Thông Tin Bên Lề

Nhạc xuân

Tháng Thánh Giuse

HÃY KẾT BẠN VỚI

Ảnh

Liên kết web

VIDEO GIÁO XỨ

CHA QUẢN XỨ

HÃY NHANH TAY

1
GIÁO XỨ LÀNG RÀO

Magazine

Smoke

Natural

Feature

Video News

You are here

Cùng các chiến sĩ của Lòng Thương Xót lọt vào xứ Làng Rào

Ngày 28.03.2008, vào thời gian cuối của Tuần Cửu nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, sau nhiều nỗ lực, chúng tôi cùng hai chiến sĩ của Nhóm Lòng Thương Xót Chúa đã lọt vào được xứ đạo Làng Rào.
LÀNG RÀO, TRĂM NĂM NGĂN CÁCH BỞI HÀO


Thoạt nghe cái tên “Làng Rào” đã cho chúng ta một cảm nhận của sự ngăn cách nơi một làng quê nào đó. Quả là cha ông ta nói không sai “danh tánh (tính)” - cái tên của một sự vật thường nói lên bản chất của chính nó, và cảm nhận ban đầu của con người thường luôn chiếm phần đúng.
Cách tòa giám mục Xã Đoài khoảng 100 km về hướng Tây, trong khu vực của xã Tân Hương, Tân Kỳ, Nghệ An có một vùng đất có tên là Làng Rào. Địa danh này có lẽ đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng nếu tính từ khi nó được ghi vào sổ bộ của Giáo Hội thì có cách đây khoảng 100 năm.
Nhưng cái tên Làng Rào đây không phải là một vùng đất có sự ngăn cách với các vùng xung quanh bởi quan niệm, phong tục văn hóa hay hàng rào được làm bằng cây que, gạch đá do con người làm ra, mà bằng một hàng rào tự nhiên hết sức kiên cố và đẹp mắt, đó là dòng sông Hiếu.
Dòng sông Hiếu bắt nguồn từ núi Phu Hoạt cao 2.452 m thuộc huyện Quế Phong ở vùng Tây Bắc Nghệ An, chảy qua huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và đổ vào huyện Tân Kỳ rồi đi dần qua các huyện xã khác ra sông Lam và chảy về biển Đông. Khi chảy qua huyện Tân Kỳ, có một đoạn chảy vòng theo dãy núi cao gần đó và ôm lấy một vùng đồi thấp. Trong vùng đất đó có một số dân sinh sống. Nhìn thấy mình định cư giữa một vùng đất mà 2/3 diện tính được bao bọc bởi dòng sông Hiếu, và do xưa kia chưa làm được cầu cống nên việc đi lại hết sức khó khăn, do đó người dân nơi đây gọi tên nơi mình ở là Làng Rào.
Cách đây trên dưới một thế kỷ, khi các nhà truyền giáo phương Tây dọc theo các con sông từ cửa biển Nghệ An lên các vùng cao để rao giảng Tin Mừng, thì có lẽ Làng Rào là một trong những điểm mà các vị dừng chân để gieo trồng hạt giống đức tin. Theo các cụ cao niên nơi đây, Làng Rào khi được thành lập họ thì thuộc về xứ Qui Hậu, nhưng họ đạo Làng Rào có trước xứ Qui Hậu (xứ Qui Hậu được thành lập năm 1920 sau khi tách từ xứ Hậu Thành). Và khi thành lập họ đạo trong mảnh đất được dòng sông Hiếu đêm ngày ôm ấp hát ru này, người ta cũng lấy cái tên Làng Rào trước đó mà đặt cho họ đạo mình.
Như cây trồng bên suối mát, họ đạo Làng Rào lớn mạnh và sinh hoa trái theo thời gian. Từ mấy gia đình ban đầu, sau độ một thế kỷ, họ đã có hơn 2.200 nhân danh. Với con số tín hữu đó và do nằm trong một địa hình ngăn cách sông núi đồi dầm, nên ngày 24.04.2005, Đức cha Phaolô Maria đã quyết định tách họ đạo Làng Rào ra khỏi giáo xứ Qui Hậu và nâng lên hàng giáo xứ. Tân giáo xứ Làng Rào gồm 7 giáo họ nằm trên địa bàn 3 xã với diện tích khoảng 15 km2.: Làng Rào, Vạn Phúc, Thủy Sơn, Tân Lập và Đồng Tâm thuộc xã Tân Hương; Diệu Hồng thuộc xã Kỳ Sơn; và Đồng Nghệ thuộc xã Nghĩa Thành. Tháng 8.2006 giáo xứ Làng Rào đón tân linh mục quản xứ là cha Antôn Phạm Thế Hưng.
CÙNG CHIẾN SĨ LÒNG THƯƠNG XÓT VƯỢT RÀO VÀO XỨ ĐẠO
Nếu xét về sự giao thông với dân chúng bốn phía, thì quả là Làng Rào bị ngăn cách, bởi con sông đã ngăn cách 2/3 xứ đạo với các vùng xung quanh. Nhưng nếu xét về sự giao thông với những trung tâm kinh tế và văn hóa, thì hầu như Làng Rào không bị ngăn cách, vì từ Làng Rào ra thị trấn Tân Kỳ hay xuống thị trấn Đô Lương hoặc đi về thành phố Vinh đều có đường bộ. Tuy nhiên, đường bộ dường như chỉ dành cho người đi bộ, và phải đi thật khéo thì mới vào được.
Sáng ngày 28.03.2008, mặc dù là ngày thứ sáu trong tuần Bát nhật Phục Sinh, nhưng nó cũng là ngày thứ Sáu trong tuần, và vì vậy, nó vẫn là thời gian để người tín hữu kính nhớ đến trái tim yêu thương của Chúa Giêsu một cách đặc biệt; do đó, một cách tình cờ, nhưng theo chúng tôi nó rất có ý nghĩa cho các chiến sĩ của Lòng Thương Xót Chúa tiến về vùng đất Làng Rào trong ngày này.
Có lẽ khi chúng tôi nói đến chiến sĩ Lòng Thương Xót Chúa thì có nhiều người, nhất là những người nghèo trong các tỉnh thành Việt Nam đã đoán được họ là ai. Họ không phải là một đạo binh về số lượng, về vũ khí quân lực. Nhưng chỉ với hai con người hiện diện trên chiến trường và một số người đứng ở tuyến sau, nhưng họ lại có một sức mạnh hơn cả một đạo binh: sức mạnh của lòng thương yêu; và hai chiến sĩ đó là chị Nguyễn Thị Nam và Nguyễn Thị Nhung.
Vì biết đường sá xa xôi và không có nhiều thời gian, nên các chiến sĩ Lòng Thương Xót Chúa đã phải vào thành phố Vinh thuê một chiếc xe bốn chỗ để đi. Biết được mục đích của các chiến sĩ này, nên một bác tài và một ông trong Ban hành giáo giáo xứ Bùi Ngõa đã tình nguyện đi theo để hỗ trợ, và tôi cũng may mắn được nhập đoàn.
Lâu nay tôi cũng đã nghe nói đến Làng Rào. Mỗi lần nghe ai đó nói về cái tên Làng Rào là trong ý tưởng của họ cũng có phần nói lên cái tên ngộ nghĩnh hay hay đó, và tôi cũng nghe nói những khó khăn về địa lý và kinh tế của vùng đất này. Xuất phát từ tòa giám mục Xã Đoài, dọc theo QL34, sau đó sang QL7 đi qua thị trấn Đô Lương và nhắm hướng Tây tiếp tục chạy, tôi cứ tưởng là những điều tôi nghe lâu nay đã thuộc về quá khứ, vì thấy đường tương đối rộng và xe chạy cũng được. Nhưng khi đến ngã ba Cầu Trôi và rẽ phải, thì ngồi trên xe hơi mà chúng tôi cứ tưởng máy bay bắt đầu cấy cánh. Không phải ổ gà mà cũng chẳng phải ổ vịt. Có phải nơi đây gần rừng không mà toàn là “ổ voi”! Chiếc xe hết nghiêng bên này lại đổ về bên khác; bốn người chúng tôi và kể cả bác tài đều tưởng mình đang ở động... lắc! Sau chừng 6 km, bác tài liên tục bẻ tay lái bên này, bên kia chúng tôi thấy một ngôi nhà thờ khá mới nằm trống trãi (không có bờ tường, hàng cao xung quanh) trên một ngọn đồi. Ông Ban hành giáo Bùi Ngõa dẫn đường nói đây là nhà thờ Làng Rào, và bác tài cho xe leo dốc tiến vào ngôi nhà xứ nằm khuất sau nhà thờ phía bên kia ngọn đồi.
Cha Hưng (đứng) và hai chị Nam, Nhung thăm một gia đình nghèo
Chiếc xe vừa dừng, chúng tôi được cha xứ Antôn Phạm Thế Hưng, một vị linh mục khá trẻ, to cao và trông rất mạnh khỏe bước ra niềm nở đón tiếp. Do chị Nguyễn Thị Nam đã liên lạc trước với cha Antôn, nên sau khi chúng tôi nghỉ ngơi một chút, cha liền triển khai công việc.
Cha Antôn cùng với hai ông trong Ban mục vụ của giáo xứ Làng Rào, mỗi người một chiếc xe Honda, phía trước thì chở chăn mền, đồ đặc do hai chị trong nhóm Lòng Thương Xót Chúa đưa lên, phía sau thì chở chúng tôi. Chạy loanh quanh, lòng vòng mãi, chúng tôi đến một địa điểm. Cha Antôn cho biết, mặc dù chưa được thành lập họ, chưa có điều kiện gì để nghĩ đến chuyện làm nhà nguyện ngoại trừ một thửa đất do một tín hữu dâng cúng nhưng cũng gọi là họ Đồng Nghệ. Họ Đồng Nghệ chỉ có 17 gia đình, nhưng do ở cách nhà xứ hơn 15 km và 17 gia đình sống ở 17 góc trong mấy ngọn đồi, nên cha Antôn có ý định làm cho họ một căn nhà nguyện để ít nhất ngày Chúa nhật lên đó quy tụ họ lại.
Ông Trưởng Ban hành giáo họ lên danh sách những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, rồi định hướng đi làm sao cho thuận đường sá. Lúc đầu, thấy danh sách có mấy gia đình nghèo khó, tôi nghĩ làm gì mà phải sắp xếp đường đi. Nhưng khi đi rồi mới biết, trong vùng đất họ đạo 17 gia đình nếu đi cho hết là phải cả buổi. Chỉ thăm dăm bảy gia đình cả giáo lẫn lương gặp điều kiện khó khăn nhất mà chúng tôi phải hết 3 tiếng đồng hồ. Những gia đình đó thường ở mãi trong các đồi xa, mà đường vào đó thường là cứ ven ven triền núi và đi trên bờ ruộng, nên tốc độ chỉ bằng xe đạp và thời gian đi bộ ngang bằng thời gian ngồi trên xe.
Do cũng mới về được hơn một năm nên cha Antôn cũng chưa sắp xếp được thời gian để đi thăm hết các gia đình con chiên, và vì vậy cha nói “Thật mình không nghĩ lại có những gia đình khó khăn như thế!”. Có những gia đình chúng tôi vào chỉ ngồi ngoài sân, đúng hơn là đứng hoặc ngồi trệt ngoài bãi cỏ trước nhà vì trong nhà không đủ chỗ cho 6 người chúng tôi ngồi. Chúng tôi vừa nói vui mà cũng vừa nói thật, và nói để suy nghĩ xem mình phải làm một cái gì đó cho những anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt này: “Nhà đó không thể gọi là cái nhà được. Đó chỉ là cái không gian có bốn cái cọc đỡ mấy cái tranh, vài tấm tôn cũ!! Cảm động trước vài mái lá, cha Antôn nói “Có lẽ mình phải huy động thanh niên vào dựng lại cho họ cái nhà, chứ ở vậy không chết lạnh trong mùa đông thì cũng chết cháy trong mùa hè”. Cầu mong sao khi cha Antôn khởi xướng, có nhiều người bằng cách này hay cách khác, tiếp tay với cha giúp cho những ông bà già đó, trước khi ra đi khỏi thế giới này hiểu được cái nhà nó có chức năng khác với bốn cái cọc và mấy cái tranh bên trên!
Đáng thương cho một số gia đình nghèo nơi đây, là người ta không chỉ nghèo về vật chất mà còn gặp cái nghèo về lòng tự trọng, nghèo về nhân phẩm. Có những gia đình nằm trong danh sách chúng tôi đi thăm, nhưng khi được biết chúng tôi đến gia đình đó có người nói rằng “Ôi, bà đó lười biếng và hay ống rượu lắm. Đừng có cho”. Họ nói có lẽ cũng đúng. Nhưng suy xét sâu xa, chắc hẳn bà ấy có một nguyên nhân gì đó để rồi bà ta phải tìm đến sự lãng quên trong men rượu. Là phụ nữ, ai lại không muốn làm đẹp hình ảnh mình, nhưng nhiều lúc “bần cùng sinh đạo tặc” là thế!
Còn một gia đình ông cụ nọ, tôi không biết phải đánh giá những người con rể của ông ta như thế nào. Sau hơn 70 năm vật vã với cuộc sống, ông mới mua được một ít sò (gạch) dựng một cái nhà. Nhưng có lẽ do xây mà không có điều kiện nên da áo sơ sài và không có sắt giằng nên cơn bão số 5 vừa qua đã vô tâm hất tung tất cả. Xã thương tình cho hai triệu để làm lại, thì người con rể chôn mấy cây cọc, che vài tấm ván và lợp mấy miếng tôn cho hai ông bà rồi lấy đi số tiền đó! Ông bà cụ già cả, bệnh tật, không có con trai nên đành chịu ở vậy.
Thăm xong khu xóm đó, cha xứ lại liên lạc với Ban mục vụ họ khác và dẫn chúng tôi đi. Có nhiều lúc đoàn chúng tôi bị đứt đoạn, lạc mất nhau vì do đường lòng vòng đã đành, nhưng còn do hai chị trong nhóm Lòng Thương Xót Chúa đang đi mà thấy căn nhà liêu xiêu nơi một góc nào đó, là tạm ngưng hướng lộ trình để ghé vào đó thăm. Sở dĩ có thêm những trường hợp này là vì cha xứ và các ông trong Ban mục vụ đã được biết Nhóm Lòng Thương Xót Chúa đi khắp mọi miền đất nước và chỉ có khả năng giúp những gia đình đặc biệt nhất, nên họ chỉ đưa ra một số danh sách những người hết sức khó khăn. Nhưng khi tới đây, thấy có nhiều hoàn cảnh cũng rất đáng thương và vì vậy hai chị Nam và Nhung đành phải gia tăng cấp độ đối tượng yêu thương: các nơi khác các chị chỉ có hai đối tượng: hạng nhất và hạng nhì, nhưng nơi đây các chị phải tăng thêm một cấp: ngoại hạng hay siêu hạng!
Từ 9h30 cho đến 14h00’ chúng tôi chỉ đi thăm được có hai vùng. Sau giờ cơm trưa một chút, chúng tôi tiếp tục theo gót chân các chiến sĩ Lòng Thương Xót Chúa xâm nhập những hang cùng ngõ tận của các thôn xóm Làng Rào. Do cha Antôn bận việc mục vụ, và do chị Nguyễn Thị Nam vốn đã bị cảm trước đó nên bị ngã gục bởi hành trình đồi dốc, nắng nóng buổi sáng, vì thế đoàn chỉ còn lại chị Nguyễn Thị Nhung, tôi và hai vị trong Ban mục vụ giáo xứ làm tài xế cứu trợ. Và quả thật Làng Rào, không rào bởi sông thì cũng rào bởi đồi núi. Cứ loanh quanh leo đồi, xuống suối, mom men bờ ruộng, từ 15h00’ đến 18h00’ chúng tôi chỉ thăm thêm được hai khu vực với hơn 10 gia đình nữa (Mà đó là mỗi gia đình chúng tôi chỉ thăm trong độ 5-10 phút là tối đa). Như một nhà thám hiểm, càng đi chiến sĩ Lòng Thương Xót Chúa càng khám phá ra nơi đây còn rất nhiều người nghèo và còn nhiều sự cản trở khác nữa. Và do thời gian có giới hạn nên hai chị đã phải gửi quà tặng lại nhờ cha Antôn và Ban hành giáo chuyển dùm.
Lúc 21h15, sau khi dùm cơm tối chúng tôi lên xe trở về tòa giám mục Xã Đoài. Ngồi bên cạnh hai chị, tôi thấy hai chị có vẻ đăm chiêu và liên tục thở dài. Tôi hỏi: “Chắc là hai chị mệt lắm?” Hai chị trả lời: “Mệt về chuyện đi lại thì cũng có. Nhưng từ trưa tới giờ hai chị em suy nghĩ và cảm thấy mệt hơn là, ví dụ các người nghèo mà chúng ta thăm hôm nay hay những người khác hỏi Thiên Chúa yêu thương họ như thế nào thì thật là khó trả lời”. Biết hai chị đang chạm phải vấn đề gai góc nhất: Thiên Chúa tình yêu, quyền năng và sự dữ - một mầu nhiệm mà có giải thích nhiều ngày tháng cũng không làm người khác thỏa mãn, và sau một ngày mệt nhọc và đêm đã khuya nên tôi chỉ nói với hai chị: “Hai chị cứ nói là Thiên Chúa yêu thương các ông các bà như tôi đang yêu thương các ông các bà đây”. Và khi nghe những hơi thở dài của các chị tôi cũng hiểu là các chị đang lo nghĩ sẽ phải tiếp tục giúp đỡ họ trong tương lai như thế nào, sẽ tìm đâu điều kiện tốt hơn để có thể giúp họ được phần nào như lòng các chị mong muốn.
NHỮNG RÀO CẢN TINH THẦN
Là sinh vật có lý trí, con người luôn luôn muốn vươn lên, luôn khát vọng cải thiện cuộc sống. Nhưng như tục ngữ Việt Nam có nói “cái khó bó cái khôn”. Nhiều lúc người ta cũng muốn thay đổi để có cách ứng xử tích cực, để có cuộc sống tốt đẹp, sung sướng hơn, nhưng hoàn cảnh lại không cho phép.
Trước hết, phải nói là do khó khăn chung của đất nước. Bao nhiêu năm đất nước chìm trong chiến tranh, thì ngay cả khi không ai dọa nạt, hà hiếp trực tiếp trên người dân, thì họ cũng không đủ an tâm để tập trung lo cho công việc và thưởng thức cuộc sống. Đất nước thống nhất có lẽ là điều mà mọi người con dân Việt Nam đều mong muốn, tuy nhiên thống nhất theo nghĩa nào thì lại là điều mỗi người có cảm nhận và suy xét riêng. Và thường sau khi đất nước thống nhất, ít là nói về mặt không còn chiến tranh, thì lẽ ra đời sống kinh tế và những phương diện tích cực khác của xã hội phải phát triển. Nhưng thực tế xã hội Việt Nam thì còn nhiều điều rất chậm trễ, chưa muốn nói là thụt lùi.
Chỉ nêu ra một con số ví dụ là đủ biết: Trong thời buổi tri thức là tài nguyên lớn nhất, vậy mà trong năm vừa qua ở Việt Nam có tới mấy chục ngàn học sinh bỏ học và riêng tại Nghệ An có tới hơn 10.712 học sinh bỏ học (1). Một trong những nguyên nhân chính đưa đến tình trạng đó, theo các nhà nghiên cứu là do người dân quá nghèo khổ. Và khi cái nghèo là một trong những nguyên nhân lớn chính cản trở cho sự phát triển xã hội thì nó sẽ sinh ra nhiều cản trở khác nữa.
Khi đất nước đang khó khăn, thì việc gia đình đóng góp cùng với nhà trường để lo cho con em học tập là chuyện phải lẽ. Bao lâu nay Việt Nam (ngoại trừ một giai đoạn ngắn của một vùng nào đó của đất nước) vẫn làm như thế và chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục miễn phí hoàn toàn. Nhưng có những tình trạng thu chi ở một số trường học đang là những vấn đề mà chúng ta cần nói đến. Và ở đây, tôi muốn tiếp tục câu chuyện của Làng Rào.
Như chưa bao giờ được tâm sự với ai, mặc dù phải tranh thủ đi cho nhanh kẻo hết thời gian, nhưng cha Antôn Hưng vẫn nghiêng đầu ra phía sau xe để nói chuyện với tôi. Cha nói rằng ở đây có lẽ người dân đói mãi cho đến chết, bởi quanh đi quẩn lại, hết đời này đến đời khác họ chỉ sinh sống trên mấy sào ruộng. Càng lâu về sau, ruộng đất càng phải chia ra cho nhiều người trong gia đình, càng chia cho nhiều người thì phần diện tích lại ít đi, và ruộng đất ít thì đói lại hoàn đói!
Nghe cha nói thế, tôi mới đáp chuyện: “Rồi các em chúng nó học hành, kiếm ngành nghề chứ lo gì cha?”. Cha Antôn bảo: “Anh biết không, chưa hết cấp 1, cấp 2 mà chúng đã bỏ học hàng loạt thì mong chi ngành nghề. Có tiền nong đóng đâu mà không bỏ học”.
Tôi thể hiện sự lắng nghe: “Vâng, đúng là cái nghèo nó cản trở việc học của các em”.
Thấy tôi nói thế, Cha nói tiếp: “Mà không bỏ học vì nghèo thì cũng bỏ học vì tức anh ạ”.
Tôi làm như không hiểu: “Cha nói sao? Vì tức mà bỏ học ??!!”
Như đã tìm được người chịu lắng nghe mình, cha Antôn giảm tốc độ xe, một tay lái xe, một tay khua khua nói lớn: “Sao không tức được. Tôi chỉ nói riêng chuyện nhỏ này thôi nhá: Ai mà tập vở để viết, thầy cô cũng bắt học sinh phải mua của nhà trường, mà nhà trường bán giá cao gấp đôi ở ngoài. Áo gió (khoác) cũng bắt đồng phục và buộc phải mua của nhà trường. Đói không đủ ấm mà bắt đồng phục cái gì. Tìm được cái gì để mặc là mừng rồi, đường này… Mà giá ngoài chợ chỉ ba, bốn chục ngàn, còn nhà trường bán bảy, tám chục ngàn”.
Cha trút tâm sự tiếp: “Còn trẻ học mẫu giáo thì phải đóng tám, chín trăm ngàn đồng một năm. Cao hơn nhiều nơi khác”.
Có phải quen mức sinh hoạt ở một vùng có điều kiện hơn không nên tôi nói: “Tám, chín trăm thì cũng được chứ, thưa cha!”
Cha Antôn như thấy tôi không tán đồng ý kiến trên nên hơi lớn tiếng để giải thích và như trách tôi không hiểu cho dân: “Anh biết không, tám, chín trăm ngàn là cả hai tấn rưỡi mía của người ta rồi. Cả nhà người ta được mươi tấn mía, mà một đứa mới đến trường để tập hát mà hết một phần ba thu nhập, thì còn gì cả nhà để sống”.
Mới 35 tuổi mà đã 7 đứa con và nhà cửa như thế này
thì lấy gì cho chúng đi học!
Từ chuyện học phí, chúng tôi lại nhảy sang chuyện mía đường. Nghe vị linh mục đang nhiều bức xúc nói thế, tôi mới hỏi thăm về mùa màng của người dân nơi đây để biết thêm và để như lấy lại sự lắng nghe đối với cha. Cha Antôn cho biết, khoảng hơn 60% diện tích của dân chúng nơi đây trồng mía. Mỗi nhà trung bình dăm sào mía. Mỗi sào mía được đâu 2 – 3 tấn. Mỗi tấn giá khoảng ba trăm đến ba trăm rưỡi ngàn đồng. Nhưng chi phí cây giống (ngọn giống), phân tro hết đâu gần hai trăm ngàn.
Nói tới đó, cha quay hẳn mặt lại phía sau tôi và nói: “Mà anh biết không, đâu phải là dễ bán mía. Ở đây chỉ có một công ty nên nó ép dân. Nó không mua là mình chịu chết; biết giá đường cao mà giá mía thấp mà cũng đành chịu. Thậm chí, nhiều lúc muốn nó mua cho lại phải chi tiền cho người môi giới của họ”. Cha gắt giọng: “Nói chung là phải chi phí đủ thứ mà toàn là những thứ vô lý. Thế mới là tức chứ!”
Cha lại nói tiếp: “Đấy, anh thấy, cứ thế là nó nghèo hoài”. Đoán biết cha đang muốn nói thêm điều gì, tôi mới thêm vào: “Thì giá cả mùa màng như thế và không có thêm nghề gì thì nghèo là chuyện thường tình thôi mà cha”. “Ừ, đúng thế, nhưng đâu phải chỉ có khó khăn đó. Từ chuyện đó nó sinh nhiều chuyện khác”, cha Antôn tiếp, “Đám trẻ bỏ học sớm, quanh quẩn vài sào ruộng, chẳng biết đi đâu, thì lại lập gia đình sớm. Lập gia đình sớm, trẻ nhỏ chưa hiểu và có nhiều chữ nghĩa đâu mà hiểu nên lại sinh nhiều con cái. Đó, mấy gia đình ta vào nhà nào cũng bảy, tám đứa con là thế…”.
“Nhưng mà nói thì nói, chứ khó thật anh ạ”, cha Antôn trầm tư hơn, “Nhiều lúc muốn dạy cho họ hiểu giáo lý, cách sống nhưng mà khó quá. Làm sao quy tụ họ lại được. Trung bình từ các họ lẻ về nhà xứ sáu, bảy cây số thì làm sao mà bắt nó về học được. Ngay cả lễ Chúa nhật cũng chẳng được mấy người đi”. Cha như tìm sự an ủi: “Mình mà còn thương họ, thì làm sao Chúa lại trách họ được!”.
Nghe cha nói thế, tôi mới nói: “Thì mình tổ chức học ở giáo họ, thưa cha!”. Đúng ra như thế cũng được. Nhưng anh thấy đó, một họ chưa có nhà nguyện, còn hai họ khác chiều nay anh đi sẽ biết. Tôi chẳng biết có đáng gọi là nhà nguyện hay không nữa. Nhà có mái và có thánh giá trên nóc thật, nhưng có tường rào và ghế bàn gì đâu. Toàn là trải chiếu ngồi trệt. Như thế thì sao mà học với hành được!”...
Một trong hai nhà nguyện của giáo họ ở Làng Rào
"RÀO" LẠI
Từ công việc của Nhóm Lòng Thương Xót Chúa và câu chuyện của tôi với vị linh mục liên quan đến nhiều vấn đề. Giải quyết những khó khăn đó cả là một chuyện nhiêu khê và lâu dài; và tôi dám chắc khó khăn đó sẽ còn mãi trong cuộc đời. Nhưng chính khi có khó khăn nó mới cho thấy những giá trị khác.
Thứ nhất, trong hoàn cảnh đó vươn lên, nếu có ai đó biết vươn lên, thì giá trị phấn đấu đó thật là cao vời, vì: “Ví như đường đời bằng phẳng cả, Anh tài, Hào kiệt có hơn ai!”. Mong rằng, chính người dân nơi đây sẽ quật cường chỗi dậy để đấu tranh với giặc đói và giặc dốt!
Thứ hai, trong hoàn cảnh khó khăn như thế, chúng ta mới thấy được ai là người có tấm lòng. Chẳng hạn như Nhóm Lòng Thương Xót Chúa đây. Dầu họ không giàu có, nhưng họ có tấm lòng, và từ việc có tấm lòng họ biết phải là gì cho anh chị em, đúng như thánh Augustinô nói: Cứ yêu đi rồi làm gì sẽ biết! Sự thao thức của các chị đã, đang và sẽ được nhiều người xa gần hưởng ứng, và vì vậy các chị trở nên một trung gian trung thành của việc thể hiện lòng thương xót của Chúa.
Thứ ba, trong hoàn cảnh khó khăn đó, nó mời gọi bất cứ ai thấy được vấn đề không được phép ở yên, mà phải có một sự hành động tích cực. Như ai đó đã nói, chúng ta không được phép ngồi nguyền rửa bóng tối mà hãy đốt lên một ngọn nến. Nhiều ngọn nến cùng cháy, thì chúng ta sẽ có một bầu trời ánh sáng. Chúng ta cứ hăng say vun tưới, còn việc sinh hoa kết quả sẽ do Chúa làm ra.
Ước gì, cả những ngăn cản vật lý lẫn tinh thần của người dân Làng Rào đều sớm được tháo dỡ, để lúc đó khách đến dân đi đều không phải quá vất vả và cuộc đời có nhiều tiếng cười hơn!
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Xc. Báo điện tử, Thứ Tư, ngày 24 tháng 10 năm 2007 - vnchannel.net/news


Hoàn Nguyên

Làng rào Quê tôi

We are.., This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply