Thông Tin Bên Lề

Nhạc xuân

Tháng Thánh Giuse

HÃY KẾT BẠN VỚI

Ảnh

Liên kết web

VIDEO GIÁO XỨ

CHA QUẢN XỨ

HÃY NHANH TAY

1
GIÁO XỨ LÀNG RÀO

Magazine

Smoke

Natural

Feature

Video News

Cuộc sống hiện tại với bao nhiêu mới mẻ, hấp dẫn khiến mình phải chạy đua với thời gian, với model của thời đại và ước muốn hoàn thiện bản thân. Mà muốn thành công trong một lĩnh vực nào đó, là cả một quá trình. Vậy mà mình muốn đạt được ngay. Thế là cứ lo nghĩ, dự định với kế hoạch mà không đủ can đảm thực hiện nó trong giây phút hiện tại và như thế ngày nào cũng bận tâm lo nghĩ về tương lai chỉ thêm chán nản.

Cuộc sống luôn đòi hỏi mỗi người chúng ta ở việc học, cách sống, sự an toàn, sự chia sẻ, sự cảm thông, khả năng yêu thương đối với tha nhân. Tại sao mình không chịu bắt tay vào những công việc đó ngay trong những giây phút này? Như thế có tốt hơn chăng hay cứ hoài lo âu nghĩ ngợi!




CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN, NĂM A

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Lời Chúa: Is 49,14-15; 1Cr 4,1-5; Mt 6, 24-34
-----------


1. Thiên Chúa quan phòng

Hơn bao giờ hết, con người thời nay đang sống trong một sự khắc khoải lo sợ. Đúng vậy, người ta lo sợ trước bệnh tật, tuổi già và chết chóc. Người ta lo sợ trước chiến tranh và vũ khí nguyên tử. Người ta lo sợ trước những điều rủi ro làm mất tiền, mất tình và mất hạnh phúc. Cuộc sống như trở nên bấp bênh vô định. Khắp nơi đều có những đe doạ, những hiểm nguy. Người ta dùng tới mọi phương tiện miễn sao tìm thấy được một sự bảo đảm an toàn. Từ những phương tiện chính đáng như các công ty bảo hiểm đến những phương tiện kỳ cục và vô lý chẳng hạn như bói toán và kiêng cữ.
Tại thành phố Paris có tới 15.000 thầy bói, hằng năm thu được những lợi tức đáng kể. Cứ ba người Pháp thì lại có một người đi nghe bói toán và những chuyện nhảm nhí khác. Tất cả những tờ báo lớn đều có mục tử vi. Có tờ chỉ bỏ mục này có một ngày thì liền bị giảm mất 40.000 số trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Tại Đức và nhiều quốc gia văn minh khác cũng thế. Với chúng ta cũng vậy. Đứa bé mới sinh ra người ta cũng chấm tử vi trọn đời cho nó. Hằng năm người ta lên chùa vào dịp tết để xin sâm, để hái lộc đầu xuân. Hằng ngày mỗi khi mất trộm mất cắp người ta vội đi hỏi thầy bói. Rồi thì kiêng cữ đủ thứ, đủ chuyện để khỏi xui khỏi rủi. Chúng ta muốn biết trước hậu vận tương lai, nhưng mà tiền cho thầy bói chỉ chuốc thêm lo vào mình. Sự sợ hãi vẫn còn đó, nó làm cho chúng ta dường như bị tê liệt. Và sự lo sợ trở thành một tiếng kêu xin cần được cứu vớt và an toàn. Có điều đáng tiếc là họ đã không biết đi tìm sự cứu vớt và an toàn ấy nơi Thiên Chúa vì họ cho rằng Thiên Chúa là một cái gì mơ hồ và xa xôi. Bao lâu người ta không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, chắc chắn người ta sẽ bị thất bại.
Đúng thế, với chúng ta Thiên Chúa không phải là một ông chủ hà khắc nhưng là một người Cha đầy yêu thương và thương xót. Đời sống của chúng ta sẽ không còn lo âu khắc khoải nếu chúng ta bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài và nếu chúng ta ra sức thực thi thánh ý Ngài. Bởi vì Ngài đã tính trước và thấy trước mọi sự. Đồng thời Ngài lại đặc biệt chăm sóc cho chúng ta: Các con hãy nhìn xem chim trời và cánh hoa đồng nội. Các con còn trọng hơn chúng bội phần. Nào ai trong các con lo lắng mà có thể làm cho thân mình lớn thêm được một tấc sao. Và như thế, người tin tưởng vào Chúa thì sự lo sợ chỉ là một cái gì kỳ cục, bởi vì chúng ta không phải là những kẻ vất vưởng, bị bỏ rơi và tiếng kêu cứu của chúng ta không phải là những tiếng kêu vô vọng chẳng được đáp trả.
Tuy nhiên, cần phải có một chút can đảm chúng ta mới dám phó thác mọi sự cho Chúa, chúng ta mới dám nhảy vào vòng tay thương yêu của Ngài.
Tại Nam Hàn, hồi đó có tin quân Bắc Hàn cùng với quân Liên Xô sẽ mở những cuộc tấn công vượt qua biên giới. Dân chúng sống gần vùng phi quân sự vội vã đi mua sắm những nhu yếu phẩm nào gạo, nào sữa, nào đường, nào thuốc lá. Chỉ có những tiệm sách là im lìm không ai đặt chân tới, vì trong một tình trạng căng thẳng như thế, sách vở phỏng có ích lợi chi. Thế nhưng, cũng có một thiếu phụ bước vào và hỏi mua một cuốn Kinh Thánh và một cuốn giáo lý. Người bán hàng sững sờ ngạc nhiên và tự hỏi: Một cuốn Kinh Thánh và một cuốn giáo lý ích gì khi mà chiến tranh sắp bùng nổ. Nhưng người thiếu phụ đã bình tĩnh trả lời: Những cuốn sách này ở mọi nơi và trong mọi lúc đều đem lại lợi ích.
Sống giữa một hoàn cảnh đầy lo âu sợ hãi, câu trả lời của người thiếu phụ phải chẳng đã làm cho chúng ta xúc động và cảm thấy hổ thẹn. [Mục Lục]

2. Thiên Chúa quan phòng.

Có một nhà hiền triết quan sát cơn gió thổi qua đồng cỏ. Khi cơn gió nổi lên, cây cỏ đều ngả theo chiều của gió. Khi cơn gió tạm ngưng thì cây cỏ lại ngóc đầu lên. Khi con gió đổi chiều, thì cây cỏ cũng đổi chiều.
Thấy vậy, nhà hiền triết bèn nói: Cây cỏ là chúng ta, còn cơn gió là số mệnh. Số mệnh không bao giờ để cho chúng ta nghỉ yên, nó thổi tung và thổi tung mãi, khi thì thổi bên trái, lúc thì thổi bên phải. Điều quan trọng là phải biết nương theo chiều gió. Đừng chống cự, đừng phản kháng, nhưng hãy biết gắn bó với số mệnh của mình, bởi vì số mệnh là chính Thiên Chúa, là thánh ý của Ngài.
Từ đồng cỏ, nhà hiền triết ghé thăm một người bạn quen. Thoạt khi tới cửa, thì con chó sủa vang, đứa bé đang chơi ngoài sân, nhìn thấy người lạ, bèn chạy đi nép mình vào vòng tay người mẹ. Nhà hiền triết càng tiến tới, thì đứa trẻ níu chặt lấy đôi tay người mẹ.
Thấy vậy, nhà hiền triết bèn nói: Đứa trẻ sợ hãi là chúng ta. Người lạ mặt là số mệnh, còn vòng tay chở che là Thiên Chúa. Số mệnh nhiều khi âm thầm từng bước tiến lại gần, khiến chúng ta sợ hãi, thế nhưng điều khôn ngoan là hãy noi gương bắt chước đứa trẻ, biết nép mình vào vòng tay uy quyền của Thiên Chúa. Tương lai càng đen tối, chúng ta lại càng phải níu chặt bàn tay của Thiên Chúa. Sống dưới cái nhìn trìu mến của Ngài, chúng ta sẽ không còn sợ hãi. Nếu đứa trẻ nhận ra tôi là một người quen, thì nó sẽ vui mừng chạy ra và ôm lấy. Cũng vậy, số mệnh dù có bẽ bàng thì cũng là thánh ý của Thiên Chúa. Nếu chúng ta có một đức tin mạnh mẽ, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận không kêu ca oán trách.
Thế nhưng có một người đàn bà đã lên tiếng phản đối: Làm sao tôi có thể giơ tay đón nhận số mệnh, vì nó như những ngọn roi quất vào cuộc đời tôi. Chồng tôi bị chết trong chiến tranh, và bây giờ, mười mấy năm sau, đứa con trai tôi cũng lại chết trong chiến tranh.
Nhà hiền triết thông cảm với những đau khổ ấy, nhưng rồi ông đã trả lời bằng một giọng đầy an ủi khích lệ: Tôi biết, rất có thể chúng ta sẽ phải khóc dưới sức nặng của thập giá, nhưng chúng ta không có quyền chất vấn Thiên Chúa. Chúng ta phải tin rằng Đấng đã dựng nên những bông hoa xinh tươi, những trái cây ngon ngọt, Đấng đã cẩn thận sắp xếp từng nguyên tử của vật chất, thì Ngài sẽ chẳng để cuộc sống con người bị bất ổn.
Con người đau khổ, đó là điều dĩ nhiên. Nhưng đau khổ không phải là một cái gì thừa thãi và vô ích, chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ, nhưng Ngài đã mặc cho những đau khổ ấy một giá trị tuyệt vời và đã dùng những đau khổ ấy để cứu chuộc chúng ta. Rồi Ngài lại phán: Phúc cho những ai than khóc vì Nước Trời là của họ. Vậy thì chị là người đang đau khổ, Nước Trời là của chị đó. Nếu không có Nước Trời, thì tôi sẽ lên tiếng kêu gọi mọi người đau khổ hãy đoàn kết, chống lại số mệnh, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Nước Trời còn đó, và Thiên Chúa đang chờ đón chúng ta. Hãy để Ngài tẩy rửa và thanh luyện chúng ta nên xứng đáng với hạnh phúc tuyệt vời ấy.
Đừng hỏi tại sao Thiên Chúa lại dựng nên bông hồng có những gai nhọn, Ngài có chương trình của Ngài. Hãy để cho Ngài uốn nắn và hành động. Thái độ khôn ngoan nhất là biết nép mình vào bàn tay Chúa. Nếu cây cối chống trả với ngọn gió, nó sẽ bị gẫy đổ, nếu chúng ta chống trả với Thiên Chúa, đời chúng ta sẽ chồng chất thêm nhiều khổ đau, dù cuộc đời chúng ta có sóng gió, thì cũng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa vì trước mặt Thiên Chúa, chúng ta đáng giá hơn chim trời và hơn hoa cỏ đồng nội rất nhiều. [Mục Lục]

3. Lạc quan – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Người ta nói rằng sống trong cuộc đời luôn phải chiến đấu để vươn lên, chiến đấu để tồn tại. Cuộc sống luôn có những khó khăn, luôn có những thử thách đòi hỏi con người phải can đảm vượt qua những khó khăn của dòng đời. Nhất là trong việc tìm kiếm cơm áo gạo tiền luôn là nỗi lo của hàng triệu người. Có kẻ ăn bữa no bữa đói. Có người ăn bữa sáng, lo bữa chiều. Vì người đông của hiếm. Kinh tế thị trường lại cạnh tranh khiến kẻ mạnh luôn thắng còn người nghèo đói luôn thua thiệt. Những ngày tết vừa qua tại bệnh viện Truyền Máu và Huyết Học Quận 5 vẫn có những người nghèo khổ tấp nập tìm đến đây với hy vọng bán được thứ duy nhất bán được để tồn tại. Đó là Máu hay Tiểu Cầu để có tiền trang trải nợ nần và cho con cái hưởng chút hương vị mùa xuân. Gọi là “chợ” vì có kẻ bán, người mua. Nhưng nơi đây chỉ duy nhất một “người mua” là bệnh viện. Theo báo tuổi trẻ ghi nhận rẵng: “Sài Gòn những ngày tết sạch sẽ và yên tĩnh, mọi người gặp nhau với những lời chúc tốt đẹp. Ngoài kia tiếng chiêng trống của một đám múa lân rộn rã. Thế mà trong nầy vẫn có những người nghèo khổ phải nhốn nháo xin bán từng giọt sức của mình”.
Thế nhưng, cho dù là giầu có hay có công danh sự nghiệp, dường như ai cũng không bao giờ toại nguyện về cuộc sống mình. Người giầu cũng khóc, kẻ nghèo cũng than. Kẻ có địa vị cũng khổ, người dân thấp hèn càng bất hạnh hơn. Con người thường hay than phân trách phận vì Trời chẳng bao giờ làm cho họ toại nguyện về những gì mình đang có.
Có một chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày kia, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi:
- Chàng trai, sao trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?
- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.
- Nghèo ư, cháu là một người giàu đó chứ?
- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.
- Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng tiền vàng cháu có đồng ý không?
- Không ạ.
- Giả như ta chặt một bàn tay của cháu, ta trả 30 đồng tiền vàng, cháu có chịu không?
- Không bao giờ.
- Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng tiền vàng, cháu thấy thế nào?
- Cũng không được.
- Vậy ta trả cháu 3,000 đồng tiền vàng để cháu trở thành ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?
- Đương nhiên là không.
- Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30,000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?
- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.
Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không thực sự hiểu ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Có kẻ giầu nhưng gia đình lại không hạnh phúc. Có kẻ tuy nghèo nhưng gia đạo lại trên dưới thuận hoà. Có kẻ có tiền nhưng không có sức khoẻ. Có người vất vả ngược xuôi nhưng lại chẳng đau yếu bao giờ. Vì thế, dầu chúng ta trong hoàn cảnh nào cũng hãy lạc quan với những gì mình có. Hãy vui với phận số an bài. Đứng đứng đó để nguyền rủa đời mình mà hãy nhìn về tương lai với tinh thần lạc quan và hy vọng. Người xưa vẫn thường nói: “không ai giầu ba họ – Không ai khó ba đời”. Cuộc sống luôn tặng ban cho chúng ta biết bao niềm vui và hạnh phúc. Hãy biết tận hưởng những giây phút hiện tại, đừng đứng đó mà nguyền rủa ngày tháng mình sinh, nhưng hãy đứng dậy để vượt qua những khó khăn trước mắt. Hãy tin tưởng vào tương lai đang chờ đón những điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy để cho Chúa lo cho bạn ngày mai còn ngày hôm nay hãy sống hết mình với giây phút hiện tại. Hiện tại có khó khăn nhưng “sau đêm dài là ánh bình minh”. Hiện tại là bóng đêm nhưng bình minh sẽ ló rạng để phá tan đêm tối. Chúa bảo rằng: “chim trời chúng con gieo vãi mà vẫn có ăn, hoa cỏ đồng nội chúng không làm lụng thế mà vẫn xinh tươi rực rỡ”. Là con cái của Chúa, Chúa sẽ không bao giờ để chúng ta phải thua thiệt. Chúa sẽ chăm sóc cuộc đời chúng ta như người cha người mẹ lo cho con cái. Chúa sẽ luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta.
Ước gì mỗi người chúng ta biết an vui với phận số của mình trong niềm tin tưởng phó thác vào Chúa. Nguyện xin Chúa luôn đồng hành và giúp chúng ta vượt qua những khó khăn của dòng đời hôm nay. Amen. [Mục Lục]

4. Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi – Anmai

Đã là người, khi bước vào cuộc đời này không tránh khỏi những băn khoăn. Có những băn khoăn về phận người, có những băn khoăn về đời sống vật chất và cũng có những băn khoăn về đời sống tinh thần. Từ những băn khoăn đó, con người đi tìm lý giải cho ý nghĩa của cuộc đời. Vì mang trong phận mình là con người yếu đuối, bất toàn hay nói đúng hơn là bất lực trước những nghịch cảnh của cuộc đời để rồi sự băn khoăn đó cứ dồn dập trong cuộc đời.
Thiên Chúa nói với con người là Thiên Chúa ở bên, ở gần con người và chở che con người ấy nhưng mà thực tế trong cuộc sống, quá nhiều lần Thiên Chúa làm cho con người hụt hẫng và không biết là Thiên Chúa có ở cạnh bên mình hay không?
Trong bài ca thứ hai, bài ca người Tôi Trung trong sách ngôn sứ Isaia mà chúng ta nghe đó diễn tả tâm trạng thổn thức, tâm trạng lo lắng rằng Thiên Chúa có ở bên mình hay không. Chúng ta vừa nghe: Sion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi! ” Nghe tiếng lòng thổn thức như vậy, Đức Chúa đã đáp lời: Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.
Đức Chúa không cần phải nói nhiều, không cần giải thích nhiều, Đức Chúa chỉ lấy hình ảnh của một người mẹ để minh họa. Đã là mẹ thì không bao giờ có ai cam tâm bỏ con mình cả và rồi Đức Chúa nói rằng dẫu cho là người mẹ có quên đứa con mình đi chăng nữa vì lý do nào đó còn Đức Chúa thì Đức Chúa không hề quên.
Chúa Giêsu, hôm nay, trong trang tin mừng hết sức quen thuộc như muốn nhắc lại cho chúng ta về thao thức của con người về tương lai, về cuộc đời.
Với hình ảnh hết sức bình thường của con chim. Chúa Giêsu nói cho các môn đệ rằng chúng không gieo, không gặt và cũng chẳng thu vào kho lẫm thế nhưng mà lạ lùng là cha trên trời vẫn nuôi chúng. Quả thật là như vậy, bao nhiêu con chim trên trời nhưng chúng ta thấy có con nào phải chết vì đói đâu. Thiên Chúa vẫn nuôi chúng mỗi ngày, không chỉ có nuôi thôi nhưng còn nuôi một cách hết sức chu đáo nữa là đàng khác.
Kế đến, Chúa Giêsu lại dí dỏm về chiều cao của con người. Ai lùn thì sẽ rõ chuyện này. Biết mình lùn đấy nhưng làm sao mà có thể cao hơn được. Khoa học dù có can thiệp đi chăng nữa nhưng hình như chẳng được là bao.
Hết sức bình thường với con người là chuyện cơm ăn áo mặc. Dù cho con người cố gắng mặc đẹp thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng thể nào sánh bằng bông hoa huệ ngoài đồng. Không chỉ có hoa huệ mà còn nhiều loài hoa khác nữa áo quần của con người không thể nào sánh ví với vẻ đẹp mà tạo tác ban tặng cho nó.
Đi đến một bước xa hơn nữa, Chúa Giêsu nói rằng tất cả những gì lo cho con người thì mọi người và cả dân ngoại cũng đi tìm cái đó nhưng Cha của anh em trên Trời biết anh em đi tìm cái gì. Kết thúc những gì Ngài nói, đỉnh điểm của điều Ngài nói đó là chớ phải lo lắng gì về ngày mai cả. Ngày mai đều nằm trong lòng bàn tay của Chúa.
Thánh Vịnh 61 mà chúng ta vừa nghe trong bài đáp ca nói lên tâm tình cuả người tin tưởng vào Chúa:
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.
Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.
Thánh Vịnh 61 quả thật là tuyệt vời khi nói đến kẻ thường dân, khi nói đến người quyền quý. Tất cả chỉ là không không trước mặt Thiên Chúa mà thôi:
Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.
Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!
Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.
Thế đấy! Phận con người hết sức mong manh và dù cho có giàu có, dù tiền tài có sinh sôi nảy nở đi chăng nữa cũng chẳng giải quyết được chuyện gì. Tại sao không giải quyết được? Là vì khi nhắm mắt xuôi tay có mang theo được gì đâu và sinh mạng của mỗi người nằm trong tay ai?
Mới đây không lâu, một buổi chiều trung tuần tháng 1. Một linh mục thân quen vừa từ trên lầu xuống để đi dâng Lễ bỗng dưng té ngã. Anh em đưa vị linh mục ấy đi cấp cứu và rồi vừa vào nhà thương thì tim đã ngưng đập. Cố gắng hết sức chạy chữa nhưng không qua khỏi.
Được biết sáng hôm ấy thì địa phận Mỹ Tho phải ngậm ngùi chia tay với cha sở và cũng là giám đốc Trung Tâm Mục vụ của địa phận. Nghe đâu Ngài đang chơi thể thao với các thầy bỗng dưng té xuống. 15 giờ 30 Chúa gọi Ngài về.
Đang chuẩn bị cử hành lễ an táng cho Cha kia vừa té ngã ở chân cầu thang và được Chúa gọi về thì nghe tin nghệ sĩ ưu tú Kim Ngọc cũng vừa ra đi sau khi té ở nhà riêng. Con cái, bạn bè thân hữu không khỏi bàng hoàn trước sự ra đi của nghệ sĩ Kim Ngọc.
Đứng trước 3 cuộc ra đi vội vàng ấy những ai quen biết, những người thân trong gia đình không ai là không bàng hoàng, không thẩn thờ. 3 cuộc đời ấy, ba sinh mạng ấy chắc chắn không ai có thể ngờ được rằng đến ngày đó Thiên Chúa gọi về. Nhiều người vẫn tưởng là những người ấy không thể nào đi sớm như vậy. Trong Thánh Lễ an táng, vị giảng lễ hôm ấy ngậm ngùi thân thưa với cộng đoàn, với người quá cố rằng ngài không nghĩ rằng ngài giảng lễ an táng cho người quá cố. Lẽ ra người quá cố giảng lễ an táng cho ngài vì ngài lớn tuổi hơn người quá cố!
Lớn tuổi hơn, nhỏ tuổi hơn hay thậm chí tài giỏi hơn không quan trọng. Chuyện quan trọng là tất cả đều nằm trong lòng bàn tay của Chúa tất cả.
Chúa đã khẳng định rằng tất cả những gì mà chúng ta chưa kịp xin thì Ngài thấu hiểu. Cuộc đời của chúng ta, chúng ta chưa biết ngày nào, giờ nào nhưng Thiên Chúa biết.
Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta tin tưởng, quan phòng vào lòng bàn tay từ ái của Chúa. Thái độ tin tưởng hay ngờ vực vẫn là thái độ tự do và lời đáp trả của mỗi người chúng ta. [Mục Lục]
Nguồn Gốc Tháng Kính Thánh Giuse
 Người khởi xướng việc tôn sùng Thánh Giuse trước tiên trong Giáo Hội là Đức Hồng Y Patricio Daily.   Ngài đã chép sách để cổ võ cho mọi người tin tưởng tôn kính Thánh Cả.


- Thế kỷ 12, thánh Bênađô, thánh Tôma Aquinô, thánh Bonaventura, rao giảng về Thánh Cả Giuse.
- Thế kỷ thứ 15, nhà thần học Gerson Trường Đại Học Paris,  đã tiếp tục việc cổ động này. Trong Hội Nghị thành Constantinô,  trước mặt đông đủ các vị Sứ Thần Tòa Thánh,  các Thần Học Gia.... Ông đã thuyết trình một bài rất hùng hồn về thế lực và lòng nhân lành của Thánh Cả Giuse.  Kết quả Hội Đồng đã tôn nhận Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Đại Hội.
- Thế  kỷ  thứ  16, bà Thánh Têrêsa Mẹ cổ động lòng sùng kính Thánh Cả. Bà Têrêsa đã dùng chính đời sống mình để làm gương khuyến khích các chị em trong Dòng.   Bà quả quyết rằng :"Chưa  bao  giờ  tôi kêu cầu Thánh Cả Giuse mà Ngài không giúp đỡ tôi.  Nhất là việc nhờ Ngài tu sửa lại Dòng Kín". 
- Thế kỷ 17, giám mục Bossuet tại nước Pháp đọc diễn văn ca ngợi Thánh Giuse gây tiếng vang tới Rôma, Đức Ubarnô 8 đã nâng lễ thánh Giuse lên bậc lễ buộc trong nước Pháp.
- Tại nước Austria (Áo), vua Leopoldo nhiệt liệt ca tụng Thánh Giuse, đã xin Tòa thánh cho lập lễ Hôn phối thánh Giuse với Đức Mẹ để ghi ơn thánh Cả đã cho sinh con nối dòng và chiến thắng quân Turkey.
- Thế kỉ 19, năm 1870, Đức Piô 9, theo đề nghị của các nghị phụ Công đồng Vatican I, đặt Thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội và truyền mừng lễ ngày 19 tháng 3 hàng năm trọng thể .
Năm 1889, Đức Lêô 13 ra thông điệp về Lòng tôn kính Thánh cả Giuse và truyền lấy tháng Ba hàng năm tôn kính Ngài. (Châu Thủy, Thánh Giuse trong Phúc âm, NSTTĐM, 1989, trang 148-150)
Đức Piô 11 tuyên xưng Thánh cả là  Mẫu gương đời lao công.  Và Đức Thánh Cha Piô 12 đã đặt Thánh Giuse làm chủ các gia đình.
Những việc làm kính Thánh Cả:
1. Hàng ngày :  Năng nguyện tắt: "GiêsuMariaGiuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn", và dâng mình cho ba Đấng.  Cầu xin cùng Thánh cả lúc gặp khó khăn hoặc cơn cám dỗ.
Tối trước khi đi ngủ, đọc kinh Thánh Giuse bầu cử, hay đọc 7 kinh Lạy Cha,  7 kinh Kính Mừng,   kính nhớ 7 sự vui mừng và đau khổ của Ngài, kính Ngài và xin ơn chết lành.
2. Hàng tuần : Ngày Thứ Tư kính Thánh Cả,  làm thêm việc lành tùy hoàn cảnh: như đọc thêm kinh,  đọc sách về Thánh Cả, hãm mình, làm việc bác ái, dự lễ.
3. Tháng  Ba: sửa sang bàn thờ gia đình, thêm hoa nến để kính Ngài. 
Trong dịp trước lễ kính Thánh Giuse (ngày 19 tháng 3), nên làm tuần 3 ngày dọn mình mừng lễ Ngài cho long trọng,  xưng tội, rước lễ,  xin lễ,  tôn kính Ngài.
Ngoài ra còn nhiều việc sùng kính khác như đeo ảnh trong mình, bày tượng ảnh trong nhà,  lập đài nơi khu xóm,  cất đền nơi xứ đạo,  tôn Ngài làm quan thầy Hội đoàn,   phát hành báo chí,  internet, phổ biến tranh ảnh,  bài hát....  kính Ngài  nữa.
Truyện thánh -
Con trai được cải hóa, nhờ mẹ và các em cầu nguyện.
Gần thành Granôpoli, nước Pháp, có một gia đình 5 người. Ông chồng chết sớm. Mẹ con làm ăn nuôi nhau. Bà mẹ có lòng đạo đức, luôn lấy lời nói gương sáng khuyên bảo các con. Hai cô em thì ngoan, còn ông anh cả đi học xa ở Paris thì ôi thôi: phần xác thì ốm đau, phần hồn thì bê bối đủ điều, khô khan tội lỗi. Hắn không cầu nguyện, không dự lễ, mà khi thấy mẹ và các em cầu nguyện, hắn lại chê bai. Ba mẹ con hằng khuyên nhủ và kêu xin Chúa  cải thiện hắn, nhưng vô ích, hắn cứng đầu hơn đá.
Mọi năm nhà này cứ tới tháng Ba là làm việc kính Thánh Cả Giuse. Năm ấy mẹ bảo hai con sốt sắng hơn để cầu nguyện cho người anh khô khan, tội lỗi được ơn cải thiện đời sống.
Hôm trước ngày mùng một, mẹ con trang hoàng bàn thờ Thánh Cả với hoa nến đẹp đẽ. Người anh đi đâu về thấy bàn thờ đã dọn thì hỏi: dọn làm gì? Mẹ trả lời:
- Mai là tháng Thánh Giuse, mẹ và các em có ý kính Người hơn mọi năm để cầu xin cho con được ơn ăn năn cải thiện trở về cùng Chúa, sốt sắng giữ đạo.
Con cả nghe vậy cười lớn và lắc đầu, tỏ vẻ khinh thường.
Ngày mùng một, hai, ba, khi mẹ và 2 em quì gối làm việc kính Thánh Cả, thì cậu con ngồi xa xa cười mẹ và các em mê tín dị đoan.
Nhưng từ ngày 7, 8 trở đi, nó không cười nhạo nữa, nhưng ngồi yên lặng coi bộ suy tư lắm. Đến ngày mùng 10, hắn làm dấu Thánh giá và thỉnh thoảng gặt nước mắt trộm vụng kẻo có ai thấy và thở dài kêu thầm: Lạy Ông Thánh Giuse, xin thương linh hồn tôi.
Đến ngày 15, nó đến thú thật với mẹ rằng: Từ khi con bỏ Đức Chúa Trời, con bối rối lo âu luôn luôn. Nhờ dịp này, con quyết ăn năn cải thiện đời sống, xin mẹ cùng 2 em cầu nguyện để con được ơn cải thiện thật lòng.
Anh ta cầu nguyện và xét mình vài ba ngày, rồi đi tìm linh mục xưng tội rước lễ sốt sắng.
Từ ngày ấy trở đi, anh ta sống đạo rất tốt, làm gương cho các em và làm mẹ vui lòng lắm.

Sau 3 năm, anh ta mắc bệnh nặng, và được chết lành êm ái trong tay Thánh Cả Giuse Bổn mạng của anh ta.
GPVO - "Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội Người qua trung gian của Thánh Thần.[...] Qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, người được thánh hiến không chỉ bằng lòng với việc đã chọn Đức Kitô làm ý nghĩa đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế" (Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 1 & 16).


Ý nghĩa và lời mời gọi đó của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trở thành khát vọng in đậm trên gương mặt của 4 tập sinh tiên khấn trong thánh lễ mừng hồng ân thánh hiến sáng ngày 22.2.2014 tại nguyện đường Hội dòng Mến Thánh Giá Xã Đoài, nhân dịp bế mạc tuần tĩnh tâm năm dành cho các nữ tu vĩnh khấn từ năm 1999 - 2013. Thánh lễ do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự, cùng với đông đảo quý cha đồng tế, quý tu sỹ và quý thân - ân nhân của các khấn sinh.

Khởi đi từ lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa (Mc 8,34), Cha giảng lễ Phêrô Nguyễn Chí Thiết đã giúp cộng đoàn hiện diện, cách riêng là các khấn sinh chiêm ngắm và gẫm suy về Thánh giá của Chúa Kitô và thập giá cuộc đời. Từ đó, ngài mời gọi mỗi người hãy biến thập giá đời mình trở thành Thánh giá của Chúa Kitô. Đó cũng là ý nghĩa mà linh đạo Dòng MTG diễn tả và mời gọi: "Tập trung vào khuôn mặt Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và Mầu nhiệm Thánh Giá cứu độ của Người, thể hiện qua ba chiều kích: chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Hằng ngày chị em Mến Thánh Giá hướng về Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh bằng lời kinh: “Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian ” (Hiến chương, số 64)
Nghi thức tuyên khấn được khởi đầu bằng việc xướng tên các khấn sinh:
1. Anna Phạm Thị Nhung (quê giáo xứ Thanh Dạ)
2. Anna Nguyễn Thị Sinh (quê giáo xứ Thanh Dạ)
3. Maria Trần Thị Vinh (quê giáo xứ Xuân An)
4. Lucia Phan Thị Vân (quê giáo xứ Vạn Phần)
Trước sự hiện diện của Đức Cha Phêrô, trong tay chị Tổng Phụ trách Anna Phan Thị Phê, lần lượt các khấn sinh đã đến quỳ gối và long trọng tuyên hứa những lời đầy xác tín: "Nhân danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con, nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, con tự nguyện cam kết bước theo sát dấu chân Đức Giêsu trên đường Thánh giá, để hiến thân trọn vẹn cho Chúa Cha và phục vụ anh chị em đồng loại...".

Và khi đặt bút ký vào "Bản khấn", các chị hiểu rằng: "Từ nay, con không còn thuộc về mình nữa, nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, vì con đã hiến thân trọn vẹn  cho Người, để từ nay chỉ chuyên chú tìm hiểu và yêu mến Người bằng cách suy niệm và noi theo cuộc đời đau khổ của Người, cùng thực thi các nhiệm vụ của Tu hội" (trích thư của Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte gửi 2 nữ tu Anê và Paula).


Sau cùng, quý chị được nhận Khăn lúp, Hiến chương và Nội quy từ chính tay Đức Cha Phêrô, như là biểu tượng của sự tùng phục Đức Kitô, của khát vọng sống đức ái hoàn hảo, của sự tự nguyện hiến thân phục vụ tha nhân. Đó cũng là dấu chứng của một cuộc kết giao kỳ diệu; để từ đây, với các chị, Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất và mãi mãi. 

Biến cố đặc biệt hôm nay sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình dâng hiến và trọn cuộc đời của các khấn sinh. Ước gì lời của Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II như một gọi mời tha thiết, âm vọng trong tâm hồn các chị: "Các con hãy sống trọn cuộc hiến dâng cho Thiên Chúa, để cho thế giới này đừng mất đi một tia sáng chiếu ngời vẻ đẹp của Thiên Chúa trên đường đời của nhân loại."(Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 109)



Lê Hùng
Đức Thánh Cha kết thúc tháng 5 kính Đức Mẹ

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria trong việc lắng nghe Lời Chúa, quyết định và phục vụ tha nhân.



Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài suy niệm ngắn vào cuối buổi đọc kinh Mân Côi trọng thể tối ngày 31-5-2013 qua tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp kết thúc tháng 5 kính Đức Mẹ.

Hiện diện tại Quảng trường có lối 30 HY, GM và khoảng 40 ngàn tín hữu cùng với các tu sĩ nam nữ.

Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng của ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng và nhấn mạnh đến gương Mẹ Maria đối diện với hành trình cuộc sống trong tinh thần thực tế, đầy tình người và đúng đắn. Ngài tóm gọm mẫu gương của Đức Mẹ trong 3 từ: lắng nghe, quyết định và hành động.

1. Đức Thánh Cha nhận xét rằng hành động của Mẹ Maria lên đường viếng thăm bà Elisabeth xuất phát từ sự lắng nghe Lời Chúa. Đó không phải là nghe hời hợt, nhưng là chăm chú lắng nghe, đón nhận và sẵn sàng đối với Thiên Chúa. Mẹ Maria lắng nghe cả những sự kiện, nghĩa là đọc các biến cố trong cuộc sống, đi sâu vào ý nghĩa của chúng. Thái độ này cũng có giá trị trong cuộc sống chúng ta: lắng nghe Chúa nói với chúng ta, lắng nghe thực tại cuộc sống thường nhật, quan tâm đến con người và sự kiện vì Chúa đứng ở cửa đời sống chúng ta và gõ cửa bằng nhiều cách, đặt những dấu hiệu trên hành trình của chúng ta. Chúng ta cần có khả năng nhìn thấy những dấu hiệu ấy.
2. Từ thứ hai là ”Quyết định”. Đức Thánh Cha giải thích rằng Mẹ Maria không sống ”vội vã”, cơ cực, nhưng như thánh Luca đã nhấn mạnh, ”Mẹ suy niệm tất cả những điều đó trong lòng” (Xc Lc 2,19.51)... Mẹ Maria không để mình bị các biến cố lôi đi, không tránh né những nỗ lực vất vả cần phải làm khi quyết định. Và điều đó diễn ra không những trong chọn lựa căn bản thay đổi cuộc sống của Mẹ: ”Này tôi là tôi tớ Chúa..” (Xc Lc 1,38), nhưng cả trong những chọn lựa thường nhật nhất..

Từ mẫu gương của Mẹ Maria, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy can đảm đề ra những quyết định trong cuộc sống, đừng trì hoãn hoặc dồn cho người khác quyết định thay chúng ta, hoặc để cho mình bị lôi kéo vì những biến cố hay chạy theo các mốt thịnh hành nhất thời. Ngài nói:

”Nhiều khi chúng ta biết điều mình phải làm, nhưng không có can đảm làm, hoặc chúng ta thấy đó là điều quá khó khăn vì phải đi ngược dòng. Mẹ Maria đã đi ngược dòng trong biến cố truyền tin, trong cuộc thăm viếng, cũng như tại tiệc cưới Cana. Mẹ lắng nghe Lời Chúa, suy nghĩ và tìm hiểu thực tại, và quyết định hoàn toàn tín thác nơi Chúa, quyết định đi thăm bà chị họ già mặc dù mình đang có thai...”

3. Sau cùng là từ ”hành động”. Mẹ Maria ”vội vã lên đường” đi thăm bà chị họ Elisabeth (Xc Lc 1,39). Đức Thánh Cha nhận xét rằng ”Trong kinh nguyện, trước mặt Thiên Chúa đang nói, trong suy nghĩ và suy niệm về những sự kiện của cuộc sống, Mẹ Maria không vội vã, không để mình bị các biến cố lôi đi. Nhưng khi đã rõ về điều Chúa muốn, nghĩa là về những gì phải làm, thì Mẹ không do dự chần chừ, lần lữa, nhưng ra đi ”vội vã”. Thánh Ambroxio bình luận rằng ”ơn Thánh Linh không bao hàm sự chậm trễ” (Expos. Evang. sec. Lucan, II, 19: PL 15,1560).

Đức Thánh Cha nói: ”Nhiều khi chúng ta dừng lại ở việc lắng nghe, suy tư về điều mình phải làm, có lẽ chúng ta cũng có quyết định rõ ràng phải đề ra, nhưng chúng ta không đi tới hành động. Và nhất là chúng ta không ”mau lẹ” đến với người khác để giúp đỡ họ, để tỏ bày sự cảm thông và tình bác ái của chúng ta; để như Mẹ Maria, mang cho tha nhân những gì quí giá nhất đối với chúng ta là Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa bằng lời nói và nhất là bằng chứng tá cụ thể trong hành động của chúng ta”. (SD 31-5-2013)
VATICAN - Hôm 24-2-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tự sắc thiết lập cơ cấu mới điều hợp các hoạt động kinh tế và hành chánh của Toà Thánh và Quốc gia thành Vatican. Cụ thể là ngài thành lập một Văn phòng về kinh tế, một sứ "siêu bộ" của Toà Thánh do một hồng y làm chủ tịch.


Quyết định của ĐTC được công bố với Tự sắc về vấn đề này ban hành cùng ngày 24-2-2014 và công bố trên báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh.

Ngài đi tới quyết định trên đây theo những đề nghị nghiêm túc duyệt lại các hoạt động kinh tế và hành chính của Vatican, do Uỷ ban Tường trình (COSEAC) được ĐTC thiết lập về vấn đề này. Các đề nghị cũng đã được Hội đồng 8 Hồng y cố vấn của ĐTC cũng như Hội đồng 15 Hồng y đặc trách các vấn đề kinh tế và quản trị của Toà Thánh cứu xét và chấp thuận.

Uỷ ban Tường trình  (COSEAC), do ĐHY Farina, Dòng Don Bosco, nguyên Thư viện trưởng của Toà Thánh làm chủ tịch, đề nghị những thay đổi và đơn giản hoá cũng như củng cố các cơ cấu quản trị hiện hữu và cải tiến việc điều hợp và giám sát trong toàn thể các cơ quan Toà Thánh và Quốc gia thành Vatican. Những cải tiến trên đây nhắm tận dụng tài nguyên tốt đẹp hơn, tăng cường sự hỗ trợ dành cho các chương trình, đặc biệt là những chương trình nhắm làm việc với người nghèo và những người bên lề xã hội.

Những thay đổi do ĐTC thông báo gồm:

1. Thiết lập một Văn phòng mới về Kinh tế, có thẩm quyền trên tất cả các hoạt động kinh tế và hành chính trong Toà Thánh và Quốc gia thành Vatican. Văn phòng này có trách nhiệm chuẩn bị ngân sách thường niên của Toà Thánh và Quốc gia thành Vatican, và đề ra kế hoạch tài chính, cũng như các chức năng hỗ trợ khác nhau, như nguồn nhân lực và tài lực. Ngoài ra, Văn phòng phải thiết lập kết toán chi tiết của Toà Thánh và Quốc gia thành Vatican.

2. Văn phòng Kinh tế sẽ thi hành các chỉ thị do một Hội đồng mới về kinh tế đề ra: hội đồng này gồm có 15 thành viên trong đó có 8 hồng y hoặc giám mục, phản ánh tính chất hoàn vũ của Giáo Hội, và 7 chuyên gia giáo dân thuộc các quốc tịch khác nhau, chuyên về tài chính và được nhìn nhận khả năng chuyên môn của họ. Hội đồng sẽ nhóm định kỳ để đánh giá các chỉ thị và đường lối thực hành cụ thể, cũng như chuẩn bị và phân tích các phúc trình về cc hoạt động kinh tế hành chính của Toà Thánh.

3. Văn phòng Kinh tế sẽ do  một hồng y làm Chủ tịch, tham chiếu Hội đồng Kinh tế. Một vị tổng thư ký sẽ cộng tác với ĐHY chủ tịch trong việc điều hành các hoạt động hằng ngày.

4. ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Georg Pell, hiện là TGM Giáo phận Sydney, Australia, làm Chủ tịch Văn phòng Kinh tế của Toà Thánh.

5. các quy định mới sẽ bao gồm cả việc bổ nhiệm một vị Tổng Kiểm toán (Revisore Generale) do ĐTC bổ nhiệm, có quyền duyệt xét bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào của Toà Thánh và Quốc gia thành Vatican.

6. Những thay đổi khẳng định vai trò của Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh, Apsa, như Ngân hàng Trung ương của Vatican, với tất cả các nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức tương tự trên toàn thế giới.

7. Cơ quan thẩm quyền thông tin tài chính, gọi tắt là AIF, tiếp tục vai trò hiện nay, canh chừng khôn ngoan và thi hành kỷ luật về các hoạt động trong nội bộ Toà Thánh và Quốc gia thành Vatican.

ĐTC yêu cầu vị Chủ tịch mới của Văn phòng Kinh tế bắt đầu công tác càng sớm càng tốt. ĐHY sẽ chuẩn bị các quy chế chung kết và các vấn đề khác liên hệ, nhờ sự trợ giúp của các cố vấn cần thiết và sẽ làm việc với Uỷ ban Tường trình nghiên cứu và xác định hướng đi trong việc tổ chức cơ cấu kinh tế và hành chính của Toà Thánh, gọi tắt là COSEA.

Trên đây là nội dung thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh tóm lược nội dung Tự sắc "Fideles dispensatur et prudens" (Lc 12,42) của ĐTC.

Thông cáo không nói gì về Viện Giáo vụ (IOR) quen gọi là "Ngân hàng Vatican". Việc duyệt xét cơ quan này có một Uỷ ban Tường trình khác đảm trách.

Với Tự sắc trên đây, Hội đồng 15 Hồng y đặc trách các vấn đề kinh tế và tổ chức của Toà Thánh do ĐGH Gioan Phaolô II thành lập, chấm dứt nhiệm vụ. (SD 24-2-2014)


G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: R. Vatican)


Hình ảnh nhân vật Emile, sản phẩm giáo dục theo hình dung của Rousseau, và một học sinh Việt Nam cùng độ tuổi, khác nhau rất nhiều theo hướng Emile trưởng thành, vững chãi, độc lập hơn trong tư duy, phán đoán và hành động. Đây chính là hệ quả của các quan điểm giáo dục và cách tổ chức giáo dục khác nhau.



Cách đây hơn một năm, sau một buổi thuyết trình, một em học sinh lớp 11 đến gặp tôi và xin “hướng nghiệp”, em đang suy nghĩ để chọn ngành thi đại học nhưng không biết chọn ngành nào. Tôi đã khuyên em nên tìm hiểu rõ hơn những ngành mà em quan tâm, suy nghĩ kỹ về bản thân, về tương lai cũng như về hoàn cảnh gia đình rồi tự đưa ra quyết định. Hơn sáu tháng sau, em liên lạc lại với tôi và thể hiện là em có tìm hiểu về các ngành học, nhưng vẫn không biết quyết định thế nào. Hôm mồng hai Tết vừa rồi, em chúc Tết tôi, tôi hỏi em quyết định thế nào rồi, em vẫn trả lời là chưa quyết định được và nói có lẽ sẽ “để người khác quyết định” giúp.

Cũng thời gian này tôi đọc xong toàn bộ tác phẩm Emile hay là về giáo dục của Rousseau*, triết gia người Pháp sống vào thế kỷ 18, và thấy hình ảnh của nhân vật Emile, sản phẩm giáo dục theo hình dung của Rousseau vào độ tuổi như em học sinh nói trên, khác nhau rất nhiều theo hướng Emile trưởng thành, vững chãi, độc lập hơn trong tư duy, phán đoán và hành động.

Ở đây, tôi không có ý so sánh hình ảnh một học sinh Việt Nam có thật với một Emile tưởng tượng của Rousseau, nhà triết học “đa tài, đa nạn, đa đoan” (Bùi Văn Nam Sơn, 2013), nhưng sẽ nói tới sự lạc hậu trong quan niệm và cách thức giáo dục của chúng ta hiện tại so với quan điểm và cách thức giáo dục của triết gia Rousseau, người sống cách chúng ta 250 năm trong tác phẩm Emile. Bởi lẽ tôi thấy rất nhiều học sinh, thậm chí là cả các sinh viên gần ra trường cũng gặp rất nhiều vấn đề tương tự như em học sinh cuối bậc trung học phổ thông nói trên, nên có thể nói đây là một hiện tượng gắn liền với giáo dục.

Giáo dục của Rousseau

Hình ảnh một người trẻ, độ tuổi 15 mà Rousseau muốn tạo ra là: Tự lập, tự tin vào bản thân, mạnh khoẻ về thể lý và tinh thần, chân tay lanh lẹ, “trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do… Không phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức mà thiên nhiên cho phép” (tr. 277).

Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cho trẻ em kiến thức, mà dạy cho trẻ biết làm thế nào để có kiến thức. “Vấn đề là chỉ ra cho nó cần làm thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn là bảo cho nó biết một sự thật”. (tr. 273). Rousseau muốn đứa trẻ phải tự học hỏi, phải tự sử dụng lý trí của nó chứ không phải sử dụng lý trí của người khác; ông không dạy đứa trẻ khoa học mà dạy nó “tiếp thu khoa học theo nhu cầu” (tr. 276). Ông mong muốn đứa trẻ có một đầu óc “phổ quát”, cởi mở, thông minh, sẵn sàng cho tất cả.

Mục tiêu của giáo dục là dạy đứa trẻ làm người tự do chứ không đào tạo đứa trẻ thành ông này bà khác trong xã hội, hay làm công dân của một chế độ nào đó nhất định. Con người tự do là con người khi tư duy, khi hành động không bị ràng buộc bởi vật chất, thành kiến hay dư luận, không bị những đam mê nhục dục khống chế. Tức là con người trưởng thành và độc lập trong tư duy trong phán đoán, biết sử dụng lý trí của mình để suy xét, quyết định và hành động một cách hợp lẽ trong sự tôn trọng “tự nhiên” và sự thật, tôn trọng người khác chứ không chịu lụy thuộc bất cứ thứ gì.

Con người tự do không “phục tùng luồn cúi của một nô lệ”, cũng không có “giọng điệu hách dịch của một chủ nhân” (tr. 206) kiểu thượng đội hạ đạp. Là con người luôn sống và tỏ ra chính là mình, không hào nhoáng bên ngoài, không thêm không bớt.

Giáo dục cũng phải tạo ra con người có đạo đức, biết rung cảm, biết thương xót, có lòng trắc ẩn. Giáo dục phải dạy cho học sinh làm những việc tốt, không chỉ là việc bỏ một số tiền túi ra bố thí cho những người nghèo khó mà bằng sự chăm sóc đối với họ, dạy cho học sinh lấy lợi ích của họ làm lợi ích của mình, phục vụ họ, bảo vệ họ, dành cho họ cả con người và thì giờ.

Con người đó phải biết nghi ngờ chính mình, “biết thận trọng trong cách cư xử, biết kính nể những người hơn tuổi mình…” (tr. 342). Là con người yêu hòa bình, không những hòa bình giữa người với người mà còn với thiên nhiên. Emile của Rousseau không bao giờ suỵt cho hai con chó cắn nhau, hay làm cho con chó đuổi cắn con mèo (tr. 343). Emile hiền lành và yêu hòa bình, nhưng không nhu nhược, khi để bảo vệ chân lý và sự thật, anh ta sẽ sẵn sàng dấn thân để đấu tranh.

Phương pháp của Rousseau là tự học, ông viết: “Chắc chắn là người ta rút ra được những khái niệm rõ ràng hơn nhiều và vững vàng hơn nhiều từ những sự vật mà ta tự học hiểu lấy như vậy, hơn là từ những sự vật được người khác giáo huấn; và, ngoài việc ta không hề làm cho lý trí mình quen phục tùng một cách nô lệ trước uy quyền, ta còn khiến mình thành giỏi giang hơn trong việc tìm ra các quan hệ, kết nối các ý tưởng, sáng chế các dụng cụ, so với trường hợp ta tiếp nhận tất cả những điều này y như người ta đem lại cho mình, và để đầu óc mình tiêu trầm trong trạng thái uể oải…” (tr. 230). Khi bắt đầu hướng dẫn cho Emile nghiên cứu các quy luật tự nhiên, Rousseau bắt đầu với những hiện tượng thông thường và rõ rệt nhất.

Phần Lan là học trò trung thành của Rousseau

Giáo dục phổ thông Phần Lan những năm gần đây được thế giới ca ngợi. Theo tôi, Phần Lan có các quan điểm giáo dục và cách tổ chức giáo dục rất gần với tư tưởng của Rousseau. Người Phần Lan không đem ra một khuôn mẫu có sẵn để làm mục tiêu đào tạo, mà đào tạo học sinh trở thành những con người tự do, tự chủ trong phán đoán, độc tập trong tư duy, trang bị cho học sinh phương pháp hơn là kiến thức.

Nếu Rousseau kèm riêng cho Emile với “giáo án” riêng dựa trên tâm tính và hoàn cảnh của Emile thì nhà trường Phần Lan cũng chủ trương “khác biệt hóa” trong phương cách giáo dục của họ. Không chỉ tăng thêm các môn tự chọn cho học sinh, họ còn chủ trương “kèm” từng học sinh với những kế họach riêng – nhiệm vụ của giáo viên là nghiên cứu tâm lý thể trạng, hoàn cảnh, thực lực của học sinh trong lớp để thiết kế những “giáo án” riêng cho từng em trong sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và các cơ quan an sinh xã hội, câu lạc bộ địa phương với mục tiêu giúp học sinh phát triển một cách tối đa và cách toàn diện về trí tuệ, thể lý, đạo đức phù hợp với bản tính “tự nhiên”.

Nếu mục tiêu của Rousseau là làm cho Emile hạnh phúc tối đa trong lứa tuổi của anh ta, với những gì được thiên nhiên trao tặng trước khi dạy cho Emile sự hiểu biết thì mục tiêu của người Phần Lan cũng là tạo ra một môi trường làm cho học sinh hạnh phúc nhất vì họ cho rằng một đứa trẻ hạnh phúc phải phát triển toàn diện, cân bằng và nhờ đó có khả năng lĩnh hội bất kỳ điều gì.

Nếu Rousseau là người thầy duy nhất của Emile từ khi nhỏ đến khi Emile cưới cô nàng Sophie nhằm có thể hiểu thấu đáo học trò của ông để đưa ra những hướng dẫn phù hợp nhất thì tại Phần Lan, giáo viên thường theo học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, thậm chí đến hết lớp 9, cũng nhằm có thể hiểu thấu đáo từng học sinh và có các phương án dạy dỗ phù hợp nhất với từng em…

Giáo dục Việt Nam

Tìm hiểu về giáo dục phổ thông Việt Nam hiện tại, tôi thấy giáo dục chúng ta cách xa so với các tư tưởng giáo dục nói trên. Chúng ta không đặt ra mục tiêu đào tạo con người “tự do”, “tự chủ” như tư tưởng của Rousseau hay của giáo dục Phần Lan, mà muốn tạo ra con người công cụ theo một khuôn mẫu đã được định sẵn. Chúng ta không đặt mục tiêu trang bị cho học sinh khả năng tư duy và phán đoán một cách độc lập, không để cái đầu của các em có cơ hội tự suy nghĩ, khám phá những cái mới mà chúng ta đã suy nghĩ thay, sắp xếp thay cho các em đến từng chi tiết. Rousseau đã chống lại chuyện học thuộc lòng, ngay cả học thuộc những vần thơ hay như Ngụ ngôn La Fontaine vào thế kỷ 18, thế mà ngày nay chúng ta vẫn bắt trẻ nhỏ học thuộc lòng đủ thứ, vẫn tồn tại hiện tượng “văn mẫu” một cách phổ biến trong nhà trường.

Thay vì dạy cho học sinh phương pháp, chúng ta lại dạy kiến thức theo những nội dung chương trình được soạn sẵn một cách chi tiết và nặng nề. Thay vì tìm cách phát triển học sinh một cách toàn diện theo đặc điểm tâm thể lý của từng em, chúng ta lại “sản xuất” đồng loạt bằng cách áp đặt lên toàn bộ hệ thống cùng một nội dung chương trình, một cách thức tổ chức giảng dạy và thi cử… Cách giáo dục như vậy không thể làm cho học sinh trưởng thành độc lập trong tư duy, trong phán đoán, có thói quen sáng tạo, phát minh, phát kiến nhằm thúc đẩy sự thay đổi xã hội.

Cũng vậy, với lối giáo dục phụ thuộc này, chuyện học sinh không có khả năng thực hiện những quyết định liên quan đến tương lai như câu chuyện trình bày ở trên là điều dễ hiểu, là hệ quả của một lối giáo dục.

Theo tôi, hơn bao giờ hết, những tư tưởng giáo dục của Rousseau rất có giá trị tham khảo. Trong thời đại thông tin ngày nay, khi khối lượng kiến thức nhân loại liên tục tăng lên theo cấp số nhân, nếu chúng ta cứ chạy theo nhồi nhét kiến thức cho học sinh thì sẽ chỉ làm đầu óc non nớt của trẻ nhỏ thêm u mê và mệt mỏi đến tê liệt. Thời đại ngày nay cũng có quá nhiều thứ cám dỗ so với thời của Rousseau, dễ làm cho giới trẻ rơi vào tình trạng lệ thuộc, trở thành những “nô lệ” mới (nô lệ cho game, cho thế giới ảo, cho các trào lưu ăn chơi, cho các thành kiến định kiến của người lớn, cho dư luận, v.v), nếu giáo dục không làm gì để phòng ngừa, để giải phóng, giành lại “tự do” cho các em, mà lại tăng thêm “gông cùm” nặng nề, thì các em sẽ không đủ trưởng thành, tự tin và có khả năng tự lập khi bước vào đời.

Bộ Giáo dục Việt Nam đang chuẩn bị cho “trận đánh lớn” theo hướng làm cho giáo dục Việt Nam xích lại gần hơn với giáo dục của những nước tiến bộ, nhưng nhìn từ quan điểm của Rousseau hay triết lý giáo dục của người Phần Lan, thì theo tôi vẫn còn khoảng cách quá lớn. Nếu những người có trách nhiệm trong giáo dục không đổi mới tư duy một cách “căn bản và toàn diện” thì làm sao nền giáo dục có thể thay đổi một cách căn bản và toàn diện?


Nguyễn Khánh Trung


Yêu thương những người không yêu chúng ta... đó là noi gương Thiên Chúa. Hãy làm điều thiện hảo cho những ai làm hại chúng ta, đó là điều linh thánh. "Kitô hữu là gì? Đó không phải là đã đạt đến mục đích cao cả nhất tức tình yêu phổ quát, mà là cố gắng vươn lên tình yêu ấy. Đây không phải là một thứ đạo đức hiền từ nhu nhược dành cho những người có tình cảm bất lực. Chúng ta là những con cái của một Chúa Cha được "ôm ấp tròng lòng của Người" dù là kẻ xấu cũng như người tốt. Trên thập giá Đức Giêsu có quyền nói với chúng ta những yêu sách ấy. Người là Đấng bị người ta vả vào má... bị người ta lột áo trong, áo ngoài... bị người ta đem ra xét xử trong một vụ kiện bất công... bị người ta đem ra xét xử trong một vụ kiện bất công... bị người ta lôi đi hai dặm trên con đường lên núi Can-va-ri-ô. Người là "Đấng bị đóng đinh mà không có lòng thù hận".