Thông Tin Bên Lề

Nhạc xuân

Tháng Thánh Giuse

HÃY KẾT BẠN VỚI

Ảnh

Liên kết web

VIDEO GIÁO XỨ

CHA QUẢN XỨ

HÃY NHANH TAY

1
GIÁO XỨ LÀNG RÀO

Magazine

Smoke

Natural

Feature

Video News

Sơ Cristina Scuccia, 25 tuổi, thành viên của Dòng các chị em Ursuline Thánh Gia, đã xuất hiện trên sân khấu của chương trình The Voice tại Ý. Giọng ca của sơ Cristina đã làm 4 vị giám khảo của chương trình The Voice nhanh chóng bấm nút quay lại và họ thật sự ngỡ ngàng khi thấy trang phục của thí sinh đặc biệt này.


Thông thường các vị giám khảo sẽ quay lưng không nhìn thí sinh và chỉ quay lại khi bị chinh phục bởi giọng ca của thí sinh.

Khi các giám khảo quay lại nhìn sơ Cristina, họ đã không tin vào mắt mình khi thấy một nữ tu trẻ đang hát “No One”, bài hát ruột của Alicia Keys.
Là một người gốc Sicily, sơ Cristina đã đến tham dự buổi biểu diễn cùng với 4 sơ trong cộng đoàn và bố mẹ của mình.

Bốn vị giám khảo là những ca sĩ nổi tiếng của Ý, đó là Raffaella Carra, J-Ax, Noemi, và Piero Pelu.


Sau khi nghe sơ Cristina hát, Carra đã nỏi sơ rằng sơ có thật là một nữ tu không và tại sao sơ chọn tham gia cuộc thi này.

“Vâng, tôi đích thực là một nữ tu,” sơ Cristina trả lời.

“Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng.”

Theo luật chơi, khi một thí sinh nhận được sự ủng hộ của ban giám khảo, người đó sẽ có quyền chọn tham gia đội của một vị giám khảo bất kỳ.

Sơ Cristina đã chọn J-Ax “bởi vì tôi đã tự hứa rằng khi các giám khảo quay lại, tôi sẽ chọn người đầu tiên.”

J-Ax đã thật sự xúc động khi nhìn thấy sơ Cristina. Anh nói rằng anh cảm thấy rất vui vì được thí sinh nổi tiếng nhất trong chương trình hôm nay chọn.

Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, đã viết một tin nhắn bình luận về việc sơ Cristina chia sẻ tài năng của mình với công chúng Italia trên twinter của ngài hôm thứ năm rằng: “Mỗi người trong anh em phải dùng ơn Chúa ban cho mình để phục vụ kẻ khác (1Pr 4,10)”

Chỉnh Trần, S.J.

(Nguồn: Catholic News Agency / dongten.net)

Theo tin Zenit ngày 20 tháng Ba, tạp chí Fortune, một tạp chí kinh doanh hoàn cầu, vừa bầu Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới trong một thế giới “đói khát lãnh đạo”.

Danh sách 50 người đàn ông và đàn bà mà “một số nổi danh, một số ít ai biết đến” đã được bình chọn vì đã “năng lực hóa các người theo chân mình và làm cho thế giới tốt đẹp hơn”.

Từ ngày được bầu, “Đức Phanxicô đã như lên điện cho Giáo Hội và lôi cuốn rất nhiều người ái mộ không Công Giáo bằng cách cương quyết đưa ra một định hướng mới”.

Tờ Fortune ghi nhận rằng Đức Phanxicô “gần đây đã yêu cầu thế giới ngưng coi ngài như một siêu sao nhạc rock” nhưng viết thêm: “Ngài biết rõ dù là người cách mạng, hành động của ngài từ trước tới nay phần lớn phản ảnh một giọng điệu và ý hướng mới. Công trình khó khăn nhất của ngài vẫn còn ở trước mặt”.

Tạp chí này cho rằng “dấu chỉ của ‘hiệu quả Phanxicô’ thì khá nhiều” và đang khiến người ta chú ý tới cuộc thăm dò vào tháng Ba này trong đó một trong bốn người Công Giáo cho hay: trong năm nay, họ đã gia tăng việc hiến tặng bác ái cho người nghèo. “Trong số những người Công Giáo này, hết 77% cho rằng việc đó một phần do Đức Giáo Hoàng (thúc đẩy)”.

Những người khác có tên trên danh sách này là Nữ Thủ Tướng Đức Angelo Merkel, nhà kinh doanh Warren Buffett, và nhà tranh đấu dân quyền Miến Điện Aung San Suu Kyi.

Từ ngày được bầu tới nay, Đức Phanxicô đã được báo Time bầu là Người Trong Năm, và xuất hiện trên trang bìa tạp chí Rolling Stone. Tạp chí Fortune do Time Inc. xuất bản và được thành lập từ năm 1930.

Eun Kyung Kim thì cho hay: trong danh sách các nhà lãnh đạo hàng đầu của thế giới năm nay không có tên Obama. Tờ Fortune nhận định như sau: “Tổng Thống Obama đã không bị loại ra khỏi danh sách 50 Nhà Lãnh Đạo Vĩ Đại Nhất của Fortune. Ông chỉ không có tên trong danh sách năm nay gồm 50 cá nhân xuất chúng đã chứng tỏ một tài lãnh đạo hiếm có, tài lãnh đạo trong nhiều lãnh vực hay đã chứng tỏ một lịch sử lãnh đạo lâu dài”. Nhà Trắng không bình luận về việc này dù được yêu cầu.

Tuy nhiên, cựu tổng thống Bill Clinton thì có. Ông này được bình chọn vì đã là “nhà vận động không ngừng và đầy nghị lực” cho nhiều chính nghĩa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô được xếp thứ nhất trong số các nhà lãnh đạo thế giới do việc thái độ của ngài đã kéo nhiều chú ý và ca tụng chỉ trong vòng một năm hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào của ngài trong nhiều thập niên.

Đức Phanxicô, người vừa mừng năm đầu tiên làm giáo hoàng, đã giúp thông quang tai tiếng về tiền bạc từng ám ảnh Ngân Hàng Vatican và đang bắt đầu giải quyết tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em. Ngài cũng đã “đưa ra giọng điệu hết sức mới mẻ nhờ tấm gương sáng sống khiêm tốn và bao gồm mọi người, đó là điều một nhà lãnh đạo vĩ đại quen làm”. Tờ tạp chí nhận định như vậy.

Fortune cho hay thật khó cho tờ tạp chí khi hạn chế danh sách vào 50 “người đàn ông và đàn bà, trẻ và già, đang lãnh đạo đường lối người ta muốn được dẫn dắt. Khao khát được dẫn dắt”.

Các nhà lãnh đạo trên danh sách bao gồm từ các nhà lãnh đạo đại công ty như Gail Kelly, tổng giám đốc điều hành một trong các ngân hàng lớn nhất nước Úc, Westpac, tới những người có sức làm người khác hứng khởi như cô gái 16 tuổi người Pakistan, Malala Yousafzai, người từng bị Taliban bắn vào đầu vì dám tranh đấu cho phụ nữ có quyền được học hành.

Tờ tạp chí cho hay: “Chúng tôi phân biệt các nhà lãnh đạo với những người được ái mộ và nhiều uy quyền nhưng không biến đổi được ai. Chỉ đơn giản điều hành một tổ chức lớn hay phục vụ trong một vai trò gây ảnh hưởng không đủ tiêu chuẩn được liệt kê trên danh sách này”.

Các ứng viên phải là những người còn đang hoạt động, nên các vị đã hưu trí hay vừa qua đời như Nelson Mandela không được xem sét.

Vũ Văn An

(Nguồn: Vietcatholic)

Người phụ nữ Samari hẳn muốn nhờ Chúa Giêsu đứng ra làm trọng tài giải quyết vì nàng nhìn nhận Ngài là người của Thiên Chúa, đã biết được những chuyện thầm kín của đời nàng. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã nhân dịp này, mạc khải cho nàng biết phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý, bằng cách nhận biết Thiên Chúa là Cha. Chính sự thờ phượng Thiên Chúa là Cha và việc đặt mình vào trong mối quan hệ cha con với Thiên Chúa mới là việc thờ phượng mà Thiên Chúa hằng mong mỏi.

Còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta đã thực sự yêu mến Chúa bằng tất cả trái tim và tâm hồn của mình, hay chúng ta đang còn mải mê chạy theo những nghi thức và những biểu dương bên ngoài?




CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, NĂM A
Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42
-----------------
 1. Thiên Chúa ở đâu?
Phải thờ phượng Thiên Chúa ở Sichem hay ở Giêrusalem?
Chúa Giêsu đã đưa ra một lời giải đáp. Ngài khẳng định rằng Thiên Chúa không bao giờ bị khoanh vùng, Ngài cũng không bao giờ là Chúa riêng của một người hay một dân tộc nào, bởi vì Ngài là Cha chung của mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Không một người nào, không một dân tộc nào và không một tôn giáo nào được độc quyền chiếm giữ Ngài cho riêng mình, hay nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ hiện diện trên đất nước của mình hay trong đền thờ của mình.
Không. Chúa Giêsu đã khẳng định với người thiếu phụ Samaria: Đã đến giờ ác ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem, nhưng sẽ thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.
Thiên Chúa là thần khí, mà thần khí thì vô hình nên ở đâu cũng có. Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi: Trời là ngai toà của Ngài còn đất là bệ chân của Ngài. Ngài không cần nhà để ở và hơn nữa, không một nơi nào dù nguy nga tráng lệ đến đâu chăng nữa xứng đáng với Ngài. Trái lại Ngài có thể hiện diện ở bất kỳ nơi nào, nhất là qua mầu nhiệm nhập thể, Ngài có thể hiện diện trong chuồng bò tại Bêlem, tạm trú bên Ai Cập, vất vả tại xưởng thợ Nadarét, để rồi sau đó rảo bước khắp nơi trên mọi nẻo đường Palestine, đến với mọi người Do Thái, Hy Lạp, cũng như Rôma. Kẻ có đạo cũng như người ngoại đạo, người đạo đức cũng như kẻ tội lỗi.
Thiên Chúa là thần khí nên Ngài tự do tuyệt đối, không ai có thể giam hãm Ngài được. Thánh Phaolô khi đến Athen, đã gián tiếp nói cho dân Hy Lạp biết rằng họ cũng thờ phượng một Thiên Chúa như thánh nhân, tuy họ không biết Thiên Chúa ấy là Đấng nào và thánh nhân còn nhìn nhận rằng họ cũng thuộc dòng giống của Thiên Chúa, bởi vì chính nhờ nơi Thiên Chúa mà tất cả chúng ta được sống và hiện diện.
Một khi đã xác tín Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, chúng ta không được nhân danh Ngài mà gây chia rẽ và hận thù, trái lại phải nhân danh Ngài mà yêu thương đoàn kết với nhau. Thực vậy đối với Chúa Giêsu thì cách thế diễn tả lòng kính mến Thiên Chúa một cách sâu xa và trọn vẹn nhất, đó là yêu thương anh em của mình. Cách thế phụng thờ Thiên Chúa đúng theo ý Ngài muốn, đó chính là phục vụ anh em. Bởi vì yêu mến Chúa thì phải tuân giữ điều răn của Ngài, mà điều răn Ngài truyền dạy đó là chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.
Bởi vậy, không phải khi chúng ta xây dựng những ngôi thánh đường hay những gian cung thánh nguy nga tráng lệ là chúng ta có thể làm cho mọi người nhận ra chúng ta là những kẻ thờ phượng Thiên Chúa đích thực, nhất là khi chúng ta dùng những đồng tiền bất chính để xây dựng nhà thờ. Trái lại chỉ có tình yêu thương anh em bằng tinh thần phục vụ, nhất là đối với những người khổ đau và nghèo túng, mới là cách thế chứng minh rằng Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi, và nhất là ở những nơi nào con người biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

2. Bên bờ giếng Giacob
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta cùng nhau chia sẻ hai ý tưởng:
Ý tưởng thứ nhất đó là nước
Mỗi khi đi làm thuỷ lợi giữa đồng không mông quạnh với cái nắng như thiêu như đốt, chúng ta mới thấy quý những giọt nước hiếm hoi.
Dân Do Thái trong Cựu Ước cũng đã trải qua kinh nghiệm ấy. Khi băng qua sa mạc cát nóng để trở về miền đất Hứa, họ đã hiểu được nước gắn liền với sự sống của họ như thế nào. Đồng thời qua dòng nước vọt lên từ tảng đá Horeb dưới cây gậy của Maisen, Chúa đã chứng tỏ Ngài là Đấng đem lại sự sống cho họ.
Với Chúa Giêsu thì khác, từ thứ nước bình thường dưới lòng giếng, Ngài đã giới thiệu với người phụ nữ Samaria một thứ nước đem lại sự sống vĩnh cửu. Thực vậy, đã từ lâu người Do Thái và người Samaria coi nhau như những kẻ thù truyền kiếp. Dưới mắt dân Do Thái thì người Samaria bị coi như một thứ ngoại đạo và uế tạp cần phải xa tránh, thế mà qua đoạn Tin Mừng vừa nghe Chúa Giêsu đã vượt qua ranh giới thù hận như một dòng nước tràn bờ đem lại sự xanh tươi cho những mảnh đất khô cằn. Ngài đã xin người phụ nữ Samaria chút nước uống. Hành động của Ngài đã gây nên sửng sốt và từ sự sửng sốt ấy, Ngài đã làm trổi dậy một sự sống mới.
Chúa Giêsu đã chứng tỏ sứ mạng của mình là được sai đến với những con chiên lạc. Cuộc đối thoại của Chúa Giêsu đã giúp người phụ nữ nhận ra tình trạng bất chính của mình, để rồi cuối cùng nàng đã xác tín Ngài chính là Đấng cứu thế. Chúa Giêsu đã khởi đầu bằng cách xin nàng cho Người uống nước, nhưng rồi cuối cùng chính nàng lại là người được lãnh nhận nước ban sự sống.
Ý tưởng thứ hai đó là nơi thờ phượng Chúa.
Người Samaria có đền thờ của mình tại núi Sichem. Trong khi đó người Do Thái lại khẳng định đền thờ của họ tại Giêrusalem mới là nơi thờ phượng Thiên Chúa đích thật, bởi vì đó mới chính là nơi Thiên Chúa ngự trị giữa dân Ngài. Vậy ai đúng. Người Samaria hay người Do Thái? Cuộc tranh luận có lẽ đã kéo dài nhiều tháng và nhiều năm, nhưng vẫn không có kết luận. Họ không phải chỉ tranh luận suông, mà hơn thế nữa, người Do Thái còn khích bác dân Samaria là đã theo đuổi một thứ tôn giáo lai căng. Còn người Samaria thì có lần đã chơi khăm bằng cách rắc xương người chết vào nơi thờ kính của dân Do Thái, để làm cho nơi đó ra uế tạp, không còn thích hợp cho công việc tế tự.
Người phụ nữ Samari hẳn muốn nhờ Chúa Giêsu đứng ra làm trọng tài giải quyết vì nàng nhìn nhận Ngài là người của Thiên Chúa, đã biết được những chuyện thầm kín của đời nàng. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã nhân dịp này, mạc khải cho nàng biết phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý, bằng cách nhận biết Thiên Chúa là Cha. Chính sự thờ phượng Thiên Chúa là Cha và việc đặt mình vào trong mối quan hệ cha con với Thiên Chúa mới là việc thờ phượng mà Thiên Chúa hằng mong mỏi.
Còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta đã thực sự yêu mến Chúa bằng tất cả trái tim và tâm hồn của mình, hay chúng ta đang còn mải mê chạy theo những nghi thức và những biểu dương bên ngoài? 

3. Chỉ có Chúa mới lấp đầy được trái tim khao khát của con người.
(Trích từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Có đi cả ngày trời trong sa mạc khô cháy, trên đầu là nắng lửa, dưới chân là cát nung như đoàn dân Do-Thái ngày xưa trong hoang địa mới cảm nhận được cái khát hành hạ người ta như thế nào và nhu cầu được uống cho đã cơn khát mới bức xúc làm sao. Thế nên khi bị cơn khát dày vò, họ đổ lỗi cho Mô-sê đã đưa họ vào nơi hoang địa khô cháy và đòi đem vị lãnh tụ nầy ra mà ném đá.(Bài đọc I, sách Xuất Hành 17, 3-7)
Thế nhưng ngoài cơn khát tự nhiên là khát nước, con người luôn có những khao khát mà không có gì trên thế gian có thể làm cho họ được no thoả. Người ta gọi đây là khát vọng vô biên. Đây là cơn khát về mặt tâm linh nên chẳng có thứ nước nào trên đời có thể làm dịu bớt.
Người phụ nữ xứ Samari trong Tin Mừng hôm nay (Ga 4,4-42) cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng rồi nhưng lại phải chia tay để tìm hạnh phúc với người thứ sáu; mà cũng chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi múc nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu khẳng định với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại”. Ngài muốn nói không gì trên đời có thể đáp ứng khát vọng của con người.
Triết gia người Đức, ông Schopennauer khám phá: “những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói.”
Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao – thoả mãn, thoả mãn – khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”… lại càng ngày càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì sự ngọn lửa khao khát trong lòng mình.
* * *
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho người phụ nữ Samari cũng như cho chúng ta một Nguồn Suối mang lại hạnh phúc: “Ai uống nước nầy sẽ lại khát, còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4,13-14)
* * *
Augustinô là người mải mê tìm kiếm lạc thú trần gian suốt nhiều năm trường nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy trái tim khao khát của ngài, mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mônica, Augustinô mới tìm được Thiên Chúa là Đấng đem lại cho ngài niềm hoan lạc vô biên. Bấy giờ lòng đầy hoan hỉ, Augustinô thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong tay Ngài”.
Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giêsu nói: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4,13-14)
* * *
Lạy Chúa Giêsu, chúng con sung sướng được đón nhận Chúa là Mạch Suối thiêng liêng làm tươi mát đời chúng con. Chúng con như những lùm cây trồng bên suối nước. Chúng con được xanh tốt là nhờ giáo huấn của Chúa đem lại sức sống thiêng liêng cho chúng con. Chúng con thật sự hạnh phúc vì có Chúa ở cùng. Chúng con cảm thấy bình an và hoan lạc vì Chúa đã lấp đầy trái tim khao khát của chúng con.
Nhưng chúng con biết rằng còn rất nhiều người đang khát Chúa mà vẫn chưa tìm thấy Chúa. Xin thương đến với họ như xưa Chúa đã đến với người phụ nữ Samari.
Xin cho chúng con, như người phụ nữ Samari xưa, sau khi nhận được Mạch Suối Chúa ban, thì cũng giới thiệu cho cả thành ra gặp Chúa, để họ cũng được no thoả nơi Chúa là Mạch Suối mang lại sự sống đời đời. Amen.  

4. Cơn khát đam mê – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Người ta kể rằng: có một người thợ đào vàng chết và lên thiên đàng. Ngay ở cổng thiên đàng, thánh Phê rô hỏi:
- Ở trần gian con làm nghề gì?
- Anh ta thưa: Con làm nghề đào vàng.
- Thánh Phê rô nói: Trên thiên đàng đã có quá nhiều thợ đào vàng rồi.
- Anh ta đáp: Thưa ngài, xin cứ cho con vô, để con cai trị bọn nó, kẻo chúng tham lam mà gây náo loạn thiên cung, làm sao dẹp loạn.
- Nhờ dẻo miệng anh ta cũng được thánh Phê rô cho vào thiên đàng. Anh ta đảo một vòng thiên đàng thì quả thật có rất nhiều tay thợ đào vàng đang ở thiên đàng. Anh ta liền rỉ tai rằng: ở hoả ngục vừa phát hiện ra một mỏ vàng mới. Các anh mau xuống đó mà đào. Thế là một thoáng qua đi, các tay đào vàng đã bỏ thiên đàng, vác cuốc, vác xẻng nhảy bổ xuống hoả ngục tìm vàng. Nhìn quanh nhìn quẩn chỉ còn lại một mình, anh cũng cảm thấy đứng ngồi không yên. Anh liền xin phép thánh Phê rô cho anh xuống tham quan một vòng hoả ngục xem sao. Thánh Phê rô mới bảo anh: đừng có mà ảo tưởng. Chẳng có mỏ vàng nào ở hoả ngục đâu! Chỉ có sự chết mà thôi! Nhưng anh ta nói: thưa ngài, chính con là người phao tin đồn đó, nhưng biết đâu ở đó lại có vàng thật thì sao? Vì bọn kia đã ra đi mãi mà chẳng thấy đứa nào quay trở lại. Chắc là có vàng thật! Nói xong, anh liền nhảy luôn xuống hoả ngục. Thế là cả đống, cả chùm ở dưới hoả ngục. Lòng tham của con người thật khôn cùng, sẵn sàng hy sinh cả hạnh phúc đời đời để thoả mãn cái khát vọng thấp hèn trần gian mau qua.
Có thể nói, đói khát vàng bạc, giầu sang chỉ là một trong muôn vàn cơn đói khát đang hành hạ và giết chết hàng vạn người. Có biết bao cơn khát của đam mê lầm lạc, của thú vui xác thịt, của tiền tài danh vọng đã đẩy bao người vào hố sâu của vực thẳm. Càng ngụp lặn trong vực thẳm, càng làm cho họ trở nên điên rồ đánh mất nhân cách, đánh mất tính người. Họ đã lầm. Vì tất cả những thứ đó không bao giờ làm thoả mãn cơn khát trong lòng họ. Vì được voi đòi tiên. Vì lòng tham vô đáy. Họ chỉ bắt được bóng chứ không bắt được mồi. Giếng sâu của lòng tham chỉ làm cho con người thất vọng, chán chường. Con người vẫn khao khát một điều gì đó vượt lên những ảo ảnh trần gian.
Người thiếu phụ bên bờ giếng Giacob hôm nay cũng thế. Mỗi ngày, chị phải ra giếng kín nước. Nhưng uống nước này là tự đầy đoạ mình. Dù chưa nhận ra, nhưng chị vẫn thao thức và bị dày vò vì một cơn khát nào đó mà những mối tình trần tục đã không giải khát nổi, đã không làm dịu đi sự thèm khát chút nào, càng đi sâu vào biển tình, chị càng thấy thiếu thốn.
Thánh Gioan đã nói “vì chị đã có 5 đời chồng”. Nói 5 đời chồng không có nghĩa là một mình thiếu phụ đã đi lập gia đình năm đời chồng liên tiếp. Nhưng có lẽ là 5 mối tình bất chính. Và cả người thứ sáu cũng không thực sự là chồng. Như vậy, chị đã quan hệ bất chính một lúc với sáu người đàn ông nhưng không ai thực sự là chồng của chị. Chị là một phụ nữ trắc nết, bị xóm ngõ khinh miệt, loại trừ, chị phải đi kín nước vào giữa trưa hè nắng thay vì ban sáng hay chiều hôm như bao phụ nữ khác. Chị đi vào giờ này là để tránh gặp hàng xóm láng giềng. Nhưng không ngờ chị lại gặp Chúa Giê su. Lần gặp này đã thay đổi vận mạng cuộc đời của chị. Chúa Giê su đã mở lối thoát cho chị thật nhẹ nhàng, khi Chúa nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị cho tôi xin nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống. Ai uống nước này sẽ không còn khát nữa”.
Chúa Giê su đã dẫn dắt chị đi từ ý niệm cụ thể vật chất đến siêu nhiên. Từ việc chính Chúa khát nước giữa trưa hè nắng đổ lửa đến một sự khát bỏng của tâm hồn khô cạn ơn thánh. Người thiếu phụ này hằng khao khát hạnh phúc và chị đã tìm sự thoả mãn trong lạc thú với nhiều người đàn ông một lúc, thế nhưng vẫn không thoả mãn cơn khát trong lòng chị.
Cuộc đời của thiếu phụ này là một thất bại dài đầy nghiệt ngã thất vọng. Cho đến khi gặp được Đấng Ky tô, chị ta mới nhận ra. “Còn ai uống nước tôi ban sẽ không bao giờ khát nữa”. Nước Chúa ban là nước trường sinh. Nước này không có cặn bã của tham lam bất chính, của dục vọng đen tối, của đam mê lầm lạc. Nguồn nước ân thánh tinh khiết có khả năng chữa lành các thương tích của tâm hồn và làm hồi sinh những tâm hồn đang chết trong đam mê tội lỗi. Người ta nói trong thất bại thường có sự may mắn. Chị là người may mắn đầu tiên được lãnh nhận nguồn nước ân thánh đó. Thế là tâm hồn chị được tha thứ, được rửa sạch và đã khát, chị chẳng cần đến giếng Giacob và nước nữa, chị thoăn thoắt chạy vào thành báo tin cho dân làng biết có thứ nước hằng sống, nước trường sinh mà mọi người đang khao khát, đó là Đấng Ky tô là Thiên Chúa cứu độ, là Đấng Messia họ đang mong đợi. Vì chính Đấng ấy đã nói với chị: “Chính tôi là Đấng đang nói với chị đây”.
Hôm nay Chúa viếng thăm người thiếu phụ Samaria và bà đã được tỉnh ngộ. Bà đã làm lại cuộc đời. Hằng ngày Chúa cũng đến thăm chúng ta qua thánh lễ, qua Lời Chúa và các bí tích, nhưng liệu chúng ta đã tìm được nguồn suối ân sủng của Ngài hay ta vẫn còn loay hoay ngụp lặn trong những ảo ảnh trần gian?
Mùa chay mời gọi chúng ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống của mình: tôi đang khao khát những gì? Tôi đã tim được chúng chưa? Tôi thường tìm thoả mãn về những điều gì? Điều đó có giúp ta nên thánh hay đang huỷ hoại mình trong những cơn đói khát bất chính?
Lời Chúa vẫn mời gọi chúng ta: “ai uống nước này sẽ không còn khát nữa”, chúng ta có tin và sống như thế hay không? Hay chúng ta vẫn đói khát của cải danh vọng, quyền thế để khi không được, chúng ta lại trách Chúa như dân Do Thái hồi ở Masa trong sa mạc năm xưa? 

5. Giòng nước hằng sống – Cố Lm. Hồng Phúc
Dưới ngòi bút linh động của Gioan, bài Phúc Âm hôm nay mô tả cuộc gặp gỡ của Chúa bên bờ giếng Giacóp với thiếu phụ Samaria. “Khi ấy, Ngài tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria… ở đó có giếng của Giacóp, Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghĩ trên miệng giếng” giữa trưa hè. Chắc là Chúa ngồi sát mặt đất, lưng tựa vào bờ thành giếng. Ngài ngồi đó mệt mỏi, sau một khoảng đường dài qua xứ Samaria.
Ngài ngồi đó để chờ đợi. Ngài biết muốn gặp gỡ đàn ông thì ra phố chợ, muốn gặp gỡ đàn bà thì ra bờ giếng. Ngài ngồi đó để đón chờ chúng ta, vừa mệt vừa đói. Trời đã về trưa, nắng, nóng. Ngài ngồi đó để chờ một người đàn bà mà cuộc đời có nhiều sóng gió, đang ỏn ẻn đầu đội vò, tay xách gầu đi ra.
Cuộc gặp gỡ tương tợ như những lần gặp gỡ do Thánh Kinh kể lại giữa Giacóp và Rachel (Stk 29), giữa Moisê và các con gái của Rơuel-Yêthrô (Xh 2. 15-22) bên một suối nước. Chúa nói: “Xin bà cho tôi uống nước”. Ngài khát. Nhưng khát gì?
Lời nói của Chúa hàm chỉ hai ý nghĩa. Ngài khát sau những giờ cuốc bộ dưới nắng hè, nhưng Ngài khát khao cứu các linh hồn đang cần một thứ nước thiêng liêng cao trọng hơn.
Cuộc đối thoại giữa Chúa và người đàn bà kênh kiệu bắt đầu. Từ bối cảnh một giếng nước sâu đến thảm trạng một tâm hồn ngụp lặn trong tội lỗi, Chúa Giêsu đã khơi lên một giếng nước hằng sống “mà ai uống thì không bao giờ còn khát nữa”.
Mỗi ngày, thiếu phụ Samaria phải ra giếng kín nước. Nhưng càng uống lại càng khát cũng như càng đi sâu vào biển tình càng thấy thiếu thốn. Đời của bà là một chuỗi thất bại. Chúa đưa bà đến chỗ phải thú nhận. Tuy nhiên bà vẫn còn tin cậy và tìm kiếm, vẫn mong chờ Đấng Messia đến, “Ngài sẽ loan báo hết mọi sự”.
Và giòng nước đã vọt lên: “Hỡi bà, Đấng ấy chính là Ta, Người đang nói với bà đây”. Thiếu phụ đã cầu được ước thấy, được rửa sạch. Giòng nước Ngài ban “trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.
Thiếu phụ Samaria không còn nghĩ đến giếng, đến vòi, vội chạy về thành báo tin cho mọi người biết để họ cùng nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Thế.
Gioan qua từng giai đoạn đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Chúa Giêsu. Ngài là một người tha hương mỏi mệt, một người Do thái bị khinh chê, một nhà tiên tri đọc được trong tâm hồn, là Đấng Messia đến để dạy cách thờ phượng trong tinh thần và chân lý, là Đấng Cứu chuộc của nhân loại. Đó là tóm lược bài Phúc Âm của Chúa ngày hôm nay.
Suy niệm bài Phúc Âm này, một số chị em ở Bỉ đã lập ra Tu hội “Eau Vive” (Nước Hằng Sống). Ngoài việc cầu nguyện trước Thánh Thể, chị em còn mở quán ăn phục vụ khách hàng. Các cô chiêu đãi là những cô thuộc nhiều quốc tịch mà câu châm ngôn là phục vụ Chúa Giêsu trong các thực khách. Mỗi buổi tối lúc 9 giờ, chị em có giờ cầu nguyện, chia sẻ Phúc Âm. Thực khách được mời tham dự, ai không tham gia thì cứ tự nhiên. Thế rồi các chị em cùng một số ít thực khách sắp ghế vòng quanh lại, bắt đầu cầu nguyện. Quán ăn đã trở nên Nhà Cầu Nguyện, vì có Chúa hiện diện như ngày xưa… bên bờ giếng Giacóp.  
Nhân dịp lễ kính Thánh Giuse bn trăm năm của Đức 
Trinh Nữ Maria, thứ tư ngày 19/03/2014, 
cộng đoàn GIÁO XỨ LÀNG RÀO chúng con
 xin chúc mừng bổn mạng Cha quản xứ 
 GIUSE PHẠM HOÀ.




Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của thánh Giuse ban cho Cha muôn ơn lành hồn xác, trí tuệ minh mẫn, tràn đầy ân sủng Thiên Chúa để dìu dắt hướng dẫn chúng con sống đạo và xây dựng giáo xứ.



Chúng con hằng luôn ghi nhớ công ơn Cha đã tận tụy hướng dẫn chỉ bảo chúng con sống Phúc Âm hàng ngày.


Ban quản trị Giaoxulangrao.net cũng xin được gửi tới quý ông, quý anh, quý hội đoàn và giáo họ đã nhận thánh Giuse làm bn mạng, lời chúc bình an và ân sủng của Thiên Chúa.
CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ LÀNG RÀO 
ĐỒNG KÍNH CHÚC. 



Trong bài ‘Tương lai bất ổn’ được đăng hôm 27/02 – ngay sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị quốc hội Ukraine truất phế – tờ Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mô tả làn sóng biểu tình dẫn đến việc ông Yanukovych bị lật đổ là ‘bạo lực’.
Bài viết còn cho rằng dùng ‘biểu tình bạo động để xóa sổ một chính phủ hợp pháp là phương án được phương Tây hậu thuẫn khi muốn thao túng chính trường các nước’ hậu cộng sản như Ukraine.



Hơn nữa, theo Nhân Dân các cuộc biểu tình như vậy – được tờ báo mô tả là những cuộc ‘cách mạng sắc màu’ –  ‘thường dẫn đến hậu quả là tranh giành quyền lực và lợi ích ngay trong nội bộ phe đối lập, đẩy đất nước lún sâu vào bất ổn chính trị’.
Nếu những nhận định trên là quan điểm chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam thì xem ra giới lãnh đạo Việt Nam có cái nhìn khá phiến diện về cuộc xung đột ở Ukraine và cũng không rút ra được kinh nghiệm bổ ích gì từ cuộc khủng hoảng này.
Lãnh đạo tham nhũng, độc tài
Không ai phủ nhận rằng ông Yanukovych là Tổng thống được bầu lên hợp pháp. Nhưng bất cứ ai – trong đó có chính bản thân ông – đều hiểu ông được người dân Ukraine bầu vào chức vụ ấy để lãnh đạo đất nước chứ không phải để tham ô, tham nhũng.
Chuyện ông Yanukovych là một người tham nhũng, bất tài và những người thân cận của ông trở nên giàu có nhanh chóng và bất thường trong thời gian ông tại vị nhiều người đã biết và giờ ai cũng rõ.
Chẳng hạn, theo tạp chí Forbes, với tài sản ước tính 510 triệu đôla Mỹ vào cuối năm 2013, con trai lớn của ông là Oleksandr đã trở thành một trong những người giàu nhất ở Ukraine.
Theo tân Thủ tướng Arseny Yatseniuk, trong những năm ông Yanukovych nắm quyền, ước tính công quỹ của Ukraine bị thất thoát đến 37 tỷ đôla.
Một bằng chứng của sự tham nhũng – và cũng là sự tham lam, ăn chơi – của ông Yanukovych là tòa biệt thự xa hoa được xây dựng trong khuôn viên 140 hecta ở ngoại ô thủ đô Kiev mà ông buộc rời bỏ để chạy trốn sang Nga.
Vì chỉ biết bòn rút tài sản của đất nước, người dân để làm giàu cho mình và người thân, ông đã khiến nền kinh tế Ukraine rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và có nguy cơ bị vỡ nợ, phá sản.
Cụ thể, như bài viết của tờ Nhân Dân chỉ ra, trong năm nay Ukraine phải trải trả 17,4 tỷ (đôla Mỹ) nợ nước ngoài và cần tới 35 tỷ để cải thiện nền kinh tế. Không ai khác chính ông Yanukovych đã khiến – hay ít ra chính sự tham nhũng và bất tài của ông đóng một vài trò quan trọng việc đưa đẩy – Ukraine vào tình cảnh ‘gà mắc tóc’ này.
Làm sao có thể để một người tham nhũng như thế tiếp tục lãnh đạo đất nước!
Cũng vì muốn che giấu cung cách lãnh đạo không minh bạch của mình, ông đã không muốn đáp ứng những đòi hỏi của người dân và quyết định theo Nga thay vì tiến gần với Liên minh châu Âu (EU). Điều này chứng tỏ ông coi trọng lợi ích của mình hơn quyền lợi của người dân, đất nước.
Việc ông từ chối đòi hỏi của người dân và sẵn sàng dùng vũ lực trấn áp biểu tình còn cho thấy ông là một lãnh đạo độc tài. Và chuyện ông cho an ninh bắn vào người biểu tình làm nhiều người thiệt mạng chứng minh ông là người ‘bạo lực’, chứ không phải người biểu tình như tờ Nhân Dân nhận định.
Chuyện một lãnh đạo cho dùng vũ lực trấn áp, giết hại người dân biểu tình chỉ diễn ra ở những quốc gia độc tài. Và trong mắt công luận khi một lãnh đạo cho bắn vào người dân biểu tình – dù có được bầu lên một cách dân chủ – người đó không còn tư cách, chính danh lãnh đạo.
Quả thực, nếu sự tham nhũng và bất tài của ông buộc người dân xuống đường biểu tình chống đối ông trong nhiều tháng thì những viên đạn bắn vào người biểu tình ấy là những viên đạn chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông.
Ngay sau khi ông cho nổ súng vào người biểu tình, thậm chí những người trong đảng của ông cũng không còn chấp nhận cách hành xử tàn ác của ông và đã quyết định bỏ rơi ông. Đối diện nguy cơ bị truất phế và có thể bị bắt giữ, ông đã bỏ Ukraine chạy trốn sang Nga.
Phát biểu tại đồng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) hôm 03/03, Đại sứ Nga ở LHQ Vitaly Churkin biện hộ rằng Nga đưa quân vào Crimea vì ông Yanukovych đã yêu cầu Nga can thiệp.
Dù có thực Nga cho quân vào Crimea, thuộc chủ quyền của Ukraine, chỉ vì ông Yanukovych gửi thư cho Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi Nga làm vậy, qua tiết lộ đó của Đại sứ Nga, cựu Tổng thống Ukraine có thể còn được coi là một kẻ phản quốc.
Nếu còn chút tự tôn dân tộc hay nếu biết coi trọng lãnh thổ quốc gia, không một lãnh đạo nào lại mời – hay ủng hộ chuyện – ngoại bang vào đóng chiếm đất nước mình dù bất cứ lý do hay mục đích gì.
Qua việc Nga cho quân đóng chiếm Crimea và có những động thái hung hăng khác đối với Ukraine sau khi ông Yanukovych – người được coi là một kẻ bù nhìn của Nga – bị quốc hội Ukraine phế truất, chính giới cầm quyền tại Nga chứ không phải lãnh đạo các nước phương Tây muốn thao túng chính trường nước này.
Cụ thể, trong những ngày qua người lên tiếng bảo vệ Ukraine và chống lại sự can thiệp, chiếm đóng của Nga ở Ukraine là Mỹ, Anh, Pháp và các nước phương Tây khác. Hơn nữa, có thể nói, trái ngược với các nước cựu cộng sản khác – những quốc gia đã gia nhập EU và NATO, như Balan – Ukraine cứ rơi vào bất ổn chính trị phần lớn chỉ vì chưa thoát được sự kìm kẹp, can thiệp của Nga.
Lướt qua như thế để thấy rằng người đưa đẩy Ukraine đến bền bờ nội chiến, phá sản và chiến tranh hiện nay là cựu Tổng thống Yanukovych – một người không chỉ tham nhũng, độc tài mà còn coi nhẹ chủ quyền quốc gia – và ‘quan thầy’ của ông tại Kremlin – những người dùng sức mạnh kinh tế, quân sự và bất chấp luật pháp quốc tế chèn ép, trấn áp nước nhỏ.
Để tránh ‘tương lai bất ổn’
Trường hợp của ông Yanukovych và cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn nói lên nhiều điều đáng suy nghĩ khác.
Cụ thể, những biến động gần đây ở Ukraine – hay tại Ai Cập, Libya hoặc Syria –  cho thấy tham nhũng, độc tài và bạo lực thường đi đối với nhau. Vì lợi ích của mình, các lãnh đạo và chế độ độc tài dám làm tất cả, thậm chí sẵn sàng đàn áp, giết hại những người chống đối mình.
Nhưng dùng bạo lực để giữ chức quyền có khi lại phản tác dụng. Thay vì giúp giữ chức quyền, vũ lực lại làm những nhà lãnh đạo, chế độ độc tài sớm sụp đổ.
Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine cũng là một ví dụ nữa chứng mình rằng những lãnh đạo, chế độ độc tài không chỉ kìm hãm sự phát triển của một quốc gia mà còn có thể đưa đẩy đất nước ấy vào khủng hoảng, xung đột.
Và thiết nghĩ để đất nước mình khỏi rơi vào một ‘tương lai bất ổn’ giống như Ukraine những lãnh đạo, các thể chế độc tài và tham nhũng khác thay vì cứ tiếp tục đường lối cũ nên tự mình thay đổi.
Tự diễn biến không chỉ tránh được những xung đột đẫm máu hay những chia rẽ, hận thù khác không đáng có mà tiến trình đó cũng dễ thành công hơn.
Những biến động tại một số nước Bắc Phi-Ả Rập hay tại Ukraine trong những năm qua và đặc biệt trong thời gian này cho thấy các căng thẳng, xung đột giữa những người biểu tình, phe đối lập và lãnh đạo, chế độ độc tài thường dẫn đến đổ máu. Hơn nữa, việc xây dựng một xã hội ổn định thời hậu ‘cách mạng’ không phải là một việc dễ dàng.
Trái lại, những thành công của tiến trình cải cách ở Myanmar chứng minh rằng đổi mới  – đặc biệt là cởi mở về chính trị – mà giới tướng lãnh tại đây khởi xướng không chỉ giúp quốc gia này tránh được xung đột, đổ máu mà còn làm cho tiến trình dân chủ hóa ở đó cũng diễn ra suôn sẻ.
Đây cũng là một trong ba lý do mà Lex Rieffel nêu lên trong một bài viết được đăng trên Brookings Institute – một viên nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, chính trị, chính sách đối ngoại đặt tại thủ đô Washington – để giải thích tại sao tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar dễ thành công hơn ở các nước Bắc Phi-Ả Rập.
Vì chủ động đối thoại với đối lập và sẵn sàng tiến hành những cởi mở chính trị, giới tướng lãnh tại Myanmar dễ dàng được những người dân, đối lập đón nhận, hợp tác. Theo Lex Rieffel việc những lãnh đạo đối lập tại Mynamar không hận thù giới tướng tá nắm quyền cũng là một yếu tố nữa làm cho tiến trình dân chủ hóa ở đây dễ thành công hơn.
Yếu tố khác làm tiến trình dân chủ hóa do những nhà lãnh đạo, chế độ độc tài tiến hành hiệu quả hơn những cuộc nổi dậy do người dân và đối lập khởi xướng là một tiến trình như thế không để lại một ‘lỗ trống quyền lực’. Như vậy – như chính bài viết của tờ Nhân Dân nhân định – sẽ tránh được những tranh giành quyền lực trong nội bộ đối lập và đất nước không ‘lún sâu vào bất ổn chính trị’.
Vì vậy, có thể nói, nếu thẳng thắn xem xét, đánh giá những biến động ở Ukraine, những lãnh đạo, thể chế độc đoán hay độc tài có thể rút ra được những bài học thiết thực, bổ ích để mình tránh được kết cục như ông Yanukovych và đất nước mình cũng không phải đối diện với những xung đột hiện tại và ‘tương lai bất ổn’ như Ukraine.
Đoàn Xuân Lộc
- See more at: http://lamhong.org/2014/03/12/ukraine-bat-on-chinh-tri-do-dau/#sthash.RLYKSe3C.dpuf
GPVO - "Chim có tổ, cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tiên". Chân lý ngàn đời ấy vọng lên trong tâm thức mỗi chúng ta một lời gọi mời về tinh thần đạo hiếu với các bậc tổ tiên, những thế hệ đã hy sinh cho chúng ta hôm nay. Sự trùng phùng hội ngộ giữa đạo hiếu vốn là cốt lõi tinh tuý của văn hoá Việt với Giáo lý Kitô giáo, đã dấy lên trong tâm thức người Công giáo Việt Nam một sự bén nhạy, đậm chất Tin mừng về đạo hiếu.


Ý nghĩa đó đã được diễn tả rất sống động và sâu đậm trong buổi chiều ngày 9.3.2014 tại nghĩa trang Toà Giám mục Xã Đoài, nhân ngày hoàn tất công việc trùng tu nghĩa trang này. Một buổi chiều với nhiều cử hành linh thiêng, sốt mến và liên đới sâu xa.
Trước hết là nghi thức niệm hương diễn ra trang trọng, xúc động và linh thánh, khi quý Đức Cha, quý cha và đầy đủ mọi thành phần dân Chúa thinh lặng cung kính dâng nén hương tưởng niệm các tiền nhân, những người đã lao lung vất vả dựng xây Giáo phận nhà. Làn khói hương ngút cao hoà trong tiếng chiêng trầm ấm, dấy lên nơi cộng đoàn hiện diện những xúc cảm tràn trào về lòng hiếu đạo, vọng lên những ý nguyện tâm thành: 
“Vọng ngưỡng trời cao, bái tạ Đấng Chủ Tế Càn Khôn - muôn đời hiện hữu
Tri ân Tiên Tổ - tận lực lao tâm, dựng xây sản nghiệp.”
Ý nguyện đó lại được dâng lên trọng thể qua thánh lễ do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự. Ngay đầu thánh lễ, trong khung cảnh hiệp thông của gia đình Giáo phận, ngài đã gợi lên những tâm tình thảo hiếu của các thế hệ cháu con hôm nay khi được thừa hưởng những gia sản mà tiền nhân đã dành được bằng cả nước mắt, mồ hôi và máu. "Uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ người trồng cây."
Qua bài Tin mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, Đức Cha Phaolô đã mời gọi mọi người hãy luôn ý thức bản chất yếu đuối của phận người, để từ đó biết cậy dựa vào Chúa mà chiến đấu chống lại các chước cám dỗ. Mùa Chay không chỉ nhắc nhở chúng ta một tinh thần tỉnh thức mà còn mời gọi chúng ta thi triển tình bác ái trong đời sống. Nó được biểu tỏ qua thái độ tri ân, báo đáp đối với các bậc tiền nhân. Tinh thần ấy thúc bách chúng ta cố gắng chu toàn sứ vụ của mình.
Trong thánh lễ, Đức Cha Phaolô đã long trọng làm phép nghĩa trang. Nơi đây có phần mộ của các linh mục, các chủng sinh, các nữ tu và những người phục vụ cho Giáo phận đã yên nghỉ. Năm 1970, nghĩa trang Tòa Giám mục Xã Đoài được Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên (lúc đó đang là cha Quản lý) di dời từ vùng đất Cồn Kỳ thuộc xã Nghi Diên vào khuôn viên nhà thờ Chính tòa như hiện nay. Gần một năm qua, được sự gợi mở và tạo điều kiện của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cha Quản lý Antôn Trần Văn Công đã cho quy hoạch lại tổng thể và trùng tu, tôn tạo, với sự cộng tác của một số doanh nhân trong Giáo phận Vinh.
Qua những cử hành trọng thể và linh thiêng trên mảnh đất mà bao chứng nhân Đức tin đã yên nghỉ, cộng đoàn Giáo phận Vinh vừa biểu tỏ tâm tình đạo hiếu với các bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện quyết tâm dựng xây, phát triển Giáo phận nhà. 


Pv GPVO
VATICAN - Hôm 13-3-2014, Giáo Hội đã mừng kỷ niệm 1 năm ĐHY Jorge Bergoglio SJ được bầu làm Giáo hoàng Phanxicô.
Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết, ngày kỷ niệm 1 năm của ĐTC Phanxicô không có gì đặc biệt: ĐGH cầu nguyện và trong một Tweet, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.



Rất nhiều điện văn đã được gửi về Vatican để chúc mừng ĐTC, trong khi ngài và các vị lãnh đạo tại Toà Thánh tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại Ariccia (cách Roma 30 cây số) từ chiều 9 đến sáng 14-3-2014.

Ngoài điện văn của các vị lãnh đạo Công giáo, người ta cũng đặc biệt chú ý đến điện văn của Đức Thượng phụ Kirill I, Giáo chủ Chính thống Nga, trong đó có đoạn viết: "Năm đầu tiên triều đại Giáo hoàng của ngài được đánh dấu bằng những hy vọng lớn và những công trình quan trọng của Giáo hội Công giáo. Sự dấn thân của ngài trong việc làm cho các lý tưởng Tin Mừng hiện diện trong đời sống xã hội hiện đại đã mang lại những thành quả... Sự chăm sóc và quan tâm của ĐGH đối với người đau khổ nhắc nhớ cho mọi người về nghĩa vụ yêu thương huynh đệ."

Đức Thượng phụ Kirill cũng nhấn mạnh: "Các quan hệ song phương giữa Công giáo và Chính thống Nga đã được phát triển thêm trong năm qua. Tôi đánh giá mức độ cao trong sự cảm thông và dấn dấn của hai bên nhắm củng cố sự cộng tác giữa Chính thống và Công giáo, trong việc củng cố các giá trị luân lý, tinh thần Kitô giáo trong thế giới ngày nay, việc bảo vệ những người bị áp bức và chân thành phục vụ tha nhân”, đó là những lĩnh vực cộng tác giữa Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo Roma." (AGI 13-3-2014)

Một số nhận định và cảm tưởng

Phái viên hãng tin Công giáo Hoa Kỳ ở Roma đã thu thập cảm tưởng và nhận định của một số hồng y về năm đầu tiên của ĐGH Phanxicô, nhân dịp các vị về Roma tham dự công nghị đặc biệt của Hồng y đoàn về các vấn đề mục vụ gia đình và lễ phong 19 hồng y mới (từ 21 đến 23-2-2014):

- ĐHY Donald Wuerl, TGM Giáo phận Washington, thủ đô Hoa Kỳ, nhận định: "Năm qua thật là một năm ngoại thường. ĐGH Phanxicô đã có thể giúp dân chúng nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô hữu hình trong Giáo Hội của Ngài. Thật là một món quà đặc biệt và là một thách đố cho tất cả chúng ta."

- Đức tân Hồng y Vincent Nichols, TGM Giáo phận Westminster, Thủ đô Anh quốc, thì nói: "ĐGH Phanxicô mang lại những món quà đặc biệt cho vai trò của ĐGH. Ngài mang cho mỗi người một động lực hăng hái lớn lao và niềm vui được là người Công giáo, một thách thức sâu đậm làm sao để cuộc sống của chúng ta có Chúa Kitô là trung tâm. Ngài mời gọi đổi mới quyết liệt trong Giáo Hội bắt đầu từ gốc rễ. ĐGH đi tới trọng tâm sự hiện hữu của Giáo Hội, cho thấy lý do tại sao Giáo Hội hiện hữu: nghĩa là chúng ta là những môn đệ thừa sai của Chúa. Chúng ta được mời gọi tháp tùng Chúa và được kêu gọi đi ra ngoài để chia sẻ Tin Mừng."

- ĐHY Luis Tagle, TGM Giáo phận Manila, Philippines, nói: "Đối với tôi, ĐGH Phanxicô là một người có niềm vui sâu xa trong nội tâm. Năm đầu tiên của ngài biểu lộ rất nhiều điều mà tôi tin tưởng. Ví dụ ĐGH nói Giáo Hội cần phải khiêm tốn hơn, là một Giáo Hội lắng nghe, một Giáo Hội không tự phụ là có mọi câu trả lời, một Giáo Hội có thể bị hoang mang như những người khác khi cuộc sống của họ bị xáo trộn, một Giáo Hội im lặng - thứ im lặng của người chiêm niệm, chứ không phải im lặng vì phẫn nộ. Nhiều người quý chuộng điều đó, nhưng một số thành phần trong Giáo Hội thì không. Họ giải thích sự thái độ cảm thông, thinh lặng, lắng nghe của bạn như một sự khuất phục đối với thế gian và là một sự lơ là với sứ vụ ngôn sứ. Nhưng sứ vụ ngôn sứ là điều rộng rãi hơn là thái độ phẫn nộ. Tôi nghĩ cứ la ó, la làng, đó không phải là phương thức thích hợp để giải quyết các vấn đề..."

ĐHY Tagle nói thêm: "Tôi rất vui mừng vì ĐTC trở lại với lối sống hợp với Tin Mừng hơn, một lối sống dẫn đưa chúng ta đến chỗ tự phê bình về những gì chúng ta đã thừa hưởng và thanh tẩy những điều đó dưới ánh sáng Phúc Âm."

- ĐHY Oswald Gracias, TGM Giáo phận Mumbai của Ấn Độ và là một trong 8 hồng y cố vấn của ĐGH, nhận xét: "Triều đại Giáo hoàng của ĐTC Phanxicô đã tạo nên sự khác biệt cho Giáo Hội, Giáo Hội tại Ấn Độ chẳng hạn, và Giáo Hội tại Á châu. Chúng tôi đã tìm đến với người nghèo nhiều hơn, và ĐGH cũng làm cho chúng tôi suy nghĩ lại, cứu xét cuộc sống và hoạt động về phương diện chất lượng, chứ không phải chỉ về số lượng mà thôi, dành ưu tiên cho sự tiếp xúc với con người. Đó là điều ĐGH nhắc nhở chúng tôi. Và cũng cần phải sống đơn sơ, ĐGH thúc đẩy chúng tôi trở về những điều căn bản, biến chúng tôi thành Giáo Hội như Chúa Giêsu mong muốn."

ĐHY Gracias cũng kể rằng khi người ta hỏi ĐGH Phanxicô xem điều gì mới mẻ ngài đang mang lại cho Giáo Hội, ngài đáp: "Tất cả những gi tôi muốn cho Giáo Hội chính là Chúa Giêsu Kitô.". ĐHY nói tiếp: "Tôi rất vui mừng vì cả thế giới đã phản ứng tích cực. Đó thực là một thách đố đối với mọi vị tân Giáo hoàng. Có thể nói ĐGH Phanxicô đã gảy vào dây đàn đúng! Tôi hy vọng tất cả các hồng y chúng tôi có thể cộng tác vơi nhau và ủng hộ ĐGH về những gì ngài muốn làm cho Giáo Hội, nghĩa là làm cho Hội Thánh được sinh động hơn. Tôi thực sự cảm thấy ĐGH Phanxicô làm cho Giáo Hội tái trở thành tiến nói của người nghèo, là tiếng nói luân lý trên thế giới, và dân chúng lắn gnghe ngài. Tôi hy vọng dân chúng không những chỉ lắng nghe ĐGH nhưng còn hành động theo những gì ngài nói."

- ĐHY Wilfrid Napier, Dòng Phanxicô, TGM Giáo phận Durban, Nam Phi, nhận xét: "ĐGH Phancixô đã trao tặng đức tin, lối sống Công giáo với một sắc thái, một tinh thần và một sự nhấn mạnh khác. Tôi có thể nói điều cốt yếu của ĐGH Phanxicô là: nếu tôi nhìn xem tôi là ai, tôi có thể thấy tất cả những điều sai lầm với tôi, và chỉ nhờ ơn Chúa mà tôi không phải là con người sai lầm mà tôi có thể trở thành, vì vậy sở dĩ tôi được như hiện nay là nhờ ơn Chúa. Có hai cực: tôi là người tội lỗi và ơn thánh của Chúa đang biến đổi tôi."

"Ngài không phải là điều ngài đang là vì địa vị ngài được, nhưng vì một quan hệ với Thiên Chúa và quan hệ với Chúa Giêsu, chính điều đó làm cho ngài khác người. Dĩ nhiên đối với tôi, trong tư cách là tu sĩ Phanxicô, có hai thách đố mà ĐGH đang đương đầu, nghĩa là ngài là một tu sĩ Dòng Tên sống theo đường lối Phanxicô hơn tôi. Đối với tôi đó là một thách đố tốt đẹp mà tôi có thể chia sẻ với ĐGH, cái ý tưởng sống như Thánh Phanxicô Assisi." (CNS 4-3-2014)

Nhận định của Cha Lombardi SJ

Trong số những người có một vai trò quan sát đặc biệt đối với triều đại của ĐGH Phanxicô là Cha Federico Lombardi, Dòng Tên, Tổng Giám đốc Đài Vatican và Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh. Cha đã dành cho hãng tin Zenith ở Roma một cuộc phỏng vấn về Đức đương kim Giáo hoàng:

H. Thưa Cha Lombardi, việc bầu cử ĐGH Phanxicô đã thay đổi hoàn toàn thái độ của các cơ quan truyền thông đối với chức vụ Giáo hoàng. Đâu là bí quyết của ĐGH Phanxicô trong vấn đề này và khả năng đả thông của ngài với dân chúng đã thu phục được giới truyền thông như vậy?

Đ. Có một sự thay đổi về ngôn ngữ, không những về lời nói nhưng cả những cử chỉ và thái độ nữa. ĐGH Phanxicô đã đánh động được tâm hồn của con người, đặc biệt là ngài vượt lên trên được khoảng cách và các hàng rào. Trọng tâm của ngôn ngữ mới này là việc loan báo tình thương của Chúa Kitô cho tất cả mọi người, đề tài lòng từ bi và tha thứ của Chúa cho mọi người. Trước đó, trong giới truyền thông có một thành kiến được phổ biến, người ta nghĩ rằng Giáo Hội luôn nói "không" và không gần gũi với dân chúng. ĐGH Phanxicô đã thành công trong việc giúp dân chúng hiểu được có một cách khác để đọc sứ điệp của Thiên Chúa và tương quan của Giáo Hội với dân chúng.

H. ĐGH Phanxicô thường ứng khẩu nói với dân chúng, và ngài cũng trả lời phỏng vấn cho những người xin, và ngài cũng điện thoại riêng cho nhiều người. Trong bối cảnh đó, đâu là những vấn đế mà vị Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh gặp phải?

Đ. Vấn đề tôi gặp phải trong những tình trạng như thế cũng giống như vấn đề của các hiến binh Vatican khi ĐGH muốn đến gần, tiếp xúc với dân chúng, và từ chối không chịu dùng xe chắn đạn. Chúng tôi phục vụ ĐGH và chúng tôi học về lối hành động, cách sống và phương thức đả thông của ngài với dân chúng. Tôi phải hiểu: tôi có thể cộng tác vào sự truyền thông của ngài như thế nào. Khi ĐGH nói, trả lời phỏng vấn, nói trực tiếp với dân chúng, tôi không gì để nói thêm, tôi chỉ can thiệp khi xảy ra vài vấn đề cần làm sáng tỏ.

H. Một năm đã trôi qua trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô và tạp chí Time của Mỹ đã chọn ngài làm người nổi bật nhất trong năm 2013. Cha có thể bình luận gì về sự chọn lựa như thế?

Đ. ĐGH Phanxicô không phải là người tìm kiếm thành công hoặc sự nổi tiếng. Một lần khi người ta hoan hô ngài, ngài nói: "Anh chị em đừng nói "Viva il Papa" (Hoan hô Đức Giáo hoàng!). Nhưng hãy nói "Viva Gesù!" (Hoan hô Chúa Giêsu). Đồng thời ĐTC Phanxciô có thể chấp nhận là "Người nổi bật nhất trong năm" theo tạp chí Time. Nếu sự chọn lựa của tạp chí này có nghĩa là làm cho mục đích sứ mạng của Giáo Hội được nhìn nhận, và sứ điệp mà ĐGH Phanxicô thông truyền, thì đó là điều tốt, đáng chào mừng, nếu không thì chắc chắn đối với ĐGH, điều đó chẳng mang lại điều gì cho ngài.

H. Thưa Cha Lombardi, có những lời khuyên nào cha muốn nói với các ký giả không để họ cải tiến việc truyền thông của họ, nhất là về ĐGH, về Giáo triều Roma và Giáo Hội nói chung?

Đ. Điều thường thiếu nơi các ký giả, đó là ý hướng sứ mạng của Giáo Hội và của ĐGH. Nhiều khi các ký giả đọc các biến cố và đưa ra những giải thích xa lạ với thực tại của Giáo Hội, ví dụ họ nhìn và giải thích dưới khía cạnh chính trị hoặc kinh tế. Vì thế, về Giáo Hội, chỉ thỉ nhìn dưới khía cạnh tranh giành quyền bính hoặc lợi lộc kinh tế phe phái. Đó là tình trạng bi thảm dưới thời Vatileaks với những tài liệu của Tòa Thánh bị thất thoát và đăng tải trên báo chí. Trái lại, đó là một tiến trình tìm kiếm cuộc sống và hành động phù hợp với Phúc Âm, canh tân nội tâm và thanh tẩy.

H. Trong bối cảnh đó, nhiều ký giả chỉ nhìn sự canh tân Giáo triều Roma như một sự đổi mới thuộc loại chính trị. Cha có thể nói gì về sự kiện này?

Đ. ĐGH đã thành công trong việc giúp người ta hiểu rằng Giáo Hội hiện hữu là để nói với dân chúng rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế, việc cải tổ Giáo triều Roma chỉ là điều phụ thuộc: việc cải tổ này giúp Giáo Hội loan báo sứ điệp Tin Mừng hữu hiệu hơn, không phải ở Vatican mà thôi, nhưng trong các giáo phận và các khu vực ven biên. Cac cơ cấu trung ương Toà Thánh hiện hữu không phải để thống trị, nhưng để phục vụ và trợ giúp: việc cải tổ nhắm tới mục đích đó.


G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: R. Vatican)