Thông Tin Bên Lề

Nhạc xuân

Tháng Thánh Giuse

HÃY KẾT BẠN VỚI

Ảnh

Liên kết web

VIDEO GIÁO XỨ

CHA QUẢN XỨ

HÃY NHANH TAY

1
GIÁO XỨ LÀNG RÀO

Magazine

Smoke

Natural

Feature

Video News



Thời gian Mùa Vọng là thời gian Giáo Hội đặt chúng ta lại trong thái độ hy vọng, mong chờ và tỉnh thức. Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và hăng say, họ thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng, với tất cả nhiệt huyết, nỗ lực cần cù và không trì hoãn. Đây là thời gian Giáo Hội muốn chúng ta sống hướng về ngày giờ Đức Kitô đến một cách ý thức hơn. Khi chúng ta làm việc mà biết hướng về Đức Kitô thì chắc chắn có một cái gì đó thay đổi trong thái độ và cách thức làm việc của ta. Khi chúng ta đau khổ mà biết hướng về Đức Kitô thì sẽ có cái gì đó thay đổi. Khi chúng ta chiến đấu mà biết hướng về Đức Kitô thì cũng sẽ có cái gì đó thay đổi. Ngay cả khi ta vui chơi, giải trí cũng thế. Và trong mọi sự, mọi hoàn cảnh chúng ta đều có sự bình an.


Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm B

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Lời Chúa: Is 63,16b-17.19b; 64,2-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
-------------

1. Hãy tỉnh thức

Năm phụng vụ mới bắt đầu bằng một lời cảnh báo: Hãy tỉnh thức. Chúng ta không còn ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa giáng sinh làm người, dù rằng năm phụng vụ mở đầu với mùa vọng, mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Trái lại chúng ta đang ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến hoàn tất công trình cứu độ nơi mỗi người, cũng như nơi toàn thể nhân loại.
Hãy tỉnh thức, đúng thế, người Kitô hữu phải chăng là người luôn sống cái mặc cảm coi thế gian và cuộc sống chỉ là một chuỗi những cạm bẫy sẵn sàng nhận chìm chúng ta trong hư đốn? Không phải là như vậy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu và của Giáo Hội ngày hôm nay bao gồm một cái nhìn lạc quan về lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu đã có đó. Tội lỗi đã bị án diệt vong. Sự chết đã bị đánh bại, còn mầm mống sự sống mới cứ mỗi ngày một lớn mạnh.
Hãy tỉnh thức để nhận ra tất cả những cái mới mẻ ấy để có thể nhập cuộc. Bà con trong thôn ấp được kêu gọi tu sửa đường xá cho việc đi lại được dễ dàng. Các em học sinh tham gia phong trào tiết kiệm để có tiền giúp đỡ các bạn cùng lớp, cùng trường gặp tai ương hoạn nạn. Người đi buôn, không nói thách, không bán đồ giả, không dùng cân thiếu và thước hụt. Phải tỉnh thức và thấm nhuần tinh thần Phúc Âm để có thể nhận ra sự lớn mạnh của trật tự xã hội mới.
Trong Phúc Âm cũng như trọn cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp vô số những con người mê ngủ, nghĩa là tiếp tục suy nghĩ và lý luận về hành động của Thiên Chúa theo lối cũ, theo những định kiến, theo những hệ thống thần học họ tự đặt ra. Các thượng tế, luật sĩ và biệt phái đã ru ngủ mình trong sự tự mãn và sự thông hiểu Kinh Thánh. Cả thành Giêrusalem cũng đã tự ru ngủ mình trong thói quen, trong cái nếp cũ, nên đã sống bên ngoài biến cố Con Thiên Chúa làm người.
Chúa Giêsu có đó như vị cứu tinh họ mong đợi, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Không những không nhận ra Ngài mà còn tìm cách giết hại Ngài. Bởi vì họ không chấp nhận nghe và thấy những lời nói, những việc làm đi ra ngoài những gì họ đã nghe và đã thấy. Họ đã có những phản ứng hoàn toàn không thích hợp với những đòi hỏi của thời đại mới. Họ đích thực là những kẻ mê ngủ. Chính những mục đồng và những kẻ bị liệt vào hàng tội lỗi công khai như người thu thuế và gái điếm, những kẻ bệnh tật và nghèo khổ lại là những người có khả năng nhận ra cái mới mẻ của tiếng hát các thiên thần, của ánh sao, của những dấu lạ để rồi cuối cùng đã nhận ra Đấng Cứu Thế nơi một hình nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, hay nơi một Đức Kitô bị chết treo trên thập giá.
Liệu chúng ta đã thực sự tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi những người anh em, và thánh ý Ngài qua các biến cố xảy đến hay không?


2. Tỉnh thức

Chọn bài Phúc Âm này để làm đề tài suy gẫm trong ngày đầu năm phụng vụ, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta một bài học rất hữu ích và cần thiết đó là hãy tỉnh thức và sẵn sàng để đón nhận Chúa vào ngày giáng sinh cũng như ngày Chúa gọi chúng ta đến tính sổ cuộc đời với Ngài.
Nhìn vào đời sống, chúng ta thấy tỉnh thức và sẵn sàng là điều kiện cốt yếu để được sống còn. Ngay như trong thế giới loài vật chúng ta cũng thấy như vậy. Một nông dân Mỹ bị đàn quạ khoang phá hoại ruộng ngô. Ông mang súng ra bắn, nhưng không sao lại gần được vì trên cây thông cao, có một con đậu để canh chừng khi các con khác đang ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông mới lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ vang, những con sống sót bay vù lên, nhưng chúng không bay đi xa, chúng xà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ mà đi nơi khác.
Câu chuyện trên đây cho thấy việc tỉnh thức và sẵn sàng là điều rất cần thiết, loài vật còn cảm thấy phương chi là con người. Nơi giống vật không chu toàn bổn phận tỉnh thức còn bị trừng phạt nặng nề, phương chi là con người.
Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: Mấy ai học được chữ ngờ. Nghĩa là có nhiều biến cố xảy đến ngoài dự kiến của chúng ta. Nhưng có một cái bất ngờ, tuy không do chúng ta dự liệu, nhưng lại tuỳ thuộc chúng ta định đoạt số phận, đó là cái chết.
Đọc báo chí, nghe truyền thanh và xem truyền hình, chúng ta thấy cái chết phảng phất ở mọi nơi, và trong mọi lúc. Nào là thiên tai bão lụt giết chết hàng trăm người. Nào là núi lửa, động đất giết chết hàng ngàn người. Nào là chiến tranh, đói khổ giết chết hàng vạn người. Dẫu vậy có ai nghĩ rằng mình cũng sẽ phải chết, mà mấy ai đã tỉnh thức và sẵn sàng cho cái bất ngờ cuối cùng ấy.
Sống sao thì chết vậy. Muốn được chết tốt lành, muốn cho giờ chết không phải là giờ cay đắng bẽ bàng thì ngay từ lúc này, chúng ta phải lo sống tốt lành. Đối với những người còn hồ nghi về đời sau, họ nên khôn ngoan lý luận như nhà tư tưởng Pascal: Có đời sau hay không, điều ấy thật khó mà chứng minh rõ rệt, tuy nhiên tôi vẫn tin có là hơn, vì dù không có, thì tin như vậy cũng không thiệt hại gì. Còn như trong trường hợp mà có, thì không tin quả là điều nguy hiểm. Cho nên tin vào sống niềm tin ấy, thì khôn ngoan hơn.
Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây có nghĩa là hãy khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống và tích trữ cho một kho tàng quý giá là những hành động bác ái, là những công nghiệp chúng ta lập được khi còn sống ở đời này, để bất kỳ lúc nào Chúa lên tiếng kêu gọi, chúng ta cũng có thể sẵn sàng thưa lên: Lạy Chúa, này con xin đến.


3. Tỉnh thức - Thức tỉnh

(Suy niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn)
Dụ ngôn nói về người chủ đi xa, giao quyền hành lại cho đầy tớ, mỗi người một việc. Tuy nhiều người nhiều việc, nhưng ông chỉ có căn dặn người canh cửa phải lo tỉnh thức để mở cửa cho ông lúc trở về. Rồi trong phần kết của bài phúc âm, lời nhắn bảo “hãy tỉnh thức” lại được gởi đến cho “hết mọi người.” Phải chăng Đức Giêsu ám chỉ tất cả các Kitô hữu đều là những người canh cửa, và họ hãy mở tung cánh cửa đời mình để đón Ngài.
Hôm nay, Dân Chúa trên khắp thế giới bắt đầu bước vào mùa Vọng với ý nghĩa chấn chỉnh lại thái độ trông ngóng, mong chờ, chuẩn bị đón mừng ngày Chúa lại đến.
Mùa Vọng luôn được nối kết với mùa Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Nhưng nếu biến cố đó không gợi lên trong tôi một dư âm nào, việc Chúa sinh ra hay hồng ân cứu độ không mang một tầm quan trọng nào trong đời tôi, thì thử hỏi mùa Vọng có nghĩa lý gì, chẳng qua là một mùa lạnh hay mùa đông.
Cho nên thiết tưởng để sống trọn vẹn hơn mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Hạnh phúc của tôi đang ở nơi nào? Những gì tôi đang tìm kiếm, khao khát, mong ước có làm cho tôi thoả mãn thật sự không? Hay là cứ tìm được điều này xong, tôi lại chạy theo điều khác, và rồi cuộc đời cứ mãi kiếm tìm không nguôi?
Thử hỏi Đức Giêsu có phải là đối tượng chính trong sự tìm kiếm của tôi không, hay chỉ là một thứ phụ thuộc, là nơi tôi đến tìm yên ủi, cố vấn những lúc bị thất bại trên đường chạy theo các đối tượng khác.
Nếu không cảm nhận Chúa là lẽ sống, niềm vui, hay nguồn hy vọng của đời mình thì làm sao có thể nhớ thương và mong chờ cho đúng nghĩa được. Có ai trông đợi hay nôn nao được gặp lại một bóng hình mà họ không yêu thương cũng chẳng qúi mến chăng?
Thế cho nên sống mùa Vọng là tái xác định đối tượng chính trong cuộc đời. Khi mà tôi nhận thức Chúa chính là áng mây cho sa mạc tâm hồn, là dòng suối mát cho cánh đồng chờ nước bao năm, thì lúc ấy lời ca “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội” sẽ thấm đến tận nơi sâu thẳm của cõi lòng.
Vậy lời kêu gọi “tỉnh thức” của ngày đầu năm phụng vụ không chỉ nhắc tôi về thái độ chờ đợi và sẵn sàng, nhưng còn ngầm bảo tôi hãy “thức tỉnh”: thức tỉnh lại từ những đam mê, trăn trở, gian nan để xem Chúa có ở trong đó không; thức tỉnh từ những kiếm tìm: tìm job, tìm của, tìm tình, tìm danh dự, tìm địa vị… để xem Chúa ở trong và ở trên tất cả những sự đó không. Vì nơi đâu không có Chúa, nơi đó chỉ là những quảng cáo của thế gian, ma qủi. Tìm mọi sự mà không tìm Chúa thì rồi vẫn cứ mãi thiếu vắng và khát khao. Phải chăng là vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Thánh Augustinô).
Người ta kể rằng dưới chân lâu đài Mamara của Hoàng đế Maximilian là dòng nước trong vắt của vùng biển Adriatique. Ở chiều sâu mấy chục thước nước phía dưới có một hang động từng làm say mê nhiều thợ lặn. Điều thú vị nhất là thỉnh thoảng mấy người thợ lặn đó đã tìm được những viên ngọc đẹp nhất trong hang động này lại thuộc quyền sở hữu của Quận chúa Reiner. Thế nhưng sau một thời gian dài, người ta khám phá các viên ngọc ấy bị nhạt màu. Nhiều chuyên gia về ngọc được triệu đến. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, họ đã nhận định rằng để có được vẻ tươi đẹp nguyên thủy, các viên ngọc ấy phải được ngâm lại dưới đáy biển sâu. Và đúng vậy, sau một thời gian trầm mình dưới giòng nước trong của vùng biển này, dần dần các viên ngọc đã phục hồi được vẻ đẹp long lanh của thuở ban đầu.
Đời sống con người cũng thế! Để tìm lại niềm vui và bình an chân thật, để gột rửa những phấn bụi của dòng đời, chúng ta cũng hãy ngâm mình vào biển tình bao la của Thiên Chúa, ướp đượm hồn ta bằng hồng ân tươi mát của Ngài.
Giáng sinh là thời điểm của ân sủng và mến thương vời vợi. Thức tỉnh để được sống trọn vẹn niềm vui tìm gặp Chúa sẽ là thái độ khôn ngoan nhất của người Kitô hữu trên hành trình bước sang năm phụng vụ mới.
Sau hai ngày diễn ra Đại Hội trong bầu khí vui tươi, thánh thiện của các bạn trẻ đến từ 10 giáo phận trong Giáo Tỉnh Hà Nội, vào lúc 9 giờ sáng nay, ngày 28 tháng 11 năm 2014, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli cùng quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh, và đặc biệt là hơn 17.000 bạn trẻ, hiệp dâng thánh lễ bế mạc Đại Hội. Sau thánh lễ là nghi thức hạ cờ và trao Thánh Giá cho Tổng giáo phận Hà Nội - giáo phận chủ nhà sẽ đăng cai tổ chức Đại Hội Giới Trẻ lần thứ XIII vào năm 2015.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả những hình ảnh ghi lại được từ thánh lễ:












:
Cộng đoàn nghiêm trang chuẩn bị bước vào thánh Lễ

Đoàn đồng tế tiến ra lễ đài

Đức tổng Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - TGM giáo phận Hà Nội Chủ sự thánh Lễ bế mạc

Cộng đoàn tham dự thánh Lễ

Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh giảng trong thánh lễ

Đoàn dâng lễ vật

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli huấn từ các bạn trẻ

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli ban phép lành Tòa thánh với ơn toàn xá

Giáo phận Phát Diệm trao Thánh giá Đại Hội cho giáo phận đăng cai tổ chức năm 2015

Kết thúc thánh lễ

BTT GX LÀNG RÀO 
Đức Kitô không phải là một thủ lãnh của một đảng phái đối lập, cũng chẳng phải là một vị vua như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc sống công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu là vua theo mơ ước của dân chúng. Vì mơ ước của họ pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều những tham vọng chính trị. Thực vậy, sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế Lamã hay như bất kỳ một vị vua chúa nào trên trần gian.
Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua. Ngài đã lên ngôi bằng con đường thập giá,con đường tình yêu. Kẻ thù duy nhất của Ngài là vương quốc của Satan, của thù hận, của chia rẽ và của tội lỗi.



     CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN (A) 

LỄ CHÚA KITÔ VUA :

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Lời Chúa: Ed 34, 11-12.15-17; 1Cr 15, 20-26.28; Mt 25, 31-46
------†------
1. Phán xét
Đoạn Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta vào trong quang cảnh hùng vĩ của cuộc phán xét chung. Ở đó, Đức Kitô giữ vai trò xét xử bá nhân bá tánh. Vậy thì sẽ phải xét xử ra làm sao? Hơn nữa, mỗi người có những hoàn cảnh, những nhiệm vụ, những khả năng riêng, do đó quả cân nào sẽ phân định tội trạng và công phúc?
Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu mọi sự xem ra lại đơn giản. Muôn dân thiên hạ cuối cùng được phân chia thành hai loại được đặt ở bên phải và bên trái của Ngài. Tiêu chuẩn để phân biệt cũng rất đơn giản: Đã làm gì cho những kẻ bé mọn. Đối xử với những kẻ bé mọn, đói khát, trần truồng, tù tội, đau yếu là đối xử với chính Chúa vậy.
Sự phân xử của Chúa Giêsu trong ngày phán xét làm cho cả người lành lẫn kẻ dữ phải ngạc nhiên sửng sốt. Mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu như mỗi người trong cuộc đời của mình đã có lần được gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, với một bảng tên rõ ràng và một lý lịch minh mạch. Biết bao nhiêu người đã xả thân để giải phóng thánh địa chỉ vì đó là nơi đã ghi dấu tích sự hiện diện của Chúa, huồng hồ là gặp Chúa đói khát, trần truồng, đau yếu và tù tội. Ai có thể lại làm ngơ.
Nhưng cái làm cho chúng ta lúng túng đó là Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với mỗi người trong anh em chúng ta, với những con người chúng ta gặp trong cuộc sống thường ngày tại khu phố, tại trường học, trên đồng ruộng, nơi công sở, ngoài chợ ngoài đường và nhất là với những kẻ làm chúng ta khó chịu vì cái nghèo nàn, thô kệch và quấy rầy của họ. Mọi người đều ngạc nhiên.
Nhưng Đức Kitô trong cương vị Đấng xét xử, đã tuyên bố: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã làm cho chính ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã không làm cho chính Ta. Thế là đã rõ. Đức Kitô xét xử theo tình yêu chúng ta đã có hay không có đối với anh em đồng loại, nhất là đối với những người hèn mọn về chức tước, danh vọng và của cải. Vương quốc của Đức Kitô chính là vương quốc của tình yêu. Giáo Hội tôn vinh Đức Kitô là Vua, nhưng Ngài không muốn ngự trên ngai vàng để mọi người bái phục, nhưng Ngài đã đến phục vụ những kẻ hèn và đồng hoá mình với họ.  

2. Đức Kitô Vua 
Đức Kitô có phải là Vua không? Chắc chắn Đức Kitô không phải là một thủ lãnh của một đảng phái đối lập, cũng chẳng phải là một vị vua chúa như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc sống công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Messia, tước hiệu là vua theo mơ ước của dân chúng. Vì mơ ước của họ pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều những tham vọng chính trị. Thực vậy, sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế Lamã hay như bất kỳ một vị vua chúa nào trên trần gian.
Sứ mệnh của Ngài thuộc một lãnh vực khác. Chính vì thế mà chúng ta thấy nhiều lần Ngài đã từ chối cái cách tôn phong Ngài lên làm vua của dân chúng. Sau phép lạ bánh hoá nhiều dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã lẩn trốn. Nhưng cũng có lần Ngài sẵn sàng biểu dương trước công chúng, khi Ngài hiên ngang tiến vào Giêrusalem, xuất hiện với những phương tiện khiêm tốn, phù hợp với lời tiên báo của Giacaria. Ngài để cho dân chúng tung hô như là vua Israel. Trong phiên toà dân sự tại dinh Philatô, đề tài xét xử chính là vương quyền của Ngài. Khi Philatô hỏi: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu ấy, nhưng Ngài đã minh xác rằng: Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này.
Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Ngài lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Đức Kitô đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, của tình yêu. Kẻ thù duy nhất của Ngài là vương quốc của Satan, của thù hận, của chia rẽ và của tội lỗi.
Các ngai vàng, các vương miện, các triều thiên và áo cẩm bào chỉ là những đồ trang sức tạm bợ chóng qua, chúng ta không được phép hiểu vương quyền của Đức Kitô qua những hình ảnh đó. Chính Ngài cũng đã tự tách mình ra khỏi các thủ lãnh của trần gian như lời Ngài đã phán: Vua chúa các nước thì cai trị ân, và những kẻ làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân. Đức Kitô không phải là một thủ lãnh áp chế, trái lại cai trị theo Ngài có nghĩa là lột sạch mọi tự cao, hào nhoáng và vênh vang, cai trị đối với Ngài chính là phục vụ.
Đức Kitô phục vụ chúng ta và Ngài phục vụ một cách khiêm tốn, thận trọng và kín đáo. Ngài đã phục vụ đến độ hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Sự tự hạ của Ngài đi đến chỗ đồng hoá với những kẻ bé mọn và thấp kém nhất. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự dấn thân để phục vụ và giúp đỡ những kẻ bé mọn thấp kém chung quanh chúng ta hay chưa? 

3. Khi tình người mất - bạo lực lên ngôi
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền) 
Mỗi ngày chỉ cần lướt qua vài trang báo là có thể thấy vô số tin "tức" về hành vi bạo lực trong xã hội, mà nguyên nhân đâu có gì to tát: va quệt xe cộ ngòai đường, lời qua tiếng lại trong quán cà phê... thế là đánh nhau; một cái "nhìn đểu" cũng đủ là nguyên nhân giết người. Không thể không tự hỏi: vì sao bây giờ người ta nhục mạ nhau, đánh nhau, giết nhau... dễ dàng đến thế? Dư luận Việt Nam thời gian qua rất phẫn nộ khi đọc được những dòng tin trên Facebook của một người có nick name "Kẹo Mút Chơi Bời" khoe khoang rằng: "Chúng tôi vừa đâm một ông già gần 60 tuổi... khả năng chết." Sau đó lại thêm: "Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy đã củ tỏi hồi 17g07 ngày 02.11. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953." Trước hiện trạng này, có người cho rằng một số thanh niên Việt Nam hiện nay không hề thấy lương tâm cắn rứt khi làm thiệt hại đến vật chất lẫn tinh thần của người khác, trái lại còn tỏ ra vui mừng, đặc biệt trong trường hợp này. Tin từ Công an Thành phố Yên Bái cho biết người có nickname "Kẹo mút chơi bời" trên Facebook đã tới trình diện cơ quan công an ngày 10/11 theo giấy triệu tập để làm rõ hành vi gây phẫn nộ "lên Facebook khoe tông xe chết người".Đúng như xác minh của Cơ quan Công an Thành phố Yên Bái, người có nickname "Kẹo mút chơi bời" trên Facebook tên thật là Nguyễn Văn Linh (SN 1991, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng - Lào Cai). Theo Luật Sư Phạm Thanh Bình của công ty luật Hồng Hà thì "Kẹo Mút Chơi Bời" dù không phải là thủ phạm gây tai nạn (là người ngồi sau người gây tai nạn), nhưng không chịu đưa nạn nhân đi cấp cứu gây nên cái chết của ông này thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, tội danh dành cho người đồng phạm đó là "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng." Phải chăng xã hội ngày hôm nay đang đánh mất tình đồng loại bằng thái độ dửng dưng, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước những bất hạnh của tha nhân? Có lẽ chủ nghĩa "Mackeno" đã ăn sâu vào tâm thức người trẻ hôm nay. Họ không còn tính nghĩa hiệp. Họ không còn nghĩ đến việc phải ra tay giúp đỡ tha nhân khi cần. Họ thích sống cho riêng mình và tìm tư lợi cho cá nhân hơn là dám sống cho lợi ích tha nhân. Họ không còn dám sống "mình vì mọi người" mà chỉ còn đòi người khác "mọi người vì mình" mà thôi.
Xã hội hôm nay dường như đã mất tình liên đới nên thiếu những nghĩa cử cao đẹp của tình người như: "lá lành đùm lá rách" hay "chị ngã em nâng". Ngày xưa cha ông ta đã tìm được sự nâng đỡ của đồng bào, dẫu rằng nước có mất nhà có tan, nhưng vẫn tìm được niềm vui nhờ sự yêu thương đùm bọc của tình làng nghĩa xóm như câu ca dao xưa đã nói: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Ngày nay điều đó đã thay vào bằng sự vô cảm như lời tâm sự của chị Ngô Lan Chi thổ lộ trên trang facebook cá nhân: "Xã hội ngày càng phát triển, những giá trị đạo đức tốt đẹp đang bị các bạn trẻ dẫm nát bằng những phát ngôn gây sốc, bằng những việc làm mà không ai có thể tượng tượng ra. Tôi nghĩ lối sống vô cảm của một bộ phận bạn trẻ đang ngày càng biến tướng và có xu hướng lan rộng đối với những người trẻ xung quanh".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải sống tình liên đới với tha nhân, không chỉ vì có chung một Cha trên trời nên "tứ hải giai huynh đệ", mà còn vì con người là "hình ảnh Thiên Chúa". Chính Chúa đã tự đồng hoá mình với những mảnh đời bất hạnh lầm than. Chúa mời gọi chúng ta: ai tiếp rước họ là tiếp rước chính Chúa. Ai giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa. Ngược lại, Chúa cũng sẽ luận phạt vì chúng ta đã từng khước từ thi ân cho những con người cùng khổ đó.
Thực vậy, trong ngày phán xét, Chúa không hỏi về bằng cấp của chúng ta cao hay thấp. Chúa không xét duyệt chúng ta dựa trên địa vị trần thế của chúng ta. Chúa phán xét theo tinh thần bác ái mà chúng ta đã dành cho tha nhân. Vâng, chúng ta đều phải trả lẽ trước mặt Chúa về tất cả những hành vi của mình. Nhưng công hay tội tuỳ thuộc vào lòng bác ái chúng ta có hay không trong những lời nói và việc làm của mình. Chúa đã từng chê trách thái độ vô cảm của những biệt phái, và của những thầy tư tế khi để mặc người bị nạn trên đường đến Giêricô. Chúa cũng từng dùng dụ ngôn để răn dạy thái độ dửng dưng trước bất hạnh của đồng loại qua dụ ngôn "người phú hộ và Lagiaro". Chúa cũng sẽ luận tội nếu chúng ta cũng thiếu trách nhiệm và sống thiếu tình liên đới qua đời sống yêu thương và phục vụ tha nhân.
Chúa Giêsu là Vua, nhưng Ngài đã cúi mình phục vụ tha nhân. Ngài tự hoà nhập với con người. Ngài đồng hành với con người. Ngài chia sẻ phận người nổi trôi với con người. Ngài đã đến để phục vụ và hiến mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Ngài còn mời gọi chúng ta "ai muốn làm lớn hãy cúi mình phục vụ anh em".
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống cao đẹp cho dẫu có thiệt thòi vì đi ngược lại với lối sống của thế gian. Xin cho chúng ta luôn can đảm làm chứng cho tình yêu bất diệt của Chúa là dám "thí mạng sống mình vì người mình yêu" và biết yêu thương tha nhân như chính mình. Amen. 
Lúc 10h sáng Chúa Nhật 30 tháng 11, là Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến với Thánh Lễ đại trào tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đức Hồng Y João Braz de Aviz, Chủ tịch Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 14 tháng 11.
Sau thánh lễ Đức Hồng Y cũng sẽ cùng tông du với Đức Thánh Cha Phanxicô tới Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến bay khởi hành cùng ngày hôm đó.
Tưởng cũng nên nhắc lại là 5 năm trước đây vào ngày 19 tháng 6 năm 2009, ngày cầu nguyện cho sự thánh hiến hàng giáo sĩ, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khai mạc Năm Linh Mục kéo dài cho đến ngày 11 tháng 6 năm 2010.
Năm Linh mục đã mang lại niềm vui lớn lao cho Giáo Hội với vô số những sáng kiến của các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới nhằm mang lại hiệu quả cho Năm đặc biệt này. Năm Linh mục đã được đón nhận rất tốt, và cũng cho thấy Năm Linh mục đã đáp ứng khát vọng sâu xa của các linh mục cũng như toàn thể Dân Thiên Chúa. Đây là thời gian để quan tâm, nhìn nhận và gắn bó cách đặc biệt với hàng linh mục cao quý, tận tuỵ và không thể thay thế, cũng như với mỗi cá nhân linh mục trong Giáo Hội.
Nhận định về Năm linh mục, Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ lúc bấy giờ viết:
“Thực sự là, dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi, một vài linh mục đã phạm phải tội ác nghiêm trọng và đáng ghê tởm là lạm dụng tình dục trẻ em, những việc mà chúng ta phải lên án và trách cứ cách dứt khoát, không nhân nhượng. Những người này phải trả lẽ về hành động của mình trước mặt Chúa và trước toà án, kể cả toà án dân sự. Tuy nhiên, chúng ta cũng cầu nguyện cho họ để họ được ơn hoán cải thiêng liêng và đón nhận ơn tha thứ từ Thiên Chúa. Về phần mình, Giáo Hội quyết tâm không che giấu cũng không giảm thiểu những tội ác như thế. Trên hết mọi sự, chúng ta đứng về phía các nạn nhân và muốn hỗ trợ việc chữa trị cho họ cũng như những quyền lợi họ bị xúc phạm.
Đàng khác, tuyệt đối không thể chấp nhận việc sử dụng tội ác của một số ít để nhục mạ toàn thể hàng linh mục. Tất cả những ai đang làm như thế là đang phạm bất công nghiêm trọng. Trong Năm Linh mục, Giáo Hội tìm cách ngỏ lời với xã hội về vấn đề này. Bất cứ ai có lương tri và thiện ý đều thấy rõ đây là sự thật.
Anh em linh mục thân mến, sau khi đã trình bày những điều cần phải nói, giờ đây chúng tôi hướng đến anh em. Chúng tôi muốn lập lại với anh em một lần nữa rằng chúng tôi nhìn nhận căn tính và công việc của anh em trong Giáo Hội và trong xã hội. Giáo Hội yêu mến, ca tụng và tôn trọng anh em. Hơn thế nữa, anh em là niềm vui cho toàn dân Công Giáo khắp thế giới và Dân Chúa chào đón anh em, nâng đỡ anh em, nhất là trong những thời kỳ đau khổ này.”


Đặng Tự Do

(Nguồn: VietCatholic)

Tuần trước, các giám mục Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức hội nghị giao lưu văn hóa dài ba ngày tại Seoul nhằm giải quyết tình hình căng thẳng chính trị ở Đông Á và tiếp tục nỗ lực mang hai quốc gia này đến gần nhau hơn sau giai đoạn lịch sử đau buồn.


Hội nghị đã trở thành truyền thống hàng năm đối với các lãnh đạo Giáo hội đến từ hai nước mang chủ đề “Hoạt động truyền giáo vượt qua chủ nghĩa dân tộc”, do Đức Tổng Giám mục Kim Hee-geun của Gwanju, chủ tịch hội đồng giám mục Hàn Quốc, và Đức Tổng Giám mục Takeo Okada của Tokyo, chủ tịch hội đồng giám mục Nhật Bản, chủ trì.
Trước khi bắt đầu hội nghị, 10 giám mục đến từ mỗi quốc gia viếng thăm một khu nhà tập thể dành cho ‘phụ nữ mua vui’, các phụ nữ bị quân đội Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục.
“Là người phải chịu trách nhiệm về lịch sử của đất nước mình, về những gì Nhật Bản đã làm đối với các bà, tôi xin chân thành xin lỗi”, Đức Giám mục phụ tá Goro Matsuura của tổng giáo phận Osaka nói trong cuộc hội kiến tại khu nhà tập thể này.
Ngài nói thêm Giáo hội Nhật Bản tìm cách thừa nhận lịch sử và truyền đạt lại cho các thế hệ mai sau.
Các giám mục còn viếng đài tưởng niệm An Jung-geun, một người Hàn Quốc theo chủ nghĩa dân tộc ám sát Hirobumi Ito, cựu thủ tướng Nhật, tại Trung Quốc năm 1909.
“Người ta nói rằng Hàn Quốc và Nhật Bản gần nhau nhưng rất xa nhau; nhưng giám mục hai nước chúng tôi là anh em và luôn là thế”, Đức cha Kim nói vào ngày cuối hội nghị tại Seoul.
“Thông qua các cuộc giao lưu này, chúng tôi sẽ nỗ lực trở thành cầu nối cho hòa bình của Đông Bắc Á và cho hòa bình thế giới”.
Đức cha Okada bày tỏ lòng biết ơn về việc hai quốc gia tổ chức cuộc họp thứ 20 như thế, “các cuộc họp này nhằm giúp vượt qua lịch sử đau buồn của hai quốc gia chúng ta và xóa bỏ sự khác biệt về ý thức lịch sử gây chia cách chúng ta”.
Ngài nói thêm: “Hai nước chúng ta vẫn còn đối mặt những thách thức chung” như bất bình đẳng về thu nhập, phân biệt đối xử, và tự tử, “và trong bối cảnh như thế chúng ta sẽ làm việc cùng nhau xây dựng Nước Thiên Chúa”.




(Nguồn: Ucanews)
Ngày 20 tháng 11 hằng năm là Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Trong ngày này, các sinh viên, học sinh nô nức bày tỏ tâm tình tri ân và quý mến đối với quý Thầy Cô Giáo của mình. Với tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi muốn hợp cùng các sinh viên, học sinh và cha mẹ của các em, bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng của tôi đối với quý Thầy Cô.






Ngày 18 tháng 11 năm 2014, sau hơn 1 năm tập thử, các em Hội viên Chi Hội Têrêxa giáo xứ Lãng Điền tổ chức hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và sát nhập vào Hội Têrêxa HĐ Giêsu Việt Nam. Cùng về hiệp dâng thánh lễ ngoài cha quản xứ linh giám chi hội Phêrô Nguyễn Ngọc Giao, còn có cha Linh giám Hội Têrêxa Miền Trung giáo phận Vinh Gioan Nguyễn Văn Niên, cha Px. Nguyễn Văn Lượng linh giám Phân Hội Miền Tây Nghệ An, cha Giuse Phạm Hòa linh giám hội Têrêxa xứ Làng Rào và quý anh chị phụ trách Hội Têrêxa Miền Trung giáo phận Vinh, các anh chị đại diện các Phân hội: Hà Tĩnh, Cửa Lò, Đồng Tháp, Kẻ Dừa và các Ban Điều hành các Chi hội trên địa bàn Phân hội Miền Tây Nghệ An.

Trước thánh lễ anh JB. Hoàng Cảnh Hồng trưởng hội Têrêxa Miền Trung Gp. Vinh đã chào thăm các em với tâm tình huynh đệ và chia sẻ đôi nét căn bản trong Linh đạo của Hội.

Cách đây hơn 1 năm, tổng con số ban đầu đăng ký xin gia nhập Hội là 97, sau một thời gian vì nhiều lý do Tân Chi hội Têrêxa Làng Điền còn lại 57 Hội viên trẻ với độ tuổi từ 8 đến 18. Sau một thời gian các em sinh hoạt và tập thử theo linh đạo Têrêxa, dưới sự hướng dẫn và đồng hành của cha Linh giám Phân hội Miền tây Nghệ An và cha quản xứ cùng với anh chị em điều hành khu vực Miền Trung, đặc biệt là các anh chị Ban điều hành Phân hội Miền Tây Nghệ An, cùng với hai gia đình bố mẹ đỡ đầu, đến hôm nay các em đã mạnh dạn đủ tự tin để dấn thân bước đi theo linh đạo của chị thánh.
Thánh lễ diễn ra trong tâm tình sốt mến và tri ân. Sau bài giảng lễ, các em và Ban điều hành đã tuyên hứa “Vâng phục các đấng bản quyền. Thực thi thủ bản Hội Têrêxa. Phục vụ anh chị em theo gương Chúa Giêsu Kitô .” Cha Linh giám hội Têrêxa giáo phận Vinh đã trao thủ bản cho các em, ngài chúc các em cố gắng sống tốt hơn noi gương Chị Thánh, làm mọi việc dù nhỏ nhất nhưng với và trong tình mến Chúa và yêu người.



Têrêxa Gp. Vinh
Mùa Vọng là “Mùa Chờ đợi”:  Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Trong Thư II, thánh Phêrô nói với chúng ta: “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3,9b). Thiên Chúa chờ đợi, vì muốn gặp gỡ chúng ta. Chúa Giêsu Kitô muốn gặp gỡ chúng ta, nên Người sẽ trở lại trong vinh quang. Nhưng nếu trong cuộc đời lữ thứ này, chúng ta gặp gỡ được Chúa trong đức tin, nhờ lắng nghe Lời Chúa và cử hành phụng vụ bí tích, thì chúng ta đã là “phúc nhân” rồi! Tuy ở trong thế gian, chúng ta vẫn không thuộc về thế gian, đúng như lòng Chúa Giêsu mong ước, được biểu lộ trong Lời cầu nguyện với Chúa Cha trước khi ra đi về cùng Chúa Cha (x. Ga 17,14-16).
 Trong tâm tình đó, giáo xứ Làng Rào sẽ thay cho toàn giáo phận làm tuần đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin trân Trọng kính mời quý vị gần xa cùng về hiệp thông cầu nguyện.


BTT

TGM Gp. Vinh: Thông báo lễ mừng các sự kiện trọng đại và truyền chức linh mục cho các phó tế khóa X


Download Thông Báo






ĐTC đã quyết định thành lập một hội đồng đặc biệt tại Bộ Giáo Lý đức tin để đẩy mạnh việc xét xử mau lẹ hơn những vụ kháng án về tội nặng thuộc quyền xử của Bộ này.

Vì con số cao những vụ kháng án được gửi về Bộ giáo lý đức tin và để bảo đảm cho Bộ này có thể xét xử nhanh chóng, qua phúc chiếu trong buổi tiếp kiến ĐHY Pietro Parolin ngày 3-11-2014, ĐTC quyết định thành lập tại Bộ giáo lý đức tin một Hội đồng đặc biệt gồm 7 Hồng Y hoặc Giám mục, các vị này có thể là thành viên hoặc là những người ở ngoài bộ. Vị chủ tịch Hội đồng này và các thành viên do ĐTC bổ nhiệm.
ĐTC cũng đề ra một số chi tiết về cách hoạt động của Hội đồng đặc biệt này đồng thời cho biết một qui luật nội bộ của Hội đồng sẽ xác định thêm các thể thức tiến hành. Ngoài ra, ngài quyết định rằng sắc luật điều hành này được đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-11-2014, sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).
Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng: cho đến nay, mỗi tháng một lần vào ngày thứ tư, các thành viên của Bộ giáo lý đức tin nhóm họp và cứu xét trung bình 4, hay 5 vụ kháng án. Phần lớn những vụ này liên quan đến việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Về những tội chống lại đức tin, thì thẩm quyền xét xử ở cấp I là GM giáo phận đối với các linh mục triều, và Bề trên cấp cao dòng đối với các tu sĩ. Nếu đương sự kháng án thì hồ sơ được Bộ giáo lý đức tin cứu xét trong khóa họp thường lệ. Từ nay Bộ có một Hội đồng đặc biệt để cứu xét các vụ kháng án. Nếu bị can là Giám Mục và là vụ đặc biệt tế nhị thì Bộ sẽ cứu xét trong khóa họp thường lệ, và trong trường hợp này các thành viên của Bộ có thể xin ĐTC đích thân cứu xét những vụ đặc biệt tế nhị.
Tự sắc “Bảo vệ tính chất thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum sanctitatis tulela) do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo hoàng ban hành năm 2001 và được ĐGH Biển Đức 16 cập nhật năm 2010, có liệt kê một số tội nặng thuộc quyền xét xử của Bộ giáo lý đức tin về mặt hình luật, tư pháp hoặc hành chánh, ví dụ tội lấy hoặc giữ Mình Thánh Chúa để xúc phạm hoặc phạm thánh, giải tội cho người đồng phạm về điều răn thứ 6, xúi giục hoặc dụ dỗ người khác phạm điều răn này trong khi hoặc nhân dịp giải tội cho đương sự, vi phạm ấn tích bí mật tòa giải tội, giáo sĩ phạm điều răn thứ 6 với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, v.v.
Hồi tháng 7-2010, Bộ giáo lý đức tin đã công bố một văn kiện kỷ luật chứa đựng những qui luật mới liên quan đến những tội nặng. Bộ coi việc truyền chức LM cho phụ nữ như một “tội chống lại đức tin” và Bộ kéo dài thời hiệu (prescription) trong những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ 10 lên 20 năm (sau khi nạn nhân tròn 18 tuổi). Bộ cũng coi tội dâm ô trẻ em (pornographie infantile) là một tội nặng. (SD 11-11-2014)



LM. Trần Đức Anh OP


(Nguồn: VietVatican)
Mỗi lần nói đến các Thánh Tử Đạo là chúng ta nghĩ ngay đến cảnh ngục tù, gông cùm, gươm giáo, đầu rơi, máu đổ. Thế nhưng, ở thời đại đang tiến dần vào thế kỷ 21, những cảnh hành hình tàn bạo, dã man, cổ điển ngày xưa và việc bắt đạo của các chính quyền hầu như không thể tái diễn. Vì hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản của con người. Đàng khác, các án tử hình cũng dần dần được loại bỏ trong các bộ luật hình sự của các nước trên thế giới.
Ngày nay, khái niệm về tử đạo hiểu rộng rãi hơn. Người tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho quyền sống của con người, nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức. Nói chung là chết vì Chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu.



Các bài suy niệm Lời Chúa:
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN - A
Lời Chúa: Cn 31, 10-13.19-20.30-31; 1Tx 5, 1-6; Mt 25, 14-30

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
1. Bách hại
Hẳn chúng ta còn nhớ có lần Chúa Giêsu đã phán: Môn đệ không trọng hơn Thầy. Nếu người ta đã bắt bớ Thầy thì người ta cũng bắt bớ các con. Lời tiên tri này đã được thực hiện một cách trọn vẹn.
Trước hết nơi Chúa Giêsu: từ khi bước vào cuộc sống công khai Ngài đã gặp phải sự chống đối của bọn biệt phái. Chúng tìm mọi sơ hở để bắt lỗi những lời Ngài giảng và những việc Ngài làm. Chúng tố cáo Ngài là phạm thượng lộng ngôn, dùng quyền quỷ mà trừ quỷ, lỗi ngày Sabat, xách động dân chúng chống lại chính quyền Lamã và sau cùng ý đồ đen tối của chúng đã được thực hiện, chúng đã bắt giữ và đóng đinh Ngài trên thập giá.
Tiếp đến là các tông đồ. Sau ngày lễ Hiện Xuống Phêrô và Gioan đã bị tống ngục. Trong số 12 tông đồ thì chỉ có mình Gioan chết già tại cộng đồng Êphêsô, còn tất cả đều đã hy sinh mạng sống cho Tin Mừng Phúc Âm.
Sau cùng là Giáo Hội. Giáo Hội thời sơ khai đã trải qua 300 năm cấm cách dưới thời các hoàng đế Lamã. Những tín hữu muốn sống sót và bảo toàn đức tin phải chui rúc trong những hang toại đạo. Vì thế các sử gia đã gọi thời kỳ này là thời kỳ Giáo Hội sống dưới hầm.
Riêng tại Việt Nam, Tin Mừng được rao giảng vào thế kỷ 16, từ đó cho đến thế kỷ 19, từ đời hậu Lê cho tới thời Chúa Nguyễn, trải dài hơn 300 năm, cũng đã gặp phải bao cấm cách, nhất là dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Biết bao nhiêu người đã phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn và sản nghiệp trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc để bảo vệ đức tin. Trên 130.000 người đã hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin, trong số đó có 117 vị đã được tôn phong lên bậc hiển thánh.
Qua những sự kiện lịch ấy chúng ta đi tới kết luật: Thân phận người Kitô hữu là thân phận bị bách hại. Sự bách hại có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc, khi thì khắc nghiệt và toàn phần như đã xảy ra trong dĩ vãng. Khi thì từ từ và từng phần như đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Khi thì như mơn trớn vuốt ve bằng tiền tài danh vọng và lạc thú như tại những nước tư bản. Nhưng tất cả đều dẫn tới một mẫu số chung là làm cho đời sống đức tin suy yếu và con số những người bước theo Chúa mỗi ngày một vơi giảm.
Con người càng tiến bộ thì phương cách bắt bớ càng tinh vi, có thể chúng ta không bị bắt bớ vì lý do tôn giáo nhưng người ta sẽ chụp mũ và bắt bớ chúng ta ở một tội trạng nào khác, nhưng theo tôi nghĩ sự bắt bớ quan trọng nhất đang diễn ra ngay tại cõi lòng chúng ta, vì ai trong chúng ta cũng cảm thấy một sự giằng co giữa sự thiện và sự ác, giữa sự tốt và sự xấu. Nhiều khi sự ác đã lấn át và cất cao tiếng cười ngạo nghễ. Có chiến thắng trong cuộc chiến nội tâm tuy âm thầm nhưng mãnh liệt này, chúng ta mới hy vọng chiến thắng được thế gian vì tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ.
Thân xác các thánh Tử đạo Việt Nam tuy đã chết nhưng tinh thần tử đạo của các ngài vẫn sống mãi. Hãy bước theo dấu chân của các Ngài. Thực vậy, mặc dù chúng ta không được diễm phúc tử đạo, nhưng cũng hãy dùng đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương để làm chứng cho Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc. Mỗi hy sinh chúng ta chịu sẽ là một giọt máu tử đạo chúng ta đổ ra từng giây từng phút để làm chứng cho Chúa. 
2. Thập giá
Nhân ngày lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thập giá trong cuộc sống của các ngài.
Hơn ai hết, các thánh tử đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta đã sống mầu nhiệm thập giá một cách sâu xa nhất. Đúng thế, chẳng những vác thập giá mình hằng ngày bằng một đời sống thánh thiện quên mình, chết đi cho lòng vị kỷ và cho tội lỗi như các tín hữu khác, các ngài còn thực sự uống chén đắng và trải qua cuộc thanh tẩy bằng máu mà Chúa Giêsu đã trải qua trong cuộc khổ nạn.
Các ngài chịu đau khổ và chết trong thân xác như Đức Kitô trên thập giá. Cuộc đời các ngài lặp lại từng bước những chặng được thập giá của Chúa Giêsu và kết thúc bằng lời phó thác: Lạy Cha, con xin phó hồn con ở trong tay Cha. Bằng đời sống và bằng cái chết các ngài nói lên niềm xác tín của mình: Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô. Tình yêu của các ngài còn mạnh hơn cả sự chết và là yếu tố tạo nên chiến thắng. Các ngài sống cho tình yêu và chết cho tình yêu, đối với tình yêu thì giá nào cũng vẫn còn là thấp, kể cả sự chết.
Các ngài đã làm chứng và loan truyền mầu nhiệm thập giá. Cái chết của các ngài không còn là một việc riêng tư, nhưng đã trở nên một biểu hiện cho niềm tin chung của Giáo Hội vào giá trị tuyệt đối của Nước Trời, vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Sự chết đó còn là một tiếng gọi, một lời thúc giục toàn thể dân Chúa hãy sống trọn vẹn niềm tin của mình và chiếu sáng niềm hy vọng giữa lòng cuộc đời. Nếu sống được như vậy, thì dẫu không trải qua cái chết tử đạo, chúng ta cũng vẫn có thể loan truyền mầu nhiệm thập giá. Sống như một chứng nhân là điều kiện thiết yếu để có thể chết như một chứng nhân. Các thánh tử đạo Việt Nam đã làm chứng bằng cả sự sống lẫn sự chết.
Thập giá đã đưa Đức Kitô đến phục sinh. Sau khi đã tự hạ vâng lời cho đến chết, Đức Kitô đã được suy tôn cùng với uy quyền và vinh quang. Còn các thánh tử đạo thì sao? Dù các ngài chưa thể sống lại trong thân xác như Đức Kitô, nhưng cũng đã đạt tới sự sống vinh quang của Ngài, bởi vì ngay lúc chết, các ngài đã được tham dự vào sự sống vinh quang của Đức Kitô phục sinh chỉ còn phải chờ đợi ngày được tỏ hiện mà thôi. Sự liên đới với Đức Kitô trong cái chết chắc chắn sẽ tạo nên sự liên đới trong sự sống.
Dù trong cảnh ngộ nào, Đức Kitô và các môn đệ Ngài cũng vẫn chung một số phận: Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị. Vẫn là một quy luật muôn thuở của Nước Trời: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Trong mùa gặt phong phú của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khởi, các thánh tử đạo đã loan truyền mầu nhiệm thập giá một cách kiên trì trên mảnh đất thân yêu. Xin các ngài giúp chúng ta, là những người công giáo Việt Nam hôm nay luôn sống trọn vẹn niềm tin, và làm chứng cho tình thương Chúa bằng đời sống phục vụ và yêu thương của chúng ta. 
3. Kiên quyết không bỏ Đạo yêu thương
Mấy thế kỷ trước đây, trong thời gian các tín hữu công giáo Việt-nam bị bách hại ác liệt, nhà cầm quyền khuyến dụ các tín hữu bước qua thập giá như một dấu chỉ công khai bỏ đạo để được tha. Tín hữu nào theo lệnh vua quan dẫm đạp lên thập giá được xem như là người công khai bỏ đạo.
Ngày nay, không còn áp lực bên ngoài bắt buộc các tín hữu dẫm lên thập giá, nhưng có nhiều áp lực bên trong như tham lam, ích kỷ, ganh tỵ, oán thù… vẫn hằng thôi thúc các ki-tô hữu chà đạp lên nhân phẩm và tình người, biến họ trở thành những người chối bỏ Đạo yêu thương của Chúa Giêsu.
Đạo Chúa là Đạo yêu thương
Đạo Thiên Chúa được gọi là Đạo yêu thương vì cốt tủy của Đạo là giới luật yêu thương và mục tiêu của Đạo là xây dựng đời sống yêu thương huynh đệ trên khắp thế giới.
Khi có vị luật sĩ hỏi Chúa Giêsu, trong các điều răn, điều nào trọng nhất, Chúa đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 37-40)
Thánh Phao-lô cũng nhắc lại giáo lý nầy cho các tín hữu Rô-ma: “Các điều răn… đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Rm 13,9-10)
Tuyên ngôn yêu thương nầy đã được Chúa Giêsu nâng lên thành điều răn mới khi Ngài phán: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13, 34)
Chỉ có những ai yêu thương mới được xem là người môn đệ Chúa
Muốn ghi tên gia nhập vào một tổ chức, một đoàn thể hay một đảng phái nào đó, ứng viên phải chấp nhận một số nội quy của tổ chức đó.
Cũng thế, khi muốn gia nhập vào Đạo yêu thương để trở thành môn đệ Chúa Giêsu, thì điều kiện đầu tiên phải có là lòng yêu mến tha nhân, như lời Chúa Giêsu dạy: "Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Gioan 13, 35).
Như thế, không phải hễ đã có tên trong sổ rửa tội, có tham gia sinh hoạt tôn giáo là có thể xưng mình là môn đệ Chúa Giêsu nhưng là phải thật sự yêu mến tha nhân quanh mình.
Ai ghét bỏ tha nhân là từ bỏ Đạo yêu thương của Chúa
Vì Đạo Chúa là Đạo yêu thương nên ai ghét bỏ tha nhân, kẻ ấy không còn là môn đệ của Chúa Giêsu nữa, như lời Chúa dạy: "Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Gioan 13, 35).
Như thế, khi ghét bỏ người khác hay cạn lòng yêu thương tha nhân, ki-tô hữu tự loại mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ Chúa.
Ngoài ra, những ai thiếu lòng yêu mến tha nhân thì trong ngày phán xét, sẽ bị liệt vào hàng ngũ những người bị nguyền rủa và bị loại trừ vĩnh viễn khỏi nhan Thiên Chúa, như lời Chúa dạy trong dụ ngôn phán xét cuối cùng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó" (Mt 25, 34. 41)
Noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta kiên quyết không bỏ Đạo yêu thương.
Thách thức của các kitô-hữu bị bách hại ngày xưa là quyết không bước qua thập giá dù phải chịu máu đổ đầu rơi. Thách thức của kitô hữu hôm nay là quyết giữ lòng yêu mến tha nhân đến cùng dù phải đối mặt với hận thù, bạo lực và ghen ghét.
Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo Chúa Giêsu và kiên trì sống Đạo yêu thương đến cùng. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt, các ngài vẫn không hề nao núng. Nhờ đó, các ngài được lãnh nhận triều thiên tử đạo. Nếu hôm nay chúng ta kiên quyết xoá bỏ oán ghét hận thù, để kiên trì giữ luật yêu thương, để sống chan hòa với mọi anh em trong tình huynh đệ (cho dù để đạt được điều nầy, chúng ta phải chịu khổ nạn trong tâm hồn), thì chúng ta cũng sẽ được đứng vào hàng ngũ các thánh tử đạo hiển vinh.