Thông Tin Bên Lề

Nhạc xuân

Tháng Thánh Giuse

HÃY KẾT BẠN VỚI

Ảnh

Liên kết web

VIDEO GIÁO XỨ

CHA QUẢN XỨ

HÃY NHANH TAY

1
GIÁO XỨ LÀNG RÀO

Magazine

Smoke

Natural

Feature

Video News



Năm cũ sắp qua đi nhường chỗ cho năm mới sắp đến cũng là lúc mà mọi người, mọi nhà sum vầy bên nhau cùng nâng chén rượu chúc xuân, vui cười bên mâm cỗ đầy bánh chưng bánh tày. Một cái tết như thế xem ra thật bình thường đối với những gia đình có điều kiện, thế nhưng đối với nhiều người đó vẫn chỉ là ước muốn, chỉ là khát khao mòn mỏi những lúc xuân về. 

Họ là những người nghèo, người già cả neo đơn không nơi nương tựa, họ là những con người như chúng ta nhưng vì hoàn cảnh éo le, số phận đưa đẩy đã phải mang căn bệnh thế kỷ khi mới chào đời...có những trường hợp ở cách xa chúng ta, nhưng đại đa số lại ở rất gần chúng ta, có thể ở sau ngôi nhà tầng ta mới xây, cũng có thể bị che khuất bởi bức tường rào cao vút trước sân nhà chúng ta và cũng có thể đó là người thân của chúng ta. 

Thật là dễ thấy với những người mắt đang mở, nhưng sẽ không bao giờ thấy đối với những người luôn đóng chặt cánh cửa tâm hồn. 

"Chính anh em hãy cho họ ăn" (Mt 14,16
Lời mời gọi của Đức Giê-su trong Tin Mừng vẫn luôn vang vọng bên những "Ai có tai để nghe thì hãy nghe" (Mc 4,9).

Trong tâm tình đó, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Sứ điệp Mùa Chay 2015(3. "Anh chị em hãy cũng cố tâm hồn!" (Gc 5,8) - mỗi tín hữu) và thư mục vụ Mùa Chay 2015 của Đức Giám mục giáo phận (số 3: Những việc làm cụ thể)được sự hướng dẫn và cho phép của cha quản xứ Giuse Phạm Hòa, Hội Mân Côi và Hội Têrêxa Giáo xứ Làng Rào, đã cùng tổ chức chương trình TẾT CHO NGƯỜI NGHÈO. 

Với tấm lòng hi sinh quảng đại của các hội viên, sự cộng tác của các nhà hảo tâm, chương trình dự định sẽ phát hơn 200 phần quà cho các hộ nghèo và những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phân biệt giáo - lương trên địa bàn giáo xứ Làng Rào. (Bánh chưng, Gạo, Mì chính, dầu ăn ...mỗi suất quà trị giá 200.000VNĐ )

Chương trình cụ thể như sau:
- Ngày 12/2/2015 (tức ngày 24 tết): Các hội viên tập trung về nhà xứ để nấu bánh chưng và đóng gói các phần quà.
- Ngày 13-15/2/2015 (tức ngày 25-27 tết): tổ chức đi chúc tết và phát quà tới các gia đình.

Bác ái thì vô biên và hoa quả của lòng bác ái vẫn còn tồn tại đến muôn đời. Trong tình hiệp thông xin mọi thành phần dân Chúa ủng hộ hết mình, nhất là bằng lời cầu nguyện để chương trình được diễn ra thành công tốt đẹp như ý Chúa muốn. 

Nguyện Xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Mân Côi  và thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su, ban muôn ơn lành cho những người giúp đỡ chúng con thực hiện chương trình này.
Kính chúc quý vị một năm mới tràn đầy ân lộc Chúa Xuân.

                                                                  BAN TỔ CHỨC

Lời Chúa trong Chúa nhật VI Thường niên - Năm B


Bài đọc 1: Lv 13,1-2.44-46
Người mắc bệnh phong hủi, phải ở riêng ra bên ngoài trại.

Bài trích sách Lê-vi.
1 Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron như sau :
2 “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, là những triệu chứng bệnh phong hủi, thì phải đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. 44 Nếu mắc bệnh phong hủi, thì người ấy trở thành ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế ; vì người ấy bị vết thương ở đầu.
45 “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên : ‘Ô uế ! Ô uế !’ 46 Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.”

Đáp ca: Tv 31,1-2.5.11 (Đ. x. c.7)
Đ. Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
khắp bốn bề trổi vang
những khúc ca mừng con được giải thoát.
1 Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.
2 Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.
Đ. Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
khắp bốn bề trổi vang
những khúc ca mừng con được giải thoát.
5 Lạy Chúa, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ : “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.
Đ. Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
khắp bốn bề trổi vang
những khúc ca mừng con được giải thoát.
11 Hỡi những người công chính,
hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.
Đ. Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
khắp bốn bề trổi vang
những khúc ca mừng con được giải thoát.

Bài đọc 2: 1 Cr 10,31-11,1
Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
10 31 Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. 32 Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa ; 33 cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.
11 1 Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.

Tung hô Tin Mừng: Lc 7,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mc 1,40-45
Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
40 Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” 42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Ban Mục Vụ Ơn Gọi                                                
   Giáo Phận Vinh
  Số 01/15 - MVOG                                                          



  Xã Đoài, ngày 09 tháng 02 năm 2015

THÔNG BÁO
V/v : Chương trình gặp gỡ và tĩnh tâm cho các Em Dự Tu Giáo Phận

Kính gửi: Các Em Dự Tu Giáo Phận Vinh thân mến,

Nhân dịp mừng năm mới Ất Mùi và đón Tết cổ truyền, Ban Mục Vụ Ơn Gọi gửi tới các Em Dự Tu lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Cầu chúc các Em càng thêm tuổi thêm khôn lớn, đạo hạnh và dồi dào phúc lành của Chúa trong năm mới.
Như chương trình đã định, vào dịp đầu Xuân này, Ban Mục Vụ Ơn Gọi sẽ tổ chức chương trình gặp gỡ và tĩnh tâm năm cho các Em Dự Tu cấp giáo phận. Chương trình cụ thể như sau :
I. THỜI GIAN : Từ 8,00 giờ sáng đến 16,00 giờ thứ Ba ngày 24 tháng 02 năm 2015, tức là ngày Mồng 6 Tết Ất Mùi.
II. ĐỊA ĐIỂM : Đại Chủng Viện Vinh Thanh, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An.
III. THÀNH PHẦN THAM DỰ :
+ Đức giám mục Giáo Phận.
+ Quý Cha trong Ban Mục Vụ Ơn Gọi.
+ Cùng với tất cả các Em Dự Tu đang học Đại Học, Cao Đẳng và các Em Dự Tu đang thực tập tại các giáo xứ.
Vì thế, Ban trân trọng kính mời các Em đến tham dự chương trình này cách đầy đủ, đúng giờ. Để thuận tiện cho việc tổ chức và lo ẩm thực, xin các Em báo trước cho Cha Gioan Baotixita Nguyễn Kim Đồng biết trước về sự hiện diện của mình qua địa chỉ email : mucvuongoi@gmail.com, hoặc qua số điện thoại: 098 6144 264.
Một lần nữa, cầu chúc các Em đón Tết cổ truyền với gia đình vui tươi và bình an trong Chúa Kitô.

TM/ BAN MỤC VỤ ƠN GỌI
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
         Trưởng Ban

Mùa Chay là một mùa canh tân đối với Giáo Hội, các cộng đoàn và mỗi tín hữu. Nhưng trên hết Mùa Chay là "một mùa ân thánh' (2 Cr 6,2).


Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5,8)
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là một mùa canh tân đối với Giáo Hội, các cộng đoàn và mỗi tín hữu. Nhưng trên hết Mùa Chay là "một mùa ân thánh' (2 Cr 6,2). Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta điều gì mà trước đó Ngài không ban cho chúng ta: "Chúng ta yêu mến vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Chúa không dửng dưng đối với chúng ta. Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta; tình thương ngăn cản không để cho Chúa dửng dưng đối với những gì xảy đến cho chúng ta. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì chắc chắn chúng ta quên những người khác (điều mà Chúa Cha không bao giờ làm), chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu... lúc ấy tâm hồn chúng ta rơi vào thái độ dửng dưng: trong khi tôi tương đối an mạnh và thoải mái, thì tôi quên những người không được an mạnh. Thái độ ích kỷ, dửng dưng này ngày nay có một chiều kích toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ hoàn cầu hóa sự dửng dưng. Đó là một bất hạnh chúng ta cần đương đầu trong tư cách là Kitô hữu. Khi Dân Chúa trở về với tình thương của Chúa, thì họ tìm được những câu trả lời cho những vấn nạn mà lịch sử luôn đề ra cho họ. Một trong những thách đố khẩn cấp nhất mà tôi muốn dừng lại trong Sứ Điệp này chính là thách đố hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Dửng dưng đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Vì thế, trong mỗi Mùa Chay chúng ta cần nghe lời kêu của các Ngôn Sứ lên tiếng và thức tỉnh chúng ta. Thiên Chúa không dửng dưng đối với thế giới, Chúa yêu thương thế giới đến độ ban Con của Ngài để cứu độ mỗi người. Trong cuộc nhập thể, trong cuộc sống trần thế, trong cái chết và sống lại của Con Thiên Chúa có mở ra vĩnh viễn cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất. Và Giáo Hội như bàn tay giữ cho cánh cửa ấy mở rộng nhờ việc công bố Lời Chúa, cử hành các Bí tích, nhờ làm chứng tá đức tin hữu hiệu trong đức bác ái (Xc Gl 5,6). Tuy nhiên, thế giới có xu hướng khép kín vào mình và đóng kín cánh cửa qua đó Thiên Chúa đi vào thế giới và thế giới đến cùng Chúa. Vì thế bàn tay, là Giáo Hội, không bao giờ được ngạc nghiên nếu bị phủ nhận, bị đè bẹp và bị thương.
Vì vậy Dân Chúa cần canh tân, để không trở nên dửng dưng và không khép kín vào mình. Tôi muốn đề nghị với anh chị em 3 bước suy tư để đạt tới sự canh tân.
1. ”Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12,26) - Giáo Hội
Tình thương của Thiên Chúa phá vỡ thái độ khép kín chết chóc là sự dửng dưng, tình thương ấy được Giáo Hội trao tặng cho chúng ta qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của Giáo Hội. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà trước đó chúng ta cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho chiếc áo lòng từ nhân và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên giống Chúa, là Tôi Tớ của Thiên Chúa và loài người. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh nhắc rõ điều đó cho chúng ta qua nghi thức rửa chân. Thánh Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho Ông, nhưng rồi đã hiểu rằng Chúa Giêsu không muốn đó chỉ là một ví dụ về cách thức chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ có người nào để cho Chúa Kitô rửa chân trước thì mới có thể thi hành việc phục vụ này. Chỉ người nào được "dự phần" với Ngài (Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ con người.
Mùa Chay là mùa thuận tiện để chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ và nhờ đó trở nên như Chúa. Điều này xảy ra khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và khi chúng ta lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể. Trong đó chúng ta trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận: trở nên Mình Chúa Kitô. Trong thân mình này, không có chỗ cho sự dửng dưng dường như thường ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng ta không thể dửng dưng đối với nhau. "Vì thế nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể cùng đau chung; và nếu một chi thể được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng vui mừng với chi thể ấy" (1 Cr 12,26).
Giáo Hội là cộng đồng hiệp thông của các thánh vì các thánh tham dự vào cộng đồng ấy, và cũng vì đó là một sự hiệp thông những sự thánh: tình thương của Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta trong Chúa Kitô và tất cả các hồng ân của Chúa. Trong số các hồng ân này cũng có câu trả lời của những người để cho mình được tình thương của Chúa chiếm hữu. Trong cộng đồng hiệp thông của các thánh và trong sự tham dự vào những sự thánh, không ai sở hữu riêng cho mình, nhưng những gì họ có là để cho tất cả. Và vì chúng ta được liên kết với nhau trong Chúa, chúng ta cũng có thể làm được một cái gì đó cho những người ở xa, cho những người mà tự sức riêng chúng ta không bao giờ có thể đạt tới họ, vì cùng với họ và cho họ chúng ta cầu xin Thiên Chúa để tất cả chúng ta đều cởi mở đối với công trình cứu độ của Chúa.
2. "Em ngươi ở đâu?" (St 4,9) - Các giáo xứ và các cộng đoàn
Những điều nói về Giáo Hội hoàn vũ thì cũng cần được biểu lộ trong đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Trong các thực tại Giáo Hội này, chúng ta có làm cho mọi người cảm nghiệm được họ là thành phần của một thân mình duy nhất hay không? Đó có phải là một thân mình cùng lãnh nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa muốn ban hay không? Đó có phải là một thân mình biết và chăm sóc những phần tử yếu đuối nhất, nghèo khổ và bé nhỏ nhất hay không? Hoặc chúng ta chạy trốn trong một tình yêu đại đồng, dấn thân nơi xa xăm nhưng lại quên người nghèo Lazzaro ngồi ngay trước cánh cửa khép kín của nhà mình hay không? (Xc Lc 16,19-31).
Để lãnh nhận và làm cho những gì Chúa ban cho chúng ta được sinh hoa kết trái hoàn toàn, cần phải vượt qua những ranh giới của Giáo Hội hữu hình theo hai chiều hướng.
- Thứ nhất, bằng cách liên kết trong kinh nguyện với Giáo Hội thiên quốc. Khi Giáo Hội trần thế cầu nguyện, thì thiết lập một sự hiệp thông phục vụ và mưu ích cho nhau, bay lên trước nhan Thiên Chúa. Cùng với các thánh đã tìm được sự sung mãn trong Thiên Chúa, chúng ta là thành phần cộng đồng hiệp thông ấy, trong đó tình thương chiến thắng dửng dưng. Giáo Hội thiên quốc không chiến thắng vì đã quay lưng lại với những đau khổ của trần thế và vui hưởng một mình. Đúng hơn, các thánh đã có thể chiêm ngắm và vui mừng vì sự kiện, nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, các vị đã vĩnh viễn chiến thắng thái độ dửng dưng, sự cứng lòng và oán thù. Bao lâu chiến thắng ấy của tình thương chưa thấm nhập vào toàn thể thế giới, thì các thánh còn đồng hành với chúng ta là những người lữ hành. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Tiến sĩ Hội Thánh, đã viết với lòng xác tín rằng niềm vui trên trời vì chiến thắng của Tình thương chịu đóng đanh sẽ không trọn vẹn bao lâu còn một người trên trần thế phải chịu đau khổ và rên xiết: "Con hy vọng sẽ không ngồi yên mà không làm gì trên trời, mong ước của con là còn tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và cho các linh hồn” (Thư 254 ngày 14-7-1897).
Cả chúng ta cũng tham dự vào công phúc và niềm vui của các thánh và các ngài tham dự vào cuộc chiến đấu cũng như mong ước của chúng ta muốn được an bình và hòa giải. Niềm vui của các thánh vì chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh là động lực thúc đẩy chúng ta vượt thắng bao nhiêu hình thức dửng dưng và cứng lòng.
Đàng khác, mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi hãy vượt qua ngưỡng cửa nối kết họ với xã hội xung quanh, với những người nghèo và những người xa xăm. Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, không co cụm vào mình, nhưng được sai tới tất cả mọi người. Sứ mạng của Giáo Hội là kiên nhẫn làm chứng về Đấng muốn mang tất cả thực tại và mỗi người về cùng Chúa Cha. Sứ mạng truyền giáo là điều mà tình thương không thể im lặng. Giáo Hội theo Chúa Giêsu Kitô trên con đường dẫn Giáo Hội tới con người, cho đến tận bờ cõi trái đất (Xc Cv 1,8). Như thế chúng ta có thể nhìn thấy nơi tha nhân người anh chị em mà Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại cho họ. Những gì chúng ta nhận lãnh, thì chúng ta cũng lãnh nhận cho họ. Cũng thế, những gì những người anh chị em ấy sở hữu, chính là một món quà cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại.
Anh chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện, - đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, - trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!
3. "Anh chị em hãy cũng cố tâm hồn!" (Gc 5,8) - mỗi tín hữu
Cả với tư cách cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ dửng dưng. Chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp. Phải làm gì để không bị cái vòng kinh hoàng và bất lực ấy cuốn mất?
Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện trong tình hiệp thông của Giáo Hội trần thế và thiên quốc. Chúng ta đừng coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người! Sáng kiến 24 giờ cho Chúa, mà tôi cầu mong sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp độ giáo phận, trong những ngày 13 và 14-3 tới đây, muốn biểu lộ sự cần thiết phải cầu nguyện.
Tiếp đến, chúng ta có thể giúp đỡ bằng những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể, nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung.
Thứ ba, sự đau khổ của tha nhân là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của người anh em nhắc nhở cho tôi sự mong manh của đời tôi, sự lệ thuộc của tôi đối với Thiên Chúa và các anh chị em. Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận khả năng giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ tín thác nơi tiềm năng vô biên chứa đựng trong tình thương của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể chống lại cám dỗ của ma quỷ làm chúng ta tưởng mình có thể tự mình cứu thoát bản thân và thế giới.
Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa. Một con tim để cho Thánh Linh thấu nhập và dẫn đi trên những con đường tình thương đưa tới các anh chị em. Xét cho cùng, đó là một con tim nghèo, nghĩa là nhận biết sự nghèo hèn của mình và xả thân cho tha nhân.
Vì thế, anh chị em thân mến, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin Chúa Kitô trong Mùa Chay này: "Fac cor nostrum secundum cor tuum, xin làm cho trái tim chúng con được nên giống Trái Tim Chúa” (Lời cầu trong Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu). Như thế chúng ta sẽ có một con tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không rơi vào vực thẳm của nạn hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Với mong ước ấy, tôi hứa cầu nguyện để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước trong hành trình Mùa Chay với nhiều thành quả, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.
Vatican ngày 4 tháng 10 năm 2014
Lễ Thánh Phanxicô Assisi

(LM. Trần Đức Anh OP dịch từ nguyên bản tiếng Ý)
Giống như mục tử phân ra,
Chiên bên tay phải, dê qua trái người. (x. Mt 25, 33).
Giống như mục tử phân ra,
Chiên bên tay phải, dê qua trái người. (x. Mt 25, 33).


NĂM MÙI VUI CHUYỆN DÊ TRONG KINH THÁNH
Tôi còn nhớ mãi hình ảnh con dê trong cuốn sách giáo lý mà thời tôi còn bé, bố tôi thường mở ra chỉ dạy cho tôi. Cuốn sách có khổ lớn, mở ra to bằng trang nhật báo, cứ một trang in chữ, một trang in hình. Tôi không còn nhớ tên cuốn sách, nhưng nhớ mãi những trang hình, đặc biệt là cảnh hoả ngục.
Hoả ngục được vẽ trong tranh ấy có bẩy cửa, tượng trưng bẩy mối tội đầu. Mỗi cửa có vẽ một con vật làm biểu tượng cho một tội. Con heo cho tội mê ăn uống, con rùa cho tội làm biếng, con dê canh cửa thứ ba “giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục”.
Năm Mùi, nhớ lại con dê trong cảnh hoả ngục, tôi liền mở Kinh Thánh tìm xem Sách thánh nói đến con dê như thế nào?
Ngay cuốn sách đầu tiên là Sáng thế ký đã nhắc đến con dê, và rải rác các sách khác cũng có nói về dê, kể cả trong Tân Ước. Tuy dê không được Kinh Thánh coi trọng bằng bò tơ, cừu đực, nhưng cũng nói đến nhiều. Chúng tôi bắt đầu chuyện dê đầu tiên trong Sáng thế ký.
Thịt dê thế thịt rừng
Ông Ixaac và bà Rêbêca có hai người con trai là Exau và Giacop, ông thích thịt rừng nên ưa cậu cả Exau, bà lại thương con út Giacop hơn. Một hôm bà nghe được ông sai Exau đi săn lấy thú rừng về nấu cho ông món thịt rừng ông vẫn ưa thích, rồi ông chúc lành cho trước khi ông nhắm mắt về với tổ tiên. Bà liền vội vàng sai Giacop ra chuồng gia súc bắt hai con dê non mập mạp đem cho bà. Hai con dê bị bà lóc da, xẻ thịt, nấu món ăn theo đúng sở thích của ông Ixaac. Khi đã xong, bà cho Giacop đóng vai Exau bưng cỗ lên mời bố để nhận lãnh lời chúc phúc, trong khi Exau còn đang mải săn thú rừng. Giacop đắn đo: “Mẹ à, anh Exau người rậm lông, nhỡ ba con cầm tay con, biết là con xí gạt thì phúc chả thấy, thấy tội”… Bà Rebeca lấy da dê non bọc tay và cổ cho Giacop, bà còn dùng áo của Exau mặc cho Giacop… Ông Ixaac tuy loà không thấy, lại nghe giọng nói khác Exau, ông cũng bán tín bán nghi… Nhưng khi sờ thấy tay bọc da dê đầy lông, ông nghĩ đúng là Exau, nên đã chúc phúc cho Giacop!
Chính vì mâm cỗ lấy thịt dê thế thịt rừng ấy mà anh em hiềm thù nhau. Giacop phải trốn đi ở chăn dê cho cậu, ở mãi tận Khaban. (xem St 27, 1- 46).
Dê, của lễ đền tội
Dê được dùng làm tế phẩm dâng tiến Yavê, nhưng chỉ được dùng để làm của lễ đền tội, không như các con bò tơ hay chiên béo được dùng làm lễ vật tôn kính Chúa. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt người ta có thể dùng con dê cái non để giết ăn mừng lễ. (x.Đnl 15,22).
Theo sách Dân số, ông Môisen đã được Đức Yavê truyền dạy về những con vật được giết làm của lễ toàn thiêu dâng tiến Chúa như sau:
Trong các dịp lễ: lễ bánh không men, lễ các tuần, lễ lều, ngày sóc, ngày hò la, ngày xá tội…ngoài các tế phẩm như bò tơ, chiên con, cừu đực… còn phải có một con dê đực làm lễ đền tội (x. Ds 18). Một lễ đền tội điển hình được mô tả như sau: Vua Êxach tế lễ Chúa có dùng bẩy con dê đực làm lễ đền tội cho quốc gia. Bẩy con dê đực được dẫn đến trước mặt vua, rồi dân chúng đặt tay trên những con dê đó. Sau đó giết các con sinh tế ấy, lấy huyết rảy trên bàn thờ. (x.2Sk 29,20-24). Thông thường người ta dùng một con là đủ. Nhưng lễ đền tội cho một tập thể lớn, mới cần đến nhiều con dê đực, như trong lễ chuộc sau:
Ngày mồng ba tháng Ađa, năm thứ sáu triều vua Đariô (mồng 1 tháng 4 năm 515 trước công nguyên). Dân Itraen, các tư tế, các Thầy Lêvi và các dân lưu đày trở về, đã tổ chức lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa, được xây trên nền cũ, tại Giêrusalem, sau kỳ lưu đày tại Babylon về. Họ đã dâng 100 con bò, 200 con cừu đực, 400 con chiên. Để làm lễ chuộc tội cho toàn thể dân Ítraen trong dịp này, họ bắt 12 con dê đực làm con sinh tế, đền thay cho số 12 chi tộc Ítraen. (x. Er 6, 15-17).
Đàn dê của ông Giacóp
Sau nhiều năm ở rể tại nhà ông Laban, Giacóp xin trở về quê hương cũ. Ông Laban nói với Giacóp: “Tôi biết, Đức Yavê đã vì anh mà chúc phúc cho tôi, tôi biết lấy gì mà trả công cho anh đây?”
Giacóp thưa lại: “Cậu đừng trả gì cho cháu cả, cháu chỉ xin cậu những con dê khoang lốm dốm thôi. Nếu mai này cháu xa cậu mà trong đàn dê của cháu có những con không khoang lốm đốm là không thuộc về cháu.”
Ngay hôm ấy, ông Laban cho lựa hết những con dê khoang lốm đốm dành cho Giacóp, lùa riêng đi cách xa đàn dê của ông tới ba ngày đường, giao cho các con ông chăm sóc, còn Giacóp vẫn phải chăn dê cho bố vợ như cũ. Giacóp muốn lợi dụng cơ hội này làm tăng thêm cho đàn dê khoang của mình. Ông chặt những cành cây bạch dương, cành hạnh đào, cành tiêu huyền còn tươi, bóc đi một phần vỏ cho lộ ra những sọc trắng. Ông cắm những cành cây đó cạnh máng nước, trước mặt những con dê đang uống nước, dê đực và dê cái khoẻ mạnh truyền giống bên máng nước ấy, sinh ra những con dê con mạnh khoẻ. Bằng cách ấy, Giacóp đã tạo cho mình thêm rất nhiều dê khoang đốm, đến nỗi Sứ thần Chúa cũng phải thốt lên: “Hãy ngước mắt lên mà coi, tất cả những dê đực dê cái phối giống bên máng nước đều sinh ra dê có khoang rằn ri lốm đốm… Bây giờ hãy chỗi dậy, ra khỏi đất này mà về bản quán của mình”. Lúc lên đường về quê, Giacóp đã giầu có lắm, với vô số cừu dê, tớ trai hầu gái đông đúc và từng bầy lạc đà, lừa vận tải…(xem. St 31, 24-43).
Dê, lễ vật ra mắt
Đọc Kinh Thánh, chúng ta đã biết Esau và Giacóp là anh em sinh đôi, Esau ra trước làm anh, nhưng vì đi săn về đói mệt đã bán chức trưởng nam cho Giacóp để lấy một bát cháo ăn đỡ lòng. Giacóp lại được mẹ hướng dẫn để dành được lời chúc phúc của cha. Chính vì thế, Esau tức giận đòi lấy mạng Giacóp, khiến bà mẹ phải để cho Giacóp trốn đi xa cưới vợ. Trở lại quê hương lần này, Giacóp vẫn sợ anh mình còn giận, nên đã bố trí cho cuộc anh em hội ngộ rất cẩn thận. Ông cho người ăn kẻ làm lùa những đàn vật đi trước để làm lễ vật ra mắt anh. Trong số những đàn vật ấy có một đàn dê đông đúc gồm hai trăm dê cái và hai mươi dê đực. Giacóp nghĩ thầm rằng, ta cho mang tặng phẩm này ra mắt anh trước để anh nguôi giận, sau ta mới đến giáp mặt anh ấy và may ra anh ấy sẽ nể ta.
Ông Esau được tin em về, cũng mang bốn trăm gia nhân đi đón Giacóp. Gặp nhau anh em ôm cổ nhau mà hôn, cả hai cùng đẫm ướt lệ mừng. Giacóp phải nài nỉ anh mãi, Esau mới nhận những món quà lòng thành Giacóp hiến tặng, trong đó có đàn dê là lễ vật cầu phúc. (x. St 32 và 33).
Con dê của bà Tôbit
Ông bà Tôbit là người kính sợ Chúa, ông thực hành đức bác ái bằng việc chôn xác những đồng hương bị giết rồi ném ra ngoài thành, dù ông bị ngăn cấm. Ông bà có một con trai tên là Tôbia.
Một hôm ông Tobit nằm ngủ ngoài hiên nhà, ông bị phân chim rơi trúng mặt, khiến hai mắt ông không còn thấy đường. Từ ngày ông bị mù, bà Anna vợ ông phải lo quán xuyến hết mọi việc nhà, lo bươn chải từ việc nặng nhọc đến những việc nhẹ, để bảo đảm cuộc sống gia đình. Tuy vậy, bà cũng không sao lãng bổn phận của phụ nữ: “Gái thì giữ việc trong nhà, Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa.”
Canh cửi không quá nặng nhọc, nhưng tốn nhiều thời gian, phải thức khuya dậy sớm làm việc thì mới dệt được nhiều vải. Bà cứ dệt, cứ dệt… được kha khá lại cắt vải đem đi giao hàng. Hôm ấy, nếu tính theo lịch Makêđônia là ngày mồng bảy tháng Đystro, tương đương với tháng Ađar của lịch Do thái, tức khoảng tháng hai tháng ba theo lịch ngày nay, bà xén vải đem đi giao. Họ đã trả đủ tiền vải cho bà, rồi còn tặng bà một con dê con, để bà có thể làm một bữa ăn thịnh soạn đãi cả nhà.
Con dê đã được cột một sợi dây vào cổ để bà có thể dắt nó đi dễ dàng. Khi bà dắt dê về đến nhà, con dê không chịu vào, bà lôi mạnh, con dê kêu lên be be… Ông Tôbit nghe tiếng dê kêu, liền hỏi bà:
-                     Ở đâu mà bà có được con dê đấy? Hay là bà bắt được của ai, hãy mau đem trả cho chủ nó! Vì ta không được phép dùng những của không phải là của mình.
Bà Anna vui vẻ, hãnh diện khoe với chồng:
-                     Con dê này là quà người ta tặng cho tôi, sau khi họ đã trả đầy đủ tiền vải.
Ông Tôbit vẫn không tin, có ai lại tốt bụng quá vậy. Ông cứ nằng nặc đòi bà phải đem dê đi trả, vì ông cảm thấy xấu hổ khi có bà vợ đi bắt dê của người ta về...
Thế là ông bất bình vì không đồng ý kiến, nhưng với tài thuyết phục và sự ngay thẳng của bà Anna, thế nào ông Tôbit cũng hiểu. (x. Tb 2,19-23).
Dê cừu song đấu
Đọc sách tiên tri Đanien, ta thấy ngôn sứ này được thấy nhiều thị kiến. Bằng giọng văn khải huyền, ông đã thuật lại những thị khiến ấy để tuyên sấm về những việc sẽ xảy ra, hầu cảnh cáo người đương thời. Một trong những thị kiến ấy là cuộc song đấu giữa một con cừu đực và một con dê đực.
Năm thứ ba triều vua Bantasa, vua nước Babylon, lần thứ hai Đanien được thị kiến. Khung cảnh của thị kiến được xảy ra ở thành Susa, trong địa hạt Êlam, đế đô của triều đại Akêđêmit, trên bờ sông Ulai. Khi ngôn sứ ngước mắt lên nhìn thì thấy một con cừu đực đứng đối diện với bờ sông. Bằng một sức mạnh kinh hồn, con cừu húc tới phía Tây, lao lên phía Bắc, rồi nhào xuống phía Nam mà không ai có thể cản nổi nó.
Ngay lúc ấy, xuất hiện một con dê đực từ hướng mặt trời lặn xông tới, nó rảo khắp thiên hạ mà chân không chạm đất. Dê xồm ấy có một cái sừng lồ lộ ngay giữa hai con mắt. Nó hùng hổ xông tới chỗ con cừu đực, con dê nổi giận đùng đùng, lấy đầu phang cho con cừu một phát, làm gẫy luôn cặp sừng của con cừu. Cừu đực lảo đảo, không còn sức chống cự. Được đà, con dê tông thêm một phát nữa làm con cừu lăn chiêng xuống đất. Rồi cứ thế, con dê dùng chân đạp túi bụi vào con cừu… Dê tưởng mình còn sung sức, không ngờ cũng choáng váng, vì cái sừng duy nhất đã bị gẫy sau khi triệt hạ đối phương. Nhưng ngay sau đó bốn sừng khác mọc lên, theo bốn hướng gió trời, thay thế cho cái sừng dê bị gẫy đó.
Thị kiến trên của ngôn sứ Đanien là một lời sấm tiên báo những việc xảy ra sau đó giữa các vua trong các xứ Mêđi, Ba tư và Hy lạp. Ai muốn biết rõ hơn về thị kiến trên, xin mở sách Đanien đọc tiếp. (x. Đn 8, 1-27).
Dê trong thi ca Kinh Thánh
Các tổ phụ dân Do thái xưa đều thuộc dân du mục, công việc chăn nuôi vì thế đã đi vào Kinh Thánh, nên sách Thánh đã ghi lại những kinh nghiệm trong cuộc sống, giống như ca dao, tục ngữ nước ta, nhờ đó hậu sinh nương đà mà phát triển:
Khi cỏ khô đã cắt và cỏ non lại mọc,
cỏ xanh trên đồi núi cũng được gom về,
thì con có tiền tậu ruộng nhờ dê,
sữa dê con uống thỏa thuê,
cả nhà no đủ, nữ tì cũng vui.(Cn 27, 25-27).
Dê giúp phát triển kinh tế, tăng nhanh tài sản như thế, nên không những được các chàng trai chăn dắt mà các thiếu nữ cũng góp phần. Cô thiếu nữ Gialiêm xưa khi đi chăn dê, muốn biết người tình đang nghỉ ở đâu, nàng đã được hướng dẫn:
Này hỡi trang tuyệt thế giai nhân,
nếu quả nàng không biết,
thì hãy ra đi theo vết chân đàn cừu,
mà dẫn dê con của nàng đi ăn
quanh các lều mục tử… (Dc 1,8)
Khi đã đến lều người yêu, nàng ngủ một giấc đầy mộng mơ, khiến chàng không dám cho ai làm nàng dở dang giấc điệp:
Nhân danh dê cái nhân vì linh dương,
Chớ làm kinh động cô nương.(Dc 2, 7).
Nàng đã say sưa ngủ, một giấc ngủ đầy mộng mơ. Mơ nàng xinh mái tóc, mơ chàng bảnh trai cường tráng:
Tóc nàng gợn sóng như đàn sơn dương từ trên ngàn Galat tủa xuống. (Dc 4, 1) và nàng muốn nói cùng chàng:
Hãy làm linh dương, làm nai nhỏ của lòng em. (Dc 8, 14).
Nhưng có lúc dê núi cũng gặp tai ách:
Sẽ như linh dương hoảng chạy, như cừu dê không người thâu họp. (Is 13, 14).
Không có người chăn quy tụ, bầy chiên dê biến mất khỏi ràn, (Kb 3, 17). Quả thật, cả chiên dê nhỏ nhất cũng bị lôi đi. (Gr 49, 20). Đúng như lời nguyền rủa: Chớ gì lều và chiên dê của chúng bị người ta lấy đi. (Gr 49, 29).
Để dựng lại cơ nghiệp, phải nhớ lời khuyên: Hãy trốn khỏi Babylon, ra khỏi đất Canđê và nên như những con dê đầu đàn,(Gr 50, 8) đợi khi chúng sẽ dẫn chiên dê đến đó. (Xp 2, 7).
Được kỳ bình an, người ta lo tìm của lễ tạ ơn:
Phải chăng Đức Chúa thích từng ngàn dê đực, hàng vạn suối dầu ? (Mk 6,7). Chúa không ưa của lễ dê bò, của lễ mà Chúa yêu thích chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm cung trước Chúa.
Vua Đavit tuy là người chăn dê, nhưng biết thực hành các đức tính ấy. Ông đã lãnh nhận sức mạnh từ nơi Đức Chúa, dùng trành ném đá hạ sát Goliat, Đavit được ca tụng như giết được mười ngàn tên giặc, cho nên:
Ông chơi với sư tử như giỡn với dê tơ,
Đùa với gấu như vờn vờ chiên nhỏ. (Hc 47, 3).
Dê còn được dùng trong nghi lễ tế tự, xông lên Giavê Thiên Chúa hương thơm, xin ơn xá tội:
Con tiến dâng Ngài bò chiên dê béo tốt,
Làm lễ toàn thiêu nghi ngút bay lên. (Tv 66, 15).
Dê trong ngày chung thẩm
Trong mắt các ngôn sứ, dê thường đại diện cho những kẻ phản nghịch với Thiên Chúa, mang ý nghĩa trái ngược với con chiên. Vì thế các tiên tri thường mô tả dê trú ngụ tại những nơi nhơ nhớp, gai góc rậm rạp…Isaia đã chúc dữ cho thành Babylon, một thành biểu tượng cho nơi điếm đàng:
Tại đó dã thú đến nằm nghỉ,
Cú vọ ở đầy nhà, đà điểu tới trú ngụ,
Và bầy dê ma quái nhảy nhót tung tăng,(Is 13, 21).
Quả thật, những nơi Đức Chúa chúc dữ thì chỉ còn các thú hoang hung ác ẩn nấp, ở đó chúng tha hồ quẩng dỡn, kết bầy phá phách:
Mèo hoang lại gặp chó rừng,
Loài dê ma quái hú mừng gọi nhau.(Is 35, 14).
Dê bị chúc dữ thì sống chui lủi, có khi còn phải tán loạn lìa đàn, bấy giờ như sơn dương bị săn đuổi (Is 13,14). Con người ta thì trái lại, sống trên trần thế không thiếu chi những cảnh người lương thiện thường gặp tai ách đủ điều, còn kẻ gian manh lại thấy lắm sang giầu quyền thế. Tuy nhiên, niềm tin vào Chân lý cho chúng ta biết sẽ có ngày chung thẩm, dù chiên, dù dê cũng đều tập trung: mọi chiên dê của Kêda sẽ được tập trung tại nơi ngươi, (Is 58, 14) lúc ấy mọi người đều được xét xử công minh: Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê. (Ed 34, 17).
Cuộc thẩm xét cuối cùng được Thánh sử Matthêu mô tả:
Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…(Mt 25, 31-33).
Ngày chung thẩm sẽ không còn phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ có quyền thế hay người vô danh tiểu tốt mà chỉ còn công hay tội, thiện và ác. Đừng tưởng làm lớn là không bị kết án, ngôn sứ Dacaria đã khẳng định:
Trên các mục tử, cơn giận của Ta bừng bừng,
Ta sẽ hỏi tội các dê đầu đàn.(Dcr 10, 3).
Tiên tri Giêrêmia đã cho biết sau khi xét xử, kẻ gian ác sẽ bị đưa đến chỗ trừng phạt đời đời kiếp kiếp: Ta sẽ đẩy chúng xuống lò sát sinh như chiên con, như cừu và dê đực. (Gr 51, 40).
Cũng theo Giêrêmia, những người lành thánh được đem đến cõi trường sinh no đầy ơn phúc:
Chúng sẽ đến reo vui trên đỉnh đồi Sion,
Chúng sẽ cuộn chảy về với phúc lành Giavê
với lúa miến, rượu mới, dầu tươi, với dê cừu, bò bê.
Sinh mạng chúng sẽ như thửa vườn nước nhuận
và chúng sẽ không còn phải ủ ê tiêu điều. (Gr 31, 12).
Quý vị nào muốn đọc thêm những câu Kinh Thánh nói đến dê, xin tiếp tục mở thêm vì còn rải rác rất nhiều. Nhân ngày Đầu năm Mùi, kính chúc quý vị Năm Mới đầy tràn Thánh Đức, hầu ngày cánh chung được chọn sang đứng phía bên phải Con Người, để khỏi trở thành những con dê lặng lẽ lầm lũi cúi đầu bước đi sang phía bên trái Chúa.[]


Hoàng Đức Trinh

(Nguồn: VietCatholic)