Thông Tin Bên Lề

Nhạc xuân

Tháng Thánh Giuse

HÃY KẾT BẠN VỚI

Ảnh

Liên kết web

VIDEO GIÁO XỨ

CHA QUẢN XỨ

HÃY NHANH TAY

1
GIÁO XỨ LÀNG RÀO

Magazine

Smoke

Natural

Feature

Video News

Lễ Giáng Sinh - 2013: Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa




Mừng Giáng Sinh của Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy là những món quà để trao cho nhau: một chút hơi ấm của tình người, một ánh mắt thiện cảm của người biết xót thương và chia sẻ.Con Thiên Chúa làm người để chia sẻ kiếp người nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống với nhau thật người, chứ đừng sống trên mây trên gió như những người dưng nước lã, thậm chí như những kẻ thù không đội trời chung, hoặc biến anh em như những con rối cho tham vọng của mình.

Mừng Giáng Sinh của Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy đổi mới cuộc sống mình, vì Chúa sẽ chỉ đến và ở với những con người có lòng thiện tâm và ngay chính.Một trật tự mới đã bắt đầu khi Con Thiên Chúa đến và cũng chỉ đến vì tình yêu, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu, để “Ai biết yêu thương, người đó thuộc về Thiên Chúa”.

Lễ Giáng Sinh – 2013

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Lời Chúa:


Lễ Đêm: Is 9, 2-4. 6-7; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14
Lễ Rạng Đông: 
Is 62, 11-12; Tt 3, 4-7; Lc 2, 15-20
Lễ Ban Ngày: 
Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18

MỤC LỤC


1. Đêm bình an (Trầm Thiên Thu) 
2. Vinh danh Thiên Chúa trên Trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương!(Giêrônimô Nguyễn Văn Nội)

3. Lời chúc thần thiêng (JM. Lam Thy ĐVD)   

4. Yêu thương và phục vụ Thiên Chúa trong gia đình  (Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà)
  
5. Thông Điệp Giáng Sinh (AM Trần Bình An)

6. Bình an dưới thế (Lm. Đa-minh Trần Đình Nhi) 

7. Tình Giáng Sinh (Trầm Thiên Thu)

8. “Tên con trẻ là Emmanuel” (Lm Phan Kế Sự)
 
9. Nhập thể (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)
 
10. Tình yêu Giáng Sinh (An Nhiên)

11. Máng cỏ và vinh quang Thiên Quốc (Lm PX Vũ Phan Long, ofm)

12. Đặt Nằm Trong Máng Cỏ (Lm LG Đặng Quang Tiến)

13. Thiên Chúa tặng cho chúng ta một món quà vô giá: Hài đồng Giêsu (Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)


Bài 1. Đêm bình an
(Lễ Đêm Giáng Sinh, năm C)
Trầm Thiên Thu

“Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, xe chữ đồng. Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ, canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa…” (Nhạc: Franz Xaver Gruber, lời Việt: Hùng Lân) là lời ca quen thuộc với rất nhiều người mỗi khi Giáng Sinh về.

Đêm Con Chúa giáng trần, mặc xác phàm và ở với nhân loại. Còn niềm vui nào hơn? Niềm vui khôn tả khi nggười dưới được người trên đến thăm; thần dân vô cùng hạnh phúc khi được nhà Vua ghé vào “tệ xá” của mình; dân tình khốn khổ vì thấp cổ bé miệng sẽ trở nên sung sướng khi được tổng thống lưu ý;… Thế thì không vui sướng tột cùng sao được khi Thiên Chúa đến với chúng ta?

Giáo hội quen dùng tán tụng của các thiên thần ca vang trong đêm Con Chúa sinh tại Bêlem: Gloria in excelsis Deo (Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời). Ngôn ngữ loài người không thể đủ để diễn tả niềm hạnh phúc tuyệt đỉnh này! Nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach cũng đã sáng tác bản nhạc tôn giáo “Gloria” vào năm 1733, và khoảng năm 1745, ông viết bản “Gloria in excelsis Deo” (*) cũng theo “phong cách” như bản “Gloria”. Bản “Gloria in excelsis Deo” đã được cất tiếng hát vang vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1745 để mừng đón hòa bình sau những đợt chiến tranh Salesia giữa Áo quốc và Prussia.

Ngôn sứ Isaia nói: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9:1). Tại sao? Vì nhiều lý do:“Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Mađian. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:2-5a).

Trẻ Thơ đó chính là Con Thiên Chúa, là Đấng đến giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và quyền lực của bóng tối. Đêm nay là Đêm Bình An, là Đêm Giao Hòa Đất Trời, là Giờ Hạnh Phúc, là Ngày Độc Lập, là Ngày Quốc Khánh Tâm Linh của cả nhân loại.

Đấng Cứu Thế đầy uy lực và với nhiều danh hiệu: “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5b). Không dừng ở mức đó, mọi sự vẫn không ngừng tiếp diễn: “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9:6).Niềm vui nối tiếp niềm vui kể từ hôm nay, ngày Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, và Người là Đức Kitô, là Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải thể hiện niềm vui sướng đó bằng cách “reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:2). Có thể có người muốn biết lý do cho hai năm rõ mười. Đây là lý do: “Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần, nắm trong tay bao vực sâu lòng đất, giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao. Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa, lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người” (Tv 95:3-5).Tác giả Thánh vịnh không giấu được niềm vui nên kêu gọi mọi người: “Hãy vào đây, ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95:6-7). Được tôn thờ Ngài là đại phúc đối với chúng ta. Việc ca tụng Ngài chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng lại sinh ích lợi và kéo hồng ân xuống cho chính chúng ta.Thánh Phaolô xác nhận: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2:11). Tuy nhiên, “ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2:12). Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:14). Vấn đề là “hăng say làm việc thiện”, vậy mới là sống tích cực, chứ không chỉ sống tiêu cực là “xa điều xấu, tránh điều ác”.Theo lời kể của Thánh sử Luca: Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.Lời kể ngắn gọn nhưng chất chứa cả khoảng thời gian dài, không gian mênh mông và biết bao nỗi cơ cực. Đường sá xa xôi, trời lại tối và giá lạnh, tìm chỗ nghỉ đêm thì bị từ chối thẳng thừng, không được chút động lòng trắc ẩn – dù chỉ là thương hại. Khổ thật!Nhưng trong cái xui luôn có cái hên. Tại vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Sợ đến chết đứng như Từ Hải luôn chứ nói chi tới hãi hùng. Đang đêm tối đen như đêm 30, đen thui như mõm chó, trăng không có, điện đóm cũng không, thế mà bỗng dưng sáng chói hơn đèn cao áp, dù không hề có “những ánh mắt hỏa châu”, mà họ chỉ là những trẻ mục đồng nghèo hèn và thất học – như Việt Nam gọi là lũ trẻ chăn trâu hoặc chăn bò, thế thì hỏi sao không chết đứng cho được?Nhưng sứ thần đã động viên họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:10-11). Các mục đồng chẳng đáng là “cái đinh gỉ” trước mặt người đời, thế mà họ lại là những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng. Họ quả là đại phúc!Thiên thần “mách nước” cho họ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Và như để củng cố niềm tin cho họ, bỗng dưng muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).Hình như văng vẳng tiếng bổng trầm và nhịp nhàng của Đức Mẹ đang nhẹ ru Hài Nhi Giêsu:À ơi, Con hãy ngủ ngoanMai kia khôn lớn hiến thân cứu đờiĐêm nay Thánh Tử làm ngườiDanh Chúa rạng ngời, nhân loại bình anLạy Thiên Chúa Cha, chúng con cảm tạ Cha đã ban chính Ngôi Con đến thế gian để cứu độ chúng con. Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con cảm tạ Ngài đã thánh hóa và dẫn đường chỉ lối cho chúng con nhận biết Hài Nhi sinh ra nơi hang lừa là Đấng Cứu Thế. Lạy Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, chúng con cảm ơn nhị vị đã vâng lời Thiên Chúa mà chấp nhận mọi gian nan để trao Đấng Cứu Thế cho chúng con. Lạy Hài Nhi Giêsu, chúng con cảm tạ Ngài đã đến ở với chúng con. Xin giúp chúng con hưởng trọn Niềm Vui Giáng Sinh và Hồng Ân Cứu Độ. Nhờ Thánh Danh Hài Đồng Giêsu, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

______________

(*) Cả “Gloria” và “Gloria in excelsis Deo” đều được viết ở âm thể Si Trưởng. Xin mời nghe “Gloria in excelsis Deo” (BWV 191) của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach:







Bài 2. VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI, BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO LOÀI NGƯỜI CHÚA THƯƠNG!LỄ ĐÊM 24/12/2012
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Lễ Chúa Giáng Sinh là một đại Lễ của Ki-tô giáo và là một lễ tràn đầy niềm vui và có rất nhiều ý nghĩa đối với mỗi người cũng như đối với toàn nhân loại.

Có nhiều cách giúp chúng ta mừng Lễ một cách sốt sáng và ích lợi cho đời sống tâm linh. Nhưng cách tốt nhất và cơ bản nhất vẫn là đón nhận sứ điệp Lời Chúa mà thực hành.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Bài đọc 1 (Is 9,1-6): Một ngươi con đã được ban tặng cho ta
2.2 Bài đọc 2 (Tt 2,11-14): Ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ cho mọi người
2.3 Bài Tin Mừng (Lc 2,1-14): Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)

3.1.1 Bài đọc 1 (Is 9,1-6) là những lời loan báo của ngôn sứ I-sai-a về “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta”. Sư xuất hiện của Trẻ Thơ ấy đem lại niềm vui vô cùng lớn lao cho dân Chúa là những người đang sống trong cảnh khổ cực.

Trong đoạn Sách I-sai-a trên, trước hết chúng ta khám phá ra tình thương và kế hoạch của Thiên Chúa.

Kế đến, chúng ta cũng khám phá ra dung mạo của Vị Thiên Sai là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình.

Và sau cùng, chúng ta còn khám phá sứ mạng của Thiên Sai là “bẻ gãy cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp dân”

và “sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời.”

3.1.2 Bài đọc 2 (Tt 2,11-14) là những lời Thánh Phao-lô Tông đồ viết cho ông Ti-tô là cộng sự viên thân cận của ngài về ơn/đấng cứu độ là Chúa Giê-su Ki-tô mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại.

Qua đoạn thư trên, chúng ta khám pha ra tình thương bao la chẳng những của Thiên Chúa mà của cả Đức Ki-tô là Đấng đã tự hiến cho chúng ta được cứu độ tức thoát khòi đời/lối sống bất chính và trở thành dân riêng của Người, dân say mê theo đuổi sự công chính và thánh thiện.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 2,1-14) là tường thuật của Thánh Lu-ca về sự kiện trọng đại nhất của lịch sử Ki-tô giáo: Con Thiên Chúa sinh hạ làm một trẻ sơ sinh được đặt tên là Giê-su, con bà Ma-ri-a và thuộc dòng dõi Đa-vít. Trẻ thơ mang sứ điệp lớn lao mà nhân loại ở mọi thời mọi nơi mong đợi: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương!” Vì thế mà các thiên thần ca hát vang trời và các mục đồng hân hoan đón nhận cách biểu lộ độc nhất vô nhị của Thiên Chúa: Đấng quyền năng cao cả trong con trẻ đơn sơ, nghèo nàn!

Qua đoạn Phúc Âm Lu-ca 2,1-14 trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa Ngôi Hai làm người để tỏ bày vinh quang của Thiên Chúa và đem bình an cho mọi người, nhất là cho những người bé mọn trong xã hội.

3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Hài Nhi Giê-su là Quà Tặng của Thiên Chúa được ban cho nhân loại. Người được (Mẹ là Đức Ma-ri-a) sinh ra ở Bê-lem trong khung cảnh đơn sơ nghèo nàn, nhưng được các thiên thần hát mừng và các mục đồng chào đón trong hân hoan.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại nơi Ngôi Lời Nhập Thể là Đức Giê-su con Đức Ma-ri-a. Sống với Chúa Hài Nhi là Đấng đã sinh ra trong máng cỏ Bê-lem để đem bính an và tình thương đến cho nhân trần. Sống với Chúa Thánh Thần là Đấng đồng hành và cộng tác với Chúa Giê-su Hài Nhi trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc!

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa

Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là đón nhận Hài Nhi Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng muôn dân trông đợi. Người đến trần gian là để đem ơn phúc của Thiên Chúa cho hết mọi người.

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ LOÀI NGƯỜI

5.1 Ngôn sứ I-sai-a đã loan báo «một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.» Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con ngợi khen, cảm tạ và chúc tụng Cha vì Cha đã ban tặng Con Một Cha cho chúng con. Xin Cha cho càng ngày càng có nhiều người nhận ra Hài Nhi Giê-su là Cứu Chúa!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! 
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.2 Lạy Thiên Chúa là Cha của Hài Nhi Giê-su và là Cha của hết mọi người, cách riêng của những người bé mọn, khi Con Một Cha chào đời ở Bê-lem, thiên thần đã báo tin vui cho các người chăn chiên trong vùng rằng: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa!» Chúng con tha thiết nài xin Cha ban ơn đức tin cho những người đang khao khát Ơn Cứu Độ!

5.3 Lạy Thiên Chúa là Cha của Hài Nhi Giê-su và là Cha của chúng con, khi Con Một Cha chào đời ở Bê-lem, muôn vàn thiên bình hợp với sứ thần đã cất tiếng ngọi khen Cha: «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương»! Chúng con tha thiết nài xin Cha biểu lộ vinh quang của Cha cho nhân loại ngày hôm nay và ban bình an cho những ai đang phải đau khổ vì xung đột, chiến tranh và hận thù.





Bài 3. LỜI CHÚC THẦN THIÊNG(Lễ Giáng Sinh – Năm C)
JM. Lam Thy ĐVD.

    * Thượng vinh Thiên Chúa*
    * Hạ hòa thiện nhân*
(Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm)

Không chỉ những Ki-tô hữu, mà còn rất nhiều những anh em các tôn giáo khác, thậm chí cả những anh em vô thần, cứ đến mùa Giáng Sinh là lại đi kiếm những đĩa nhạc Giáng Sinh về nghe, hoặc ít ra cũng đi uống cà phê hay lai vãng những điểm bán đồ trang trí hoặc quà tặng Giáng Sinh, để được nghe lại những lời ca chan hoà âm điệu, chứa đựng lời chúc thần thiêng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Ấy cũng bởi vì lễ Giáng Sinh đã trở thành một lễ hội chung cho toàn thế giới, và tâm lý chung của con người ai cũng muốn được chúc mừng những sự lành, thứ nhất đây lại là lời chúc mừng của các Thiên thần từ trời cao, kèm theo một món quà vô giá là Con Ông Trời xuống thế làm bạn với loài người trong thân thể mọn hèn.

Thiên Chúa đã là Đấng vô hình vô ảnh, còn các Thiên thần thì sao? Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã xác tín về các Thiên thần: “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng không có thể xác là một chân lý đức tin” (GLHTCG, số 328). Đó là những nhân vật “Xét về bản tính là ‘thuần linh’, xét về chức năng là ‘Thiên thần’. Theo hữu thể, là một thuần linh; theo hành động là một Thiên thần. Từ bản thể, các Thiên thần là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài hằng chiêm ngưỡng ‘Thánh nhan Cha Ta ở trên trời’ (Mt 18, 10)” (GLHTCG, số 329). “Với tư cách là thụ tạo thuần linh, các ngài có trí năng và ý chí, các ngài là những thụ tạo có ngôi vị (x. Pi-ô XII: DS 3891) và bất tử. Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tao hữu hình. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy.” (GLHTCG, số 330). Điều đó chứng tỏ sự kiện “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 13-14) là một hiện thực không cần bàn cãi. Nhưng vì sao các Thiên thần lại xuất hiện cùng lúc với biến cố trọng đại “Con Thiên Chúa giáng trần”?

Ấy cũng bởi vì “Đức Ki-tô là trung tâm của thế giới Thiên thần. Các Thiên thần đều thuộc về Người: ‘Khi Con Người đến trong vinh quang với toàn thể các Thiên thần của Người’ (Mt 25, 31). Các Thiên thần thuộc về Đức Ki-tô vì đã được dựng nên nhờ Người và cho Người. ‘Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người’ (Cl 1, 16). Hơn nữa các Thiên thần còn thuộc về Chúa Ki-tô, vì Người đặt các ngài làm sứ giả thực hiện ý định cứu độ của Người: ‘Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?’ (Dt 1, 14)” (GLHTCG, số 331). Như vậy là đã rõ: các Thiên thần là thụ tạo thuần linh, được dựng nên nhờ Đức Ki-tô và cho Đức Ki-tô, nên không lạ khi thấy các ngài luôn hiện diện cùng với Đức Ki-tô từ khi Người nhập thể và nhập thế cho đến khi Người quang lâm lần thứ hai trong ngày cánh chung.

Vậy thì lời chúc thần thiêng “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” cũng chính là lời chúc của Đức Giê-su Thiên Chúa dành cho loài người. Thói thường con người sống ở trên đời, ai chẳng muốn được bình an. Tưởng cũng cần đi sâu vào ngữ nghĩa của 2 tiếng bình an ( ). Theo từ nguyên thì tĩnh từ “bình an” (hay bình yên) chỉ có nghĩa là: “ở tình trạng không gặp điều gì không hay xảy ra, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống” (cuộc sống bình an, gia đình được bình an). Còn nếu chiết tự theo Hán Việt thì có 2 từ riêng biệt: “Bình” là bằng nhau, hoà nhau, không phân hơn kém, vd “hoà bình” (和 平): mọi người sống chung với nhau trong bầu khí cân bằng, hoà giải; “An” là yên ổn, sống yên lành, không thù hận, ganh ghét nhau, rộng ra là không chiến tranh, loạn lạc. Điều đó cho thấy lời chúc bình an của các Thiên thần bao hàm một nghĩa rộng, chung cho toàn thể nhân loại, nên phải hiểu là mỗi cá nhân cần có một cái tâm an bình trong cuộc sống cho chính bản thân và từ đó mở rộng ra với mọi người bằng sự giao hảo chân chính. Nói cách khác, lời chúc đêm Giáng Sinh đã hiện thực hoá giới răn quan trọng hàng đầu của Ki-tô Giáo: Mến Chúa yêu người. Phải chăng đó chính là lời chúc “loài người hãy giao hoà với nhau và giao hoà với Thiên Chúa”, để “đất với trời se chữ đồng”?

Thiên Chúa đã đi trước lời chúc lành thánh đó, bằng việc sai Con Một đến trong trần gian để thực hiện chương trình giao hoà giữa trời và đất, ban ơn cứu độ, giải thoát loài người khỏi sự chết đời đời (“Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” – Ga 3,16). Và chính vị Cứu Tinh ấy đã chọn cho mình một chỗ giáng sinh thật đơn sơ thấp hèn: Một máng cỏ chiên lừa trong một hang đá hèn mọn. Chỗ đơn sơ thấp hèn ấy, hơn nơi nào hết, biểu lộ Tình Yêu Thiên Chúa, vì Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến, trước tiên, cho những nơi thấp hèn, cho những người bé mọn. Và sau biến cố trọng đại ấy, thì Con Người cũng luôn luôn đến với những người bé mọn, thấp hèn, tội lỗi, tù rạc, bệnh hoạn…

Chính cái sự thấp hèn của một hang đá nuôi bò lừa, cùng với những mục đồng ở giai cấp bần cùng của xã hội, kể cả ông Giu-se và bà Maria không nhà cửa, không quán trọ, quây quần quanh một hài nhi nhỏ bé nhưng cao trọng khôn ví (vì hài nhi ấy chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật); tất cả đã nói lên sự giao hoà tuyệt đỉnh giữa trời và đất. Và phải chăng, thông qua sự giao hoà ấy, Thiên Chúa muốn cho loài người hiểu rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, là sự Hiệp thông, là Hoà giải và Cứu độ. Người đã sai Con Một xuống thế để hoà giải loài người với Thiên Chúa và giữa loài người với nhau (“Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa” – 2Cr 5, 19). Sự hoà giải ấy chính là món quà bình an vô giá cuả Thiên Chúa ban tặng loài người: Đức Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô. “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta… Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2, 14-18) ; “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Trong khi đó, loài người đã đón tiếp vị Sứ Giả Hoà Bình – Đấng Cứu Tinh không lẽ chỉ có mấy con người nhỏ bé nơi hang bò lừa ấy thôi sao? Không, còn nữa, còn nhiều, nhưng nổi bật nhất là 4 nhân vật không thuộc giai cấp thấp hèn mà ở địa vị cao sang vương giả. Đó chính là 3 vị đạo sĩ phương Đông (quen gọi là ba vua) và vua Hê-rô-đê trị vì tiểu vương quốc mà trong đó có Bê-lem, nơi có sự kiện lạ lùng xảy ra. Ba vị đạo sĩ nhờ được mạc khải, biết được thời Cứu Độ, vị Cứu Tinh đã tới, và họ tìm đến để triều bái Người. Riêng nhân vật thứ tư là Hê-rô-đê cũng biết được nhờ ba vị đạo sĩ mách bảo và đón tiếp vị Cứu Tinh nhân loại bằng cách lùng giết hàng loạt hài nhi (“Ông đã sai quân tru diệt hết các trẻ con tại Bê-em và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian ông đã hỏi kỹ nơi các đạo sĩ” – Mt 2, 16)! Với quyền năng của Thiên Chúa thì sá gì một Hê-rô-đê, mà dù cho có đến cả triệu triệu Hê-rô-đê đi chăng nữa cũng chỉ là số không. Nhưng với thân phận con người mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy, thì chỉ cần một Hê-rô-đê thôi cũng đã khiến hàng loạt hài nhi bị giết, và Hài Nhi Giê-su phải trốn sang Ai Cập. Thế đấy!

Loài người cách đây 20 thế kỷ đã đón tiếp vị Sứ giả Hoà Bình, đã đón nhận sự hoà giải như vậy đó. Chắc có lẽ ai cũng nghĩ rằng ở thời đại thượng cổ mới xảy ra như vậy, còn ngày nay trong một xã hội văn minh tiến bộ, thì làm gì có những chuyện đó. Bẳng chứng là Lễ Giáng Sinh đã trở nên lễ chung của thế giới không phân biệt tôn giáo, và năm nào cũng vậy, dân chúng nô nức đón mừng Chúa Giáng Sinh bằng những Hang Đá hoành tráng, đèn sao rực rỡ, lễ hội tưng bừng, tiệc tùng linh đình… Quả nhiên là thế, nhưng bên cạnh, đằng sau cái hào nhoáng ấy là gì? Cũng hàng loạt sinh mạng chết từ trong trứng nước (nạo phá thai, huỷ diệt trứng, tinh trùng), rồi cũng hàng loạt sinh mạng trưởng thành thuộc đủ mọi giai cấp, nhưng đa số vẫn là thường dân thuộc giai cấp thấp cổ bé miệng, chết vì chiến tranh, vì khủng bố. Loài người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người, vậy những sinh mạng mang hình ảnh Thiên Chúa ấy bị giết hại, thì loài người hôm nay cũng chẳng kém gì Hê-rô-đê thủa xưa lùng giết Đức Giê-su Thiên Chúa vậy.

Hoá cho nên, hơn lúc nào hết, thế giới ngày nay vẫn rất cần lời chúc bình an đêm Giáng Sinh. Lời chúc bình an kèm theo món quà vô giá của Thiên Chúa vẫn luôn luôn và mãi mãi đến với nhân loại, Người “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 17). Duy chỉ có điều loài người có thực tâm đón nhận hay không mà thôi. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến, loài người đã đón chào món quà vô giá ấy bằng một hung thần Hê-rô-đê cách đây hơn 2000 năm, và liên tiếp trong 20 thế kỷ, còn biết bao nhiêu Hê-rô-đê khác nữa. Đến chừng nào, nhân loại mới tỉnh thức và sống với nhau bằng một ĐÊM AN BÌNH vĩnh cửu?

Riêng với Ki-tô hữu, để đón mừng lễ Giáng Sinh, hầu trông đợi ngày Con Người quang lâm lần thứ hai, không chỉ là bằng những món quà Noel kếch sù hay những hang đá Bê-lem hoành tráng, đèn sao rực rỡ; mà phải là “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28). Muốn đứng thẳng và ngẩng đầu lên đón Chúa, cần phải biết mạnh dạn nhìn thẳng vào lòng mình, lấp cho đầy những thung lũng tị hiềm, bạt cho thấp mọi núi đồi kiêu căng, uốn cho ngay khúc quanh co hiểm ác, san cho phẳng những lồi lõm bất minh; tắt một lời, hãy sửa lối đi tâm hồn cho ngay thẳng, công chính. “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.” (Tt 2, 11-13).

Ôi! Lạy Chúa! Năm xưa, Chúa đã chúc lành bình an cho nhân loại bằng cách chọn cái máng cỏ thấp hèn mà đến với loài người tội lỗi, để giải thoát, để cứu độ chúng con. Cái máng cỏ tâm hồn của chúng con đón Chúa hôm nay sao thấy vẫn còn quá nhiều cỏ lùng (chứa đầy những tị hiềm, đố kỵ, gian ác, khủng bố, chiến tranh…); như vậy thì làm sao con có thể ngẩng đầu lên cho được? Tuy nhiên, con vẫn vững tin rằng Chúa vẫn sẵn sàng đến với con, ngoại trừ trường hợp con cứ nhất định khép chặt cửa lòng, không chịu mở ra với Chúa. Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thần Khí cho con có đủ sáng suốt và dũng khí dọn dẹp, sửa sang con đường tâm linh của con cho nên ngay thẳng, công chính, để con được xứng đáng với vai trò là cái máng cỏ mọn hèn đón Chúa. Ôi! Lạy Chúa Hài Đồng! Xin hãy đến cứu vớt chúng con, “Xin giải thoát chúng con xa điều bất hoà chia rẽ, xin kết liên muôn người trong tình mến Chúa Cha muôn đời” (“Bài ca hiệp nhất” – TCCĐ).





Bài 4. Yêu thương và phục vụ Thiên Chúa trong gia đình
(Suy niệm lễ giáng sinh)
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Hôm ấy, một người đàn ông trạc độ bốn mươi, lòng trĩu nặng ưu phiền, kéo lê những bước chân nặng nhọc lên ngọn đồi đan viện để tìm gặp Cha tu viện trưởng.

Anh nhớ lại thời gian mới thành hôn mười lăm năm về trước. Hồi ấy, gia đình anh lúc nào cũng vang rộn tiếng cười, ngập tràn hạnh phúc. Thế nhưng bầu trời hạnh phúc đó đã tan đi như sương sớm dưới sức nóng mặt trời.

Về chung sống với nhau chưa đầy bốn năm, hai vợ chồng đâm ra xích mích kình cãi liên tục. Vợ anh không còn đối xử ngọt ngào với anh như trước; còn anh thì hay bẳn gắt với vợ con, hai cháu trong nhà trước đây ngoan ngoản bao nhiêu thì giờ đây đâm ra lười biếng, hỗn hào vô lễ bấy nhiêu. Cuộc sống gia đình đầm ấm và hạnh phúc như thiên đàng trong những năm đầu kết hôn bỗng nhiên biến thành như địa ngục.

Để cứu vãn tình thế, anh đã tìm đến những bậc thầy chuyên về phong thủy, đến với các thầy phù thủy, các pháp sư danh tiếng, nhưng chẳng cải thiện được tình hình.

Cuối cùng, anh tìm đến với Cha tu viện trưởng nổi tiếng thánh thiện đạo đức và được những người dân quanh vùng xem như một vị thánh sống, được ơn thông biết nhiều sự việc nhiệm mầu.

Anh kể lể cảnh bất hạnh của gia đình anh cho Cha Bề Trên tu viện và lên tiếng hỏi ngài: Kẻ nào trong gia đình anh đã mắc phải tội ác tầy trời đến nỗi gia đình phải chịu cảnh bất hòa triền miên như thế?

Cha Bề Trên tu viện thong thả trả lời: “Mỗi người trong gia đình anh đều mang một tội lớn. Đó là tội vô tình, vô minh. Từ bao lâu nay, Chúa Cứu Thế đã cải trang làm một người trong gia đình anh mà chẳng ai trong gia đình nhận ra Người nên mới sinh ra những sự cố đau buồn như thế.”

Nghe vậy, anh bàng hoàng sửng sốt: “Thật thế ư? Quả là điều quá bất ngờ! Ta phải thông báo nguồn tin trọng đại nầy cho cho vợ con biết ngay mới được.”

Anh cấp tốc trở về nhà, vồn vã tươi vui chưa từng thấy. Anh gọi vợ con lại và thông báo cho họ biết một bí mật tuyệt vời đã xảy đến với gia đình, đó là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành một người trong gia đình anh.”

Bấy giờ mọi người trố mắt nhìn nhau kinh ngạc. Đấng Cứu Thế cải trang khéo thật! Khéo đến nỗi dù được chung sống với Ngài bấy lâu nay nhưng không ai nhận ra Ngài và vì thế đã xúc phạm đến Ngài nhiều lần không kể xiết.

Thế là từ hôm nó, người chồng tránh bất cứ lời nói hay cử chỉ nào làm phiền lòng vợ con vì sợ phạm đến Đấng Cứu Thế; trái lại còn tỏ ra hết sức tử tế và hi sinh tất cả vì vợ vì con, với hy vọng là mình đang phục vụ và làm vui lòng Ngài.

Cũng từ hôm đó, người vợ không còn chanh chua đanh đá với chồng, không còn mắng chửi thậm tệ mấy đứa con; trái lại, luôn tận tụy phục vụ và hết lòng yêu thương chồng con vì rất có thể là Chúa Cứu Thế đang cải trang thành người chồng, người con của chị. Còn con cái thì không còn dám hỗn hào với cha mẹ như trước, nhưng luôn tỏ ra ngoan ngoản vâng lời và tôn trọng cha mẹ vì có thể người cha hay mẹ của mình chính là Đấng Cứu Thế cải trang.

Thế là từ đây, bầu khí yêu thương đầm ấm trở lại với gia đình và tình nghĩa gia đình còn đậm đà hơn trước.

Hôm nay, trong ngày đại lễ giáng sinh, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm một Đấng Cứu Thế “cải trang” làm một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ, trong chuồng bò. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên là Chúa vẫn tiếp tục “cải trang” làm người nhà, người láng giềng của chúng ta.

Trong “Tâm Thư gửi các gia đình”, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II xác nhận điều nầy khi ngài viết: “Thiên Chúa tự đồng hóa với người cha, người mẹ, người con trong gia đình.”

Khi viết như thế, Ngài muốn dạy: người cha, người mẹ, người con trong gia đình cũng là những vị “Thiên Chúa” mà chúng ta phải quý trọng và phục vụ hết tình.

Nói như thế cũng chỉ là nhắc lại giáo huấn của Hội Thánh trong sách giáo lý công giáo: “Con Thiên Chúa đã làm Người để biến loài người chúng ta thành Thiên Chúa.” (glcg số 460)

Chính Chúa Giê-su cũng xác nhận rằng Ngài đang hiện diện trong các anh chị em chung quanh và những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Ngài (Mt 25, 31-46)

Nhờ giáo huấn nầy, người chồng trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi vợ và con cái mình. Ông sẽ tận tình yêu thương và phục vụ vợ con vì xác tín rằng đó là làm cho chính Chúa.

Với niềm tin nầy, người vợ trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi chồng và con mình; bà sẽ hết lòng phục vụ và chăm sóc chồng con vì xác tín rằng đó là làm cho chính Chúa Giê-su.

Và cũng với niềm tin đó, con cái trong gia đình sẽ nhận ra Chúa Giê-su nơi ông bà cha mẹ và họ sẽ hết lòng phụng dưỡng các ngài như phụng dưỡng Chúa Giê-su.

Và rồi mỗi người chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giê-su cải trang thành những người hàng xóm láng giềng để rồi tận tình hy sinh giúp đỡ họ, dành những gì tốt đẹp cho họ như là làm cho chính Chúa Giê-su.

Bấy giờ, gia đình chúng ta sẽ là một tổ ấm hạnh phúc, làng xóm của chúng ta sẽ là một đại gia đình huynh đệ và đất nước chúng ta sẽ là nơi thắm đượm tình người.

Bấy giờ, trái đất nầy sẽ không còn khói lửa chiến tranh nhưng trở thành một trời mới đất mới, nơi hòa bình, công lý và yêu thương ngự trị.



Bài 5. Thông Điệp Giáng SinhChia sẻ Tin Mừng Lễ Giáng Sinh NC ( Lc, 2, 1-14)
AM Trần Bình An

Nhiều ngày trứơc Lễ Giáng Sinh năm 1223, Thánh Phanxicô Assisiô dự định sẽ làm mọi ngừơi trong thành phố Greccio sống lại sự kiện sinh hạ của Chúa Giêsu, không chỉ bằng việc nghe công bố Tin Mừng, nhưng còn bằng việc diễn lại biến cố ấy. Để mọi việc có kết quả, Thánh Nhân nhờ một người bạn tên là John chuẩn bị tất cả những thứ, mà sau này được coi là hang đá Belem đầu tiên trong lịch sử về lễ Giáng Sinh. Người bạn tốt bụng của Thánh Phanxicô đã làm tất cả những gì Thánh Nhân đề nghị, tại nơi Thánh Lễ đêm Giáng Sinh sẽ được cử hành.

Vào chính đêm vọng Giáng Sinh, tất cả những nhân vật và đồ vật như: người sẽ đóng vai Mẹ Maria, Thánh Giuse, những mục đồng cùng nhiều chiên cừu, một con bò, một con lừa và một máng cỏ chứa đầy cỏ khô đã sẵn sàng. Tuy nhiên, trong chiếc máng đầy cỏ lại hoàn toàn không có gì hơn. Anh bạn John của Thánh Nhân đã không tìm ra một bà mẹ dám cho mượn con của mình. Lạ lùng thay, điều này không làm cho Thánh Nhân lo lắng.

Trong thánh lễ, khi Thánh Nhân đang hát Tin Mừng bằng một giai điệu du dương, mọi người nhìn thấy một trẻ thơ đang nằm bình yên trong vòng tay Thánh Nhân. Khi kết thúc bài Tin Mừng Giáng Sinh, Thánh Nhân nhẹ nhàng đặt bé thơ vào trong máng cỏ trước sự vui sướng của mọi người. (Theo Word and Life, XIII, 4)

Qua bài Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, trình thuật lại biến cố Giáng Sinh trọng đại, Chúa Giêsu muốn gủi đến con người Thông Điệp Giáng Sinh thật cô đọng và sâu sắc.

Vâng phục

Mẹ Maria là mẫu gương sáng chói về nhân đức Vâng Lời. Mẹ mau mắn tuân phục theo Sứ Thần Gabriel phán truyền. Mẹ hăng hái đi thăm bà chị Elisabet. Mẹ phục tùng kết bạn với Thánh Giuse. Mẹ tùng phục luật lệ, cùng Thánh Giuse về BêLem để chấp hành việc kiểm tra dân số, dù nặng nhọc thai nghén cuối kỳ.

“Thời ấy, hoàng đế Augusto ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ… Ai nấy đều về thành của mình để khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse cũng từ thành Nazareth, miền Galile, lên thành vua Đavit, gọi là Bê lem, miề Giuđê, vì ông thuộc gi đình và dòng tộc vua Đavit. Ông lên đó khai tên cùng với bà Maria, là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai.” (Lc 2, 1-5)

Mẹ luôn tuân theo Thánh Ý Chúa, qua các dấu chỉ. Mẹ không mảy may thắc mắc, nghi ngờ hay lưỡng lự. Một thái độ Vâng Phục tuyệt đối.

Khó nghèo

“Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khi hoa. Bà sinh con đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2, 6-7) Trong cảnh bần cùng, Đôi Bạn Thánh chẳng một lời thán oán, kêu ca hay buồn phiền vì thiếu thốn của cải, vật chất, vì bị khinh miệt, khước từ, vì lâm vào hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã.

Trái lại Mẹ và Thánh Cả chấp nhận tinh thần khó nghèo, như một kho tàng vô giá, giải thoát khỏi kiếp nô lệ cho tiền bạc, của cải, vật chất tiện nghi, khỏi mọi dục vọng thấp hèn. Như thế, tinh thần khó nghèo đem tự do cho nhân phẩm, giải phóng con người khỏi vật chất, để có thể dễ dàng hướng tâm hồn lên tới Thiên Chúa.

Trong sạch

Đức Trinh Nữ Maria thụ thai bới phép Đức Chúa Thánh Thần là một mầu nhiệm, tôn vinh sự Trong Sạch vẹn tuyền. Me Maria kết bạn với Thánh Giuse thành một Thánh Gia, gương mẫu cho mọi gia đình. Ở đó Tình thương chế ngự các đam mê thấp hèn, những dục vọng cá nhân, những toan tính ích kỷ, những đố kỵ nhỏ nhen.

Mẹ đã không hề oán thán sự bạc bẽo bất nhân của dân thành Bêlem. Trái lại, Mẹ còn cầu xin Chúa thưởng công họ đã hất hủi, không cho ở trọ, nhờ thế mới tìm được hang đá bò lừa. Tâm hồn Mẹ trong suốt như bảo ngọc.

Chúa Giêsu Hài Đồng giáng sinh trong hoàn cảnh khốn cùng của kiếp người, không tiện nghi tối thiểu, không thân bằng quyến thuộc, không trợ giúp ý tế, không có sự quan tâm của xã hội, xóm giềng. Chỉ có vài mục đồng nghèo khó đến mừng vui chào đón. Ngày nay, người ta mừng Chúa Giáng Sinh, mà vẫn tiếp tục bỏ quên Người trong nơi băng giá, cô đơn, quên đi thông điệp Giáng Sinh, để vui vẩy tiệc tùng, quà cáp, chúc tụng lẫn nhau.

Mẹ Maria nghèo khó, không tiền không bạc, có lúc không nhà cửa, không ghế bàn. Mẹ không biết giảng, nhưng Mẹ có món quà quý nhất để cho Mục tử Bêlem, Ba đạo sĩ phương Đông, Simeon và Anna ở Đền Thánh. Mẹ đã thinh lặng cho họ Chúa Giêsu, món quà mà chỉ Mẹ có, món quà ấy giảng thay cho Mẹ, vì đó là Ngôi Lời. (Đường Hy Vọng, 932)

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, đã giáng sinh trong cảnh bần cùng, xin dạy cho con biết sống nghèo khó, vâng phục, và trong sạch như Thánh Gia đã làm gương mẫu, để con xứng đáng hưởng ơn Cứu Độ.

Lạy Mẹ Maria, xưa đã can đảm cùng Thánh Cả Giuse phó thác mọi sự cho Chúa Quan Phòng, xin dạy cho con vững lòng luôn tin cậy vào Đấng Toàn Năng. Amen.





Bài 6. Bình an dưới thếLỄ GIÁNG SINH NỬA ĐÊM
Lm. Đa-minh Trần Đình Nhi

Đọc tường thuật của thánh sử Lu-ca về việc Chúa Giê-su giáng sinh, chúng ta có cảm tưởng ngài chú trọng đến hoàn cảnh Chúa sinh ra hơn là đến chính sự kiện. Chỉ có một câu Kinh Thánh kể lại biến cố trọng đại này: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Tuy nhiên chính cách thức Lu-ca sắp đặt những hoàn cảnh chung quanh việc giáng sinh lại càng làm tăng thêm tầm quan trọng của Hài Nhi Giê-su.

Trước hết thánh Lu-ca muốn xác định với chúng ta rằng Ngôi Lời xuống thế làm người trong một bối cảnh lịch sử đích thực của nhân loại. Khi trở nên người phàm như chúng ta, Chúa Giê-su có một quê hương trần thế, một dân tộc là Ít-ra-en và một thị trấn là Bê-lem. Rõ ràng hơn nữa, Người còn thuộc về dòng dõi vua Đa-vít, một vị vua có chỗ đứng cao hơn các vua chúa trần gian. Trong bối cảnh lịch sử trần thế này, bên cạnh những nhân vật như hoàng đế Au-gút-tô hay tổng trấn Qui-ri-ni-ô, chúng ta thấy có sự hiện diện của “ông Giu-se và bà Ma-ri-a”, những người sẽ hiến tặng cho thế giới một món quà vô cùng giá trị, đó là Hài Nhi Giê-su, “Bình An dưới thế”. Những món quà Giáng Sinh của chúng ta ngày nay thường được gói trong những giấy mầu trang trọng và đặt ở những nơi xứng đáng trong nhà. Còn món quà Thiên Chúa ban tặng chúng ta chỉ là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Thực là một quà tặng khác thường và dường như không có gì là quí giá!

Tuy nhiên giá trị quà tặng Hài Nhi này lại được Thiên Chúa xác nhận khi Người sai sứ thần đến báo tin cho những người chăn chiên: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”. Đó không phải là một hài nhi tầm thường, nhưng là chính “Đấng Cứu Độ, Đấng Ki-tô và Đức Chúa”! Còn giá trị nào hơn được những danh hiệu này của Hài Nhi Giê-su? Tiếp lời sứ thần giới thiệu quà tặng của Thiên Chúa ban cho nhân loại là điệp khúc của đạo binh thiên quốc đông đảo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Chúa Giê-su giáng sinh chính là Bình An dưới thế. Là Bình An cho nhân loại được Chúa thương. Đúng vậy, nhân loại đã được Chúa thương đến nỗi Người đã sai Con Một đến để cứu độ họ (Gio-an 3:16). Là Bình An dưới thế, vì Hài Nhi này hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, để những ai tin vào danh Người là Đấng Cứu Độ, Đấng Ki-tô và Đức Chúa, thì “Người ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Gio-an 1:12). Do tội tổ tông, loài người đã trở thành thù địch với Thiên Chúa, giờ đây nhờ “Bình An dưới thế”, con người được làm hòa và biến đổi căn tính trở thành con Thiên Chúa. Đúng là sự Bình An không ai hoặc quyền lực nào dưới trần gian này có thể ban tặng cho chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

Đêm nay nhiều người sẽ mở những món quà Giáng Sinh của họ, nhưng có lẽ họ không mấy để ý tới món quà Giáng Sinh mà Thiên Chúa ban cho họ! Liệu chúng ta có ý thức mình là một thành phần thuộc “loài người Chúa thương” hay không? Liệu chúng ta có tin rằng vì yêu thương chúng ta nên Chúa đã gửi cho chúng ta món quà “Bình An dưới thế” hay không?

Năm Đức tin kêu gọi chúng ta hãy đổi mới và làm phát triển niềm tin vào Chúa Giê-su là trung tâm của đức tin Ki-tô giáo. Con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su tại trần gian được khai mở từ mầu nhiệm Giáng Sinh và kết thúc ở biến cố lên trời. Tuy nhiên “Bình An dưới thế” vẫn là đặc điểm rõ ràng nhất nói lên sứ mệnh cao cả ấy và mời gọi chúng ta hãy đón nhận món quà của Thiên Chúa, món quà mà thánh Phao-lô gọi là “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ… và dạy chúng ta sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Ti-tô 2:12). Do đó, đón nhận “Bình An dưới thế” cũng có nghĩa là làm sống dậy đức tin của chúng ta vào Chúa Giê-su bằng cách ăn ở xứng đáng là Ki-tô hữu vậy!





Bài 7. Tình Giáng Sinh 
Lễ ngày
Trầm Thiên Thu

Ánh sáng đã bừng sáng. Mặt Trời công chính đã chiếu soi. Ngôi Lời đã làm người vì yêu thương chúng ta. Tình giáng sinh đang chan hòa khắp địa cầu. Chúng ta đã nhận được Tin Mừng ấy thì chúng ta cũng có trách nhiệm phải loan truyền cho người khác.

Ngôn sứ Isaia chúc mừng: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52:7a), và ông nói với Sion: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị” (Is 52:7b).

Ông nói thêm: “Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion. Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem” (Is 52:8-9). Thiên Chúa thấy loài người thật đáng thương, thế nên Ngôi Hai phải đích thân giáng sinh làm người để chia sẻ đau khổ với chúng ta. Thật vậy, “trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Ngài: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy” (Is 52:10). Chắc chắn không ai có thể im lặng khi thấy những điều kỳ lạ.

Cùng với cảm nhận đó, tác giả Thánh vịnh kêu gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện bao kỳ công. Ngài chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Ngài” (Tv 98:1). Xưng tụng Thiên Chúa không chỉ là bổn phận mà còn là niềm vinh hạnh của chúng ta, vì “Chúa đã biểu dương ơn Ngài cứu độ, mặc khải đức công chính của Ngài trước mặt chư dân; Ngài đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 98:2-3).

Có lẽ vì sốt ruột nên tác giả Thánh vịnh lại phải kêu gọi: “Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát. Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương!” (Tv 98:4-6).Có nhiều lý do để chúng ta ca tụng Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1:1-2). Vả lại, “chính Ngài phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa, là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Dt 1:3a). Và rồi, “sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Ngài lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1:3b).Quả thật, Ngài quá trác tuyệt và cao siêu! Danh hiệu Ngài được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Ngài lại trổi hơn họ bấy nhiêu. Thật vậy, chẳng bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”, hoặc: “Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta”. Do đó, khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói: “Mọi thiên thần của Thiên Chúa phải thờ lạy Ngài” (Dt 1:6). Trách nhiệm rõ ràng đó cũng là trách nhiệm của chúng ta, vì chính Chúa truyền lệnh: “Chỉ thờ lạy một Chúa và kính mến Ngài hết lòng”.Thiên Chúa giáng sinh là ai? Ngài là Ngôi Hai, là Đấng Thiên Sai, là Thánh Tử, là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời, mà từ khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngài là Al-pha và Ô-mê-ga (Kh 1:8; 21:6; Kh 22:13) – tức là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Cách diễn tả của ông Gioan hay quá! Ông giải thích tiếp: “Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:2-5). Chính những hình ảnh đối nghịch nhau lại có thể làm nổi bật nhau.Thánh Gioan không dùng đại từ ngôi thứ nhất số ít mà nói rằng “có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan”. Và ông dùng đại từ ngôi thứ ba số ít để nói về mình: “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1:7-8). Rồi ông nói về Đấng Thiên Sai: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:9-11). Cũng vẫn có những điểm trái ngược.Sự đời vẫn thế, chín người mười ý, chẳng ai giống ai. Ông Gioan nói: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12). Diễm phúc quá vì được làm con Thiên Chúa, mà chỉ với một điều kiện đơn giản: Tin Ngài. Nhưng người đó được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Thật kỳ diệu biết bao!Hôm nay, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14a). Niềm vui dâng cao tột đỉnh. Ông Gioan nói: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14b). Vì được mục kích sở thị, ông Gioan hăng say làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:15). Người sinh trước mà có sau, người sinh sau mà có trước. Thật khó hiểu vì quá vô lý, nhưng hoàn toàn là sự thật, và điều đó không thể lý luận theo kiểu phàm tục.Tình giáng sinh thật tuyệt vời, không thể diễn tả hoặc thể hiện bằng các động thái của loài người: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1:16-17). Chưa bao giờ có ai thấy Thiên Chúa, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết. Vì thế, đừng bao giờ quên rằng “Đức Tin quan trọng hơn phép lạ”. Nghĩa là đừng bao giờ “chạy đua” theo những “sự lạ” mà hãy “chạy đua” trên Hành Trình Đức Tin không ngơi nghỉ.Lạy Thiên Chúa, chúng con vui mừng biết bao vì Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh và ở với chúng con, đồng cam cộng khổ với chúng con. Xin giúp chúng con biết noi gương Con Chúa mà thể hiện công bình và bác ái trong suốt đường lữ hành trấn thế. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.





Bài 8. “TÊN CON TRẺ LÀ EMMANUEL” 
Lm Phan Kế Sự
Lễ ngày

Một Người Con đã sinh ra, “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mat 1,22-23).

Con Thiên Chúa đã hạ mình xuống làm gười thế và ở giữa chúng ta.Đây là tin vui vĩ đại nhất trong lịch sử con người.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”

Con người đã được Thiên Chúa xót thương, khi Ngài trao ban chính Con Một của Mình đến để cứu độ nhân lọai.Tin mừng đó, vượt qua mọi không gian, vượt trên cả thời gian và trên cả trí hiểu của con người.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.”

Thật diễm phúc khi mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ưu ái một cách đặc biệt. Món qua đêm Gíang Sinh đó chính là Thiên Chúa trở nên người phàm, như một món quà vô giá, để con người có cơ hội được gặp gỡ, được chia sẻ, được đồng hành và nhất là tìm lại được vinh dự cao quý : làm con Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã trở thành món quà cho con người, một quà tặng cao quý, để qua đó sinh lợi cho con người.Chẳng ai trong chúng ta suy hiểu cho thấu vị trí của mình trong khối tình của Thiên Chúa.Chúa đã đánh đổi tất cả : từ địa vị cao sang là Con Thiên Chúa để mặc lấy thân phận Hài Nhi bé nhỏ. Ngài còn tự hiến trên thập tự và bằng gía máu của Mình gột rửa sạch hết nhơ lầm lỗi cho con người.Món quà mà Thiên Chúa trao ban hòan tòan vượt qua trí hiểu của tất cả chúng ta.

Mừng Gíang Sinh của Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy là những món quà để trao cho nhau: một chút hơi ấm của tình người, một ánh mắt thiện cảm của người biết xót thương và chia sẻ.Con Thiên Chúa làm người để chia sẻ kiếp người nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống với nhau thật người, chứ đừng sống trên mây trên gió như những người dưng nước lã, thậm chí như những kẻ thù không đội trời chung, hoặc biến anh em như những con rối cho tham vọng của mình.

Mừng Gíang Sinh của Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy đổi mới cuộc sống mình, vì Chúa sẽ chỉ đến và ở với những con người có lòng thiện tâm và ngay chính.Một trật tự mới đã bắt đầu khi Con Thiên Chúa đến và cũng chỉ đến vì tình yêu, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu, để “Ai biết yêu thương, người đó thuộc về Thiên Chúa”.

Đêm nay, chúng con đang mừng kỷ niệm lại ngày Chúa đến trần gian lần đầu tiên. Xin cho chúng con biết chuẩn bị cho Chúa những máng cỏ tâm hồn thật trong sạch, những con tim đầy tình người, những ánh mắt thật thân thiện và những nụ cười chất chứa đầy niềm vui.Hy vọng và ước mơ rằng, Chúa sẽ không buồn khi ghé thăm từng tâm hồn chúng con.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con thật hạnh phúc biết bao vì kịp nhận ra Chúa đã đến, đã sinh ra vì và cho chúng con.Hồng ân đêm Gíang Sinh thật diệu kỳ, Con Thiên Chúa đã mặc khải một kỷ nguyên cứu rỗi, mở ra cho lịch sử con người một cơ hội mới.Xin hãy ngự vào lòng mỗi người chúng con, Lạy Chúa Hài Nhi, để con được chiêm ngắm, được thờ lạy, được chia sẻ hơi ấm tình người với Chúa.Amen.





Bài 9. Nhập thể 
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
(Lễ Đêm Giáng Sinh)
(Is 9,2-7; Tt 2,11-15; Lc 2,1-14)

Hằng năm, vào đêm 24-12, Giáo Hội mừng kính Lễ Vọng Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lễ Giáng Sinh là trung điểm của Lịch Phụng vụ sau khi Mùa Vọng khép lại và khởi sự Mùa Giáng Sinh. Ngày Lễ Giáng Sinh cũng là ngày lễ dân sự (civil holiday) trong nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta không biết chính xác ngày giờ và năm tháng Chúa Giêsu được sinh ra. Vào khoảng giữa thế kỷ IV, Giáo hội Tây phương đã mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25-12. Tính từ ngày Lễ Truyền Tin, ngày 25-3 đến ngày 25-12 là đủ 9 tháng cưu mang. Giáo Hội chọn ngày Đông Chí vì các tín hữu tin nhận Chúa Giêsu là Mặt Trời Công Chính xuất hiện theo như lời tiên báo của Tiên tri Malachi (Mal 4,2). Giáo hội Kitô giáo Đông phương cử hành Lễ Mừng vào ngày 6-1, gắn liền Lễ Hiển Linh (Epiphany). Các Giáo hội Đông và Tây áp dụng Lịch Phụng vụ tuỳ theo Lịch Julian cổ hay Lịch Gregorian nên có sự chênh lệch ngày tháng.

700 năm trước Công Nguyên, Tiên tri Isaia đã loan tin vui Đấng Cứu Thế sẽ ra đời: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình”. (Is 9,7) Đấng cứu tinh đã chào đời dưới hình dạng một trẻ thơ nhưng đầy dũng lực uy quyền. Chúng ta nên tìm hiểu chương trình cúu độ của Thiên Chúa trong toàn cảnh lịch sử của dân Dothái. Những lời tiên báo của các tiên tri và các biến cố xảy đến trong lịch sử của Dân được chọn. Mọi diễn tiến trong cuộc lữ hành của Dân Chúa Chọn đều mang ý nghĩa chuẩn bị đón chào ngày hồng phúc này.

Thiên Chúa không rút vắn hành trình đón nhận Đấng Cứu Thế. Trải nghiệm thời gian mong chờ, hy vọng và sám hối là những sự chuẩn bị cần thiết. Thiên Chúa không muốn để dân chúng sống trong sự chờ đợi thất vọng, chán nản hay ngán ngẩm. Chúa sai các tiên tri tiếp tục rao truyền sự xác tín niềm tin nơi một Thiên Chúa luôn trung thành trong lời hứa. Giọng điệu của Tiên tri Isaia rất hoan lạc: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.” (Is 9,2) Isaia nói về nỗi vui mừng của sự chiến thắng và mùa thu hoạch. Cuối đường hầm là vùng ánh sáng của tự do và giải thoát. Dân chúng rất phấn chấn mong chờ ơn cứu độ gần kề.

Lời tiên báo nay đã được thực hiện, Thánh Luca diễn tả về Sinh Nhật của Chúa Giêsu: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2,7) Hài nhi là Cố Vấn Kỳ Diệu và là Thủ Lãnh Hòa Bình được đặt nằm trong máng cỏ. Một hình ảnh thật lạ lùng và dễ thương. Máng cỏ trở thành đề tài cho nhiều sáng tác về nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, thơ phú và suy ngắm. Máng cỏ bò lừa hôi hám và dơ bẩn trở thành cung điện cho Đấng trung gian vũ trụ ẩn ngự. Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng một thôn nữ tinh tuyền và nhập thế nơi máng cỏ bò lừa. Nhiệm mầu thay việc Thiên Chúa đã thực hiện trước mắt chúng ta!

Nơi đồng không mông quạnh, Đấng Cứu Độ đã đến viếng thăm nhân loại. Các thiên sứ đã đi loan báo tin vui cho các mục đồng là những người đơn sơ, chất phát và nghèo nàn: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân.” (Lc 2,10) Đây là tin vui cứu độ. Chúa không đến trong giàu sang phú quý nơi cung điện ngọc ngà châu báu. Chúa đã mở con đường hoàn toàn mới dẫn tới sự thật của ơn cứu độ. Nước Chúa không thuộc về thế gian này. Đấng Cứu Thế không đặt nền tảng cuộc sống nơi vinh quang của thế trần mà là nơi tâm hồn của con người. Thiên thần loan tin: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2,11) Cho dù chỉ một số rất nhỏ các mục đồng đón chào Đấng Cứu Thế, nhưng niềm vui đó đã toả lan và chiếu rọi cho mọi người, mọi dân khắp cùng trái đất để cao rao lời tung hô: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2,14)

Đức Maria đã hạ sinh Chúa Con nơi máng cỏ và ẵm bế sưởi ấm cho Chúa Hài Nhi. Cha Giuse và mẹ Maria ngập tràn niềm vui bên cạnh trẻ sơ sinh. Gia đình tuy vất vả nghèo nàn nhưng cuộc đời thanh bạch đày ắp tình yêu thương. Giuse và Maria là những người thiện tâm đã được hưởng sự bình an đích thực. Chiêm ngắm hình ảnh đẹp nơi hang lừa máng cỏ, có Chúa Hài Nhi, có Giuse và Mẹ Maria luôn là một ấn tượng tuyệt vời. Đây là một tổ ấm gia đình. Tổ ấm của yêu thương chia sẻ. Thiếu thốn nghèo nàn không là vấn đề. Có Chúa ở cùng, chúng ta sẽ được hưởng nếm sự bình an và hạnh phúc đích thực. Thật tuyệt vời khi nhìn ngắm hình ảnh mẹ bồng ẵm con thơ trong vòng tay yêu thương. Tất cả là tình yêu.

Thánh Phaolô Tông đồ đã rao giảng Chúa Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.” (Tt 2,13) Trẻ Hài Nhi nằm trong máng cỏ bò lừa chính là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Mầu nhiệm Nhập thể vượt khỏi trí hiểu của loài người. Thiên Chúa chọn con đường quá khiêm hạ để đến với con người, nên nhiều người không thể chấp nhận. Chương trình cứu độ của Chúa Giêsu khởi đầu và kết thúc trong tinh thần khó nghèo, phục vụ và từ bỏ. Chúa Kitô đã đi trọn con đường dâng hiến theo thánh ý của Chúa Cha. Chúa Giêsu đã thường dạy bảo rằng ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Chúa đã trút bỏ mọi sự để trở nên căn nguyên cứu rỗi cho nhiều người.

Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta vui mừng và hân hoan vì ơn cứu độ đã đến. Thiên thần ca hát rằng bình an dưới thế cho người thiện tâm. Có rất nhiều người mừng ngày Lễ Chúa Giáng Sinh qua tiệc tùng ăn uống, chợ búa, mua sắm, vui chơi, quà cáp, thiệp chúc, trang trí và thưởng lãm những hình thức bề ngoài. Lễ Giáng Sinh mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta đi vào nội tâm: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” (Tt 2,12) Chúng ta cần chuẩn bị trong tinh thần sám hối và tỉnh thức nguyện cầu. Chúa Giêsu là trung tâm điểm của tất cả mọi sinh hoạt phụng vụ. Những hình thức bên ngoài tiến dẫn tâm hồn chúng ta đến với Chúa. Nhớ rằng Chúa Giêsu được sinh ra trong hang lừa máng cỏ nghèo nàn. Chúa đứng về phía những kẻ bần cùng, đói khổ, nghèo túng và cô đơn. Chúng ta không nên hoang phí nhiều công sức và tiền của phô trương hoành tráng qua những tổ chức hình thức bên ngoài. Hãy chuẩn bị tâm hồn giống như máng cỏ êm ấm, đơn hèn để đón Chúa và chia sẻ cái cơm bánh cho người nghèo đói chung quanh.

Lạy Chúa, Chúa trút bỏ tất cả để chấp nhận thân phận con người mỏng giòn. Chúa không dùng quyền lực, danh vọng, địa vị và tiền của để thuyết phục nhân tâm. Xin cho chúng con biết tìm học nơi Chúa sự khiêm cung phục vụ. Chúa phán: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,29).





Bài 10. Tình yêu Giáng Sinh
An Nhiên

Giáng Sinh là thời gian đặc biệt mọi người rộng mở tâm hồn để lắng nghe thông điệp về Chúa Giêsu và về tình yêu của Ngài.

Tôi rất háo hức trước Giáng Sinh, bởi vì tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ làm những điều tuyệt vời, và rằng Ngài sẽ hành động theo những cách thức mới thông qua mỗi người chúng ta. Khi chúng ta làm theo những gì Ngài dẫn dắt – cho dù bất cứ điều gì Ngài chỉ dẫn chúng ta làm – chúng ta sẽ trải nghiệm được những kết quả tuyệt vời. Giáng Sinh chính là dịp để truyền một nguồn sức mạnh và sức lực to lớn vào trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa khi chúng ta tìm kiếm những tâm hồn đang đói khát, những người bạn mới, những mối quan hệ mới, và những phép lạ…

Như tất cả chúng ta đều biết, Giáng Sinh là thời gian đặc biệt mọi người rộng mở tâm hồn để lắng nghe thông điệp về Chúa Giêsu và về tình yêu của Ngài. Lời cầu nguyện Giáng Sinh của tôi chính là giữa tất cả những bộn bề của cuộc sống, giữa vô vàn những nhu cầu cấp thiết và những mối ưu tiên hàng đầu, chúng ta vẫn không quên tầm quan trọng của tình yêu – tình yêu quan trọng như thế nào trong những ưu tiên và lựa chọn hằng ngày của chúng ta. Chúng ta cần nhận ra rằng tất cả những thành tựu chúng ta đạt được sẽ chẳng là gì nếu không có tình yêu. “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,2-3). Nếu chúng ta không yêu thương, thì những hy sinh và những vất vả của chúng ta cũng chẳng có giá trị gì, và sẽ không sinh hoa trái tốt.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng tình yêu luôn là điều quan trọng nhất. Tình yêu không bao giờ trở nên kém quan trọng hơn điều gì khác. Đó chính là một trong những nguyên tắc tinh thần bất biến. Thế gian cần đến tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu của Ngài sẽ giải quyết mọi vấn đề, và thông qua việc chia sẻ tình yêu của Ngài, bạn trở nên sứ giả của tình yêu ấy. Nhưng rất dễ bị cuốn vào trong những công việc – hoàn thành mục tiêu, đạt những thành tựu – và đánh mất ý nghĩa quan trọng nhất: chính là tình yêu.

Những gì chúng ta làm vì tình yêu sẽ sinh sôi nảy nở. Những gì chúng ta cho đi nơi thế gian này vì tình yêu sẽ được tán dương ở đời sau. Hãy tiếp tục cho đi bất cứ điều gì bạn có thể, tiếp tục yêu thương và phục vụ trong yêu thương, và bạn sẽ nhận được những phần thưởng lớn lao ở cả đời này và đời sau.

Việc học cách biết quan tâm đến người khác là một nghệ thuật. Ai cũng đều rất bận rộn, đó là sự thật, nhưng nếu chúng ta có thể trở nên khéo léo và thành thạo hơn trong việc biết quan tâm đến tha nhân, chúng ta sẽ trở thành những người trưởng thành hơn. Lấy ví dụ: học biết làm thế nào để thể hiện tình yêu thương đối với tha nhân theo cách họ cần và cảm kích; học cách làm thế nào để chăm sóc khi ai đó bị ốm, làm thế nào để động viên ai đó đang thất vọng; làm thế nào để giúp đỡ ai đó đang bận rộn; làm thế nào để trở thành một người bạn của ai đó đang cô đơn; hoặc làm thế nào để bảo vệ họ trong lúc họ yếu đuối; hay làm thế nào để chăm sóc ai đó về mặt tinh thần nhờ lòng tin và hy vọng để họ nhận ra điều tốt nhất nơi bản thân mình… Cần thời gian để học biết cách thực hiện những điều trên với tha nhân, nhưng đó là một phần để bạn có thể trở thành chứng nhân tình yêu.

Một trong những điều tuyệt vời về tình yêu chính là khả năng thích ứng. Nó có khả năng thích ứng với nhu cầu. Đối với một số người, tình yêu có thể đồng nghĩa với việc thinh lặng và tôn trọng nhu cầu cần thinh lặng của người khác. Đối với một số người, tình yêu có thể đồng nghĩa với việc đến gần với tha nhân và trò chuyện với họ. Không hề có một công thức cố định nào cho tình yêu, vì thế, một phần trong yêu thương chính là nhận biết nhu cầu cầu là gì và làm thế nào để đáp ứng nó.

Thật hứng khởi biết bao khi nghĩ về những gì chúng ta nhận được khi chúng ta yêu thương, về những điều khác biệt nơi chính bản thân chúng ta khi chúng ta biết yêu thương, bởi vì khi chúng ta yêu thương, chúng ta sẽ được tình yêu của Chúa tuôn chảy nơi chúng ta. Tinh thần của chúng ta được làm cho thêm mạnh mẽ. Tâm hồn của chúng ta sẽ được thoả nguyện theo những cách thức mới, và có được một khoảng không rộng lớn để đón nhận những ơn lành từ Chúa. Nguyện xin niềm vui Giáng Sinh sẽ ở cùng bạn hôm nay và luôn mãi.

Giáng Sinh không phải chỉ là khoảng thời gian cuối năm,
cũng không phải chỉ là một mùa đầy niềm vui và hy vọng,
Giáng Sinh thật sự chính là cách thức mà Chúa muốn chúng ta
sống cho đi vô vị lợi suốt một năm sắp tới…
Để mùa lễ hội mang đến niềm hy vọng,
và mang chúng ta đến gần những người chúng ta yêu thương,
và để tâm hồn chúng ta được rộng mở hầu nhận thấy điều tốt đẹp,
hãy sống giữa anh em theo cách chúng ta nên sống…
Nhưng ngay khi những dây kim tuyến được tháo gỡ khỏi cây thông,
ý nghĩa của Giáng Sinh cũng biến mất dần,
bị phai mờ theo những công việc phải làm hằng ngày,
và bị biến mất trong vòng xoáy của bộn bề cuộc sống.
Và không hề nhận biết, chúng ta quên lãng và không còn nghĩ đến
ơn lành trọng đại nhất mà nhân loại biết đến…
Vì nếu chúng ta sống Giáng Sinh mỗi ngày, như chúng ta nên như thế,
và luôn đặt mục tiêu làm điều tốt,
chúng ta sẽ tìm thấy chiếc chìa khoá bị đánh mất để tìm đến cuộc sống ý nghĩa.
Cuộc sống ý nghĩa không đến từ việc nhận, nhưng từ việc cho đi vô vị lợi.
Và chúng ta sẽ biết được niềm vui tuyệt vời từ Bình An nơi dương thế,
chính là nguyên nhân thật sự cho sự hạ sinh của Đấng Cứu Thế.
Vì thông qua tin mừng trọng đại vào đêm Giáng Sinh đầu tiên,
Thiên Chúa tỏ bày cho chúng ta thấy Đường, Sự Thật và Ánh Sáng! 

Helen Steiner Rice



Bài 11. MÁNG CỎ VÀ VINH QUANG THIÊN QUỐC
Lễ đêm
Lm PX Vũ Phan Long, ofm

Ngày hôm nay, tất cả chúng ta cũng đang được mời tiến đến bên máng cỏ cùng với những người nghèo hèn ấy, bất kể chúng ta thế nào, nhiều công trạng hay nhiều tội lỗi.

1- Ngữ cảnh

Trong ch. 1–2 của TM Lc, tức phần mở của TM này, Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả được đặt song song thành hai cánh:

1) Cánh các cuộc loan báo (1,5-56):

a) Loan báo về Gioan (1,5-25);

b) Loan báo về Đức Giêsu (1,26-38);

2) Cánh các cuộc chào đời (1,58– 2,52):

a) Gioan sinh ra (1,58-80);

b) Đức Giêsu sinh ra (2,1-52).

Bản văn 2,1-20 là phần đầu trong khối bản văn nói đền việc Đức Giêsu chào đời.

2- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Hoàn cảnh chào đời của Đức Giêsu (2,1-5);

2) Cuộc chào đời (2,6-7);

3) Mạc khải về hài nhi và phản ứng lại với mạc khải (2,8-20):

a) Mạc khải về hài nhi sơ sinh cho các mục đồng (cc. 8-14),

b) Phản ứng lại mạc khải (cc. 14-20).

[4) Đức Giêsu chịu phép cắt bì (2,21)].

3- Vài điểm chú giải

- Xêda Âugúttô (1): Gaiô Ốttaviô sinh ngày 2/9/63 trước CG; khi Giuliô Xêda bị ám sát vào tháng 3/44 thì ông đang ở bên Tây-ban-nha. Nhờ sự hỗ trợ của ông chú, ông được coi là người thừa kế chính, rồi vào năm 43, ông được nhận là con nuôi của Giuliô Xêda, với tên là Gaiô Giuliô Xêda Ốttavianô. Từ ngày 27/11/43 tr CG, Rôma được cai trị bởi một tam đầu chế là Ốttavianô, Máccô Antôniô và M. Lêpiđô. Vào ngày 1/1/43, Xêda được nhìn nhận là thần, nên Ốttavianô trở thành divi filius (con thần). Chế độ tam đầu chấm dứt vào năm 36, và Ốttavianô đã đánh bại Clêôpatra và Máccô Antôniô tại Actium năm 31. Năm 30, ông được nhìn nhận là chúa tể Ai-cập và cũng được coi là hoàng đế. Nhưng danh hiệu imperator(hoàng đế) chỉ được phê chuẩn vào năm 29. Chỉ vào ngày 16/1/27, thì Nghị viện Rôma mới trao tặng ông danh hiệu Augúttô, tức nhìn nhận vị trí tối cao của ông trên đất nước cộng hòa vừa được khôi phục. Ông qua đời năm 14 sau CG. Con rể là Tibêriô lên ngôi, cai trị từ năm 14-37 (x. 3,1).

- khắp cả thiên hạ (1): Đây là lối nói thậm xưng để chỉ đế quốc. Trong thực tế, không có sử gia nào ghi lại là có một cuộc kiểm tra dân số ở mức độ này vào thời Hêrôđê Cả (37-4 tr CG).

- lên thành Bêlem (4): Vì Bêlem cao hơn mặt biển khoảng 800m, nói “đi lên Bêlem” từ phía bắc Galilê là có thể hiểu được, Nadarét cao hơn mặt biển khoảng 560m. Đường đi từ Nadarét đến Bêlem dài khoảng 120 cs.

- thành vua Đavít (4): Cựu Ước nói Đavít “là con một người Épratha ở Bêlem thuộc Giuđa” (1 Sm17,12) và là con của “Giesê, người Bêlem” (1 Sm 17,58). Bêlem (x. Tl 17,7-9; 19,1-2; 1,1-2; 1 Sm17,12) là một phố nhỏ khoảng 5 cs về phía tây nam của Giêrusalem; Ga 7,42 gọi là một làng, kômê.

- người đã đính hôn/thành hôn với ông là bà Maria (5): Bằng vài từ ngữ rất chính xác, Lc mô tả tình cảnh của Đức Maria: bà là vợ trinh khiết của Giuse. Bà đang mang thai, và các độc giả biết tại sao rồi.

- con trai đầu lòng (7): Prôtotokos, “con trai đầu lòng”, không nhất thiết hàm ý “con đầu lòng” của nhiều con. Điều tác giả muốn nói ở đây là không có người con nào của Đức Maria đến trước Đức Giêsu. Lc đã nêu bật sự trinh khiết của Đức Maria (1,27.34), ngài sẽ tỏ ra rất dè dặt khi đề cập đến truyền thống các anh em của Đức Giêsu (ngài chỉ nhắc đến ở 8,19-20; Cv 1,14 và tránh nói đến ở 4,22; Cv 12,17; 15,13; 21,18). Ta biết có những bản văn Do-thái nói đến một phụ nữ đã chết khi sinh đứa con “đầu lòng” (xem tấm bia mộ của bà Arsinoê, năm 5 tr CG, tại Leontopolis bên Ai-cập). Ghi nhận như thế, Lc không nhắm đến quyền trưởng nam để hưởng gia tài thiên sai cho bằng phẩm chất người hiến thánh (x. 2,23; Xh 13,2; 34,19).

- lấy tã bọc con (7): Câu này cho thấy Đức Maria chăm sóc con như bất cứ người phụ nữ nào ở Paléttina (x. Kn 7,4; Ed 16,4), chứ không muốn nói đến sự nghèo túng hay cuộc chào đời thấp hèn của Đấng Mêsia.

- máng cỏ (7): Có thể Maria đã sinh con tại một cái chái sau quán trọ vì ở đấy có chỗ cho lừa qua đêm và có máng đựng cỏ cho lừa ăn đêm. Cũng có thể đây là một cái ràn. Bản văn Lc không nói tới một con vật nào. Sau này truyền thống đã dựa theo Is 1,3 mà đưa vào. Còn sinh trong một cái “hang”? Truyền thống lấy từ Prot. Jas. 18,1; có trong Giustinô, Dial. 78 và Origiênê, Contra Celsum 1,51). Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226) đã tận dụng và phổ biến truyền thống này khi lập ra máng cỏ tại Greccio năm 1223.

- không tìm được chỗ trong nhà trọ (7): dịch sát “không có chỗ cho ông bà trong nhà trọ”. Hẳn là Maria và Giuse đã đi tìm chỗ trú qua đêm nơi một cái lán, chung quanh có vách và chỉ có một lối ra vào. Dường như giọng văn có chút chua xót.

- những người chăn chiên (8): Phải chăng nhắc đến họ vì họ có liên hệ với Đavít, xưa kia chăn chiên tại Bêlem (1 Sm 16,11; 17,15; 2 Sm 7,8)? Không chắc. Điều rõ hơn, đó là những người chăn chiên là những người nghèo. Các kinh sư rất nghiêm khắc với người chăn chiên bởi vì do nghề này, họ xa cách với hội đường và không giữ luật lệ. Họ bị cấm vào Đền Thờ, không được làm chứng tại tòa án; họ bị coi như là bọn gian dối và trộm cắp. Đây lại chính là những kẻ “bé mọn” mà Thiên Chúa vui lòng mạc khải mầu nhiệm Người cho (x. Lc 10,21).

- sứ thần Chúa (9): Đây là một nhân vật huyền bí trong Cựu Ước (St 16; Tl 13; Xh 3,2–4,17; Tl 6,11-24). Nhưng lần này sứ thần Chúa tỏ mình ra với một vẻ siêu việt chưa từng có: chung quanh các mục đồng, vinh quang Chúa chói lòa, đây là vinh quang đã cho Ít-ra-en thấy sự hiện diện của Đức Chúa (Yhwh) trong Xuất hành (Xh 16,10…) và vào dịp cung hiến Đền thờ (1 V 8,11). Cũng giống như trong Cựu Ước, điều được loan báo bởi “sứ thần Chúa” sau đó lại được gán cho “Chúa” (x. c. 15). Và cuộc thần hiển thường có kèm theo lời mời tin tưởng (c. 10; x. St 15,1; 21,17; Tl 6,23…).

- Hôm nay (11): Lần đầu tiên trạng từ sêmeron, “hôm nay”, xuất hiện (x. 4,21; 5,26; 12.28; 13,32.33; 19,5.9; 22,34.61; 23,43. Từ này được dùng 12 lần trong Lc, 8 lần trong Mt). Từ này báo trước thời cánh chung đã được khai mạc.

- bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (14): Eudokia là “ý muốn”, và cụm từ anthrôpoieudokias có nghĩa là “những người được Thiên Chúa chiếu cố đến/sủng ái”.

4- Ý nghĩa của bản văn

Biến cố được kể ra ở đây có những nét tương phản nổi bật. Về cuộc chào đời của Đức Giêsu, bản văn nói đến bằng những câu ngắn ngủi và đơn giản, khiến độc giả hiểu là tự nó, cuộc chào đời này không có gì đặc biệt; nó được đặt vào trong dòng lưu chuyển quen thuộc của thế giới. Chỉ nhờ thiên sứ của Thiên Chúa, hiện ra trong ánh hào quang chói lọi của thiên quốc, chuyện vừa xảy ra mới được loan báo cho các mục đồng. Đấng Cứu độ trần gian đã đến thế giới trong những hoàn cảnh tầm thường. Nét tương phản này thúc đẩy độc giả suy nghĩ sâu xa hơn. Biến cố này đưa người ta đến chỗ ca ngợi Thiên Chúa.

* Hoàn cảnh chào đời của Đức Giêsu (1-5)

Thế giới vẫn đang đi theo dòng lưu chuyển bình thường của nó. Ngay ở đầu, hoàng đế Âugúttô được nêu tên; ông là vị chúa tể thống trị thế giới Địa Trung Hải lúc đó, trong đó có Paléttina. Ông đã bắt người ta chúc mừng ông như là ông hoàng thái bình, vị cứu tinh của các cuộc khởi nghĩa và các cuộc nội chiến, cũng như đảm bảo cho có trật tự và sự thoải mái. Ở đây ông được giới thiệu danh tánh và một công việc tiêu biểu của một vị quân vương: ông cho kiểm tra dân số, hẳn là để có thể thu thuế cho thật cao. Việc nhắc đến hoàng đế Xêda Âugúttô hẳn là một có một vai trò lịch sử, nhưng cũng còn có một vai trò biểu tượng nữa: hoàng đế Rôma thần thánh (Âugúttô) tương phản với Đấng Kitô Đức Chúa (c. 11); Xêda Âugúttô điều hành và Đấng Mêsia phải quy phục. Nhưng quyền chúa tể của Xêda ngoại giáo trên Hài Nhi Mêsia chỉ là tạm thời. Quyền chúa tể này sẽ bị vượt qua khi Đức Giêsu được tôn vinh sau Phục Sinh (Lc 24,36; x. Cv 2,36). Điều này, ngay lúc này các thiên thần đã công bố: Người là Đấng Cứu thế duy nhất, Đức Chúa duy nhất (c. 11), Đấng duy nhất có thể ban hòa bình cho loài người (c. 14).

Maria và Giuse quy phục cuộc kiểm tra dân số này. Chính việc kê khai tên tuổi đã khiến hai ông bà đi về thành Bêlem. Tác giả Lc nhấn mạnh rằng thành Bêlem là thành nguyên quán của vua Đavít và Giuse thuộc về nhà và gia tộc vua Đavít. Như thế chúng ta có một quy chiếu về lời hứa và niềm chờ mong Đấng Mêsia, có liên hệ với Bêlem và gia tộc vua Đavít (x. Mk 5,1). Maria đang mang thai do sự can thiệp của Thánh Thần. Ân ban vô song của Thiên Chúa cũng không tránh cho Đức Maria khỏi những bất trắc của chuyến đi đường, xa gia đình dòng họ.

* Cuộc chào đời (6-7)

Ngay trong các thực tại tự nhiên và trong các tương quan giữa con người với nhau, thế giới vẫn đi theo dòng lưu chuyển của nó. Khi đến lúc sinh con, Maria đã sinh con trai. Bà phải quy phục tính tất yếu tự nhiên này. Bà không thể chọn thời gian cho mình, cũng không thể chờ đợi một hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Cũng vì thế, chính bà phải bọc con trong các cái tã và đặt con nằm trong máng cỏ. Đức Giêsu đã khởi sự cuộc hành trình trần thế trong một cái máng cỏ. Mẹ Người và chính Người đã không tìm được những con đường đã được nện cho bằng phẳng và những nơi trú ngụ đăng ký trước. Các ngài là những người nghèo, các ngài không có cao vọng gì; các ngài phải đi tìm và tìm ra chỗ của các ngài: các ngài bằng lòng với các sự vật của trần gian.

* Mạc khải và phản ứng (8-20)

Ngược lại với tình cảnh này, ta thấy có ánh sáng huy hoàng của trời cao và vị sứ thần của Thiên Chúa xuất hiện. Vị này loan báo cho các mục đồng biết chuyện gì đã xảy ra trong đêm, trong những hoàn cảnh tưởng là thông thường. Họ đang run rẩy khiếp sợ, nhưng một niềm vui lớn lao được loan báo cho họ. Sứ thần của Thiên Chúa luôn luôn là sứ thần của niềm vui (x. 1,14.28). Các mục đồng và toàn dân có lý để vui mừng: Đấng Cứu thế, Đức Kitô, Đức Chúa, đã sinh ra cho họ. Người là Đấng Mêsia được trông đợi từ bao đời, Đức Vua muôn đời của Israel, do Thiên Chúa ban. Người là Đức Chúa, nghĩa là Người có trong tay mọi quyền bính và sức mạnh. Chỉ có niềm vui mới tương ứng với sứ điệp đến từ Thiên Chúa như thế. Nhưng dấu chỉ lại thuộc về hoàn cảnh hiện tại: Đức Chúa nằm đó, một em bé được quấn tã, nằm trong một máng cỏ, trong nơi trú ngụ của bò lừa. Dấu chỉ là các mục đồng sẽ tìm được một em bé bình thường, với đặc điểm duy nhất là em sinh ra vì người nghèo.

Câu đáp đầu tiên cho sứ điệp ấy đến từ cơ binh các thiên thần, các ngài ca hát ngợi khen Thiên Chúa. Các diễn tả ý nghĩa của cuộc chào đời đối với Thiên Chúa và đối với loài người. Thiên Chúa được tôn vinh bởi cuộc chào đời này: Người đã tôn vinh chính mình, Người đã làm cho người ta biết Người trong thần tính, trong tình yêu và trong lòng từ bi thương xót của Người. Biến cố Đấng Cứu thế đến phải được đón nhận như là một sáng kiến của tình yêu và lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Cùng với Đấng Cứu thế, loài người cũng được ban cho có hòa bình và ơn cứu độ trọn vẹn. Đây là hoà bình được đặt nền tảng trên sự vui lòng của Thiên Chúa, trên sự hạ cố nhân ái của Người.

Các mục đồng đi theo sự hướng dẫn của dấu chỉ; họ thấy hài nhi và truyền đạt lại sứ điệp. Tất cả những ai nghe biết đều ngạc nhiên. Sự kinh ngạc là một khởi đầu tốt. Nhưng nếu chỉ dừng lại với sự kinh ngạc, người ta không đi xa được. Đến đây phản ứng của Đức Maria được nêu bật. Bà ghi nhớ và suy niệm mọi sự trong lòng: đây là một sự suy niệm kéo dài, bởi vì những gì bà thấy thì chưa rõ ràng; bà cần phải cố gắng tìm hiểu. Còn các mục đồng thì vừa đi về vừa ca ngợi Thiên Chúa về tất cả những gì đã xảy ra.

* Đức Giêsu chịu phép cắt bì (21)

Ở c. 21, tác giả tường thuật việc cắt bì và đặt tên cho Đức Giêsu. Như Gioan, Đức Giêsu được ghi dấu giao ước (x. St 17,11) và tháp nhập vào dân tộc Ít-ra-en (x. Gs 5,2-9). Người được đặt cho cái tên mà sứ thần đã đặt là Giêsu: tác giả nhấn mạnh trên việc đặt tên hơn là trên việc cắt bì].

+ Kết luận

Những gì vừa được kể không phải là chuyện trao đổi qua lại trong cách xử thế của loài người với nhau, cũng không phải là sự cảm động trước một trẻ sơ sinh, không có một cái nôi cho xứng hợp. Ở đây, chúng ta được loan báo về hành động từ bi thương xót của Thiên Chúa: Đấng Cứu thế đã giáng sinh, Đức Chúa đã đang hiện diện. Thiên Chúa đã vĩnh viễn nắm lấy hoàn cảnh của chúng ta trong tay. Đấng Cứu thế đã đi vào cuộc sống nghèo hèn của chúng ta, nhận lấy thân phận chúng ta, trong tư cách là một hài nhi được quấn tã. Người đã ở bên cạnh chúng ta và cùng đi với chúng ta. Hẳn là chúng ta sẽ phải liện tục tự hỏi: Ơn cứu độ này là loại cứu độ nào đây? Nhưng lòng chúng ta đã chan hòa niềm vui vì biết rằng Đức Chúa đã có mặt.

5- Gợi ý suy niệm

1. Thiên Chúa dùng những nguyên nhân phụ thuộc, có vẻ tình cờ, để thực hiện các chương trình của Ngài. Một cuộc kiểm tra dân số lại làm cho các sấm ngôn được thực hiện: Đấng Mêsia chào đời tại Bêlem. Chúa quan phòng luôn có trong tay toàn thời gian, các nơi chốn và các con người cũng như các biến cố. Chúa quan phòng tiên liệu mọi sự, nhưng không phải lúc nào cũng theo như nguyện ước của chúng ta.

2. Trái tim của chúng ta đôi khi cũng bề bộn, ngổn ngang, như một cái hàng quán Bêlem dịp ấy. Vì thế, chúng ta không đón được Đức Kitô khi Người đến viếng thăm mà ban ơn cứu độ. Trái tim chúng ta đã chật cứng với những khoái lạc, với các toan tính cho công việc làm ăn, với mối lo toan quá đáng cho miếng cơm mang áo, hay có khi chỉ là sự vô tâm lãnh đạm. Đức Kitô đến như một kẻ quấy rối, và chúng ta không thích.

3. Những người đầu tiên được mời đi tôn kính Hài Nhi trong máng cỏ là các mục đồng, những kẻ bị người đương thời khinh bỉ, do họ sống dễ dãi. Ngày hôm nay, tất cả chúng ta cũng đang được mời tiến đến bên máng cỏ cùng với những người nghèo hèn ấy, bất kể chúng ta thế nào, nhiều công trạng hay nhiều tội lỗi. Đức Giêsu đã đến cho tất cả mọi người, và đặc biệt cho những người nghèo nhất và những người nhỏ bế nhất. Loài người xác tín rằng sự dữ chỉ có thể bị tiêu diệt bởi tiền bạc, bởi sự lừa dối hay bởi tham nhũng. Tin Mừng của lễ Giáng Sinh đêm nay cho chúng ta thấy một vì Thiên Chúa chọn sự nghèo khó và yếu đuối, và dạy chúng ta loại trừ một kiểu suy nghĩ đựa trên quyền lực hoặc tiền bạc.

4. Đức Maria không thụ động chấp nhận tất cả những gì xảy ra; bà tìm hiểu. Bà không tức khắc cung cấp lời giải thích biến cố, nhưng đào sâu biến cố cách kiên nhẫn và không áp đảo, ép buộc. Có một thứ bất bạo động thiêng liêng và tôn giáo, biết tránh việc lược đồ hóa ép uổng, và để cho các sự việc cứ như thế và chờ đợi được hiểu biết hơn. Bà phải cố gắng tiếp mà tìm hiểu.

5. Thánh Amêđê (1108-1159), là đan sĩ Xitô và cũng là giám mục, đã nói trong một bài giảng về Đức Maria: «Mẹ thấy là Con Thiên Chúa đã được trao cho Mẹ; Mẹ vui mừng khi thấy ơn cứu độ thế giới được ký thác cho mình. Mẹ nghe Thiên Chúa nói tận đáy lòng Mẹ: ‘Ta đã chọn con giữa tất cả những gì Ta đã tạo thành; Ta đã chúc phúc cho con giữa mọi người phụ nữ; Ta đã trao Con Ta vào tay con; Ta đã ký thác Con Một của Ta cho con. Đừng ngại cho bú mớm Đấng mà con đã sinh ra, hoặc nuôi dưỡng Đấng mà con đã cho chào đời. Con hãy biết rằng Người không chỉ là Thiên Chúa, mà còn là con của con. Người là Con của Ta và là con của con, Con của Ta do thần tính, con của con do nhân tính Người đã nhận lấy nơi con’. Đức Maria đã đáp lại lời mời gọi này với biết bao tâm tình tha thiết và nhiệt thành, với biết bao khiêm nhường và tôn kính, với biết bao tình yêu và tận tụy. Loài người không biết được điều này, nhưng Thiên Chúa biết, vì Người dò thấu tận tâm can (Tv 7,10)… Phúc thay Đấng đã được giao cho nhiệm vụ nuôi dưỡng Đấng che chở và nuôi nấng mọi sự, bồng bế Đấng nâng đỡ vũ trụ» (Bài giảng thứ 4 về Đức Maria; Pain Cýteaux alt.; x. SC 72, tr. 129t).




Bài 12. Đặt Nằm Trong Máng CỏLễ Đêm
Lm LG Đặng Quang Tiến

Chúa Kitô (Vua) đã sinh ra và mở đầu vương quốc của Người từ mảnh đất khiêm tốn rộng lớn bằng cái máng cỏ.

Nằm trong tiết đoạn Tin mừng của thời Thơ ấu (1:5-2:52), đoạn 2:1-14 thuật lại câu chuyện giáng sinh của Chúa Giêsu. Câu chuyện nầy nối tiếp trình thuật truyền tin (1:26-56), trong đó nhấn mạnh đến thuộc về dòng dõi Đavít của Chúa Giêsu; trong khi ở đây, tính thiên sai của Người được nêu bật (2:11). Bố cục của đoạn có thể được phân chia như sau: – Bối cảnh lịch sử (2:1-5); – Cảnh giáng sinh (2:6-7); Cảnh các mục đồng (2:8-14). Đoạn 2:1-7 làm thành một bản văn thống nhất và chia làm hai phần rõ rệt dựa trên cụm từ “xảy ra vào” (egeneto de en) (2:1.6).

Trong phần nhập đề về bối cảnh lịch sử (2:1-5), có thể phân chia cách chi tiết như sau: – Dưới triều hoàng đế Augustô, lệnh kiểm tra dân số được cống bố (2:1-2); – Lệnh nầy được áp dụng cho mọi người (2:3); – Giuse và Maria nằm trong hoàn cảnh ấy (2:4-5). Kiểm tra dân số là lý do để đưa gia đình Giuse và Maria từ thành Nazaréth về thành Bêthlêhem, như mọi người phải về lại nguyên quán của mình để làm chuyện đó (2:1.2.3). Nazaréth là nơi cư ngụ, còn Bêthlêhem mới là nguyên quán của Giuse. Các ngài đã làm xong việc nầy như mọi người (2:5). “Đi lên đó” (2:4) thường chỉ “đi lên vùng Juđa”, nhất là đi lên Giêrusalem vì vùng ấy cao hơn vùng Galilêa (x. 2:42; 18:10.31; 19:28). Trong Cựu ước, Bêthlêhem không phải là thành của Đavít, mà thành Giêrusalem (x. 2 Sam 5:7, 9; 6:10.12.16; 2 V 9:28; 12:22). Nhưng Bêthlêhem là nguyên quán của Đavít (1 Sam 16; 17:12.58), là nơi sẽ phát sinh một thủ lãnh thuộc dòng dõi Đavít (Mic 5:2). Xét theo diễn tiến trình bày, Luca đi từ một không gian rộng lớn, rồi thu hẹp lại dần và cuối cùng tập trung vào “thành Đavít” (2:4): từ “toàn cõi” (2:1), đến “Galilêa”, rồi “Nazaréth” và “Giuđa” đến “Bêthlêhem” (2:4). Trong cách trình bày các nhân vật, Luca cũng làm như thế. Trung tâm điểm phải đến của trình thuật là “Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ (2:7). Đây cũng là điểm hẹn và dấu chỉ mà các thiên sứ loan báo cho các mục đồng (2:11-12).

Trong đoạn về giáng sinh (2:6-7), Giuse và Maria đã đến nơi “ở đó”. Maria đã “đủ ngày”, nghĩa là đã đủ thời gian để sinh con (x. 1:57). Bà đã “sinh con trai đầu lòng của bà” (2:7a). Động từ “tiktō” (sinh con) rõ ràng chỉ sự sinh con tự nhiên (x. 1:31.57; 2:6.7.11). Trong các tin mừng, chỉ Luca dùng chữ “prōtotokos” (con đầu lòng) một lần và ở đây (2:7). Trong Cựu ước, chữ nầy chỉ “sản phẩm đầu tiên” bởi ruộng đồng hoặc súc vật (Xh 22:28tt; 34:19Ds 18:15tt; Đnl 15:19tt), đều phải được dâng cho Thiên Chúa. Trong Xh 4:22, Israel được gọi là “con đầu lòng của Ta”, chỉ tương quan mật thiết, yêu thương và tuyển chọn giữa Israel với Thiên Chúa. Vì thế, Israel nhận biết Thiên Chúa là Cha của họ. Một vị vua cũng được gọi là “con đầu lòng” của Thiên Chúa (x. Tv 89:27). Trong các sách khác của Tân ước, chữ nầy áp dụng duy nhất cho Chúa Giêsu Kitô (Col 1:15.18; Rôm 8:29; Do thái1:16; và Kh 1:5, ngoại trừ câu Do thái 12:23 chỉ những người Kitô hữu. Vậy, Chúa Giêsu được gọi là “con đầu lòng”, nên Người được hiến dâng cho Thiên Chúa (2:23), và Người có một tương quan đặt biệt với Chúa Cha: “con của Đấng Tối Cao”, và được Chúa Cha “đặt trên ngai vua Đavít” (1:23). Như thế, khái niệm “con đầu lòng” không được đặt tương quan thứ tự với anh chị em trong một gia đình, mà chỉ với Thiên Chúa.

“Hài Nhi được quấn khăn và được đặt nằm trong máng cỏ” là tâm điểm của trình thuật nầy (2:12.16). Maria đã làm việc nầy cho Hài Nhi (2:7). Quấn khăn là hành vi của tình yêu và chăm sóc mà người mẹ làm cho người con mới sinh yếu ớt, không thể tự sống và lo lắng cho chính mình (x. Êzek 16:4; Khôn Ngoan 7:4). Máng cỏ (phatnē) theo nghĩa chung là nơi chứa thức ăn cho súc vật (2:7.12.16); có khi chỉ cái chuồng súc vật (13:15). “Katalyma” (2:7), từ động từ có nghĩa là “dừng lại, nghỉ ngơi và cư ngụ” (9:12; 19:7), chỉ một cách uyển chuyển bất cứ nơi nào có thể ngụ qua đêm. Trong Luca 22:11, hạn từ nầy chỉ “phòng dành cho khách” của một gia đình mà Chúa Giêsu mượn để cử hành lễ Vượt qua với các môn đệ của Người (22:11; Mt 14:14). Bên cạnh đó, Luca dùng một cách phân biệt hạn từ “pandocheion” để chỉ “quán trọ” theo nghĩa riêng của nó (10:34). Do đó,

điều có thể nói dựa trên bản văn là: – Maria đã đặt Hài Nhi trong máng cỏ và – hai ông bà không có chỗ trong phòng dành cho khách ngụ qua đêm, chứ không phải là quán trọ. Ở Palestina thời ấy, ở vùng quê chuồng súc vật được làm trong một cái hang bên trong một căn nhà: chỗ súc vật ăn và phòng ở kề cận nhau chung trong một phòng. Cũng có những chuồng súc vật thấp hơn phòng ở và nằm lộ thiên. Còn máng ăn thường bằng đá đẽo. “Hài Nhi được quấn khăn và đặt nằm trong máng cỏ” là dấu chỉ để nhận ra Đấng Cứu Thế. Người là Chúa Kitô (2:11). Dấu hiệu là một biểu hiện thấy được, như máng cỏ, hài nhi (2:12), biến động nơi mặt trời, mặt trăng và ngôi sao (x. 21:15; 23:8). Dấu hiệu còn mang khía cạnh khác là minh chứng Thiên Chúa đang hiện diện và hành động trong thế giới nầy (x. 11:30). Do đó, Hài Nhi trong máng cỏ là dấu hiệu vừa xác định đó là Đấng Cứu Thế cao cả, vừa cho thấy sự hạ mình của Người. Người là dấu hiệu duy nhất của sự cứu độ (x. 11:30).

Sự cứu độ theo nghĩa thông thường cách nào đó gắn liền với một vị hoàng đế. Trong thời hoàng đế Augustô, Đấng Cứu Thế đã ra đời (2:11). Sự cứu độ đã đổi thay ý nghĩa, dân chúng phải được kiểm kê lại vì Chúa Kitô (Vua) đã sinh ra và mở đầu vương quốc của Người từ mãnh đất khiêm tốn rộng lớn bằng cái máng cỏ.





Bài 13. THIÊN CHÚA TẶNG CHO CHÚNG TA MỘT MÓN QUÀ VÔ GIÁ: HÀI ĐỒNG GIÊSU
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Phải chẳng Thiên Chúa đã chẳng sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để cứu độ nhân loại, cứu chuộc mọi người? Thế mà đã hơn hai ngàn năm qua, từ cuộc đản sinh nơi hang đá Bêlem nghèo nàn, Chúa Giêsu, Đấng Emmanuen: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, rất nhiều người chưa nhận ra Người, chưa đón nhận Người đúng như lời thánh Gioan thánh sử đã viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng nhận biết Người” ( Ga 1, 11 ). Tuy nhiên, nhiều người đã biết và đón nhận Con Thiên Chúa làm người. Đây là một mầu nhiệm, nhưng cũng là một món quà lạ lùng, vô giá Thiên Chúa tặng ban cho con người.

Hài Đồng Giêsu đến trần gian, đã đem lại cho nhân loại, cho thế giới, cho mọi người một Tin Mừng. Và Tin Mừng ấy là Cha chúng ta, còn chúng ta là anh chị em với nhau. Chúa Giêsu đã nhập thể, nhập thế cũng giống như mọi người chúng ta: trần truồng, yếu đuối, dễ bệnh hoạn, dễ chết v.v…Là con người giống như chúng ta chỉ trừ tội lỗi, Ngài cũng phải nhờ đến nhiều người săn sóc, giúp đỡ. Chúa Giêsu cũng biết đói, biết khát, lạnh lẽo, đổ mồ hôi, biết khổ, biết đau. Ngài đã bị xỉ nhục, nhạo cười, đánh đập, bị hất hủi, bị cô đơn, và cuối cùng bị người đời kết án bất công, bị treo ô nhục trên thập giá.

Hài Đồng Giêsu đến trần gian trong hoàn cảnh khó nghèo. Đó là sự chọn lựa của Ngài. Do đó, Ngài đến trong âm thầm, không sinh ra nơi cung điện nguy nga, có lầu son gác tía. Ngài không có một chỗ nơi những nhà trọ, mà được Mẹ Maria sinh ra trong hang đá nghèo nàn Bêlem. Ngài không được các nhà lãnh đạo cao cấp thế giới đón chào, nhưng Ngài đã để cho những mục đồng là những người bị xã hội coi là thấp hèn nhất đến cung bái, chiêm ngưỡng đón chào. Chúa Giêsu đến thế giới tự đồng hóa mình với những kẻ nghèo, những kẻ thấp hèn, những kẻ rách rưới, đói khát. Nhưng thực tế, đó là ý của Thiên Chúa Cha và cũng là của chính bản thân Ngài.

Chúa Giêsu đến để trao tặng cho thế giới sứ điệp này: Thiên Chúa sai con của Ngài là Chúa Giêsu đến thế giới để yêu thương chúng ta, yêu từng từng người, không loại trừ bất cứ ai, không đòi hỏi bất cứ gì và rồi Ngài cho chúng ta được rõ Ngài là Cha chúng ta, và tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau.

Tin Mừng là chính Chúa Giêsu. Ngài đến giữa trần gian để cho chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10). Ngài đến đem bình an cho nhân loại, cho chúng ta và cho từng người như lời các thiên thần đã hát vang trên không trung đêm giáng sinh của Chúa Giêsu: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Lc 2, 14) hoặc như thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã trở nên người và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14). Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong một bài giảng về lễ Giáng Sinh đã nói: “…trong đêm nay, chúng ta đến gần Con Trẻ Bêlem, đến gần vì Thiên Chúa này, vì Thiên Chúa mà vì chúng ta, đã muốn trở nên con trẻ. Trên mỗi con trẻ, đều có sự phản chiếu Con Trẻ thành Bêlem. Mỗi em bé đều đòi hỏi chúng ta phải yêu thương. Như thế, trong đêm nay, chúng ta hãy đặc biệt nghĩ đến những em bé không được cha mẹ yêu thương. Nghĩ đến những trẻ em đường phố không có lấy một mái nhà… Chỉ khi nào con người thay đổi, thì thế giới này mới đổi thay và để thay đổi, thì con người phải cần đến ánh sáng đến từ Thiên Chúa, cần đến ánh sáng này, một luồng sáng mà ta không hề ngờ đã đi vào trong màn đêm của chúng ta”.

Thánh lễ đêm nay mời gọi nhân loại, mời gọi con người mở rộng đôi tay để đón nhận món quà vô giá này: đón nhận con Thiên Chúa làm người. Món quà vô cùng cao qui: Emmanuen nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con thấy được một ít vẻ huy hoàng của vinh quang Chúa. Và xin ban bình an cho địa cầu. Xin làm cho chúng con trở thành những con người mang lại hòa bình, mang lại hòa bình của Chúa. Amen (Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI).



Làng Rào

We are.., This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply