Thông Tin Bên Lề

Nhạc xuân

Tháng Thánh Giuse

HÃY KẾT BẠN VỚI

Ảnh

Liên kết web

VIDEO GIÁO XỨ

CHA QUẢN XỨ

HÃY NHANH TAY

1
GIÁO XỨ LÀNG RÀO

Magazine

Smoke

Natural

Feature

Video News

387 năm sau ngày cha Đắc Lộ đặt chân đến và gieo những hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên vùng đất Nghệ – Tĩnh – Bình. 170 năm - một cột mốc đáng nhớ trong hành trình Đức tin đầy ân sủng của giáo đoàn Vinh dưới sự quan phòng của Thiên Chúa và sự đồng hành chở che của Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời.

Để mừng sự kiện trọng đại đó, Tòa Giám Mục đã gửi Thư thỉnh nguyện xin mở Năm Thánh giáo phận tới Tòa Thánh Vatican. Thừa lệnh Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Ân Giải Tối Cao đã ban phép cho Giáo phận Vinh mở Năm Thánh từ 27/3/2015 đến 27/3/2016 mừng kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo phận. Đây là một thời điểm kỷ niệm đặc biệt và là cơ hội để giáo đoàn Vinh nhìn về quá khứ với niềm cảm tạ Thiên Chúa và tri ân các bậc tiền nhân, và cũng nhằm chấn hưng hiện tại và hướng tới tương lai trên hành trình Đức tin của mình.
Sáng hôm nay, thứ Ba 31/03/2015, một biến cố trọng đại trong năm kỷ niệm đặc biệt, tại nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, trung tâm của cả Giáo phận Vinh đã diễn ra Thánh lễ Truyền Dầu và Khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 170 thành lập Giáo phận. Thánh lễ có sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa: Đức cha Phaolô – chủ chăn giáo phận, Đức cha Phụ tá Phêrô, Đức cha Phaolô Maria, toàn thể Linh mục đoàn đang phục vụ tại giáo phận Vinh, các Đại chủng sinh và Tiền chủng sinh, các Tu sỹ nam nữ thuộc các Hội Dòng, đại diện các Hội đoàn, đại diện Hội đồng Mục vụ của 189 giáo xứ trong toàn Giáo phận và hàng chục ngàn bà con giáo dân giáo hạt Xã Đoài. Trong Thánh lễ này, Đức Giám mục Phaolô đã hiến thánh Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng, tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập bí tích Truyền chức Thánh.
170 năm - hành trình Đức tin đầy ân sủng
Ngược dòng lịch sử, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên vùng đất Nghệ - Tĩnh - Bình, tức lãnh thổ giáo phận Vinh ngày nay từ rất sớm. Nhưng một cách chính xác, phải nói đó là năm 1629, tức là 2 năm sau khi nhà truyền giáo vĩ đại cha Ðắc Lộ đặt chân lên Cửa Bạng, Thanh Hóa ngày 19/03/1627. Năm 1629, cha Ðắc Lộ và cha P. Marques ở Thăng Long, bị bức xuống thuyền theo đường biển vào Nam để về Macao. Ðoàn tranh thủ giảng Đạo tại những cửa biển thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình: Cửa Chúa, Cửa Lò, Cửa Rùm, Cửa Sót. Qua dòng thời gian, những hạt giống đức tin đã không ngừng bén rễ sâu, phát triển và trổ sinh hoa trái trên khắp vùng đất Nghệ - Tĩnh - Bình. Công cuộc truyền giáo ngày càng phát triển và ổn định, số giáo hữu ngày càng tăng. Nhận thấy công cuộc truyền giáo ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, năm 1659 Tòa Thánh chính thức ban sắc lệnh thành lập 2 Giáo phận mới: Giáo Phận Ðàng Ngoài, từ tỉnh Quảng Bình trở ra, được giao cho Ðức cha Francois Fallu coi sóc, và Giáo Phận Ðàng Trong, từ Huế trở vào Nam, được giao cho Ðức cha Lambert de la Motte coi sóc. Sau đó, khi số giáo dân tăng rất nhanh, Giáo phận Ðàng Ngoài lại chia ra thành 2 Giáo phận mới nữa: Giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, gồm Hải Phòng và các tỉnh phía Đông Bắc, và Giáo phận Tây Ðàng Ngoài, từ Hà Nội cho tới Quảng Bình.
Ngày 27/3/1846, giáo phận Vinh được chính thức thành lập, tách ra từ Giáo phận Tây Đàng Ngoài, Ðức cha Gauthier Ngô Gia Hậu được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi. Đây là biến cố trọng đại đánh dấu bước phát triển lớn lao trong công cuộc truyền giáo tại vùng đất Nghệ – Tĩnh – Bình. 170 năm hành trình Đức tin của giáo đoàn Vinh từ đó đến nay trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, bao thử thách khắc nghiệt của thời cuộc, nhưng nhờ tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, dưới cánh tay giữ gìn của Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, giáo đoàn Vinh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh.
Năm Thánh Giáo phận Vinh: “Tri ân quá khứ – chấn hưng hiện tại – vững bước tương lai”
8h30, đoàn rước nhập lễ bắt đầu từ Tòa Giám mục tiến ra nhà thờ Chính tòa. Đoàn rước với đủ mọi thành phần con cái Vinh: Đức cha Phaolô – chủ chăn giáo phận, chủ tế thánh lễ, Đức cha phụ tá Phêrô, Đức cha Phaolô Maria, toàn thể linh mục đang phục vụ tại giáo phận Vinh; đại diện Hội đồng Mục vụ của 189 giáo xứ, Đại chủng sinh và Tiền chủng sinh, đại diện các Hội Dòng và các Hội Đoàn. Đoàn rước bước đi trong sự chào đón và hợp lòng của hàng chục ngàn bà con giáo dân giáo hạt Chính tòa Xã Đoài.
Trước giờ khai lễ, Đức cha phụ tá Phêrô đã công bố sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép Giáo phận Vinh mở Năm Thánh, theo đó Năm Thánh mừng kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo phận Vinh được chính thức khai mạc. Từ hôm nay, cánh cửa Năm Hồng Ân sẽ được mở ra cho toàn Giáo phận, và dòng chảy ân sủng sẽ được tuôn trào đến mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Vinh.
Năm Thánh được mở ra như là thời gian ân sủng đặc biệt để mọi thành phần con cái Giáo đoàn Vinh cảm nhận tình thương của Thiên Chúa và sự chở che của Đức Maria Hồn Xác Lên Trời trong suốt dòng thời gian qua. Năm Thánh cũng giúp mỗi người con trong toàn Giáo phận canh tân đời sống, đem tình yêu và ơn lành của Chúa đến cho tha nhân, và cũng là thời điểm thuận lợi để tái khám phá giá trị của Tin Mừng, ý thức hơn vai trò, trách nhiệm chứng tá Đức tin của mình trong thời đại hôm nay.
Lễ Truyền Dầu: dấu chỉ của mối dây hiệp thông
Dầu là dấu chỉ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Trên hết là Dầu Thánh còn được gọi là Dầu Chrisma được dùng trong ba bí tích có ghi ấn tín: Được xức cho các tân tòng trong Bí tích Rửa Tội, cho các Kitô hữu trong Bí tích Thêm Sức, cho các linh mục và một cách sung mãn cho các Giám mục trong Bí tích Truyền Chức. Dầu này còn được dùng để xức khi cung hiến bàn thờ và nhà thờ. Dầu Bệnh Nhân dùng để xức cho các bệnh nhân. Hội Thánh xin Chúa xoa dịu thân xác các bệnh nhân, viếng thăm và làm cho các bệnh nhân được vững mạnh trong đức tin và niềm hy vọng, giải thoát và làm thuyên giảm những đau đớn. Dầu Dự Tòng được xức cho các dự tòng trước khi Rửa Tội, để qua việc xức dầu này, Hội Thánh xin Chúa ban sức mạnh cho các dự tòng biết chống lại tội lỗi và sự ác để chuẩn bị gia nhập trọn vẹn vào Hội Thánh Chúa .
Lễ Dầu hôm nay còn diễn tả mối hiệp thông sống động giữa linh mục đoàn với Đức Giám mục của mình. Giám mục được xức Dầu Thánh trên đầu để nhận Chúa Thánh Thần, thủ lãnh cho sứ vụ lãnh đạo Dân Chúa, chia sẻ chức tư tế viên mãn với Đức Kitô. Linh mục được xức dầu trong lòng bàn tay để xứng đáng dâng hy lễ thánh là Đức Kitô Giêsu lên Chúa Cha và như cánh tay nồi dài của Giám mục để thể hiện sự thông phần vào chức tư tế viên mãn của Giám mục. Và sự hiệp thông đó lại được củng cố bằng việc các linh mục lập lại lời hứa khi chịu chức với xác quyết trung thành, vâng phục, phụng sự Chúa và Giáo Hội; Sự hiệp thông đó còn thể hiện khi các linh mục đồng tế cộng tác Đức Giám mục trong việc thánh hiến Dầu thánh. Lễ Dầu mời gọi các linh mục diễn tả sống động dấu chỉ của đức tin, dấu chỉ của ơn gọi mà các ngài đã và đang dấn bước.
Bên cạnh đó, Lễ Dầu còn biểu thị sinh động mối hiệp thông giữa đoàn chiên và các vị chủ chăn của mình. Mỗi Kitô hữu đều đã được xức Dầu trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, đặc biệt là Bí tích Thêm Sức, vì thế, tất cả mọi người đều được thông phần vào chức tư tế cộng đồng và được liên kết với nhau trong ân sủng của Thiên Chúa. Mối dây hiệp thông đó mời gọi mỗi người cộng tác với Đức Giám mục và linh mục là những tư tế thừa tác để không ngừng làm chứng cho Thiên Chúa, nhờ đó ánh sáng Tin Mừng sẽ được chiếu toả mạnh mẽ, xuyên qua mọi nghịch cảnh và thấm đẫm vào mọi ngõ ngách cuộc đời.
170 năm qua, con thuyền Giáo phận vẫn băng băng lướt sóng dưới sự bao bọc và chở che của ân sủng, mặc cho những cơn phong ba bão táp. Năm Thánh đã được mở ra, Mẹ Giáo phận không ngừng mời gọi con cái mình, từng cá nhân, gia đình, cộng đoàn giáo xứ luôn biết sám hối và canh tân đời sống để nên thánh, và nhờ đó làm cho những người khác cũng được thuộc về Dân Thánh. Đó chính là những hành động thiết thực nhất để mỗi người con giáo phận Vinh hôm nay tạ ơn Chúa và tri ân các bậc tiền nhân.


 Tấn Hùng


Phải chăng hành động tri ân cảm tạ hay nhất là can đảm noi gương các ngài tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng? Về điểm nay, tạ ơn Chúa, trong thời gian gần đây, một số nơi đã bắt đầu hân hoan cử hành nghi thức gia nhập Đạo Chúa cho những người lớn. Đặc biệt, nhiều người trẻ gốc Vinh đã gia nhập các giáo phận hay Dòng tu quốc tế và hiện đang có mặt ở khắp năm châu, bốn bể. Tuy nhiên, một số giáo xứ hầu như vẫn giẫm chân tại chỗ và vẫn loay hoay bảo vệ “cách giữ Đạo và tập tục cũ” hơn là kiếm tìm sáng kiến mới để “sống Đạo” và “truyền Đạo”. Vì vậy, câu hỏi của Đức Thánh Cha đang tiếp tục chất vấn chúng ta: Tại sao chưa lên đường? Chúng ta còn chờ gì nữa?




TRI ÂN QUÁ KHỨ
CHẤN HƯNG HIỆN TẠI
VÀ TIẾP BƯỚC CÁC CHỨNG NHÂN TIN MỪNG
(Bài giảng của Đức cha Phaolô trong thánh lễ Truyền Dầu và khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 170 năm thành lập giáo phận Vinh)

Anh chị em thân mến,
Mỗi năm, vào dịp Lễ Dầu, đại diện tất cả thành phần Dân Chúa trong giáo phận qui tụ về Nhà Thờ Chính Tòa để kỷ niệm sự kiện Đức Giêsu chia sẻ chức vụ tư tế của Ngài cho các Tông đồ và ngang qua các ngài cho tất cả các linh mục. Trong ngày trọng đại này, cộng đoàn Dân Chúa được mời gọi cầu nguyện cho các mục tử của mình. Có lẽ suốt dọc lịch sử của Giáo phận, chưa bao giờ chúng ta cử hành Lễ Dầu với nhiều dấu ấn và niềm vui đặc biệt như năm nay. Thật vậy, đây là Năm Phúc-Âm-Hóa Cộng Đoàn, Năm Thánh Đời sống Thánh Hiến, Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót và Năm Thánh 170 Năm Thành Lập Giáo Phận Vinh.
Nhưng, bất chấp niềm vui và hồng ân khác thường ở trên, chúng ta cần ý thức rằng Lễ Dầu không bao giờ là một ngày lễ hội theo kiểu “hằng năm cứ hẹn lại lên”. Trái lại, đây là một cơ hội đặc biệt để hoán cải, đổi mới cuộc đời và khởi đầu một giai đoạn mới dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Các linh mục được mời gọi lặp lại lời hứa “xin vâng” trong ngày Thụ phong và can đảm nhìn lại chính mình. Biết bao nợ nần trả chưa xong? Nợ Chúa, nợ Giáo Hội, nợ Anh Chị Em tín hữu? Một linh mục đã bộc lộ tâm sự đó qua vần thơ ngọt ngào:
Ôi linh mục ! Một cuộc đời mắc nợ !
Đến bao giờ mới trả cho xong?
Nhìn lại chính mình : Ôi kiếp phận long đong
Nợ lời cam kết từ thuở lên bàn thánh.
Nợ bài Thánh Vịnh chưa tròn của giờ Kinh Sáng
Nợ những giờ Chầu Thánh Thể chiều đông
Mắc nợ người nghèo bàn tay thân mật,
Mắc nợ những em thơ ánh mắt dễ thương…
Nợ đức khó nghèo, nợ lòng trong trắng,
Để nêu gương thánh thiện cho đời…
Nợ những bước chân của trưa nắng gắt, của chiều đông lạnh,
Để về thăm bao địa chỉ khó nghèo,
Những cụ già, những bệnh nhân trong xó tối hẩm hiu…
Khao khát chờ mong, chỉ một lần gặp người mục tử! 
(Lm TĐH)
Trong ý nghĩa đó, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tha thiết nài xin Chúa Giêsu để lời nguyện cầu thuở xưa của Ngài cho các Tông Đồ cũng được thể hiện nơi tất cả các linh mục đang hiện diện ở đây: “Cũng như Cha đã sai Con đến trần gian, thì Con cũng thế, Con cũng đã sai họ đến trần gian. Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 17-19).
Khi tuyên bố: “Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con”, Đức Kitô đã đương nhiên tự xem mình vừa là tư tế, vừa là lễ vật và hiến tế. Mầu nhiệm cứu độ nói chung, cũng như nguồn gốc chức linh mục nói riêng đều hàm chứa trong đó. Cũng như Đức Kitô, các linh mục thừa tác phải tự hiến mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em nhân loại. Kinh nguyện Thánh Thể II lấy lại cách trình bày của Đệ Nhị luật để mô tả nhiệm vụ của các linh mục thừa tác là người “ứng trực trước tôn nhan Chúa và phụng sự Ngài”. Vì vậy, Bí tích Thánh Thể luôn luôn phải là trung tâm của đời linh mục.
 “Xin Cha hãy thánh hiến họ”. Chữ thánh hiến nói đây có nghĩa là dâng hiến trọn vẹn một cái gì hay người nào đó cho Thiên Chúa; kéo họ ra khỏi những toan tính thường tình hay khung cảnh tự nhiên của đời thường để dẫn đưa họ vào cảnh vực thần linh. Như vậy, “Xin Cha hãy thánh hiến họ” có nghĩa là xin Cha lấy ra khỏi thế gian để dâng hiến trọn vẹn cho Cha. Mặc dù các linh mục thừa tác là con người và là thành phần của của cộng đoàn Dân chúa, nhưng một khi được Thiên Chúa thánh hiến thì họ được kéo ra khỏi những toan tính và sinh hoạt thường tình của đời thường để triệt để thuộc về Chúa và phục vụ anh chị em. Họ phải hoàn toàn trở nên một với Đức Kitô và có khả năng nhận diện được khuôn mặt muôn hình vạn trạng của Người nơi những ai đau khổ, lầm than, đói rách…
Lời nguyện thánh hiến không phải chỉ cho các Tông đồ, mà còn cho tất cả tư tế trong suốt lịch sử cứu độ. Bởi vì, “do bí tích Truyền Chức Thánh được Thiên Chúa thiết lập, một số Kitô hữu được đặt làm thừa tác viên có chức thánh, nhờ được ghi ấn tích không thể xóa nhòa, như thế họ được thánh hiến và được chỉ định, mỗi người tùy theo cấp bậc của mình, để hướng dẫn đoàn dân Chúa, bằng cách chu toàn các nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và lãnh đạo nhân danh Đức Kitô là Đầu” (Gl 1008).
Tuy nhiên Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý chúng ta về hồng ân của Bí tích Rửa tội, nhờ đó chúng ta được làm Con Chúa và ý nghĩa phục vụ của chức tư tế thừa tác. Theo Ngài, “chức tư tế thừa tác là phương tiện Chúa Giêsu dùng để phục vụ dân Ngài, nhưng phẩm giá cao cả của chúng ta bắt nguồn từ bí tích Rửa tội, mà mọi người có thể lãnh nhận. Việc đồng hóa linh mục với Đức Kitô là đầu – nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng – không có nghĩa là đặt linh mục lên trên những người khác. Trong Hội Thánh, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác”… Thậm chí khi chức năng của chức linh mục thừa tác được coi là thuộc “phẩm trật”, ta vẫn phải nhớ rằng “nó hoàn toàn được qui hướng về sự thánh thiện của các chi thể Đức Kitô”. Chìa khóa và trục của chức tư tế này không phải là quyền lực hiểu như là thống trị, nhưng là quyền để được phục vụ và cử hành bí tích Thánh Thể. Nguồn gốc quyền bính của chức linh mục luôn luôn là sự phục vụ Dân Thiên Chúa” (EG 104).
Đức Thánh Cha mạnh mẽ chỉ trích “thứ giáo sĩ trị quá đáng, đẩy giáo dân sang bền lề các quyết định” (EG 101). Mặc dầu, giáo dân là thành phần đông đảo nhất trong Dân Thiên Chúa, nhưng sự hiện diện và dấn thân của họ còn quá khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân gây nên thảm trạng này, nhưng nguyên nhân chính là vì giáo dân không được đào tạo để đảm nhận những trách nhiệm quan trọng, hay vì họ không tìm được chỗ đứng thích hợp trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha ước mong giáo sỹ biết lắng nghe giáo dân và nới rộng không gian cho họ được hiện diện nhiều hơn trong cơ cấu Giáo Hội.  
Hơn nữa, công cuộc Tân Phúc Âm hóa đòi hỏi phải đổi mới tầm nhìn, phương pháp, ngôn ngữ, lòng nhiệt thành, đặc biệt phải có một cách hiểu mới về vai trò của mỗi Kitô hữu. Mọi Kitô hữu phải là nhà truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không nên tiếp nối mình là “những môn đệ” và “người truyên giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “môn đệ truyền giáo”. Chúng ta hãy nhìn vào những môn đệ đầu tiên, vì vừa khi bắt gặp cái nhìn của Đức Giêsu, các ông đã vui vẻ ra đi loan báo về Ngài: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia”. Người phụ nữ Samaria đã trở thành người loan báo Tin Mừng ngay sau khi nói chuyện với Đức Giêsu và nhiều người Samaria đã tin Ngài “vì lời chứng của người phụ nữ” (Ga 4,39). Thánh Phaolô cũng vậy, sau khi gặp Đức Giêsu, “lập tức lên đường rao giảng về Ngài ” (Cv 9,20). Vậy chúng ta còn chờ gì nữa?” (EG 120). 
 Trên Logo “Năm Thánh 170 Năm Thành Lập Giáo Phận Vinh”, nổi bật hình ảnh một con thuyền đang lướt sóng, giữa là cây Thánh giá, còn hai bên là hai cánh buồm căng gió với con số 1629 hiện rõ trên đó. Đây là hình ảnh con thuyền đầu tiên đã đưa các vị thừa sai đến Nghệ - Tĩnh – Bình vào năm 1629. Trong Kinh Năm Thánh, chúng ta cũng cảm tạ Chúa đã sai các nhà truyền giáo đến loan báo Tin Mừng cứu độ cho quê hương đất nước và chúng ta khẩn khoản nài xin Chúa Thánh Thần hiệp nhất mọi thành phần trong giáo phận để hăng say loan báo Tin Mừng cho nhiều người hơn.
Phải chăng hành động tri ân cảm tạ hay nhất là can đảm noi gương các ngài tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng? Về điểm nay, tạ ơn Chúa, trong thời gian gần đây, một số nơi đã bắt đầu hân hoan cử hành nghi thức gia nhập Đạo Chúa cho những người lớn. Đặc biệt, nhiều người trẻ gốc Vinh đã gia nhập các giáo phận hay Dòng tu quốc tế và hiện đang có mặt ở khắp năm châu, bốn bể. Tuy nhiên, một số giáo xứ hầu như vẫn giẫm chân tại chỗ và vẫn loay hoay bảo vệ “cách giữ Đạo và tập tục cũ” hơn là kiếm tìm sáng kiến mới để “sống Đạo” và “truyền Đạo”. Vì vậy, câu hỏi của Đức Thánh Cha đang tiếp tục chất vấn chúng ta: Tại sao chưa lên đường? Chúng ta còn chờ gì nữa?
Cuối cùng, trong Năm Thánh Lòng Chúa thương xót, một lần nữa Đức Thánh Cha nhắn nhủ tất cả các Kitô hữu và đặc biệt các mục tử phải là những con người của lòng thương xót, nhất là khi thi hành bí tích giải tội. Đặc biệt, “Tòa Ân Giải Tối Cao tha thiết mời gọi các linh mục đã được ban năng quyền giải tội, vì đức ái mục tử, quảng đại dấn thân vào việc cử hành Bí tích Hòa Giải và thường xuyên trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân”. Theo gương Thầy Chí Thánh, linh mục phải là một người đầy lòng trắc ẩn và luôn xót thương. Con người hôm nay đang chờ mong nơi chúng ta niềm cảm thông, những lời ủi an, sự hướng dẫn tận tình, khích lệ và tha thứ. Chúng ta được mời gọi trở thành những bàn tay nối dài của Thiên Chúa để xoa dịu những nỗi thương đau, để chúc lành và tha thứ.

Xin Thiên Chúa cho chúng ta trung thành với ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi tu sỹ và linh mục của mình để hăng say sống và loan báo Tin Mừng. AMEN



KINH NĂM THÁNH
170 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN VINH
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh,/ là Đấng toàn năng và đầy lòng từ ái./ Chúng con cảm tạ Chúa đã sai các nhà truyền giáo đến loan báo Tin Mừng cứu độ trên quê hương chúng con,/ cách riêng từ 170 năm qua,/ Chúa đã quy tụ chúng con trong gia đình Giáo phận.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử,/ Chúa đã nâng đỡ và dìu dắt chúng con,/ làm cho Giáo phận ngày càng trở nên dấu chỉ sống động/ như một gia đình hiệp nhất yêu thương của Chúa ở trần gian.
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con nhiều chứng nhân đức tin anh dũng/ và những bậc tiền nhân đã hy sinh quảng đại,/ dày công vun trồng để hạt giống Tin Mừng sinh hoa kết quả dồi dào trên miền đất Nghệ - Tĩnh - Bình này.
Chúng con xin tri ân Chúa/ vì muôn ơn lành Chúa đã tuôn đổ xuống cho mỗi người,/ mỗi gia đình,/ mỗi giáo xứ và toàn thể Giáo phận,/ ngay cả khi chúng con bất trung với Chúa.
Chúng con tha thiết nài xin Chúa tha thứ những lỗi lầm thiếu sót đối với Chúa và mọi người,/ trong quá khứ cũng như hiện tại./ Xin Chúa giúp chúng con tránh xa tội lỗi,/ cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình,/ giáo xứ,/ giáo phận và đất nước ngày càng tốt đẹp hơn,/ hầu làm cho mọi người được sống trong cảnh thái bình thịnh vượng.
Lạy Thiên Chúa là Đấng đầy lòng xót thương,/ xin ban Thánh Thần soi sáng,/ thúc giục chúng con siêng năng học hỏi Lời Chúa và tham dự Thánh Lễ mỗi ngày,/ nhờ đó chúng con biết vâng theo ý Chúa,/ và hy sinh quên mình phục vụ tha nhân.
Xin Chúa hiệp nhất mọi thành phần trong gia đình Giáo phận,/ biết hăng say loan báo Tin Mừng,/ để nhờ đó nhiều người được nhận biết Chúa./ Xin Chúa cho chúng con được kiên trung với Chúa,/ và sống bác ái yêu thương trong mọi hoàn cảnh./ Xin cho những người đau khổ luôn vững lòng trông cậy Chúa,/ và được Chúa nâng đỡ ủi an./ Xin Chúa ân thưởng cho những người có công xây dựng Giáo phận,/ và ban phúc trường sinh cho các tín hữu đã qua đời.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời,/ Thánh Cả Giuse,/ và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,/ chúng con khiêm tốn nài xin Chúa/ nhờ Đức Giêsu Kitô/ Đấng Hằng Sống và hiển trị cùng Chúa/ hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời./ Amen.
Tòa Giám Mục Xã Đoài, ngày 30 tháng 03 năm 2015
                            Imprimatur

              ✠ Phaolô Nguyễn Thái Hợp
                                 Giám mục Giáo phận Vinh
Đức Giêsu có thói quen cầu nguyện trong vườn Cây Dầu (Lc 22,39). Tại vườn này, buổi tối cầu nguyện trước cuộc thương khó thật đặc biệt.Tin Mừng Nhất Lãm đều kể lại sự kiện Đức Giêsu cầu nguyện trong thổn thức và xao xuyến. (Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22,39-46). Thấy trước cuộc khổ nạn, Đức Giêsu cầu nguyện đến mức “Mồ hôi của Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Tuần Thánh, dừng lại nơi vườn Cây Dầu để suy niệm cuộc vượt qua của Đức Giêsu.

1.  Đức Giêsu đổ mồ hôi máu
Trong dịp hành hương Đất Thánh, tôi có đến vườn Cây Dầu, nơi đây Chúa Giêsu đã trải qua cơn hấp hối khủng khiếp.Vườn có nhiều cây Ôliu gốc to sần sùi, dáng cổ ẩn dấu thời gian rêu phong. Nơi đây Chúa quì cầu nguyện trước khi bước vào khổ nạn. Khu vườn nằm sát bên Thánh Đường Các Dân Tộc. Gọi tên như vậy vì nhiều quốc gia đã đóng góp tiền của để xây nên Thánh Đường này.
 
Vườn cây dầu
Trước bàn thờ, tảng đá lớn được bao quanh bằng hàng rào thấp nhỏ như chiếc mão gai, có thể đưa tay để đặt vào tảng đá. Chúng tôi quỳ trước tảng đá cầu nguyện. Thật bồi hồi xúc động, được quỳ gối nơi Chúa đã từng quỳ gối cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu. Mỗi người hôn kính tảng đá và thì thầm cầu nguyện với Chúa cách sốt mến lạ lùng. Chính tại nơi đây đã diễn ra đêm sầu khổ tột cùng của Chúa. Thời gian là vào khoảng 10 giờ đêm. Phía đông trăng tròn đã lên cao, tỏa ánh sáng huyền ảo xuống mặt đất, những nấm mồ trắng lung linh nhập nhoà. Các ngọn đuốc của đám vệ binh Đền thờ rọi sáng cả khu vườn. Tiếng lách cách của gươm đao, tiếng loảng xoảng của lưỡi kiếm khua vang trong đêm tĩnh lặng. Đêm cuối cùng. Cuộc Khổ Nạn bắt đầu. Ngày mai Ngài sẽ gặp cái chết và nấm mồ. Đức Giêsu vào vườn cùng với ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan.
 
Bàn thờ
Tấn kịch bi thảm sắp diễn ra, Đức Giêsu có một cảm giác đau đớn, lo lắng, bồi hồi, xao xuyến đến tột cùng: “Người cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33); Đức Giêsu thổn thức: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được”. Đấng Toàn Năng, cố vấn kỳ diệu, người chiến thắng sự chết và tử thần, lại xem ra ngã quỵ trước viễn tượng khổ giá. Ngài yêu cầu các môn đệ giúp đỡ: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26,38). Nhiều lần Đức Giêsu từng dặn dò các môn đệ “canh thức”, nhưng chưa lần nào nói “với Thầy” như hôm nay. Rồi bắt đầu cơn hấp hối, Ngài sấp mặt xuống nằm phủ phục dưới đất. Thân mình Ngài run rẩy đến nỗi mồ hôi rịn ra hòa lẫn với máu. Lời Thánh vịnh mô tả: “Nghe trong tim mình đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con. Bao run sợ nhập cả vào người, cơn kinh hãi tứ bề phủ lấp”. (Tv 54,5-6 ).Ứng nghiệm vào Đức Giêsu thật chính xác. Ngài bị đánh đòn trong tư tưởng và đóng đinh trong ý nghĩ trước khi cuộc khổ nạn xảy ra. Viễn tưởng đó sẽ diễn ra tại vườn Cây dầu, rồi dốc ngược lên nhà Anna, tới chỗ dinh Caipha rồi cho đến đồn binh Antonia, dọc theo các phố xá đến lúc chết tủi nhục đớn đau trên thập giá và mai táng trong mồ. Ngài trông thấy tất cả, phải nếm sự cay đắng tột cùng của kiếp người cô đơn.
Ngài khóc với con tim rướm máu. Máu và nước mắt ấy là giọt sương của đêm cuối cùng trên trái đất. Có những nỗi khổ đau làm tan nát trái tim. Lúc này thần chết đã đứng ngoài ngưỡng cửa của cơn hấp hối.     
2. Điều gì làm cho Đức Giêsu đổ mồ hôi máu?
Mồ hôi máu (en: Hematidrosis) hay chứng đổ mồ hôi máu là tình trạng rất hiếm gặp xảy ra ở người khi đang trong trạng thái tâm thần, cảm xúc và căng thẳng thể lý một cách cực độ, ví dụ như đang đối diện với cái chết, làm họ tiết ra mồ hôi máu. Một số tài liệu tham khảo về lịch sử đã mô tả hiện tượng này, đáng chú ý là những tài liệu của Leonardo da Vinci đã mô tả về: một người lính trước khi ra trận hay một người đàn ông bất ngờ chịu một án tử hình đã đổ mồ hôi máu, cũng như theo chi tiết trong Kinh Thánh thì Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu khi đang cầu nguyện trong vườn Getsemani (Lc 22,44). (x.vi.wikipedia.org).
Điều gì đã làm cho Đức Giêsu phải đau đớn buồn phiền đến mức phải “đổ mồ hôi máu”?
Phải chăng Ngài run sợ trước cái chết? Hay lo lắng trước những đau đớn thể xác sắp phải chịu? Không! Đức Giêsu không run sợ trước cái chết hay bất cứ nhục hình nào. Đau đớn thể xác không thể làm cho Ngài buồn phiền và lo lắng đến như thế. Biết bao thánh tử đạo đã hy sinh mạng sống mình mà không lo lắng buồn phiền, trái lại còn rất hân hoan vui mừng nữa. Chẳng lẽ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người lại sợ hãi cái chết, lo buồn vì những hình phạt thể xác sẽ xảy đến cho mình mà “đổ mồ hôi máu” hay sao?
Vậy thì điều gì làm cho Ngài muộn phiền đến vậy? Câu trả lời thật đơn giản, chỉ nằm gọn trong một từ: “chén”. Đức Giêsu lặp lại đến 3 lần cùng một lời cầu nguyện: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Chén này là chén Chúa Cha đã trao cho Đức Giêsu (Ga 18,11). Cách đó ít lâu trước giấc mơ quyền lực của hai môn đệ thân tín, Đức Giêsu đã từng nhắc đến: “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20,22; Mc 10,38). Vậy, Chén ấy là chén gì mà khiến Đức Giêsu phải “ngập ngừng” như thế? (Giuse Duy Thạch).
Bị phản bội trong tình yêu, đó là nỗi đau đớn nhất. Trái tim co thắt từng cơn và tâm hồn xao xuyến muộn phiền tột cùng. Đức Giêsu, người trao ban tình yêu sắp bị phụ bạc, sắp bị chối từ. Các môn đệ trốn chạy, mọi người khinh khi nhục mạ. Đức Giêsu đau buồn đến “đổ mồ hôi máu” không phải vì lo lắng sợ hãi trước cuộc khổ hình thập giá cho bằng những khao khát yêu thương bị chối từ.
Đã có bao nhiêu người đi theo và nhận lãnh những ân huệ của Chúa Giêsu? Những trích đoạn Tin mừng sau đây giúp tính thử bằng con số.
-        Mười hai Tông Đồ, đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê, Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Tôma, Mátthêu, Giacôbê, Tađêô, Simôn và Giuđa Ítcariốt (Mt 10,2-4).
-        Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến (Lc 10,1).
-        Năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con [đã được ăn uống no nê] (Mt 14,13; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-14).
-        Bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con [đã được ăn uống no nê] (Mt 15,38-39).
Tính sơ sơ đã thấy có tổng số 9.084 người. Tin Mừng Gioan và Máccô còn cho biết con số theo Chúa Giêsu không chỉ giới hạn ở con số 9.084 người mà còn nhiều hơn nữa. Chắc chắn trong số này đã có rất nhiều người đã từng thọ ơn của Chúa Giêsu.
-        Có rất đông dân chúng đã đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm (Ga 6,2).
-        Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm (Mc 3,7-8).
-        Nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua (Ga 2,23).
-        Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ (Ga 13,2).
-        
Như vậy, Chúa Giêsu là thần tượng và là vị đại ân nhân của cỡ chừng vài chục ngàn người chứ không phải ít bởi vì chính những ông Pharisiêu đã bảo nhau: “Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!” (Ga 12,17-19). Rất đông người đi theo, ngưỡng mộ và nhận lãnh những ơn huệ của Chúa Giêsu. Nhưng khi Người lâm nạn thì có bao nhiêu người đến chia sớt những nỗi cô đơn, đau khổ?. Có bao nhiêu người đến trả nghĩa dù là một chén nước lã, hay ghé vai vác đỡ thập giá trên đường thương khó?
Không thấy ai cả.
Khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ chạy tán loạn, chạy bán sống bán chết đến độ không còn một mảnh vải để che thân nữa (Mc 14,51-52). Chỉ còn ông Phêrô là “can đảm” theo Thầy xa xa. Ngày nay, ngoài vườn Giếtsêmani còn một động đá mệnh danh là “hang phản bội”, để nhắc lại biến cố đau lòng của Phêrô và các môn đệ đã bỏ Chúa. Mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết, cùng bà Salômê (Mc 14,52-54; 15,40)… Đức Giêsu dường như cô độc giữa một biển người đồng hương. Không có ai đứng ra bàu chữa. Trong mắt họ, Ngài còn thua tên cướp Baraba. Họ khinh bỉ và khạc nhổ vào Ngài. Tình yêu bị chối từ là niềm đau đớn nhất. Đức Giêsu khao khát được yêu họ, được mang ơn cứu độ cho họ cho đến hơi thở cuối cùng. Thế mà tất cả đều chối từ. Lời Thánh vịnh ứng nghiệm: “Nỗi sầu riêng mong người chia sớt, luống công chờ không được một ai; Đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu” (Tv 69,21). Mồ hôi và máu chảy ra là do tự nỗi đau tột cùng ở trong tâm hồn đã làm đứt các mạch máu và máu chảy ra. Đức Giêsu thấy trước những vong ân bội nghĩa, thấy bị bỏ rơi trong cô đơn, thấy những tội lỗi nhân loại nên đau khổ tột cùng. “Chén đắng” là như thế, Ngài không “đổ mồ hôi máu sao được”?.
3. Đón nhận chén đắng với lòng vâng phục
Dù bị các môn đệ bỏ rơi, bị giới lãnh đạo cô lập, Chúa Giêsu vẫn bình thản trước các sự kiện đang diễn ra. Người hoàn toàn tự do để đón nhận hay khước từ. Người có thể khước từ chén đắng, nhưng không, Người đã đón nhận trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha. Dầu vậy, khi giờ đã đến, Người vẫn cảm thấy hãi hùng, xao xuyến nên đã cầu nguyện. Cầu nguyện trong cô đơn và sợ hãi đến độ mồ hôi máu bịn rịn nơi thân thể. Đây quả là giờ của đau khổ, giờ của hãi hùng, giờ bị mọi người khước từ. Đây là chén đắng của cuộc đời. Chén chua chát bị ruồng bỏ, bị nhạo báng đến nỗi Người đã nại vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này”, nhưng đón nhận thánh ý Chúa Cha, Người lại tiếp tục bình thản để thưa lên cùng Cha: “nhưng xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha trọn đời”.
Chúa Giêsu bị phản bội, bị hiểu lầm, bị ghen ghét, chịu kết án cách bất công để cứu nhân loại khỏi án phạt đời đời. Người đã chết để đền tội, để chuộc tội, để gánh tội, để cứu độ con người. Người cho chúng ta được thông phần cuộc sống của Đấng “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, cho chúng ta “được sống dồi dào”.
Con người được dựng nên để sống và sống để yêu Chúa và để yêu nhau. Thiên Chúa là tình yêu nên đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận chén đau thương để đem lại tình yêu thương cho con người. Người đã biến đổi viên mãn của đau thương thành viên mãn của yêu thương qua cuộc khổ nạn (x.1Cr 15, 26 . 54; Dt 2, 14), để từ trong cái chết vì tình yêu, sự sống vươn lên tươi đẹp như một mùa lúa mới (Ga 12, 24). Tuần Thánh giúp ta chiêm ngắm tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và với nhân loại.
Xin Chúa cho chúng con luôn sống yêu thương, biết đem Tin Mừng bình an đi xây dựng cuộc đời.


Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã lên án các hành động của cái gọi là “nhà nước Hồi giáo” và nói về mối quan hệ giữa tự do tôn giáo và tự do phát biểu trong một diễn văn tại Liên Hợp Quốc.

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã lên án các hành động của cái gọi là “nhà nước Hồi giáo” và nói về mối quan hệ giữa tự do tôn giáo và tự do phát biểu trong một diễn văn tại Liên Hợp Quốc.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục, ký ngày 10 tháng Ba, đã được công bố vào ngày thứ Năm 26 tháng 3 tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng: “Bạo lực không xuất phát từ tôn giáo, nhưng từ những giải thích sai lạc hoặc từ việc chuyển đổi tôn giáo thành một thứ ý thức hệ. Thêm vào đó, bạo lực tương tự cũng có thể xuất phát từ việc tôn thờ ngẫu tượng Nhà nước hoặc nền kinh tế, và nó cũng có thể là một hệ quả của chủ nghĩa tục hóa. Tất cả những hiện tượng này có xu hướng loại bỏ tự do và trách nhiệm của cá nhân đối với người khác”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng xung quanh vụ Charlie Hebdo có hai khuynh hướng cực đoan. Khuynh hướng thứ nhất đề cao bất cứ hình thức nào của tự do phát biểu. Ngược lại, khuynh hướng thứ hai chống lại bất cứ hình thức xúc xiểm tôn giáo nào.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng:

Tự do ngôn luận khi bị lạm dụng để gây ra những vết thương trên phẩm giá con người bằng cách xúc phạm niềm tin sâu xa nhất của họ đang gieo rắc những hạt giống của bạo lực. Tất nhiên, tự do ngôn luận là một quyền con người cơ bản phải luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ. Nếu không có quyền tự do ngôn luận thì sẽ không có nền giáo dục, không có nền dân chủ, và không có linh đạo đích thực. Nhưng đồng thời tự do ngôn luận cũng bao hàm nghĩa vụ phải nói một cách có trách nhiệm trên quan điểm của công ích những gì một người nghĩ.

Tự do ngôn luận không thể được dùng để biện minh cho việc hạ thấp tôn giáo thành một nét văn hóa tầm thường, vô nghĩa hoặc biến tôn giáo thành một mục tiêu dễ dàng cho sự chế giễu và phân biệt đối xử. Chắc chắn là những tranh luận bài xích tôn giáo dù là dưới các hình thức mỉa mai có thể được chấp nhận cũng như việc chấp nhận những mỉa mai khi nói về chủ nghĩa thế tục hay chủ nghĩa vô thần.

Những lời chỉ trích liên quan đến tư duy tôn giáo thậm chí có thể giúp hạn chế những hình thái đa dạng của chủ nghĩa quá khích.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng không gì có thể biện minh cho những lời lăng mạ vô cớ và sự giễu cợt ác ý vào tình cảm và niềm tin của người khác, là những người xét cho cùng là bình đẳng về nhân phẩm đối với mình. Chúng ta có quyền chế giễu bản sắc văn hóa của một người, màu da của người ấy, hay niềm tin trong trái tim của người ấy không? “Quyền xúc phạm” là một thứ quyền không hề tồn tại.

Đặng Tự Do

(Nguồn: VietCatholic)

Nhờ sự vâng phục của Ngôi Hai Thiên Chúa và Mẹ Maria, việc Nhập Thể đã được thực hiện. Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại, ở cùng nhân loại, để nhờ đó, con người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa như lời chúng ta kêu xin trong lời nguyện nhập lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài người… Xin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người”. Như thế, với mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa cách đó hơn 700 năm mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một được trích từ sách ngôn sứ Isaia: “Này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.




LỄ TRUYỀN TIN (25/3)

Bài đọc 1: Is 6, 10-14
 Bài đọc 2: Dt 10, 4-10
Tin mừng: Lc 1, 26-38

Kính thưa…
Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta họp nhau nơi đây để cử hành trọng thể lễ Truyền Tin. Trước đây, vào thời Trung cổ và Cận đại, vì lòng yêu mến Đức Maria, người ta nhấn mạnh đến việc Truyền Tin cho Đức Maria, và cho rằng lễ này là lễ trọng về Đức Maria. Đây là một sự lầm lẫn làm biến dạng ý nghĩa ban đầu của ngày lễ. Chính vì thế, phụng vụ canh tân sau Công đồng Vatican 2 đã quay trở lại ý nghĩa nguyên thuỷ của ngày lễ, đó là ngày lễ được Giáo Hội lập ra để kính nhớ một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo chúng ta, mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa như câu xướng trước Phúc Âm nói rõ: “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.
Nếu như mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng ta bài học về sự hiệp nhất trong tình yêu, và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô ghi khắc vào tâm trí chúng ta hình ảnh sống động về một tình yêu tự hiến, thì mầu nhiệm Nhập Thể hôm nay là một mẫu gương cho chúng ta về sự vâng phục.
1. Sự vâng phục của Đức Kitô:
Trước hết, đó là sự vâng phục của Đức Kitô. Đây là một sự vâng phục căn bản và nền tảng để nhờ đó công trình cứu độ được khởi đầu. Sự vâng phục này đã được thánh Phaolô tóm tắt rất hay trong một ca vãn gởi tín hữu thành Philip: “Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa… Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá!” (Pl 2, 6-8). Như thế, người con mà Đức Maria sắp sinh ra không những là con của Mẹ trong tư cách là một con người, nhưng còn là Con Thiên Chúa như lời thiên sứ truyền tin: “Đấng Bà sẽ sinh ra là Đấng Thánh và được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Hay nói theo cách nói của phụng vụ qua các lời nguyện trong Thánh lễ hôm nay, thì người con đó vừa là “Thiên Chúa thật và là người thật”. Như thế, việc Nhập Thể của Ngôi Hai là kết quả một sự vâng phục hoàn toàn của Con đối với Thánh ý Chúa Cha.
Đây không phải là một sự vâng phục miễn cưỡng nhưng là một sự vâng phục hoàn toàn trong tự do như lời tác giả thư Do thái chúng ta vừa nghe: “Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa”. Chính Chúa Giêsu trong cuộc đối thoại với các môn đệ tại bờ giếng Giacóp cũng đã tuyên bố: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4, 34). Và tác giả thư Do thái còn khẳng định: chính nhờ sự vâng phục này, Đức Kitô trở thành một của lễ có giá trị tuyệt đối đến muôn đời trước mặt Thiên Chúa, tác giả viết: “nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ”. Vâng, Đức Kitô chỉ hiến dâng thân mình một lần là đủ đem lại ơn cứu độ cho muôn người thuộc mọi thời đại, bởi lẽ “của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiệu và của lễ đền tội, Chúa không muốn, cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”.
2. Sự vâng phục của Đức Maria:
Kế đến là sự vâng phục của Đức Maria. Thật vậy, dù trọng tâm của ngày lễ hôm nay là việc Nhập Thể của Ngôi Hai, chúng ta cũng không thể không nói đến sự cộng tác tích cực của Đức Maria. Mẹ chính là “thiếu nữ Sion”, là “người trinh nữ”, người được Thiên Chúa tuyển chọn từ muôn thuở để làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Điều này được thánh sử Luca diễn tả cách khéo léo qua lời chào của sứ thần: ‘Kính chào Bà đầy ơn phước”. Bởi vì, theo bình thường, đúng ra sứ thần phải chào: “Kính chào bà Maria”, nhưng ở đây, tên Maria đã được thay bằng “đầy ơn phước”. Như thế, Mẹ đã được đổi tên, mà việc đổi tên trong Thánh Kinh là dấu chỉ cho thấy một người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt để làm công việc của Ngài. Hơn nữa ở đây, sứ thần còn thêm: “Thiên Chúa ở cùng Bà”. Mẹ được đầy ơn phước, vì luôn có Chúa ở cùng. Mẹ là “thiếu nữ Sion” được Thiên Chúa tuyển chọn thay thế cho dân cũ là Israel để sinh ra Đấng Messia, khởi đầu cho một dân mới là Giáo Hội.
Mặc dù được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn từ đời đời, nhưng qua việc gởi sứ thần đến báo tin, cho thấy Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài chờ đợi nơi Mẹ một lời đáp trả trong tự do. Và Thiên Chúa đã không uổng công chờ đợi. Sau khi đã nghe lời giải thích của sứ thần: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”, mặc dù chưa hiểu hết, nhưng trong niềm tin, Mẹ đã cất lời thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần Chúa truyền”. Mẹ đã thưa hai tiếng “Xin vâng” trong tư cách của một con người tự do. Và với lời thưa “xin vâng” này, Mẹ Maria đã gắn chặt cuộc đời mình với Con Thiên Chúa qua việc thụ thai. Mẹ xứng đáng với tước hiệu là “Đấng hiệp công cứu chuộc”.
Tóm lại, nhờ sự vâng phục của Ngôi Hai Thiên Chúa và Mẹ Maria, việc Nhập Thể đã được thực hiện. Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại, ở cùng nhân loại, để nhờ đó, con người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa như lời chúng ta kêu xin trong lời nguyện nhập lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài người… Xin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người”. Như thế, với mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa cách đó hơn 700 năm mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một được trích từ sách ngôn sứ Isaia: “Này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
3. Và chúng ta hôm nay:
Lắng nghe lời Chúa trong ngày mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể hôm nay, mời gọi từng người chúng ta cũng biết sống tinh thần vâng phục như Đức Giêsu và Mẹ Maria đã sống khi xưa. Hai chữ “Xin vâng” mới nghe qua thật dễ, nhưng thực hiện lại không dễ chút nào. Nó đòi hỏi từng người chúng ta phải bỏ ý riêng của mình để thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
Mặt khác, con người thời nay cũng thường bị dị ứng khi nói đến hai chữ “vâng phục”. Bởi lẽ, chúng ta thường nghĩ rằng, vâng phục làm mất tự do. Nhưng thực ra, chính khi vượt thắng những đam mê tội lỗi, và những dục vọng của bản thân, để sống vâng phục theo Thánh Ý Chúa, chúng ta mới thực sự là người tự do. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1731, 1733 khẳng định: “Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên “nô lệ tội lỗi” (SGL. 1733).
Đối tượng đầu tiên chúng ta cần vâng phục đó là Thiên Chúa. Chúng ta hãy can đảm tuân giữ các giới răn của Người, nhất là giới răn bác ái. Chúng ta hãy tuân giữ các giới răn không phải như một người nô lệ, nhưng như một phương thế để biểu lộ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Kế đó, chúng ta hãy vâng phục cha mẹ, và những người hướng dẫn mình trong chân lý, để làm được việc đó, mỗi người chúng ta cần bỏ đi những tự ái, kiêu căng và cả những mặc cảm tự ti. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta xứng đáng đón Con Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể nhờ việc hiệp lễ. Rồi khi trở về nhà, chúng ta hãy sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Sống được như vậy, chúng ta đã cùng với Mẹ Maria góp phần làm cho mầu nhiệm Nhập Thể được tiếp tục kéo dài và trở nên hiện thực trong đời sống hàng ngày. Amen.




(Nguồn: memaria.org)
Thư Chung
của Đức Giám mục Phaolô
về việc cử hành Năm Thánh
kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo phận



  GIÁO PHẬN VINH
TÒA GIÁM MỤC XÃ ĐOÀI

Điện thoại: 0383861171
Email: tgmvinh@gmail.com
     Số 1/NTGP170.TC
                                                         

Xã Đoài, ngày 15 tháng 3 năm 2015

THƯ CHUNG
V/v: Cử hành Năm Thánh kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo phận
Kính thưa quý Cha và toàn thể anh chị em,
Để kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo phận Vinh (1846-2016), Tòa Giám Mục đã gửi Thư thỉnh nguyện xin mở Năm Thánh giáo phận tới Tòa Thánh Vatican. Nay tôi vui mừng thông báo cho anh chị em biết, ngày 23 tháng 02 năm 2015, thừa lệnh Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Ân Giải Tối Cao, qua các văn thư Prot. N. 51/15/I và Prot. N. 52/15/I, đã rộng lòng ban phép cho Giáo phận chúng ta mở Năm Thánh từ ngày 27/3/2015 đến ngày 27/3/2016.
Chiếu theo Sắc Lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao và sau khi đã tham khảo ý kiến của Ban Tư Vấn giáo phận và các Cha Quản hạt, tôi ấn định chương trình cử hành Năm Thánh như sau:
1. Lễ khai mạc
- Cấp giáo phận: được cử hành vào ngày 31/3/2015, nhân dịp Lễ Dầu, tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài.
- Cấp giáo hạt: được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh, ngày 12/4/2015, tại Sở hạt hoặc một giáo xứ khác trong Giáo hạt.
2. Lễ cao điểm: được cử hành vào ngày 15/8/2015, tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài.
3. Lễ bế mạc
- Cấp giáo phận: được cử hành vào ngày 22/3/2016, nhân dịp Lễ Dầu, tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài.
- Cấp giáo xứ: được cử hành vào Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, ngày 27/3/2016, tại mỗi Giáo xứ.
4. Các trung tâm hành hương để hưởng Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh
1/ Những điểm chính để hành hương hằng ngày: Nhà thờ chính tòa Xã Đoài, Nhà thờ Giáo xứ Văn Hạnh, Nhà thờ Giáo xứ Hướng Phương.
2/ Những điểm hành hương trong những ngày đặc biệt:
a. Tại tỉnh Nghệ An:
- Linh địa Trại Gáo: ngày 13/6/2015 và các ngày thứ Ba hằng tuần.
- Nhà thờ giáo xứ Quy Chính (có đền thánh Phêrô Lê Tùy): ngày 24/11/2015 (lễ thánh Phêrô Tùy).
- Đền thánh Phêrô Hoàng Khanh tại Giáo họ Trung Hậu (Xã Đoài): ngày 18/02/2016 (lễ thánh Phêrô Hoàng Khanh).
- Nhà thờ và Hang đá Bảo Nham (có đền thánh Đức Mẹ): ngày 08/12/2015 (lễ Quan thầy Giáo xứ).
- Nhà thờ giáo xứ Thuận Nghĩa và Đền thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa: ngày 24/11/2015 (lễ thánh Phêrô Khoa).
- Nhà thờ Giáo xứ Trang Đen (cựu Trú sở của Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài): ngày 24/6/2015 (ngày lễ quan thầy Giáo xứ).
b. Tại tỉnh Hà Tĩnh:
- Nhà thờ Giáo xứ Thọ Ninh (cựu Trú sở của Giám mục phó Tây Đàng Ngoài): ngày 07/10/2015 (ngày lễ Quan thầy Giáo xứ).
- Nhà thờ Giáo xứ Khe Sắn (có Đền thánh Antôn Pađôva): ngày 13/6/2015.
c. Tại tỉnh Quảng Bình:
- Giáo xứ Tam Tòa (nơi tử đạo của 7 thánh): ngày 08/12/2015 (lễ Quan thầy Giáo xứ).
- Nhà thờ Giáo xứ Trung Quán (quê hương thánh Tôma Trần Văn Thiện): ngày 19/6/2015 (ngày kỷ niệm phong thánh).
- Nhà nguyện Cộng đoàn MTG Hướng Phương (có hài cốt thánh Vincentê Nguyễn Thế Điểm): ngày 24/11/2015 (lễ thánh Vincentê Điểm).
d. Tại các nhà thờ giáo xứ trong toàn Giáo phận: 3 ngày Tết Nguyên Đán và 3 ngày Chầu Lượt.
5. Lãnh nhận Ơn Toàn Xá
Trong suốt Năm Thánh, các tín hữu có thể được hưởng Ơn Toàn Xá khi hành hương tới các điểm hành hương vào các ngày đã được chỉ định trên đây, chu toàn các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng), thật lòng ăn năn thống hối tội lỗi, sốt sắng tham dự một cử hành phụng vụ nào đó hoặc dừng lại một khoảng thời gian thích hợp để suy niệm, kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và lời thỉnh cầu Đức Maria.
Thưa quý Cha và toàn thể anh chị em,
Năm Thánh là thời gian ân sủng đặc biệt, nhằm giúp canh tân đời sống Giáo phận, mang tình thương và ơn lành của Thiên Chúa đến cho mọi người; là thời kỳ thuận tiện để mọi thành phần con cái Giáo phận ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm chứng tá đức tin của mình. Bởi vậy, trong Năm Thánh này, mong quý Cha, quý cộng đoàn Giáo xứ, Chủng viện, Dòng tu và các hội đoàn có những sáng kiến nhằm đưa ra những hoạt động thiết thực để sống Năm Thánh một cách có ý nghĩa và hữu ích; đặc biệt, với tinh thần hy sinh, cố gắng tổ chức hành hương về các điểm hành hương đã được chỉ định và chu toàn các điều kiện để lãnh Ơn Toàn Xá; sốt sắng lãnh nhận các bí tích, siêng năng tham dự Thánh lễ, chuyên cần cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, Giáo lý; tích cực canh tân đời sống cá nhân, hăng say dấn thân loan báo Tin Mừng, chứng nhân của lòng từ bi thương xót và quảng đại trong công tác bác ái xã hội.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Quan Thầy Giáo phận, tôi cầu chúc toàn thể anh chị em một Năm Thánh chứa chan ân sủng và tình thương của Chúa. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho Giáo phận và cho tôi.
Xin Chúa Kitô chúc lành cho tất cả chúng ta!
                                                    
                                              Giám mục Giáo phận Vinh 
                      
+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp