Giáng Sinh)
Từ 21 thế kỷ qua, lời rao giảng vui mừng trên vang lên từ con tim Giáo Hội. Trong đêm thánh này, Thiên Thần Chúa lặp lại với mỗi người chúng ta những lời như sau: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Vua Ðavít” (Lc 2,10-11).
Trong bầu khí linh thiêng của đêm Noel năm nay, khi chiêm ngắm Con Chúa ra đời, chúng ta xin Chúa điều gì? Chắc chắn mỗi người mỗi tâm tình, mỗi ý nguyện, phần lớn những người hiện diện nơi đây đều có những lời cầu xin của riêng mình. Tôi đề nghị một lời cầu xin tha thiết nhất, một nỗi khát vọng mãnh liệt và triền miên của toàn thể nhân loại chúng ta hôm nay đó là xin ơn “Đức tin và Bình an“.
Đề nghị thứ nhất: xin ơn Đức tin
Đấng cứu độ chúng ta đã ra đời, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa thật. Những điều chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa
Giáng Sinh là dịp thuận lợi để chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Kitô, và khẳng định lại những điều chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tinh Kính của Công Đồng Nicê năm 325 và Công Đồng Constantinôple năm 381. Những điều ấy dẫn chúng ta vào mầu nhiệm của Chúa Kitô.
“Một Hài Nhi, được sinh ra bởi Thiên Chúa Cha từ trước muôn đời“, đây là cách diễn đạt nghịch lý của Giáo phụ Romanos de Mélode. Có lúc, Thiên Chúa gần gũi đến lạ thường, và cũng thật siêu việt, vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, Một Hài Nhi là Con Thiên Chúa Cha từ trước muôn đời. Để hiểu được cách diễn đạt “sinh bởi Đức Chúa Cha “, chúng ta cần phải đọc lại chương mở đầu của Tin Mừng theo Thánh Gioan : “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa ” (Ga 1,1).
Chúng ta không nghĩ đến sự sinh bởi Thiên Chúa, vì chúng ta có những ý niệm về không gian và thời gian… Nhưng ở nơi Thiên Chúa, thì không có khởi đầu và kết thúc. Chúa Cha sinh ra Chúa Con tự đời đời. Vì thế Chúa Cha là Cha tự đời đời, và Chúa Con là Con tự đời đời.
Đặc điểm của Chúa Cha là trao ban hoàn toàn cho Con mình. Và đặc điểm của Chúa Con là lãnh nhận hoàn toàn từ nơi Cha và vâng phục trong tình yêu đối với Chúa Cha. Chúa Kitô là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa ; điều này thường thấy trong Tin Mừng, khi mà Chúa Kitô dùng từ ” TA LÀ ” (Ga 9, 58).
Quả thật, trong trình thuật cuộc thương khó Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, lúc ở trong vườn Giệtsimani, Đức Giêsu hỏi những người đến tìm bắt Ngài rằng : “Các ngươi tìm ai ?” Họ trả lời : “Giêsu Nagiarét“. Đức Giêsu nói : Này ta, “ Khi Đức Giêsu nói với họ này ta, họ liền lùi lại và ngã ra đất hết ” (Ga 18,6). Họ ngã, không phải là vì họ trượt chân, nhưng là vì họ ở trong tư thế tôn thờ, vì lời Đức Giêsu nói với họ : chính Ta hay là Ta có nghĩa là thần thánh.
Thập giá đối với người Do Thái là sự sỉ nhục, đối với người dân ngoại là sự điên dồ, nhưng đây là sự mạc khải của Thiên Chúa: “ Khi nào tôi được treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên cùng tôi, lúc đó các người sẽ biết ta là ai“. Nhưng Giáng sinh có ý nghĩa, vì Giáng sinh là Thánh Giá có một cái bóng được gọi là Phục Sinh.
“Ánh Sáng bởi Ánh Sáng“
“Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sáng của nhân loại ; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng” (Ga 1, 4-5).
Như vậy, với tác giả Tin Mừng, ánh sáng đồng nghĩa với sự sống thần linh ; Nhập thể của Người là ánh sáng, là một trận chiến chống lại bóng tối. Ánh sáng đã đến trong thế gian, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục cho đến khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang.
Vậy, đâu là bóng tối? Chắc chắn là thế gian rồi, nhưng trước hết vẫn là trong lòng người ta. Chúng ta có vùng tối mà chúng ta không muốn thấy, ánh sáng không phải là bạo lực, do đó ánh sáng tràn ngập, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Ánh sáng này sau đó sẽ xuất hiện trên khuôn mặt của nhân loại: thần linh hóa mọi tạo vật, chiếu dọi vào tâm hồn, phản ánh vinh quang rực rỡ của Chúa Cha.
Thế giới của chúng ta đang cần những chứng nhân cho ánh sáng. Ở những thế kỷ đầu của Giáo hội, những người chịu phép Rửa tội được gọi là ” ánh sáng” chiếu tỏa ánh sáng Thần Linh.
Việc tái truyền giảng Tin Mừng, là làm thế nào để người môn đệ biến đổi. Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nói với các linh mục rằng : “Người ta muốn thấy Chúa Giêsu qua anh em“. Nơi mỗi người đã chịu phép Rửa tội, bởi vì họ là nhà của “ánh sáng từ ánh sáng” phải được chiếu soi rạng ngời.
Nguồn gốc của ánh sáng là Tình Yêu. Vì vậy, đừng quên rằng nếu như tội lỗi, nghĩa là bóng tối tách ra, Tình Yêu biến thành ánh sáng thần linh. Trong máng cỏ, Hài Nhi Giêsu chiếu tỏa ánh huy hoàng của Người trên khuôn mặt rạng ngời có Thánh Giuse.
“Thiên Chúa thật và là Người thật“
Công đồng Chacédoan năm 451 đã tuyên xưng: “Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và người thật“.
Tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, không phải vì một người là Thiên Chúa, những là bởi Thiên Chúa đến vì các tội nhân, Ngài đến để cứu từng người trong chúng ta !
Làm thế nào để Thiên Chúa toàn năng, Thánh, chí Thánh, ngàn trùng chí Thánh, ba lần thánh này, có thể đồng bàn với phường tội lỗi? Làm thế nào để Thiên Chúa đến thi thố tình yêu cho chúng ta?
Hài Nhi nằm trong máng cỏ đến thanh tẩy tội lỗi chúng ta và đem dâng lên trước tòa Chúa. Không, Thiên Chúa không phải là một người cha ngáo ọp, hay một thẩm phán, cũng không phải một kẻ giáo điều. Hài Nhi, Thiên Chúa thật nhỏ bé đến mạc khải cho chúng ta Một Thiên Chúa thật.
Đó là lý do tại sao Chúa Con được sai đến trong thế gian. Không chỉ mạc khải về Chúa Cha, nhưng để nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Làm cho chúng ta nhận ra khuôn mặt thật của Thiên Chúa là Cha, Đấng giầu lòng thương xót.
Khi tuyên xưng Hài Nhi năm trong máng cỏ là Thiên Chúa thật, là loại bỏ các lạc thuyết, Ảo thân thuyết, dưỡng tử thuyết. Chúng ta tin rằng Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa thật và là người thật. Người là Đấng cứu chuộc chúng ta.
Nếu Đức Kitô chỉ là Thiên Chúa, thì Người không thể cứu độ tất cả chúng ta! Người là Thiên Chúa và là người, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Tuy nhiên, “Tất cả những gì được Người đảm nhận đều được cứu.” (St. Athanasius)
Con Thiên Chúa đã đảm nhận một thân xác, và vì thế từ nay, Người trở nên người nhờ Chúa Thánh Thần, đó là lý do tại sao thân xác của chúng ta trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi tội nguyên tổ, chúng ta đã đánh mất sự sống, nhờ Hài Nhi nằm trong máng cỏ, chúng ta tìm lại được. Vì thế, chúng ta càng theo Chúa Kitô, chúng ta sẽ càng trở nên giống Người hơn. Chúng ta được trao ban cho Chúa Kitô, chúng ta được thần linh hóa.
Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, để chúng ta tin vào Đức Giêsu Con Thiên Chúa.
Đề nghị thứ hai là : xin ơn bình an
Chúng ta cầu xin Chúa “ơn bình an” như chính lời Kinh Thánh gợi ý: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương! ” (Lc 2,14). Đây là điều rất cần thiết và thực tế. Theo Kinh Thánh, sự bình an đi đôi với hạnh phúc mà Chúa ban cho loài người. Ai trong chúng ta mà không khao khát hạnh phúc cho mình và tha nhân? Ai trong chúng ta mà không ước muốn được bình an? Thiếu sự bình an, thì không thể có hạnh phúc. Hạnh phúc trước hết và trên hết là niềm vui “được yêu”, được Thiên Chúa yêu thương, được loài người yêu thương.
Sự bình an là một ân sủng, là “quà tặng Giáng Sinh” của Thiên Chúa cho chúng ta. Để có được quà tặng ấy, chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này (x. Tt 2,12).
Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha ở cùng tất cả chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Đêm Hồng Ân (Lễ Giáng sinh 2014)
Nói đến Giàng Sinh là nói đến giây phút “Trời đất giao hoà”. Thiên Chúa giáng trần là để hoà giải và cứu độ, đem lại bình an cho nhân thế. Ngay khi Đức Giê-su sinh ra, các thiên thần đã tung hô “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Đây là một lời tung hô, trong số những lời nói đầy yêu thương nhất ở Tin Mừng. Nhưng bình an không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh hoặc chia rẽ, mà còn là một điều sâu xa và phong phú hơn. Thành phần chủ yếu của bình an là sự công chính. Như vậy, ở đâu có sự công chính, thì tại đó có bình an đích thực. Bình an cũng không đơn giản chỉ là sự hài hoà, mà là sự hạnh phúc tròn đầy. Bình an vẫn có thể tồn tại trong một thế giới nhiễu loạn, thậm chí ngay cả giữa những vấn đề nan giải, khó lòng gỡ rối, nhưng nếu có bình an thì có thể hóa giải được
Nói cách cụ thể, bình an là trạng thái yên tĩnh nội tâm, đồng thời bày tỏ mối tương quan thực sự với Thiên Chúa và với tha nhân. Theo ý nghĩa đầy đủ này, nếu chỉ bằng nỗ lực của con người, thì không thể tạo ra được sự bình an. Đây là một ân sủng, là món quà vô giá của Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại trong ngày Lễ Giáng Sinh. Thiên Chúa đến với loài người trong an bình, và Người mong muốn “Đất với Trời se chữ đồng”, con người với Thiên Chúa và con người với con người giao hòa với nhau trong ân tình trượng nghĩa. Bình an là hồng ân Thiên Chúa ban cho người tín hữu; quà tặng của người tín hữu đối với Thiên Chúa chính là đem bình an đến cho anh em.
Thiên Chúa Cha sai Con Một đến trong trần gian để thực hiện chương trình giao hoà giữa trời và đất, ban ơn cứu độ, giải thoát loài người khỏi sự chết đời đời (“Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” – Ga 3, 16), và chính vị Cứu Tinh ấy đã chọn cho mình một chỗ giáng sinh thật đơn sơ nhỏ bé: Một máng cỏ chiên lừa trong một hang đá hèn mọn. Chỗ đơn sơ thấp hèn ấy, hơn nơi nào hết, biểu lộ Tình Yêu Thiên Chúa, vì Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến, trước tiên, cho nơi thấp hèn, cho người bé mọn. Và sau biến cố trọng đại ấy, thì Con Người cũng luôn luôn đến với những người bé mọn, thấp hèn, tội lỗi, tù rạc, bệnh hoạn…
Chính cái sự thấp hèn của một hang đá nuôi bò lừa, cùng với những mục đồng ở giai cấp bần cùng của xã hội, kể cả ông Giu-se và bà Maria không nhà cửa, không quán trọ, quây quần quanh một hài nhi nhỏ bé nhưng cao trọng khôn ví (vì hài nhi ấy chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật); tất cả đã nói lên sự giao hoà tuyệt đỉnh giữa trời và đất. Và phải chăng, thông qua sự giao hoà ấy, Thiên Chúa muốn cho loài người hiểu rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, là sự Hiệp thông, là Hoà giải và Cứu độ. Người đã sai Con Một xuống thế để hoà giải loài người với Thiên Chúa và giữa loài người với nhau. Nói cách cụ thể, Đấng Cứu Thế giáng trần là Người vâng lệnh Ngôi Cha, đem hồng ân an bình cho nhân thế.
Trong khi đó, loài người đã đón tiếp vị Sứ Giả Hoà Bình, vị Cứu Tinh không lẽ chỉ có mấy con người nhỏ bé nơi hang bò lừa ấy thôi sao? Không, còn nữa, còn nhiều, nhưng nổi bật nhất là 4 nhân vật không thuộc giai cấp thấp hèn mà ở địa vị cao sang vương giả. Đó chính là 3 vị đạo sĩ phương Đông (quen gọi là ba vua) và vua Hê-rô-đê trị vì tiểu vương quốc mà trong đó có Bê-lem, nơi có sự kiện lạ lùng xảy ra. Ba vị đạo sĩ nhờ được mạc khải, biết được thời Cứu Độ, vị Cứu Tinh đã tới, và họ tìm đến để triều bái Người. Riêng nhân vật thứ tư là Hê-rô-đê cũng biết được nhờ ba vị đạo sĩ mách bảo và đã đón tiếp vị Cứu Tinh nhân loại bằng cách lùng giết hàng loạt hài nhi, nhằm tru diệt cho được hài nhi Giê-su (“Ông đã sai quân tru diệt hết các trẻ con tại Bê-lem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian ông đã hỏi kỹ nơi các đạo sĩ” – Mt 2, 16)! Thế đấy!
Loài người cách đây 20 thế kỷ đã đón tiếp vị Sứ giả Hoà Bình, đã đón nhận sự hoà giải như vậy đó. Chắc có lẽ ai cũng nghĩ rằng ở thời đại thượng cổ mới xảy ra như vậy, còn ngày nay trong một xã hội văn minh tiến bộ, thì làm gì có những chuyện đó. Bẳng chứng là Lễ Giáng Sinh đã trở nên lễ hội chung của thế giới không phân biệt tôn giáo, và năm nào cũng vậy, dân chúng nô nức đón mừng Chúa Giáng Sinh bằng những hang đá hoành tráng, đèn sao rực rỡ, lễ hội tưng bừng, tiệc tùng linh đình… Quả nhiên là thế, nhưng bên cạnh, đằng sau cái hào nhoáng ấy là gì? Cũng hàng loạt sinh mạng chết từ trong trứng nước (nạo phá thai, huỷ diệt trứng, tinh trùng), rồi cũng hàng loạt sinh mạng trưởng thành thuộc đủ mọi giai cấp nhưng đa số vẫn là thường dân thuộc giai cấp thấp cổ bé miệng, chết vì chiến tranh, vì khủng bố. Loài người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người, vậy thì những sinh mạng mang hình ảnh Thiên Chúa ấy bị giết hại thì phải chăng loài người cũng chẳng kém gì Hê-rô-đê thủa xưa lùng giết Đức Giê-su Thiên Chúa vậy.
Với quyền năng của Thiên Chúa thì sá gì một Hê-rô-đê, mà dù cho có đến cả triệu triệu Hê-rô-đê đi chăng nữa cũng chỉ là số không. Nhưng với thân phận con người mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy, thi chỉ cần một Hê-rô-đê thôi cũng đã khiến hàng loạt hài nhi bị giết, và Hài Nhi Giê-su phải trốn sang Ai Cập. Cứ nghĩ đến bài Tin Mừng CN III/MV (“Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông : “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi ông : “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? ” Ông bảo họ “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.” – Lc 3, 10-14); rồi nhìn kỹ lại bản thân, nhiều khi tôi giật mình, sợ đến toát mô hôi, vì thấy mình cũng – một cách nào đó – giống như Hê-rô-đê.
Thật đấy, đã chẳng hơn một lần trong vai trò người thu thuế tôi đã gian lận, đã đòi hỏi quá mức ấn định cho mình, để rồi dùng số thặng dư đó vào những canh bạc đỏ đen; cũng đã hơn một lần trong vai trò thủ quỹ, tôi đã thụt két, đã biển thủ để có dịp lao vào đề đóm, cá độ bóng đá; cũng đã hơn một lần trong vai trò người lính, tôi đã mượn những chiêu bài bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự để hà hiếp, khảo của, tống tiền người khác… Rồi biết bao nhiêu lần tôi không chỉ có 2 áo, mà là đùm đề áo đơn áo kép, mô đen nọ, kiểu dáng kía, nhưng tôi đã ngoảnh mặt đi khi thấy có người anh em co ro da bọc xương chìa tay xin, cũng không biết bao nhiêu lần tôi đã làm ngơ trước những người anh em bệnh hoạn, tật nguyền, tù tội, hoặc cùng lắm là kiếm vài hộp sữa, vài gói mì tôm… rình rang ném cho họ với một thái độ dửng dưng chai đá đến lạ lùng. Nhiều, nhiều lắm, nhiều quá lắm! Và như vậy thì tôi đâu thua kém gì Hê-rô-đê!
Trong một gia đình đông con, mỗi người con là một cá tính, không ai giống ai. Có người con hiền lành thì cũng có người con hung dữ, có người con ngoan ngoãn cũng có người con ngỗ nghịch. Đó là lý do giải thích những mối bất hoà trong gia đình, nhẹ thì chỉ là lục đục cãi nhau, nhưng nặng thì có thể đi đến cảnh gia đình tan vỡ, ly tán. Ở một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội cùng chung một núm ruột, một dòng máu, mà còn như vậy, huống chi ở cả tổng thể xã hội loài người. Trời đất giao hoà, Trời luôn luôn muốn giao hoà với Đất, nhưng chẳng hiểu Đất có thật sự muốn giao hoà với Trời? Ấy là chưa nói đến trong nội bộ bản thân của Đất, các chi thể, các tế bào có thật sự giao hoà với nhau hay không. Cho nên vẫn cần lắm, rất cần một vị Cứu Tinh. Và chính cái đêm vị Cứu Tinh ấy đến, cái “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng” ấy đã làm cho “Đất với Trời se chữ đồng”. Không vui mừng, không tưng bừng sao được khi biết chắc chỉ có một Con Người ấy mới có đủ quyền năng, uy lực làm cho con người (Đất) giao hoà với Trời, làm cho “Đất với Trời se chữ đồng” được mà thôi !
Nơi phần cuối Thông điệp Giáng Sinh “Urbi et Orbi” – 2013, ĐTC Phan-xi-cô kêu gọi: “Anh chị em thân mến, hôm nay, trong thế giới này, trong nhân loại này, Đấng Cứu Thế, là Đức Chúa Kitô, được sinh ra. Chúng ta hãy tạm dừng trước Hài Nhi của Bethlehem. Chúng ta hãy để cho quả tim của mình được chạm đến, chúng ta hãy để cho mình được sưởi ấm bởi sự dịu dàng của Thiên Chúa, chúng ta cần sự âu yếm của Ngài. Thiên Chúa đầy tình thương: Chúc tụng và vinh danh Ngài muôn đời! Thiên Chúa là sự bình an: chúng ta hãy cầu xin Ngài giúp chúng ta trở nên những người xây dựng hòa bình mỗi ngày, trong cuộc đời chúng ta, trong gia đình chúng ta, ở các thành phố và quốc gia chúng ta và trên toàn thế giới. Chúng ta hãy để cho mình được đánh động bởi lòng nhân lành của Thiên Chúa.”
Lời dạy của Đức Thánh Cha cho thấy Hội Thánh không ngừng hoạt động cho hạnh phúc nhân loại trên mọi lãnh vực và cấp độ, dù phải đổ máu. Chẳng hạn, Giáo Hội không ngừng tranh đấu cho quyền sống của những trẻ sơ sinh, người nghèo, người bị áp bức, cho hòa bình thế giới. Biết bao nhiêu Ki-tô hữu đang âm thầm hi sinh cho các người đau khổ trong các trại cùi, cô nhi viện, các xóm nghèo lao động v.v… Cùng nhập thể với Đức Giê-su, người Ki-tô hữu hãy làm cho tha nhân “thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9, 1) là Đức Ki-tô, để “đem ơn cứu độ đến cho mọi người.” (Tt 2, 11) “Vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta xuất hiện vinh quang.” (Tt 2, 13).
Cũng trong tâm tình đó, Đức TGM Saigon viết trong Thư Mục tử Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh 2014 (số 10-11): “Sau mùa Vọng, chúng ta sẽ hân hoan bước vào Lễ Giáng Sinh, một Đại Lễ không những cho Giáo hội Công giáo, mà cho mọi Kitô hữu trên thế giới. Chúng ta vui mừng vì Chúa đến với chúng ta, Chúa sinh ra làm người ở giữa nhân loại, và sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúng ta sẽ tiếp nối “nền văn hóa gặp gỡ” mà Chúa đã mở ra cho chúng ta, hướng về ngày mọi người gặp gỡ nhau trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa. Chúng ta sẽ noi gương Chúa, đến với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, đến ở giữa họ, ở cùng họ, chia vui sẻ buồn với họ. Đem ánh sáng Tình thương của Thiên Chúa đến cho mọi người, đem “tin yêu”, đem “niềm vui của Tin mừng” đến cho mọi người. Chúa Giáng Sinh là nguồn vui của chúng ta. Những thứ vui chơi khác chỉ là phụ thuộc, không được che lấp Ánh Sáng linh thiêng của đêm Noel, niềm vui thiêng thánh mà Chúa mang tới.”
Xin hiệp dâng lời khẩn nguyện: Lạy Chúa! Năm xưa, Chúa đã chọn cái máng cỏ thấp hèn để đến với loài người tội lỗi, để giải thoát, để cứu độ chúng con. Cái máng cỏ tâm hồn của chúng con hôm nay sao thấy toàn một thứ cỏ lùng, nhưng chúng con vững tin rằng Chúa vẫn sẵn sàng đến với chúng con, bởi Chúa hằng mời gọi “hãy dâng tất cả sự yếu đuối và tội lỗi của con cho Ta”; ngoại trừ trường hợp chúng con cứ nhất định khép chặt tâm hồn, không chịu mở ra với Chúa. Vâng, chúng con nguyện dâng Chúa tất cả cuộc đời, cúi xin Chúa chuẩn nhận và tha thứ hết mọi lỗi lầm, để cung lòng chúng con được “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2Pr 3, 14) như máng cỏ Bê-lem thủa xưa được vinh dự mừng đón Chúa giáng trần. Xin cho chúng con được cùng với các mục đồng dưới thế hoà ca cùng thần thánh trên cõi trời cao, mà tung hô rằng:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Lam Thy ĐVD.
Chúa Giêsu là Vầng Đông toả sáng
(Suy niệm Lễ Giáng Sinh)
Nhà văn Hans Christian Andersen, người Đan-mạch, có sáng tác một câu chuyện nổi tiếng khắp thế giới mang tựa đề “Cô gái bán diêm”.
Tôi xin lược thuật lại chuyện đó như sau:
Hôm ấy là buổi chiều rét buốt cuối năm. Tuyết không ngừng rơi và đêm đang xuống dần. Một bé gái bán diêm, đôi chân bầm tím vì lạnh, co ro lê bước giữa phố phường giá rét. Suốt ngày qua, em chẳng bán được hộp quẹt nào và cũng chẳng có ai bố thí cho em xu nào.
Em muốn rảo bước về nhà để tránh cơn lạnh cắt da, nhưng nếu chưa bán được hộp diêm nào, chưa được ai thí cho đồng nào mà lê gót về nhà thì sẽ bị mẹ mắng nhiếc thậm tệ và bị ba đánh đập tàn nhẫn.
Em cảm thấy đói khát và mệt lả. Mùi thơm từ những con ngỗng quay toả ra từ tiệm ăn đầu phố làm cho cơn đói dằn vặt em nhiều hơn.
Càng về đêm, trời càng thêm lạnh. Tuyết vẫn rơi đều trên phố và phủ trắng mái tóc vàng óng của em. Đôi chân tê cứng vì lạnh không cho phép em bước xa hơn. Em ngồi xuống, thu mình vào một góc hẹp giữa hai căn phố. Người qua lại chẳng ai để ý đến đứa bé cùng khốn như em.
Khao khát lớn nhất của em bây giờ là được sưởi ấm, nhưng em không dám phí phạm những que diêm. Mất một que diêm có nghĩa là mất đi ít bánh rất cần thiết cho gia đình. Em không được phí phạm. Nhưng rét quá. Hai bàn tay gần như chết cóng rồi. Em chỉ ao ước được sưởi ấm bằng một que diêm thôi.
Một que diêm được bật lên. Ôi, giữa đêm tối rét buốt, ánh sáng que diêm nhỏ bé kia sao mà tuyệt vời đến thế ! Với trí tưởng tưởng mạnh của trẻ thơ, em nhìn ánh lửa que diêm mà hình dung ra một lò sưởi ấm áp. Em định đưa chân ra để sưởi cho đôi chân bớt cóng thì ngọn lửa đã biến đi và lò sưởi cũng biến theo.
Thôi, đánh bạo hy sinh thêm một que diêm nữa. Ánh sáng lại bùng lên. Ôi thích quá ! ấm áp quá ! Ánh lửa ấm áp gợi lên trong tâm trí em một phòng ăn ấm cúng, có khăn trải bàn trắng xóa, có bát đĩa bằng pha lê, và tuyệt vời hơn hết là trên bàn có một con ngỗng quay đang tỏa hương thơm phức. Suốt đời mình, chưa từng được thưởng thức một bữa ăn có thịt, nên giờ đây, đang lúc bụng đói cồn cào, em ao ước biết bao ! Thế nhưng ánh lửa diêm lại lụi tàn, phòng ăn biến mất, em lại trở về với thực tại đen tối, đói khát và rét buốt.
Thế rồi, em bị cám dỗ bật thêm que diêm thứ ba. Dưới ánh sáng của que diêm này, tuyệt vời thay, em thấy hình ảnh bà ngoại hiện về. Mừng quá, em gào lên: “Bà ơi, chờ cháu với, cho cháu đi theo bà!” Em sợ diêm tắt và hình ảnh của bà cũng tắt theo, nên em bật thêm que diêm thứ tư, thứ năm và rồi bật hết những que diêm còn lại, bởi vì em khao khát có bà ở lại với mình. Trong trí tưởng tượng phong phú của tuổi thơ, em thấy bà rất đẹp, rất hiền. Bà ôm lấy em và cả hai bà cháu cùng bay lên cõi Thiên đàng, đến nơi chẳng còn lạnh lẽo, chẳng còn đói khát, chẳng còn đau thương.
Qua sáng hôm sau, khi trời hừng sáng, người qua lại phát hiện em bé ngồi trên vỉa hè, đầu nghiêng một bên, trên môi còn nở nụ cười nhưng em đã chết cóng tự bao giờ.
Thân phận đứa bé bán diêm trong câu chuyện trên đây cũng là thân phận của nhân loại hôm nay. Nhiều người trên thế giới hiện nay vẫn đang còn chịu đựng những hình thức đói, rét hết sức thảm hại. Đó là tình trạng đói tình thương, khát hoà bình, rét vì thiếu hơi ấm của tình người và lòng thương xót.
Vì thế, nhân loại đang cần được sưởi ấm bởi một “lò sưởi tình thương”. Tuy nhiên, tình thương trên thế giới nầy chỉ lập lòe như một ngọn lửa diêm, bùng lên giây lát rồi tắt ngúm, không đủ sưởi ấm cõi lòng băng giá của bao người.
Nhân loại đang khát khao một lò sưởi ấm áp như em gái trong chuyện trên đây cần ánh lửa của một que diêm, để sưởi ấm cho đôi tay lạnh cóng của mình.
Phúc thay! Khát vọng của nhân loại đã được Thiên Chúa đáp ứng. Ngài rộng ban cho họ cả một Mặt Trời, cả một Vầng Đông rực rỡ để chiếu soi, để sưởi ấm, như lời Chúa trong Tin Mừng Luca:
“Thiên Chúa Ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông từ trời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và từ trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.” (Lc 1, 78-79)
Chúa Giê-su chính là Vừng Đông rực rỡ, là Ánh Thái Dương mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người.
Vầng đông đem lại cho loài người hai lợi ích lớn : Một là soi sáng, hai là sưởi ấm cho toàn thể địa cầu.
Chúa Giê-su là Vầng Đông soi sáng tâm hồn
Như ánh sáng của mặt trời xua tan đêm tối che phủ địa cầu để vạn vật được tỏ bày, thì ánh sáng của Đức Giê-su, tức là Tin Mừng của Ngài, sẽ xoá tan bóng tối bao phủ lòng người, giúp mọi người nhận ra Thiên Chúa là Cha của mình, nhận biết Đức Ki-tô là Đấng cứu độ, nhận ra Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, nhận ra mình có một quê thật trên trời.
Chúa Giê-su Vầng Đông sưởi ấm địa cầu
Như ánh sáng của mặt trời sưởi ấm quả địa cầu này, giúp cho nó khỏi bị chết đông vì băng giá, thì Tin Mừng và quy luật yêu thương của Đức Ki-tô cũng làm cho mọi người biết nhận ra nhau là anh chị em một nhà, biết sống yêu thương đùm bọc nhau, nhờ đó, nhân loại được ấm lên bởi tình yêu thương huynh đệ.
Lạy Chúa Giê-su,
Trong đêm thánh nầy, đêm tưởng niệm biến cố Chúa là Vầng Đông từ trời đến chiếu soi tâm hồn nhân loại, chúng con cầu xin cho tất cả mọi người biết mở lòng đón nhận ánh sáng của Chúa, để ai nấy đều nhận ra một sự thật tuyệt vời, đó là Thiên Chúa là Cha thật của mình, nhận ra mỗi người chung quanh đều là anh em con cùng một Cha; nhờ đó, mọi người đều yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà; nhờ đó, tất cả đều được sưởi ấm bằng tình yêu thương; tất cả đều được no đầy hạnh phúc vì được làm con của Cha trên trời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Không có nhận xét nào: